Văn học Việt Nam chưa tiếp cận độc giả thế giới?

Thứ tư - 30/12/2009 10:23 2.051 0

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Y Ban và nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Y Ban và nhà thơ Trần Đăng Khoa
Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam với thế giới lần thứ hai được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ ngày 5-10/01/2010. Sau hơn 7 năm, văn học Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được độc giả thế giới. Trao đổi với các nhà văn Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Y Ban cho biết thêm một số thông tin về vấn đề này.

* Xin Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết một số thành công của Văn học Việt Nam từ sau Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ nhất (năm 2002)?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Phải nói rằng Hội nghị lần thứ nhất tuy quy mô chưa thực lớn và thời gian khiêm tốn, chỉ hơn 3 ngày thôi, nhưng từ đó đến nay sau 7 năm thì chúng ta đã giới thiệu được một khối lượng tương đối các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài. Thí dụ đã có 7 nước dịch Nhật ký trong tù, thêm 5 nước dịch tác phẩm của Nguyễn Du, rồi có những nước dịch thơ Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương. Đó là văn học cổ điển. Còn văn học trẻ thì rất nhiều nước dịch. Sau hội nghị lần thứ nhất thì tốc độ, số lượng của văn học dịch Việt Nam đã khác hẳn. Chính vì thế chúng tôi muốn đẩy tới một cao trào là hội nghị này tôi muốn làm một cách bài bản hơn và quy củ hơn nên chắc chắn số lượng dịch thời gian tới sẽ lớn hơn.

* Ông có thể cho biết một số nét mới sẽ diễn ra trong Hội nghị lần thứ hai này?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Lần này Hội nghị sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn. Đối tượng mời là các dịch giả, các nhà văn đã viết về Việt Nam, các giáo sư, nhà nghiên cứu đã từng giảng dạy và nghiên cứu về văn học Việt Nam trên thế giới. Đặc biệt có điều rất mới là chúng tôi mời sinh viên, nghiên cứu sinh của các nước đang học tập tại Việt Nam, họ được học tiếng Việt, được sống ở Việt Nam lâu dài là nguồn lực rất lớn cho tương lai.

Ngoài các dịch giả nước ngoài, lần này, chúng tôi còn mời rất nhiều dịch giả ViệtNam đang sống ở nước ngoài như Canada, Mỹ… Họ có tâm huyết trong việc giới thiệu Văn học Việt Nam tới độc giả thế giới.

Đổi mới tiếp theo là có rất nhiều nhà xuất bản tham gia hoạt động này. Trước kia chúng ta chỉ chú ý đến nhà văn mà không chú ý đến điều quan trọng chính là sách xuất bản ở đâu. Lần này chúng tôi mời 20 nhà xuất bản lớn trên thế giới về tham dự. Và ngay trong hội nghị này, chúng tôi tổ chức lễ ký kết các văn bản hợp tác giữa các nhà văn Việt Nam và các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí xuất bản lớn trên thế giới để bắt tay vào việc biên dịch.

*Thưa ông, mặc dù sau hội nghị lần thứ nhất, đã có nhiều tác phẩm Văn học Việt Nam được đưa ra thế giới, nhưng nếu so với các tác phẩm Văn học dịch trong nước thì hình như việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài còn khá khiêm tốn?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Phải nói là chúng ta dịch tác phẩm của các nhà văn nước ngoài rất nhiều nhưng các tác phẩm văn học Việt Nam được chọn dịch ra tiếng nước ngoài còn ít. Điều này có nhiều khó khăn khách quan. Có khó khăn về mặt ngôn ngữ, khó khăn về mặt kinh nghiệm tổ chức, nhưng có một nguyên nhân là chúng ta chưa chủ động, chưa tích cực, đặc biệt là chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể. Thứ hai là chúng ta chưa nắm được nguồn lực, nhiều người rất muốn đến với văn học trong nước nhưng chúng ta chưa sẵn sàng, hay chưa biết đến việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Có nhiều nhà xuất bản tự ‘mò mẫm’ đến với các tác phẩm văn học Việt Nam thôi, mang tính tự phát là chủ yếu, chưa mang tính chủ động, chưa có một cơ quan đặc trách nào làm về vấn đề này.

* Vậy có cách nào để gỡ được vấn đề này không?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chúng ta phải quan tâm đầu tư cho các dịch giả. Tại sao sáng tác trong nước thì có giải thưởng này, giải thưởng kia; dịch nước ngoài sang ta cũng có giải thưởng mà dịch của ta ra nước ngoài lại không có. Đây là một điều cần xem xét lại.

Trao giải thưởng cho các dịch giả là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên trong dịp hội nghị này, Hội mới chỉ thực hiện trao kỉ niệm chương cho các dịch giả. Dù vẫn còn sơ khai nhưng đây dẫu sao cũng là tín hiệu tốt chứng tỏ rằng, các dịch giả đang dần nhận được sự đánh giá đúng mức về tầm quan trọng cũng như nhận được sự quan tâm xác đáng của Hội.

Bên cạnh đó, quan tâm và đầu tư cho các dịch giả là chính đáng. Hiện cũng đã có ý kiến về việc thành lập Viện dịch thuật Việt Nam. Tuy nhiên, trước tiên, muốn giới thiệu tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài thì không thể không bỏ qua việc tổng kết xem chúng ta đang nắm giữ những gì. Đã đến lúc cần nhìn lại một thế kỉ văn chương Việt Nam, cái gì còn lại và giá trị ra sao. Hiện tại, Hội cũng đang tiến hành làm hai tuyển tập văn và thơ thế kỉ XX. Tại Hội nghị lần này, Hội cũng mới chỉ đưa ra được tuyển tập các nhà văn Việt Nam tiêu biểu, đây sẽ là định hướng cho các dịch giả và NXB nước ngoài muốn tiếp cận tác phẩm văn học Việt.

* Theo ông thì có nên lập một Viện Dịch thuật Việt Nam không?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Về ý kiến này thì trước kia nhiều người cho nên quy Viện dịch thuật Việt Nam về Uỷ ban khoa học xã hội và nhân văn, nhưng theo tôi đó chỉ là nơi nắm tổng thể về các ngành khoa học xã hội, cũng chẳng có nhà văn nào tại đó, bởi vậy nên đưa Viện dịch thuật về Hội Nhà văn. Hội có nhiều nhà văn chuyên sâu, tìm tòi nghiên cứu và am hiểu về văn học.

* Nhận xét về tình hình dịch thuật văn học Việt Nam ra nước ngoài, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Y Ban chia sẻ:

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Hiện nay, dịch từ nước ngoài sang tiếng Việt đang được làm rất tốt, gần như sự kiện văn học nào của thế giới vừa xuất hiện thì ở trong nước cũng đã có thông tin phản ánh. Nhưng việc dịch văn học Việt ra tiếng nước ngoài thì khó lắm. Bởi vậy, cần phải có sự kết hợp của các dịch giả, nhà văn Việt Nam với các dịch giả, nhà văn của nước ngoài thì mới thành công được.

Đơn cử một trường hợp hi hữu về dịch thuật ở nước ta: nhà thơ Nguyễn Duy có hai câu thơ rằng “Nhìn quanh gò đống phập phồng/ Bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày”. Có dịch giả đã tìm đến nhà thơ Trần Đăng Khoa để hỏi tại sao lại làcon gái ngủ trong tuyết dày. Lúc ấy Trần Đăng Khoa có nói, phải dịch theo ý, theo tinh thần của câu thơ chứ không phải dịch chữ ra chữ. Nhưng cuối cùng dịch giả vẫn dịch rằng có rất nhiều con gái ngủ trong tuyết. Vậy là từ một câu thơ tả tuyết trắng lại trở thành một câu thơ tả nghĩa địa!

Nhà văn Y Ban: Hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc trưng bày sách của các nhà văn Việt Nam. Chúng ta biết rằng, sách của các nhà văn được in ra chỉ khoảng 1000 cuốn, thậm chí là 500 cuốn, và như một lẽ dĩ nhiên, chúng chỉ xuất hiện dăm bữa nửa tháng, nhiều nhất tới nửa năm sau đó chui tọt vào thư viện. Bởi vậy, nếu nói rằng ta muốn tìm một cuốn sách nào đó của một nhà văn đương đại thì quả thực là rất khó.

Nếu dẫn bạn bè quốc tế ra Đinh Lễ (phố bán sách “rẻ” nổi tiếng) hay các trung tâm sách thì chỉ thấy toàn sách dạy lối sống, sách dạy làm giàu và sách dạy... làm tình như thế nào thôi. Sách văn học Việt Nam là vô cùng ít. Chúng tôi cũng biết rằng, khi các nhà văn, các dịch giả của nước ngoài sang Việt Nam, họ thường tranh thủ mang sách về, nhất là những cuốn sách họ quan tâm để rồi sau đó đọc và tranh thủ dịch. Đây là một cách rất tốt để bạn bè quảng bá văn học Việt giúp chúng ta. Chỉ có điều rằng mình chưa có được những nhà sách chuyên về văn học Việt nên các bạn sang đây muốn tìm cũng rất khó. Bởi vậy, theo tôi vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay chính là phải có một triển lãm hay nhà trưng bày sách văn học của các nhà văn Việt Nam.

Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 5-10/1/2010 tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Sau hội nghị lần thứ nhất được tổ chức năm 2002 đã có những thành công nhất định, Hội nghị lần này được tổ chức có quy mô lớn với nhiều điểm mới hơn. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh thì sau hội nghị lần này, Hội Nhà văn sẽ cố gắng tổ chức đều đặn các hội nghị tiếp theo mỗi năm một lần.

Đây là cơ hội để tập hợp, đoàn kết đội ngũ dịch giả văn học Việt Nam trong và ngoài nước, giúp họ có cái nhìn toàn diện, đúng đắn về diện mạo văn học Việt Nam, chọn giới thiệu được những tác phẩm tiêu biểu của chúng ta ra với thế giới.

Trong khuôn khổ chương trình này sẽ diễn ra Triển lãm Sách văn học được dịch ở Việt Nam và các sách Việt Nam đã được dịch ra nước ngoài.

Tác giả: Mai Lan

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây