Thơ vẫn sống và vẫn... ế

Thứ sáu - 27/04/2012 03:50 2.924 0

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Ngay từ những năm sau Thế chiến thứ hai, thi ca là thể loại văn chương luôn bị đặt trong tình trạng dự báo “tuyệt chủng”. Thế mà hơn nửa thế kỷ qua, dù có bao gập ghềnh thơ cứ sống...

Khi văn hóa nghe - nhìn phát triển lấn át văn hóa đọc, rồi bước sang thời đại văn hóa Internet, lần nữa các nhà tiên tri giả chộp lấy cơ hội, lại lớn tiếng tuyên bố tiếng chuông đưa tang thi ca đang được đánh tới hồi cuối. Nhưng, thơ cứ sống nhăn!

Người làm thơ nhiều, người đọc thơ chẳng có bao nhiêu

Thông tin không chính thức, tại Mỹ mỗi năm có hàng ngàn tờ báo về thơ ra đời rồi... chết. Ở Pháp, tình trạng cũng không lấy gì làm khấm khá hơn. Các nhà thơ ở các nước tiên tiến than ế đã đành, ngay nước Việt Nam tự hào là đất nước thơ, các nhà thơ của ta cũng than thơ in ra không bán được, mà biếu tặng cũng không... chạy!

Chưa nói nhà sách ở tỉnh lẻ, ngay các hiệu sách lớn tại trung tâm văn hóa lớn như TP.HCM dẫu nhiệt tình với thơ tới đâu cũng đẩy quầy thơ vào một góc cực kỳ khiêm tốn. Tại chốn hẻo lánh này, tập thơ trưng bày chủ yếu là các tác giả cổ điển hay tác phẩm được dùng dạy trong nhà trường; còn thơ đương đại nếu có chỉ có mặt lác đác dăm ba người. Vậy mà các thế hệ người làm thơ cứ liên tục nối đuôi nhau xuất hiện. Hàng năm, các tập thơ cứ cấp tập được cho ra lò.

Cuối thế kỷ trước, mỗi năm cả nước có non ngàn tập thơ ra đời. Rồi sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, lượng đầu tập thơ được in vẫn tăng lên đều đặn. Đó là chưa kể thơ in photocopy, thơ đăng báo, thơ đưa lên mạng...

Người làm thơ nhiều nhưng người đọc thơ chẳng có bao nhiêu, nếu không muốn nói ngày càng sa sút. Thơ làm ra chỉ dành cho người làm thơ đọc của nhau, có lẽ. Mà chưa chắc họ đã đọc của nhau nữa? Mới năm ngoái thôi, một nhà thơ đang thời kỳ viết sung sức, in sung sức kêu trời: "Không nên ngạc nhiên về sự không bán được thơ".

Chuyện vui: tập thơ Hành hương em của tôi in năm 1999, ký gửi 50 cuốn tại hiệu sách Trung tâm thành phố Đà Lạt, năm năm sau tôi ghé vào hỏi, cô phụ trách khoe: Thơ anh bán chạy lắm. Thế là cô làm quyết toán sổ sách, trả lại cho tôi 17 cuốn thừa. Anh bạn thơ đi với tôi ngạc nhiên hỏi: Vậy mà gọi là chạy à? Anh không biết chứ, có tác giả gửi mươi cuốn, bảy năm sau vẫn còn nguyên con số mười.

Về đâu, các tập thơ song ngữ Việt - Anh?

Thân phận thơ tiếng Việt của nhà thơ Việt trong đất nước non 90 triệu dân đang nói tiếng Việt đã thế, xin hỏi khi các tập thơ đó được chuyển dịch ra tiếng Anh thì lấy đâu người đọc? Vậy mà chúng cứ được cho ra đời quá ư là vô tư. Mới lạ!

Nhìn lướt qua kệ sách của tủ sách gia đình đang bày biện thơ của các tác giả Việt Nam được dịch sang tiếng Anh với non trăm cuốn cả thảy, thấy gì ở đó? Các thi tập song ngữ Việt - Anh của các tác giả đã nổi tiếng hay chỉ ở tầm trung bình in trang trọng, trình bày khá bắt mắt.

Nhưng câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: ai dịch? Không ai cả mà chỉ người Việt dịch của nhau. Quanh đi quẩn lại vài tên tuổi quen thuộc. Vâng, thì toàn cầu hóa, cần thiết đưa sản phẩm văn hóa ra với thế giới rộng lớn hơn. Mà văn chương cũng là một thứ hàng hóa như bao hàng hóa khác: hàng hóa cao cấp. Cho nên không vấn đề gì cả. Nhưng dịch như thế nào để hàng hóa cao cấp ấy có thể bán được ra thị trường ngoài kia?

Dù có bao nhiêu lời than phiền về chất lượng của chúng, lần nữa - lại không vấn đề gì cả. Bởi mới chập chững, sản phẩm có tốt có xấu, bản dịch có hay có dở, dở trước rồi rút kinh nghiệm để sau làm hay hơn. Một câu hỏi cốt tủy hơn cả là: ai đọc?

Có thể nói: không ai cả. Độc giả thơ người Việt nếu có đọc thì đọc thơ tiếng Việt của tác giả mình yêu thích, có "chập" mới đi đọc bản dịch tiếng Anh. Còn độc giả thơ ngoài "thế giới" Việt Nam, ai đọc? Chắc chắn chỉ có vài nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, dăm chục sinh viên Việt Nam học, thêm ít kẻ tò mò nữa... Chấm hết. Chẳng có lấy nửa "lý do chính đáng" nào cả, các nhà thơ ta cứ tự dịch (hay thuê người dịch) thơ mình ra tiếng Anh, Pháp...

Festival thơ thế giới hay khu vực - không. Giao lưu văn hóa - không. Nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á - không. Không gì cả, chúng ta dịch để tặng nhau và chờ... cơ hội. Cơ hội nào? Không ai biết! Chỉ biết rằng không ít nhà - khi cầm ấn bản tập thơ của mình được chuyển ngữ tiếng Anh, Pháp... trên tay - mang ảo tưởng rằng nó đang tiếp cận với thế giới. Vậy thôi.

 

Vài tập thơ song ngữ Việt - Anh tiêu biểu - Ảnh: Inrasara

Hai năm sau Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới kéo dài suốt tuần với hơn trăm rưởi khách nước ngoài tham dự, mãi đến hôm nay hỏi có tập thơ của tác giả nào được các nhà xuất bản lớn đặt hàng xuất bản? Và Hội Nhà văn Việt Nam đã chủ động được gì trong công tác xúc tiến việc quảng bá kia? Vẫn chưa gì cả.

Không ít nhà thơ Việt Nam sốt ruột, quyết chọn đi theo con đường tiểu ngạch. Nhưng cuộc chơi này sẽ đi đến đâu? Các tập thơ dịch rồi sẽ trôi về đâu ngày mai? Văn chương là trò chơi vô tăm tích - ai nói thế? Trong thế giới chữ nghĩa, thơ thì vô tăm tích hơn. Thơ của nhà thơ Việt Nam được chuyển dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp... càng vô tăm tích hơn nữa. Buồn thay!

Tác giả: Inrasara

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây