Nhà văn, công chúng và Internet

Thứ hai - 18/06/2012 04:59 2.159 0

Nhà văn Đặng Thiều Quang trong cuộc thảo luận chủ đề "Từ blog đến sách".

Nhà văn Đặng Thiều Quang trong cuộc thảo luận chủ đề "Từ blog đến sách".
Khi Internet phát triển và chi phối nhiều hoạt động của con người thì đời sống văn học cũng không nằm ngoài quỹ đạo của nó. Tại Việt Nam, nhiều nhà văn đã “bước ra từ blog” và trở nên "hot" hơn nhờ công bố tác phẩm trên mạng.

Nhà vănhot hơn nhờ blog

Đặng Thiều Quang, tác giả trưởng thành từ thuở Hoa học trò và thành công với những sáng tác cho lứa tuổi mới lớn, là một nhà văn internet tiên phong. Từ khi có phong trào chơi blog, toàn bộ sáng tác của anh đều được đăng tải trên blog cá nhân trước khi xuất bản thành sách giấy. Quang có không chỉ một blog, anh cũng không giấu diếm ý định xây dựng hình ảnh và tên tuổi mình gắn với thế giới mạng. Bởi thế, nhiều bạn đọc tiếp cận với Quang ngoài đời thấy rất khác so với Đặng Thiều Quang trên mạng. Sau “Chờ tuyết rơi” và “Bóng giai nhân”, hiện tại Quang đang viết tiểu thuyết “Săn cá thần” và tiếp tục công bố online từng phần.

Một tác giả nữa, nhà văn Đặng Thân cũng là người công bố tác phẩm trên mạng. Toàn bộ truyện ngắn trong tập “Ma nét” cũng như toàn bộ tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] sẽ rất khó khăn, thậm chí tắt ngấm, nếu như nó chỉ được in ra dưới dạng sách giấy trong khi nhiều người còn chưa biết Đặng Thân là ai! Nhưng nhờ internet, tiểu thuyết của anh có cơ hội đến với những độc giả của nó ẩn khuất đâu đó trong hàng triệu người sử dụng internet, ít nhất họ cũng có thể đọc thử một vài chương, trước khi đi đến quyết định có nên mua cả cuốn sách giá 135.000 đồng hay không. Thêm vào đó, những độc giả, những nhà nghiên cứu văn học từ nước ngoài cũng có thể tiếp cận tác phẩm của Đặng Thân.

Nếu nói đến những nhà văn nhờ blog mà trở nên hot hơn thì có lẽ không thể không nhắc đến Trang Hạ. Có thể chính chị không cố công làm điều này nhưng những gì mà Trang Hạ viết rất dễ làm cho cộng đồng mạng phát sốt. Một loạt tác phẩm dịch với những cái tên rất sốc như “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”, “Lỡ tay chạm ngực con gái” đến “Nắm tay và làm tình” và những bài báo về phụ nữ thời nay ký tên Trang Hạ đã thực sự như một món ăn được chờ đón. Blog của chị với slogan “Đàn bà đích thực” cũng là địa chỉ rất nhiều công dân mạng không thể bỏ qua.

Nhà văn Phong Điệp, Trang Hạ và Nguyễn Đình Tú (trái qua) trong một chương trình truyền hình bàn về văn học mạng.

Một nhà văn kỳ cựu cũng hot không kém khi gia nhập cộng đồng mạng. Cái tên “bọ Lập” hay “Quê choa” chẳng có gì xa lạ, thậm chí đã thành một danh từ được lưu hành trong giới sáng tác và những người theo dõi đời sống văn học. Một loạt câu chuyện hậu trường văn nghệ, những chân dung bè bạn văn chương được kể ở phạm vi blog, sau đó thì xuất hiện đàng hoàng dưới những tựa sách như “Ký ức vụn”, “Bạn văn”, “Chuyện đời vớ vẩn”… Tranh thủ sự lan tỏa từ của mảng sách ký ức, mới đây, Thái Hà books tái bản cuốn tiểu thuyết đã xuất bản từ rất lâu của Nguyễn Quang Lập có tên “Những mảnh đời đen trắng”.

Internet - Bà mối ươm mầm văn chương?

Đôi khi, vòng nguyệt quế mà internet đội lên đầu những người viết chỉ có tác dụng khi họ ngồi trước màn hình máy tính, còn khi đã offline, rất có thể nó cũng sẽ tan theo thế giới ảo. Nhiều người tỏ ra khôn ngoan khi vừa tận dụng cây cầu internet, vừa tỉnh táo đi qua nó để đến với những lớp độc giả ở xa hơn, thậm chí là những độc giả dưới chân cầu, nhưng cũng có những kẻ mải chơi tự ru ngủ mình với vòng hào quang ảo. Nhiều cây bút tỉnh táo biết thực hóa mạng ảo và coi internet như một bà mối mát tay dẫn họ đến với con đường viết lách.

Trên thực tế đã có không ít tác giả trẻ dần trưởng thành từ phong trào viết văn trên blog. Nếu nói đến đội ngũ “nhà văn bước ra từ thế giới ảo” ở Việt Nam có thể kể ra khá nhiều cái tên tạm gọi là tác giả văn học mạng như Linh Lê, Keng, Gào, Hồng Sakura… Đó là những tác giả đã bắt đầu những bước đi đầu tiên và ít nhiều được đón nhận trên con đường chữ nghĩa, đến nay, đến nay mỗi người cũng đã có lượng sách kha khá. Keng đã có “Dị bản”, “Hồng gai”, “Đôi mắt không còn ướt nước”; Linh Lê đã in “Không khóc ở Kuala Lumpur”, “Mùa mưa ở Singapore”; Hồng Sakura đã in 4 cuốn, “Bạch mã hoàng tử”, “Đài các tiểu thư”, “Xu xu đừng khóc!”, “Nếu em ở đây”, hiện cô chuẩn bị in cuốn thứ năm.

Có lẽ cũng cần phân biệt một số nhà văn chọn blog cá nhân, những diễn đàn văn học mạng là phương tiện để công bố những sáng tác của mình với một số blogger viết như một thú vui, một nhu cầu, đến một lúc nào đó họ… nổi hứng in sách và bỗng nhiên trở thành tác giả, tầm ảnh hưởng của họ phủ sóng cả đến bộ phận công chúng không lệ thuộc vào internet, tất nhiên họ vẫn tiếp tục trung thành với độc giả mạng. Hai đối tượng viết, một phía là chủ động còn một phía là bột phát, vì thế tâm thế văn chương cũng khác nhau. Nhìn từ góc độ “tác phẩm”, nếu như những gì nhóm thứ nhất chia sẻ trên mạng gần như đã là “thành phẩm” thì những thứ mà nhóm thứ hai trình diện đôi khi còn khá xa với tiêu chí bản thảo văn học đầu vào của các nhà xuất bản. Nhưng dù gì, internet cũng vẫn là công cụ hỗ trợ đắc lực khiến họ tiếp cận bạn đọc tốt hơn, đến gần bạn đọc hơn.

Internet đã thực sự là một cây cầu, mà ở hai đầu của nó, một bên là giới sáng tác còn bên kia là công chúng. Họ đã gặp nhau trên cây cầu mang tính thời đại này. Trong đó cũng có những người từ phía công chúng, nhờ sự tiền hô hậu ủng của cộng đồng mạng mà họ đã được đẩy sang đầu kia của cây cầu, nhập vào hàng ngũ sáng tác. Và blog, có lẽ đã không còn là nơi chỉ để cất giấu những riêng tư mà thực sự đã trở thành trang tin điện tử của mỗi người viết, là mảnh đất canh tác màu mỡ cho những nhà văn và cả những người ôm mộng trở thành nhà văn. 

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây