Xu thế nhà văn nhí tự xuất bản

Thứ sáu - 27/04/2012 03:24 2.206 0

Tác giả 10 tuổi Nguyễn Bình (Việt Nam) vừa cho ra mắt tập hai của bộ tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom (NXB Trẻ và Hồng Bàng) vào tháng 4-2012, sau tập một ấn hành vào tháng 11-2011

Tác giả 10 tuổi Nguyễn Bình (Việt Nam) vừa cho ra mắt tập hai của bộ tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom (NXB Trẻ và Hồng Bàng) vào tháng 4-2012, sau tập một ấn hành vào tháng 11-2011
Khi xem truyền hình đưa tin về mình, Ben Heckmann - một học sinh lớp 8 sống ở bang Minnesota (Mỹ) - tưởng chừng ngạt thở trước những lời ca ngợi.

"Ở tuổi 14, cậu ta đã làm được điều mà ngay cả nhiều người trưởng thành cũng chưa chắc làm được - bản tin đưa - Ben đã 2 lần in sách".

Ben mô tả việc lần đầu tiên cầm trên tay quyển sách do chính mình sáng tác mang lại cảm xúc tuyệt vời, và chia sẻ thêm rằng về cơ bản mọi người có thể làm bất cứ điều gì miễn là toàn tâm toàn ý. Song cả hai cuốn sáchVelvet Black - nói về những trò vui nhộn của một ban nhạc rock hư cấu, đều do cha mẹ của cậu bỏ tiền túi ra tự in. Số tiền này là 400 USD - nhiều hơn số tiền thu được từ việc bán ra 700 bản.

Trong năm năm qua, tại Mỹ mỗi năm có đến hàng trăm thanh thiếu niên tự bỏ tiền in sách, dẫn đến nhiều câu hỏi về việc các bậc phụ huynh đóng vai trò như nhà xuất bản ngày một tăng. Các bậc cha mẹ này nói rằng họ đơn giản muốn động viên con em mình, cũng như cách các phụ huynh khác mua sắm, trang bị những điều kiện khác cho con em.

"Thế giới đang thay đổi - mọi người có thể thực hiện hầu như bất cứ điều gì họ muốn" - Elizabeth Hines (bút danh là E.S.Hines) - một học sinh trung học, tác giả cuốn The last dove vừa tự xuất bản thông qua Công ty Xlibris chuyên về lĩnh vực này, nói. Cô còn đang ấp ủ nhiều dự án khác, trong đó có một tiểu thuyết lịch sử lấy bối cảnh Scotland. Cha mẹ của Elizabeth đã tranh luận về giá trị của việc tự xuất bản này. Liệu công việc viết lách của cô sẽ bị chỉ trích? Liệu cô có trở nên hợm mình hơn?". Cuối cùng họ nhất trí rằng "tự tin không phải điều gì xấu xa với trẻ ở độ tuổi này".

 

"Không có thiên tài trong văn chương. Văn chương đòi hỏi những trải nghiệm, theo cách thức mà toán học và âm nhạc không có"

Nhà văn Tom Robbins

Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng rất tuyệt khi bắt đầu viết lách ở tuổi còn nhỏ, nhưng e ngại việc tự xuất bản sẽ truyền đi thông điệp sai lầm.

"Tiếp theo sẽ là gì? - nhà văn Tom Robbins nói - Kỹ sư bé con, nha sĩ vị thành niên, nhà khoa học về tên lửa 11 tuổi? Bất cứ phụ huynh nào nghĩ rằng một tiểu thuyết nhiều ý nghĩa, làm mê đắm tâm hồn người đọc và có thể xuất bản lại chỉ cần tài năng và trải nghiệm chưa nhiều hơn việc vẽ mẫu một căn nhà, nhổ một cái răng khôn, hoặc theo dõi một tàu thăm dò Mặt trăng, thì hết sức ảo tưởng, thẳng thắn mà nói".

Garth Stein - tác giả tiểu thuyết ăn khách The art of racing in the rain - nói ông hiểu việc tự xuất bản đem lại niềm vui cho trẻ, nhưng lưu ý rằng "một phần của nghiệp viết nằm ở cuộc sống, khám phá thế giới và tương tác với thế giới".

KidPub Press - nhà xuất bản của Ben bắt đầu công việc xuất bản sách của các tác giả nhí vào năm 2008 - cho biết hầu hết doanh số bán thu được là từ các gia đình, những người mua trọn bộ.

Kevin Weiss - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty Author Solutions, sở hữu và quản lý 13 nhà xuất bản tự thân - cho biết công ty kỳ vọng xuất bản hơn 400 tác phẩm của các tác giả dưới 18 tuổi trong năm nay.

"Một tác giả 14 tuổi ngày nay có cơ hội có số người hâm mộ ngang với một tác giả 50 tuổi - ông Weiss nói - thậm chí còn có cơ hội tốt hơn vì họ hiểu được sức mạnh của các phương tiện truyền thông xã hội". Có thể thế thật khi Ajla Dizdarevic - 12 tuổi, đến từ bang Iowa (Mỹ), người tự xuất bản hai tập thơ, đã lên truyền hình và báo địa phương - cho biết trở thành tác giả tự xuất bản "luôn luôn là ước mơ của cô bé". Và ước mơ mới là: ba đầu sách khi bước sang tuổi 15.

Tác giả: Hoài Chi

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây