Một hiện tượng “Vô bờ bến”, có lẽ là quan niệm chung của những cây bút trẻ bây giờ mà 10 tác giả được tuyển vào sách là tiêu biểu: họ viết về bất cứ chuyện gì mắt thấy, tai nghe từ Em có còn trinh không? của Keng, Em có muốn tắm không? của Cấn Vân Khánh đến Câu chuyện cà phê của Phan Hồn Nhiên, Tâm trạng khi say của Đặng Thiều Quang… Những câu chuyện được người trẻ viết ra nhiều khi như là vô cớ và vô nghĩa kiểu như: “Emily nhìn tôi ngưỡng mộ. Thế là tôi sắp ngủ với em rồi”. Rồi khi xa nhau thì “thôi không còn da diết nhớ đến nàng mỗi khi chiều buông (…). Có lẽ nàng chỉ còn là một giấc mơ thoáng qua trong cuộc đời tôi; Emily, giờ này em ở đâu? Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi…” (Đặng Thiều Quang – Emily, trang 312-313)… Đọc 10 tác giả được tuyển chọn vào sách, dù là những tên tuổi có thể gây cho ta nhiều hi vọng, tôi vẫn cứ phấp phỏng một điều đúng như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nhận xét: “Cái nghề văn muốn đi theo nó thì ngoài niềm say mê còn phải có chí lớn. Dấu hiệu để người viết có thể đi xa được trong nghề chính là trí tưởng tượng phong phú. Trí tưởng tượng giúp người ta bay lên trên thực tế để mà viết. Nhưng xã hội hiện tại có quá nhiều sức ép đè lên vai người viết trẻ (…) thành ra, hình như trí tưởng tượng của họ bị giảm sút. Gần đây tôi có đọc Vũ điệu thân gầy, cả truyện là một hiện thực thô thiển, mà hiện thực thô thiển thì chẳng có gì đáng nói cả. Giới trẻ hiện nay cứ đi sâu vào mô tả hiện thực mà không bay lên được. Thấy buồn” (Văn chương không thể hão huyền – Báo An ninh Thủ đô số 2074 ra ngày 13-7-2007).
Không phải là không nỗ lực để “bay lên được” như Nguyễn Huy Thiệp cầu mong. Vẫn có thể nhìn thấy được cái năng lực tưởng tượng trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, Dương Bình Nguyên và ít nhiều ở Di Li (Hai người trên hoang đảo có thể coi là một truyện ngắn đứng được). nhiều người thích những truyện của Dương Bình Nguyên được đưa vào sách tuyển này (Bóng Kơnia đổ dài là khá hơn cả). Những truyện của Nguyễn Ngọc Tư được đưa vào sách tuyển này đều ngắn gọn, xinh xẻo và ít nhiều có sức bay lên của trí tưởng tượng (cái điệp khúc “nghe đâu,…” trong truyện Cải ơi! Chính là cái lối viết không quá câu nệ vào hiện thực).
Văn là người, trong trường hợp những cây bút trẻ là đúng. Dường như khi viết họ chỉ cốt bằng mọi cách phô diễn cho hết mọi ý tứ, thậm chí viết làm sao cho lạ, cho mùi mẫn mà không nghĩ rằng nghề chữ cũng lắm công phu. Sự cẩu thả trong cách viết của các cây bút trẻ, tôi nghĩ, không phải do học vấn, văn hóa mà là từ một quan niệm “văn chương suồng sã của đời” nên phải viết làm sao cho nó “bụi bặm”. Hoặc giả từ một quan niệm muốn hiện đại hoá tiếng Việt nên vay mượn, lai căng. Tôi dám chắc các cây bút trẻ có mặt trong cuốn sách này và rộng ra là văn trẻ nói chung, mấy ai đã kì công như Nguyễn Tuân trong lao động nghề nghiệp để luyện chữ. Trong bài Về tiếng ta, ông viết: “Có những tiếng những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng ngân vang hưởng của nó” (Bàn về văn học nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, 1999, trang 635-636). Xin được trích dẫn vài đoạn văn để thấy cách viết của người trẻ thật là dễ dãi: “Anh Buzz Nick em vào đúng 12h trưa làm em mải mê nhìn màn hình, lách cách với bàn phím và tủm tỉm cười một mình quên cả đi ăn cơm. Anh send cho em bao nhiêu là truyện cười, bảo rằng muốn em được vui vẻ vì thấy dòng status. [chán như con gián]. Nếu anh không invisible thì chắc cũng để cái câu: [Buồn như con chuồn chồn] cho có đôi có cặp với em. Ôi, con gián không biết chán và con chuồn chuồn cũng chẳng biết buồn đâu, chỉ có anh và em là chán với buồn cùng nhau” (Keng: Em đã dọn nhà, trang 58). Đây là văn nói chứ không phải viết, đây là văn lai căng chứ không phải văn Việt. Một ví dụ khác: “Hình như tiếp xúc nhiều với các em chân dài, đâm ra tôi chai sạn hay sao ấy. Hoặc vì với tôi chuyện ấy dễ dàng quá nên tôi chẳng có cảm xúc gì cả. Thật đấy, bây giờ cho dù hoa hậu có tụt váy giữa cái quán này tôi cũng chẳng mấy hứng thú gì, anh có tin không?” (Đặng Thiều Quang: Tâm trạng khi say, trang 347). Sẽ có người không đồng tình với tôi khi nêu vài ví dụ như thế để nói về sự cẩu thả trong cách viết của các cây bút trẻ. Họ sẽ đồng tình với người trẻ bằng sự bao biện “Ôi dào, các bố già rồi phải để bọn tẻ nó tung tẩy một tí chứ!”. Dĩ nhiên cũng có cây bút trẻ có ý thức chăm lo câu chữ như Dương Bình Nguyên chẳng hạn (Bóng Kơnia đổ dài là một truyện ngắn văn viết hay). Tôi nhớ trong một cuộc toạ đàm về tiểu thuyết Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh (tại Viện Văn học cách đây vài năm) nhà văn Nguyễn Khắc Trường có một nhận xét xác đáng: “Theo tôi, một cuốn sách hay phải có ba cái hay: Vấn đề đặt ra hay, cốt truyện hay và văn hay”. Vậy văn trẻ bây giờ đạt được bao nhiêu cái hay trong một tác phẩm? Theo tôi thì thường là chỉ đạt được một trong ba (hoặc vấn đề hay hoặc cốt truyện hay) đã là lạc quan lắm lắm. Riêng “văn hay” thì may ra đạt được mức rất khiêm tốn.
Hãy đợi đấy! Là tên một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Liên Xô (trước đây). “Hãy đợi đấy!”, cái điệp khúc ấy thật vui vẻ và hứa hẹn nhiều bất ngờ. Rất có thể trong số 10 tác giả được chọn vào sách tuyển trên sẽ có một vài tên tuổi sáng giá của nền văn chương đương đại Việt Nam (biết đâu tác phẩm của họ được quảng bá rộng rãi ở nước ngoài như Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn). Tôi thuộc số người không hay bi quan cũng như không lạc quan tếu trước bất kỳ hiện tượng văn chương nào. Nói như Xuân Diệu “thời gian sẽ vặt lông” tất cả mọi việc chúng ta làm và những gì làm ra. Chờ đợi, như ai đó nói, cũng là một niềm vui sướng, một hạnh phúc.
Tác giả: Bùi Việt Thắng
Nguồn tin: Văn nghệ trẻ
Ý kiến bạn đọc