Thơ đang được thử thách

Thứ bảy - 30/01/2010 22:13 1.986 0

Minh họa: Hoàng Tường

Minh họa: Hoàng Tường
Trong số năm tác giả vào vòng chung khảo thơ Bách Việt năm 2009, Khánh Phương (Hai bầu trời), Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) và Đồng Chuông Tử (Mùi thơm của im lặng) là còn trẻ.

Dù có chút khác biệt như Tuệ Nguyên và Đồng Chuông Tử là hai nhà thơ dân tộc Chăm, Khánh Phương là nhà thơ nữ, họ lại rất gần với năm tác giả vào chung kết năm 2008 là Đỗ Trí Vương (Thức ăn của ngày hôm nay), Trần Tuấn (Ma thuật ngón), Đỗ Doãn Phương (Những ngọn triều nhục cảm), Lê Vĩnh Tài (Đêm và những khúc rời của Vũ) và Nguyễn Thế Hoàng Linh (Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới).

Các nhà thơ này đi trên những con đường thẳng để đến với cuộc sống gian truân, khúc khuỷu, đầy lo âu, mong mỏi. Vì vậy, họ quan tâm đến nhịp điệu bên trong của thơ hơn là vẻ mỹ miều, duyên dáng bên ngoài. Thơ tự do và thơ xuôi thích hợp cho những biểu lộ của họ.

Còn Đỗ Trọng Khơi (Với tay ngắt bóng) và Phạm Phú Hải (Một hôm núi khóc) là hai trường hợp đặc biệt của giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009. Do đau ốm từ nhỏ, Đỗ Trọng Khơi gần như không ra khỏi căn nhà của mình. Tâm hồn anh đón nhận, chắt lọc và gìn giữ tất cả những gì anh có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy từ đời sống. Lục bát là thể thơ giúp anh giãi bày đúng nhất tâm trạng của mình. Phạm Phú Hải mất trước ngày Một hôm núi khóc ra đời. Tiếng khóc lạ thường này lập tức chấn động tâm hồn những người yêu thơ Việt.

Sự day dứt thâm trầm của Tuệ Nguyên, sự mãnh liệt bứt phá của Khánh Phương, nỗi chua xót nhẹ nhàng của Đồng Chuông Tử, vẻ tinh tế của Đỗ Trọng Khơi và trí tưởng tượng kỳ lạ của Phạm Phú Hải đã đem lại một giá trị đặc biệt cho giải thơ Bách Việt 2009.

Phát động từ tháng 4-2008, đến nay Bách Việt đã nhận được khoảng 400 tập thơ dự thi. Xem ra thơ đang được thử thách để tồn tại và phát triển chứ không hề mai một, tàn lụi.

Ý NHI

Phạm Phú Hải:

Không đề

1. Đây là bài thơ tình thứ nghìn nghìn nghìn nghìn lẻ một
của con người trên mặt đất
những câu rất vụng
nhưng tôi không sợ lạc đề
dù có nói bao nhiêu
cũng không ngoài mấy tiếng
yêu em.

2. Một năm có bốn mùa nhưng tôi biết
có một mùa   
thứ năm
không gian có bốn phương nhưng tôi biết có một phương
thứ năm
tôi đang sống
trong mùa và phương không tên đó.

3. Hỡi thiếu nữ tôi yêu
hãy nói giúp tôi, với người yêu của em
cho tôi một cái siết tay rất chặt
những lời chào quý mến
dù chưa biết tên biết mặt
nhưng cùng yêu em
anh và tôi đã gặp nhau.

4. Xin đa tạ mặt đất mỗi ngày em đi đứng
xin đa tạ khí trời mỗi ngày em hít thở
xin đa tạ song thân em, vì hai người đã gặp nhau
xin đa tạ người yêu của em, người mà tôi tin rằng
đã cho em
những tháng ngày hạnh phúc
xin đa tạ bầu trời, xin đa tạ thời gian,
đa tạ cỏ hoa
đa tạ sương, mây, nắng, gió, trăng, sao...
đa tạ loài người, thiên nhiên, tất cả.

5. Tôi yêu trăng
tôi yêu chim, yêu hoa, nắng, gió, bầu trời, dòng sông...
nhưng
tôi không đòi trăng phải yêu tôi
tôi không đòi chim, hoa, nắng, gió phải yêu tôi.

6. Đâu phải được yêu mới là hạnh phúc
Yêu, chính là hạnh phúc

Hạnh phúc cho tôi vô cùng được gặp được nhìn em.

Khánh Phương:

Minh bạch

Em chẳng nấu nổi một bữa cỗ truyền thống với bảy món và thường xuyên cúng ông bà bằng hamburger, ly sinh tố, bát chè đậu ván (trần sao âm vậy!), vì thế hãy đặt dưới chân em cuộc đời anh đã được chế biến nghiêm cẩn an toàn.

Thường xuyên làm vỡ đĩa trước khi chặt được thịt gà, ai biết được em sẽ còn tiếp tục làm vỡ những gì, vì thế những long trọng kiểu cách không dễ đền bù hãy cất ở xa em.

Món ngon nào cũng đến lúc sẽ nguội, tốt nhất là phải giữ lại riêng mình chút thức ăn cho trái tim nóng.

Chỉ đêm mới ràng buộc ta, lại đến ngày rời rụng, hãy nhìn em trong ánh sáng ban ngày.

Nếu từ chối tự nấu cho mình bữa trưa, hãy trở về nấu lại cuộc đời anh.

Đồng Chuông Tử:

Rồi sông trôi ra biển

Không sợ chết, cũng chẳng thèm chết sớm để được nổi tiếng

Mà mẹ buồn.

Cứ thích sống bình thường như ngọn cỏ lá cây. Như ban ngày có mặt trời. Lúc mưa lúc nắng. Như đêm rằm có trăng tròn chiếu sáng. Khắp bao la.

Như ngôi nhà có mẹ có cha. Quê hương có cây đa bến nước.

Như Tổ quốc nồng nàn bất khuất. Đến muôn đời sau.

Có thể kiếp thơ khốn khó biết bao. Mẹ muộn phiền bệnh đau khuya sớm. Mỗi mùa mưa mái nhà dột ướt lắm. Chỗ mẹ nằm lâu nay.

Con cứ trôi như mây. Cứ say như uống rượu. Phiêu lãng bốn mùa phố xá thênh thang.

Dòng sông trôi đi nhưng con mong trở lại. Tóc mẹ bạc phơ lưng còng gió trái. Thời tiết mùa này tê tái hoang mang.

Sài Gòn giàu sang muôn ngàn nỗi khó. Câu thơ chìm, nổi mờ tỏ phận người. Đường phố đông vui lẻ loi chiếc bóng. Thi sĩ còm mơ mộng ca dao.

Minh họa: Hoàng Tường

Tuệ Nguyên:

Ở nơi ấy

Khi vẽ lên miền đất hứa bằng sự rung động của
trái tim
anh biết rằng
ở nơi ấy có em
ở nơi ấy thuộc về em
và có đôi lúc tình yêu lên ngôi
tâm hồn em hoang mang tự bốc cháy
soi tìm anh trong mơ

Ở nơi ấy
sự lo ngại và cảm giác sợ của em
cùng với kỷ vật và những trang thư của em
anh giấu trong cơn mộng dài
để bất chợt tỉnh giấc

Cũng ở nơi ấy
nhưng không có tiếng động ồn ào của sự cãi vã
không có tiếng âm ỉ của hờn giận vu vơ
chỉ có im lặng bôi trơn giọt nước mắt
đã dính liền
anh và em bấy lâu nay
rơi và
vỡ

Cũng ở nơi ấy
màu của cúc áo em ghim trong đôi mắt anh nỗi nhớ
di sản của tình yêu khoác tấm áo choàng hào nhoáng của sự vĩnh cửu
có lời thề thốt và
niềm tin đặt
cũng được giải thoát
nhưng khu vườn ký ức đốt mãi tâm trí anh

Bây giờ đây
ở nơi ấy không còn em nữa
em đi miền đất hoang lạnh
anh có mặt trong cô đơn và thức với
giấc mơ cũ
nhớ về em và
những ước nguyện của em
nhưng chỉ thấy niềm hạnh phúc sát na
tan biến và sự lỡ làng trượt dài theo
đôi gót em đi

Ở nơi ấy không còn em nữa
chiếc điện thoại và những danh bạ
không có tên em
chuông rung và
nền nhạc cũ đã thay đổi
anh ngắm nhìn từng khuôn mặt lạ
trùng tên em
và nhìn vào các con số khác nhau

Ở nơi ấy không còn em nữa
anh trở về nghe giai điệu cũ của bước chân đi
và tìm lại nhịp tim lạc mất bấy lâu.

Đỗ Trọng khơi:

Cõi không lời

Cầm hư ảnh vào đời chơi
mới hay cái cõi không lời thật sâu
rằng nơi vô sắc bặt màu
điều thiêng quý, vết thương đau thật lòng

Mới hay cái nghĩa mênh mông
ở ngay trong khoảng tay cầm mà thôi
ngày trong veo giấc mộng trôi
đêm rơi dìu dịu chân trời - bóng chim

Gì nhoi nhói, ngợ con tim
soi vào vẫn khoảng lặng im... không lời.

 

Giải thưởng thơ Bách Việt tổ chức lần đầu tiên năm 2008. Trong 315 tập thơ dự thi của các tác giả trong và ngoài nước, giải thưởng duy nhất trị giá 30 triệu đồng được trao cho tập thơ Ma thuật ngón của Trần Tuần (Đà Nẵng). Giải thưởng thơ Bách Việt lần 2 - 2009 được trao vào ngày 29-1-2010 tại Hà Nội. Tổng cộng có 109 tập thơ gửi về dự giải.

Hội đồng thẩm định gồm: nhà thơ Giáng Vân (trưởng ban thẩm định - Hà Nội), nhà thơ Thi Hoàng (Hải Phòng), nhà thơ Ý Nhi (TP.HCM), nhà văn Nguyễn Bình Phương (Hà Nội), nhà thơ Phùng Tấn Đông (Quảng Nam).

Theo Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây