PV: Thưa các nhà văn, Ngày thơ Việt Nam 2017 đã là lần thứ XV Hội Nhà văn tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Tuy nhiên, Hội Nhà văn Việt Nam lại đang có ý định chuyển Ngày thơ Việt Nam không chỉ dừng lại ở thơ mà còn là “Ngày văn học Việt Nam”- nghĩa là sẽ bao gồm cả các lĩnh vực văn xuôi, văn học dịch và lý luận phê bình… cá nhân nhà thơ có đồng tình và ủng hộ ý tưởng này không?
Nhà thơ Anh Ngọc: Để làm một “Ngày văn học” theo tôi cũng được, nhưng phần thơ chắc chắn vẫn sẽ lấn át. Bởi vì văn xuôi khi giao lưu với công chúng thì sẽ như một diễn giả. Và chỉ có thơ là thể loại văn học nằm giữa văn học và nghệ thuật - âm nhạc. Các nhà thơ đều có thể đọc thơ của mình, trò chuyện một cách ăn ý và dễ dàng hơn là văn xuôi đối với công chúng. Nhà thơ có thể dùng thơ đỡ cho lời, lời đỡ cho thơ và sẽ khác hẳn với người viết văn xuôi. Nhà thơ nếu đọc thơ hay chính là phổ nhạc cho bài thơ của mình. Thơ có thể nhìn bằng mắt nhưng phần lớn thơ được nghe bằng tai.Thơ vang lên bởi âm hưởng, nhạc tính… Thơ có thể đọc, trình diễn, ngâm, phổ nhạc… Tôi còn thấy thơ rất gần với showbiz.
Nhà thơ Trần Quang Quý: Theo tôi không nên chuyển thế, bởi thơ đã có truyền thống, thơ mới là “Ngày hội”. Thơ ca dân tộc ta được bắt nguồn từ ca dao, dân ca. Các cụ ngày xưa yêu thơ, làm thơ, hình thành các nhóm thơ từ rất lâu. Hơn nữa, thơ là thứ dễ trình bày chốn đông người với các hình thức: đọc thơ, ngâm thơ, trình diễn thơ, hát thơ… nếu chuyển “Ngày thơ” thành “Ngày văn học” là cách chuyển máy móc. Chỉ nên hiểu “Ngày thơ” là đã có thơ đại diện cho văn học rồi.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Theo tôi Hội Nhà văn muốn “Ngày thơ” thành “Ngày văn học” thì Hội cần nghiên cứu kỹ và trưng cầu ý kiến những người yêu thơ, hội viên. Từ việc tập trung vào một thể loại nhất định có thể gợi ra nhiều ý tưởng cho việc đầu tư xây dựng chương trình, tiết mục, và tạo ra được một không khí riêng như thì sẽ hay hơn, thú vị hơn so với việc làm một “Ngày văn học”. Bởi nếu làm Ngày văn học buộc phải chia lực lượng và ý tưởng ra rất nhiều thể loại. Thậm chí nói là “Ngày văn học” chưa chắc chúng ta đã có thể làm được đủ trong phạm vi một ngày Nguyên Tiêu tất cả các lĩnh vực nào thơ, dịch, nào văn xuôi với truyện ngắn, hồi ký… chúng ta có đủ sức chăm sóc được tất cả các thể loại đó và cùng làm cho chúng thăng hoa bay lên trong một ngày hay không?.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc Hội Nhà văn Việt Nam có ý định chuyển “Ngày thơ” thành “Ngày văn học” là tự “làm khó mình”, vậy còn ý kiến các nhà văn thì sao?
Nhà thơ Anh Ngọc: Tôi cũng thấy khó. Và giả sử Hội Nhà văn có làm được Ngày văn học thì có lẽ phần văn xuôi cũng sẽ khác, chỉ là bày sách vở nhà văn, trò chuyện giữa nhà văn với tác giả như một diễn giả.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Đương nhiên sẽ rất khó cho việc chăm sóc và tôn vinh từng thể loại cũng như từng tác giả trong một phạm vi hạn hẹp và trong một thời gian nhất định. Còn nếu chúng ta có ý đồ muốn tôn vinh chúng ta hãy chia các ngày, các giai đoạn khác nhau cho các thể loại. Nếu muốn làm sự kiện mang tính chuỗi hoạt động chúng ta phải nghiên cứu và đầu tư rất nhiều công sức nhân lực. Đương nhiên, với các thể loại, nếu chúng ta có “tài năng” từ ý tưởng hay, có sự phối hợp nhuần nhuyễn và khéo léo với các bộ môn nghệ thuật khác, huy động được lực lượng nghệ sĩ tham gia thì kể cả ở trích đoạn tiểu thuyết, trích đoạn truyện ngắn chúng ta vẫn có thể hoàn toàn làm được.Nhưng cái chính là chúng ta có tài hay không, và có huy động được tài năng hay không thì tôi cho rằng chưa hẳn đã là một thế mạnh của Hội Nhà văn.
PV: Giả sử Hội Nhà văn Việt Nam vẫn quyết định chuyển “Ngày thơ” thành “Ngày văn học” thì theo các nhà thơ, suốt 15 năm qua việc hình thành, gây dựng một ngày lễ hội thơ ca liệu có bị “phá vỡ” trong lòng công chúng không?
Nhà thơ Anh Ngọc: Theo tôi, nếu tôi có quyền, tôi sẽ không gộp Ngày thơ Việt Nam thành Ngày văn họcViệt Nam. Và tôi vẫn duy trì Ngày thơ, bởi nó tồn tại được 15 năm rồi. Còn có thể làm một ngày sinh hoạt văn học nói chung vào một ngày khác, như ngày Sách Việt Nam chẳng hạn. Bởi nếu gộp “Ngày thơ” thành “Ngày văn học” là tiêu diệt một lễ hội.
Nhà thơ Trần Quang Quý: Theo tôi Hội Nhà văn nên giữ lại Ngày thơ Việt Nam như hiện nay, còn muốn làm “Ngày văn họcViệt Nam” thì nên chọn ngày khác trong năm. Ngày thơ Việt Nam “phải giữ” như truyền thống chúng ta đã gây dựng, mà cho đến nay được cả nước hưởng ứng, thậm chí các câu lạc bộ thơ cấp huyện, cấp xã cũng tổ chức Ngày thơ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Tôi cho rằng, chúng ta đã hình thành được Ngày thơ, đã nâng niu, dành nhiều tâm huyết hơn 15 năm nay thì tốt nhất cứ để nó là Ngày thơ Việt Nam đi. Còn trong một năm chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức được nhiều sự kiện khác cho cả hoạt động văn chương cũng như cho từng thể loại khác. Ngày thơ Nguyên Tiêu hãy cứ để là Ngày thơ.
Hiền Nguyễn(thực hiện)
Nguồn tin: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc