Thơ đồng bằng sông Cửu Long năm 2009 - Nhìn lại và ngẫm nghĩ

Thứ tư - 30/12/2009 11:29 2.999 0

Các tác giả thơ ĐBSCL giao lưu tại Vườn thơ Hoa Mai, thành phố Mỹ Tho.

Các tác giả thơ ĐBSCL giao lưu tại Vườn thơ Hoa Mai, thành phố Mỹ Tho.
Những ngày cuối năm, đọc lại các bài thơ của các nhà thơ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trên các Website và các tập thơ, tôi chợt ngẫm nghĩ về tính cách, thế giới tâm hồn và khát vọng sống của con người ở một vùng đất giàu tiềm năng văn hóa và kinh tế.
Tôi chợt nhớ lại, cách đây mấy năm, trong một lần đi đò trên sông nước sông Tiền, nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: "Nam Bộ là vùng đất mới giàu chất liệu nghệ thuật để các nhà văn sáng tác thành tiểu thuyết...". Không nghe nhà văn Nguyên Ngọc nói về tiềm năng và chất liệu thi ca của vùng ĐBSCL. Tôi chợt ngẫm nghĩ: Tính cách con người vùng ĐBSCL vốn hào phóng, giàu nghĩa tình và giàu tính khí khái... Đây chính là "mảnh đất" phì nhiêu để những hạt mầm thi ca sinh sôi, nảy nở. Bao năm qua, theo dõi sự xuất hiện và công việc sáng tạo của các nhà thơ, các tác giả thơ vùng ĐBSCL, tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của thi ca trong tâm hồn con người và vẻ đẹp tính cách con người của một vùng đất được thể hiện qua các tác phẩm thi ca.

Sự sáng tạo thi ca mang tính tự thân, hướng về thế giới của cái đẹp và tình thương, bất chấp sự khác biệt về khoảng cách giữa các thế hệ, lứa tuổi và không gian địa lý, văn hóa. Thi ca của các nhà thơ vùng ĐBSCL hội tụ các thế hệ nhà thơ và chất chứa nỗi niềm, thế giới tâm hồn và khát vọng sống của con người vùng ĐBSCL. Cuối năm 2009, có một sự kiện thi ca được sự quan tâm của người yêu thơ đó là: tập thơ "đầu tay" "Đắng & Ngọt" của nhà văn Trang Thế Hy, do NXB Thanh Niên ấn hành. Nhà thơ 80  tuổi sống ẩn dật ở một vùng quê tỉnh Bến Tre đã sáng tác nhiều bài thơ mang tính triết lý về thân phận con người, cái đẹp và mối quan hệ tinh tế, đắm say của tình yêu đôi lứa: 

"Nỗi nhớ nhung
từ trái tim
chảy tràn xuống trang giấy thành thơ.

Nàng ngỡ đó là định lý, nên thích lưu đày chàng
thật lâu trong cõi nhớ để gặt được nhiều thơ
nói về nàng."

(Định lý và định lý)

Cuối năm 2009, có hai nhà thơ nữ vùng ĐBSCL đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Đó là nhà thơ Thái Hồng (tỉnh Vĩnh Long) đoạt giải C với tập thơ: "Ngày của chiêm bao" và nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều (tỉnh Cà Mau) đoạt giải thưởng dành cho tác giả trẻ với tập thơ "Kiều mây". Đây là hai nhà thơ nữ đã tạo được sự độc đáo  trong phong cách thi ca và tạo ấn tượng với người yêu thơ. Nhà thơ Thái Hồng có nhiều bài thơ có sự pha trộn giữa tính triết lý trong quan hệ tình yêu đôi lứa và tính thế sự trong các mối quan hệ giữa con người và xã hội. Thơ của Thái Hồng giàu tính chiêm nghiệm, sâu sắc về tư duy và mạnh mẽ về cảm xúc thẩm mỹ:

Dù chỉ một lần ta chính ta khoảnh khắc
Hoa mặt trời vàng cháy trong đêm tròn một giấc mê

(Hoa mặt trời vàng cháy trong đêm)

Thơ của Huỳnh Thúy Kiều giàu tính ẩn dụ, hình tượng thơ biến ảo, lung linh và ngôn ngữ thơ biến hóa, giàu tính biểu cảm. Thơ của Huỳnh Thúy Kiều thường khắc họa vẻ đẹp tiềm tàng và sức sống mãnh liệt của sự vật, thiên nhiên và con người vùng ĐBSCL:

"Ngẫu hứng chín dòng sông tiếng gà rải giọng tha phương  
Máu Cửu Long đỏ quặn lòng chảy mềm dấu chân chim mắt mẹ  
Những mái nhà thức giấc  
Bóng dừa cỗi cằn sau cơn sấm vụt bừng xanh ..."

(Ngẫu hứng chín dòng sông)

Vùng ĐBSCL là vùng đất trẻ và sự sáng tạo thi ca cũng đòi hỏi sức trẻ của tư duy và sự tươi rói, mạnh mẽ của cảm xúc sáng tạo. Các nhà thơ thế hệ thời chống Mỹ đã làm xong sứ mệnh thi ca của họ đối với dân tộc. Các nhà thơ trẻ thì thế nào? Các nhà thơ trẻ có nhiều con đường để lựa chọn và đối với họ nhiều khi thi ca chỉ là một cuộc chơi tinh thần. Ngẫm nghĩ về thi ca của vùng ĐBSCL, tôi tin và hy vọng vào các tác giả trẻ hiện đang sinh sống và làm việc tại ĐBSCL. Họ là những tác giả vừa mang tính cách, tâm hồn của con người vùng ĐBSCL vừa mang khát vọng sáng tạo thi ca của nhân loại. Lực lượng sáng tác thơ trẻ vùng ĐBSCL có thể kể đến các tác giả như: Vương Huy, Huỳnh Thúy Kiều, Trương Trọng Nghĩa, Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Đăng Khương, Vũ Tuấn, Nguyễn Quốc Đạt, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Nguyễn Trung Nguyên.v.v... Những mùa hoa trái thi ca của vùng ĐBSCL vẫn ở phía trước và đang chờ sự bứt phá sáng tạo của các nhà thơ trẻ.

Tác giả: Võ Tấn Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây