Trước doanh thu khổng lồ của bộ ba tiểu thuyết Millenium của Larsson (đã tiêu thụ được hơn 40 triệu bảng), giới làm sách Mỹ đang lùng sục thị trường nước ngoài với hy vọng tạo ra được một hiện tượng xuất bản tương tự. Các nhà xuất bản lớn ở Mỹ xưa nay vốn rất cao ngạo trước các đầu sách dịch. Nhưng nay, họ đã đổi hướng, tạo lập mối quan hệ rộng rãi và hiệu quả hơn với các đại diện văn học ngoài nước, chịu khó đọc các đoạn trích dịch tiếp thị sách, dò bảng xếp hạng best-seller của các nước và đeo bám tác giả đoạt những giải thưởng văn học lớn ở châu Âu và châu Á. Kết quả là một làn sóng truyện trinh thám đang dấy lên mạnh mẽ ở Mỹ, lất án dòng văn học kinh điển truyền thống.
Trong những tháng tới, NXB Minotaur Books sẽ ấn hành một loạt tác phẩm tội ác của các tác giả Iceland, Nhật, Nigeria, Nam Phi, Thụy Điển. Vài năm trước đây, phần lớn các đầu sách thể loại này chỉ được nhập từ Anh.
"Rất nhiều nhà xuất bản phải để tâm đến sách trinh thám nước ngoài, bởi họ đều không muốn đỡ lỡ mất một Stieg Larsson mới", Kelley Ragland, trưởng phòng biên tập của Minotaur cho biết.
Trong số các quốc gia châu Á, Nhật Bản được đánh giá là mảnh đất hứa hẹn của tiểu thuyết trinh thám. Amanda Urban - đại diện văn học của hai tác giả nổi tiếng người Mỹ là Cormac McCarthy và Toni Morrison - mới đây đã theo đuổi để mua bản quyền sách của nhà văn Nhật ăn khách Shuichi Yoshida. Urban cho rằng, tiểu thuyết của Yoshida giàu giá trị thương mại.
Một lợi thế khác của tiểu thuyết trinh thám là bản dịch các đầu sách thể loại này dễ vượt qua những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Bởi dòng văn học này quan trọng ở cốt truyện chứ không phải ở các thủ pháp nghệ thuật. Sự phổ biến của tiểu thuyết trinh thám Anh và Mỹ trong nhiều thập kỷ qua cũng ảnh hưởng lớn đến xu hướng trinh thám thế giới. Đó là những tác phẩm với những thám tử cô độc, đối thoại ngắn gọn và thường mở đầu bằng một thi thể… Nhà văn ăn khách Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Murat Somer thừa nhận, sáng tác của ông thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi lối viết của các nhà văn trinh thám bậc thầy như Agatha Christie và Patricia Highsmith.
Tuy chỉ được xếp là thể loại văn học hạng hai, hạng ba, nhưng xét về lịch sử, tại nhiều nước, thể loại trinh thám có nguồn gốc từ rất lâu đời. Trung Quốc có những câu chuyện "giết người, cướp của" từ thế kỷ 18. Nhật Bản thậm chí còn sớm hơn, từ thế kỷ 17 đã có những trang viết về thế giới tội ác. Nhưng phải đến những năm 1920 - 1930, tiểu thuyết trinh thám mới bước vào thời kỳ hoàng kim trước sự nở rộ của các nhà văn Anh và Mỹ. Đây được coi là thời kỳ định hình các đặc trưng cơ bản của dòng văn học trinh thám.
Theo Wall Street Journal, những năm gần đây, các tác giả tiểu thuyết tội phạm trên khắp thế giới bắt đầu tìm ra phong cách trinh thám mới cho mình. Italy phát triển dòng truyện khai thác đề tài về các băng đảng mafia. Truyện trinh thám Nam Phi đầy rẫy tệ nạn bạo lực và tàn dư của chủ nghĩa apartheid. Nhiều tác giả Thụy Điển lại tỏ ra quan tâm đến vấn đề tội ác trong đời sống chính trị và xã hội. Còn giới nhà văn Mỹ Latin tất nhiên không bỏ qua thế giới đen tối của các vụ buôn bán ma túy và các âm mưu thao túng chính trị khu vực này…
Sự đa dạng trong các khai thác đó khiến cho các nhà văn Mỹ cũng phải học tập. Tác giả best-seller Michael Connelly cho biết, ông bắt đầu đưa các vấn đề chính trị và kinh tế vào tiểu thuyết của mình sau khi đọc tác phẩm của các đồng nghiệp Nam Phi và châu Âu. "Nhà văn và độc giả các nước khác dường như cũng quan tâm đến các vấn đề xã hội trong tiểu thuyết trinh thám".
Cùng với sự phổ biến của văn học trinh thám, thể loại này đang dần cải thiện vị trí của mình. Ở châu Âu, có nhiều giải thưởng lớn, uy tín cho nhà văn trinh thám. Ở Nhật, những nhà văn ăn khách hàng đầu như Shuichi Yoshida hay Keigo Higashino đều đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá.
Tác giả: Hà Linh
Ý kiến bạn đọc