Nhà văn Trung Quốc: Nhuận bút không đủ bữa tối

Thứ ba - 17/04/2012 04:12 2.186 0

Các cây bút bậc thầy của nền văn học đương đại Trung Quốc (từ trái sang): Lưu Tỉnh Long, Trương Vĩ, Tất Phi Vũ, Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân.

Các cây bút bậc thầy của nền văn học đương đại Trung Quốc (từ trái sang): Lưu Tỉnh Long, Trương Vĩ, Tất Phi Vũ, Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân.
Lưu Tỉnh Long - nhà văn đoạt giải Mao Thuẫn - từng tiết lộ, thù lao một cuốn tiểu thuyết không đủ để ông mời bạn gái một bữa ăn tối.

Phát biểu của ông Lưu đã khiến văn giới và những người hoạt động trong làng xuất bản lo ngại rằng, việc trả thù lao quá thấp sẽ làm thui chột tài năng và sức sáng tạo của các nhà văn.

Liu Binjie, chủ tịch Tổng cục Báo chí - Xuất bản, đồng thời là một lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn mới đây cho rằng, mức thù lao dành cho các xuất bản phẩm cần phải được tăng lên.

"Mức thù lao hiện tại, được áp dụng theo quy chế có từ cách đây gần 20 năm, là quá thấp”, ông nói.

Theo Quy chế trả thù lao cho các xuất bản phẩm do Cục Sở hữu trí tuệ ban hành năm 1999, mức tiêu chuẩn cho các tác phẩm gốc là khoảng 30-100 nhân dân tệ (100 - 300 nghìn đồng) mỗi 1.000 chữ.

Zhang Hongbo, Tổng thư ký Hiệp hội Bản quyền tác giả văn học Trung Quốc cho biết, Hội được chính phủ giao trách nhiệm điều tra, khảo sát để chuẩn bị ra dự thảo quy chế mới về thù lao cho các xuất bản phẩm.

Tất Phi Vũ - một nhà văn từng đoạt giải Mao Thuẫn - nhớ lại, năm 1991, ông được trả 1.700 tệ (5,5 triệu đồng) cho cuốn tiểu thuyết đầu tay The Lonely Island, tức là bằng 3 tháng lương của ông lúc bấy giờ.

"Nhuận bút của tôi nay đã tăng lên nhiều, nhưng lại chỉ tương đương với một tháng lương bây giờ”, ông so sánh.

Năm 2010, hai tạp chí văn học hàng đầu Thượng Hải là Harvest Shanghai Literature đã tăng gấp đôi mức nhuận bút tối thiểu. Theo đó, mức thù lao thấp nhất được trả cho các nhà văn là 160 tệ (520 nghìn đồng) trên 1.000 chữ. Những tác phẩm xuất sắc nhận được đến 400 tệ (1,3 triệu) cho mỗi 1.000 chữ. Đây được coi là mức tăng mạnh và kịp thời nhờ sự tài trợ của chính quyền thành phố Thượng Hải.

Ngoài mức thù lao cơ bản, các nhà văn cũng có những nguồn thu nhập khác như nhuận bút, tiền tác quyền…

Cao Yuanyong, phó tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học và Nghệ thuật Thượng Hải cho biết, mức nhuận bút của các nhà văn hạng A nằm vào khoảng 10 - 15% doanh thu sách.

"Đó không phải là mức thấp. Vấn đề nan giải là, sách rất khó bán. Những cuốn có doanh số 100.000 bản là đã được xếp vào dạng best-seller rồi”, ông Cao nói.

Zhao Changtian - tổng biên tập tạp chí Mengya - lại đề cập đến một khó khăn khác: “Nạn ăn cắp bản quyền cũng là một vấn đề lớn” gây ảnh hưởng đến thu nhập của các nhà văn.

Danh sách các nhà văn giàu nhất Trung Quốc được thống kê hàng năm, bắt đầu từ 2006, cho thấy, cây bút giàu nhất Trung Quốc năm 2011 là Quách Kính Minh với tổng thu nhập lên đến 24,5 triệu tệ (hơn 80 tỷ đồng).

"Nhưng con số đó chỉ so bì được với các nhà văn thôi, đừng hòng leo vào top 10 người giàu của bất cứ lĩnh vực nào khác”, Kính Minh nói.

Nhà văn trẻ Quách Kính Minh.

Theo thống kê của tạp chí Forbes, James Patterson, nhà văn người Mỹ đắt khách nhất thế giới, có thu nhập 84 triệu USD năm 2011 (1.700 tỷ đồng), tức là cao gấp 20 lần so với Quách Kính Minh.

"Rất nhiều nhà văn Trung Quốc vẫn kiên nhẫn, bền bỉ viết bất chấp được trả công rất thấp. Tôi hy vọng, độc giả sẽ quan tâm đến họ hơn bằng cách mua sách thật thay vì dùng sách lậu, sách vi phạm bản quyền”, Quách Kính Minh kêu gọi.

Những năm gần đây, loại hình tác giả văn học mạng nở rộ ở Trung Quốc và họ có thu nhập cao hơn hẳn các bậc cây đa cây đề. TheoXinhua News, năm 2011, nước này có khoảng hơn 1 triệu tác giả văn học mạng. Còn lượng độc giả online có khoảng 194 triệu người. Một độc giả văn học mạng phải trả khoảng 2 - 3 tệ (6 - 10 nghìn đồng) để đọc mỗi 100.000 chữ. Số tiền này được chia ra cho cả tác giả và trang web bán tác phẩm.

Nanpai Sanshu, tác giả văn học mạng xếp thứ hai trong danh sách những nhà văn giàu nhất Trung Quố năm ngoái, cho biết, đối với các nhà văn xuất bản trên Internet thì thu nhập 1 triệu tệ mỗi năm (hơn 3 tỷ đồng) là điều không có gì đáng để khoe khoang.

"Có những người kiếm được đến 10 triệu tệ mỗi năm. Nếu không có vấn nạn sách lậu, họ có thể mua được cả máy bay ấy chứ”, Nanpai nói. Nhưng anh cũng thừa nhận rằng, những người kiếm được nhiều như thế “chỉ là đỉnh của kim tự tháp”.

Tác quyền chuyển thể các tác phẩm văn học sang điện ảnh và truyền hình cũng là nguồn thu nhập cho các tác giả. Nhà văn Tất Phi Vũ cho biết, phần lớn thu nhập ông có được đến từ nguồn này.

Những bộ phim ăn khách như Love Is Not Blind và Naked Wedding đều dựa trên các tác phẩm văn học mạng mà tiền chuyển thể tác quyền của chúng lên đến hàng trăm nghìn tệ. Ngoài ra, còn có những tác phẩm văn học kỳ ảo được chuyển thành các trò chơi trực tuyến. Đây cũng là nguồn thu béo bở cho các tác giả, đặc biệt là những người viết trẻ.

"Dù thị trường văn học khá sôi động trong những năm qua nhưng sức đọc của công chúng vẫn rất khiêm tốn”, Sun Qingguo, quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ sách OpenBook nhận định.

Thống kê cho thấy, sách văn học chỉ chiếm 10% thị trường sách ở Trung Quốc. Trong khi con số này ở Mỹ là 40%, còn ở châu Âu vào khoảng 35 - 40%.

"Tóm lại, chỉ khi sức đọc của độc giả thực sự tăng lên thì thu nhập của nhà văn mới cải thiện được”, Sun Qingguo nhận xét.

Tác giả: Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây