Lối thoát nào cho cuộc thi thơ ĐBSCL?

Thứ sáu - 02/04/2010 12:17 1.973 0

Tác giả Hoài Tường Phong

Tác giả Hoài Tường Phong
Cuộc thi thơ ĐBSCL 2009 đã không thể tổng kết, trao giải như dự kiến (vào dịp Tết Nguyên Tiêu) vì có ý kiến cho rằng tác phẩm Trăng nghẹn (tác giả Hoài Tường Phong, TP.Cần Thơ) được chọn trao giải nhất có “vấn đề”. Rằng bài thơ “vẽ” lên bức tranh đồng bằng quá u ám, không “đại diện” cho kinh tế - xã hội ở đồng bằng, nên không thể trao giải nhất. Đã hơn 1 tháng trôi qua, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Vụ việc càng trở nên phức tạp hơn khi có người xem lại chuyện “bếp núc” của cuộc thi. Từ “nghẹn”, cuộc thi đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Bài thơ hay bản báo cáo tổng kết?

Dù không chính thức, nhưng có thể thấy quan điểm của những người phản đối “Trăng nghẹn” được trao giải nhất là: ĐBSCL trong những năm qua có nhiều thay đổi tích cực, đó mới “dòng chủ lưu” để VHNT khai thác. Cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ đã và đang xây. Rồi đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, Khu khí – điện - đạm Cà Mau, sân bay Cần Thơ... Năng suất lúa ngày một cao, lượng cá tra – basa tăng chóng mặt, chiếm lĩnh thị trường thế giới. Nhiều “Hai Lúa” trở thành “thần đèn”, “thần nông”, trở nên giàu có... Xã hội nào mà chẳng có mặt trái, chuyện “nhiều cô gái lấy chồng xa” nếu có thì cũng không đại diện, không “tiêu biểu” cho bức tranh đồng bằng.

Theo quan điểm đó, tác phẩm đoạt giải cao trong cuộc thi lớn của đồng bằng phải nói lên được những thành tựu, những mặt tích cực, mặt “chủ đạo”, còn những “tồn tại” nếu có chỉ là phụ thôi. Nói tóm lại, để 1 bài thơ đoạt giải cao, ngoài yếu tố “hay”, nó còn phải làm chức năng một bản báo cáo tổng kết thành tựu trong toàn vùng.

Tôi còn nhớ, cách đây khoảng 20 năm, Ban Giám đốc Cty Thuỷ hải sản Long An (lúc đó là doanh nghiệp (DN) thuỷ sản hàng đầu cả nước) có mời một số nhạc sĩ có tiếng ở Long An và Hà Nội về viết bài hát cho đơn vị. Sau đợt sáng tác, có nhiều tác phẩm khá hay ra đời, như bài “Tình biển” của nhạc sĩ Ngọc Ẩn (Long An) viết về mối tình giữa chàng trai đi đánh bắt xa bờ với cô công nhân trong nhà máy, trong đó có những câu như: “Theo con sóng nhấp nhô, tàu anh đi xa khơi nghìn trùng. Theo làn cá biển, và những ánh sao...Yêu thuỷ thủ biển khơi, đừng để con tim là bão tố...”.

Khi các tác phẩm được báo cáo trước ban lãnh đạo DN, không có bài hát nào được chấp nhận, vì “không toàn diện”, không khái quát được “toàn cảnh” sự phát triển của DN. Riêng bài “Tình biển” còn bị phê bình là “uỷ mị, sa đà vào chuyện trai gái...”. Sau đó, một nhạc sĩ ở Hà Nội đã viết lại một bài hát khác theo gợi ý của lãnh đạo DN và được đánh giá cao.

Bài hát mới này có đầy đủ các nội dung theo yêu cầu: Vai trò quan trọng sự nhạy bén của lãnh đạo DN, sự hăng say của người lao động, có tàu đánh bắt trên biển, có công nhân trong nhà máy, có tôm đông lạnh xuất khẩu, có bánh phồng tôm, có nước mắm, có mắm ruốc... là những sản phẩm chính của DN. Bây giờ, sau 20 năm, bài “Tình biển” vẫn thỉnh thoảng còn có công nhân trong công ty hát, còn bài “Tạp bí lù” nói trên hầu như không còn ai biết nó đã từng có.

Rồi sẽ ra sao?

Trong những ngày qua, có nhiều ý kiến bàn về chuyện “nghẹn” này theo hướng khác: Bài thơ “Trăng nghẹn” không phải là “tuyệt tác” nên không xứng đáng để có thể trao giải nhất cuộc thi thơ ĐBSCL. Dù không phải là người am hiểu nhiều về thơ ca, tôi cũng đồng ý “Trăng nghẹn” không phải là “tuyệt tác”. Tôi cũng tự hỏi, liệu trong làng thơ cả nước năm 2009 có được mấy “tuyệt tác”, trong khi ĐBSCL không phải là mảnh đất màu mỡ của thơ ca, có nên đòi hỏi quá cao ở một cuộc thi thơ đồng bằng? Với lại, “Trăng nghẹn” chỉ là một bài thơ tham gia một cuộc thi, nó được chọn trao giải nhất đơn giản chỉ vì nó hay hơn tất cả các bài thơ dự thi còn lại. Theo các thành viên Ban chung khảo, bài “Trăng nghẹn” tuy không thật hay, nhưng nó cũng khá hơn rất rõ so với các bài được trao giải còn lại.

Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn, khi có người phát hiện trong quá trình chấm giải (cả vòng sơ khảo và chung khảo) có chuyện không rõ ràng, thiếu hợp lý sao đó, gây bức xúc, hoài nghi trong những người có tác phẩm gửi dự thi, trong đó có cả những người đoạt giải. Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân – Phó Chủ tịch Hội VHNT Long An, thành viên Ban chung khảo cuộc thi – cho biết, đã có ít nhất 2 tác giả trong danh sách dự kiến được trao giải thông báo cho bà là họ sẽ không đến dự lễ trao giải nếu nó được tổ chức.

Còn một điều quan trọng mà cho đến nay nhiều người có trách nhiệm quên: Đây là cuộc thi do 13 Hội VHNT khu vực ĐBSCL liên kết tổ chức, luân phiên thay đổi địa phương đăng cai, chứ không phải cuộc thi của TP.Cần Thơ. Vì vậy, nếu cuộc thi diễn ra suôn sẻ thì thôi, còn nếu xảy ra trục trặc lớn (như đang xảy ra), thì cần có sự tham gia giải quyết của hội VHNT các địa phương, cần thể hiện ý chí của giới VHNT cả vùng. Với những gì đang xảy ra và với sự “độc diễn” của Ban tổ chức và Liên hiệp các Hội VHNT TP.Cần Thơ hiện nay, nhiều người lo ngại cuộc thi sẽ kết thúc đổ vỡ!

 

Cuộc thi thơ ĐBSCL được phát động từ ngày 1.2 đến 31.10.2009. Có 915 bài thơ của 255 tác giả từ 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL gửi dự thi. Sau vòng sơ khảo, có 60 bài được chọn đưa vào vòng chấm chung khảo. Ban Chung khảo gồm: Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu (NXB Trẻ TPHCM) - Trưởng ban; nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (CT Hội VHNT tỉnh An Giang) và nhà thơ Đinh Thị Thu Vân (Phó CT Hội VHNT tỉnh Long An) là thành viên.

Tác giả: Nguyễn Phấn Đấu

Nguồn tin: Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây