Phạm Viêm Phương: Chúa Nhẫn dịch theo chỉ dẫn của tác giả

Thứ hai - 04/02/2013 21:17 1.724 0
Dịch giả nổi tiếng đưa ra những ý kiến của riêng ông về tranh cãi quanh bản dịch phần một cuốn sách Chúa tể những Chiếc nhẫn.

- Gần đây ở Hà Nội và TP HCM diễn ra các đêm giới thiệu sách "Chúa tể những chiếc Nhẫn" bản dịch mới, thu hút nhiều độc giả và người trong giới văn học tham dự. Ông cũng là một trong số khách mời. Ông thấy độc giả đón nhận bộ sách kinh điển ra sao? 

- Tôi rất mừng vì đại đa số bạn đọc tham dự các buổi giao lưu đều là những bạn trẻ. Hôm đó, khi đến Nhã Nam thư quán để trò chuyện, tôi thấy có nhiều bạn đến từ rất sớm, uống cà phê, xem sách và chờ đến giờ giao lưu.

pham-viem-phuong-1-jpg-1360027283_500x0.
Dịch giả Phạm Viêm Phương (thứ hai từ phải qua) phát biểu tại một tọa đàm về dịch thuật.

- Ông có ấn tượng gì về bộ "Chúa tể những chiếc Nhẫn" mới được xuất bản?

- Tôi biết bộ này Nhã Nam làm trong sáu năm, nên chắc kỹ lưỡng hơn tụi tôi rất nhiều (Nguyễn Nam ngày xưa mua bản quyền xong là dịch, xong chương nào in ra sách ngay chương đó). Bản dịch mới được in ấn, tiếp thị… cũng tốt hơn, nên đã gây tiếng vang. So với bản Nguyễn Nam, theo tôi, bản dịch mới này chính quy hơn, đầy đủ hơn (Nguyễn Nam không dịch “Phi lộ”, không tham khảo “Chỉ dẫn tên riêng” do Tolkien soạn, và để nguyên các nhân danh địa danh đó như bản tiếng Anh). Ấn tượng của tôi trước bản dịch mới là thích thú vì đọc được (dù tôi chưa đọc hết) một dịch phẩm được thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo, tuy chưa thể xác định là hay hoặc chuẩn xác vì việc này cần nhiều thời giờ hơn.

- Ở bản dịch mới, bộ sách có một lời nói đầu rất dài giải thích về quá trình dịch cũng như nhóm dịch đã tiếp thu từ “Guide to the Names in The Lord of the Rings” của chính Tolkien biên soạn. Nhưng nhiều bạn đọc vốn thích xem phim đã quen với tên Frodo Baggins, The Shire, hay Rivendell… lại thấy bỡ ngỡ và khó quen với những cái tên như Frodo Bao Gai, Quận, Thung Đáy Khe trong bản dịch vừa ra mắt. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Theo tôi, người dịch nên theo “Chỉ dẫn” đó vì: 1: Tolkien soạn “Chỉ dẫn” này sau nhiều lần đọc các bản dịch cho tác phẩm của ông chứ ông không soạn sẵn từ đầu, nghĩa là các bản dịch đã khiến ông thấy không hài lòng đến độ phải lên tiếng để giảm bớt những bực mình về sau khi các bản dịch cứ làm hại tác phẩm của ông; 2: Tác giả luôn là nguồn thẩm quyền cao nhất về tác phẩm của họ và ta nên tôn trọng thẩm quyền đó; và 3: Bản dịch Nguyễn Nam trước đây, cũng như các phim ảnh ăn theo, đều là những cố gắng đưa tác phẩm này đến với đông đảo bạn đọc như một tác phẩm giải trí và không muốn làm mệt óc người đọc với những phân tích, chú giải dài dòng. Trong khi đó, bản dịch mới của Nhã Nam cố gắng đưa tác phẩm tới bạn đọc như một tác phẩm văn học, nghĩa là tôn trọng nguyên tác đến hết sức, và giúp bạn đọc tiếp cận càng sâu càng tốt được những ý nghĩa thâm trầm, tinh tế, của tác phẩm này cũng như nền văn hóa dân gian Âu châu.

Do đó, tôi nghĩ, để thưởng ngoạn một tác phẩm văn học, người đọc phải tự thay đổi, hay rõ hơn, nâng cấp thói quen đọc của mình. Họ phải chọn một trong hai thái độ: yêu cầu tác giả, hoặc bản dịch, phải viết cho họ có thể hiểu dễ dàng; hoặc tìm hiểu và suy nghĩ để hiểu tác phẩm. Người dịch và nhà xuất bản cũng phải lựa chọn một trong hai: lôi tác phẩm xuống cho vừa tầm đại chúng; hoặc khuyến khích và giúp đỡ người đọc vươn lên ngang tầm tác phẩm.

sach-to-jpg-1358931738-1358932008-500x0-
Bìa bản dịch mới, phần một, tác phẩm "Chúa tể những chiếc Nhẫn".

- Hệ thống tên tuổi trong "Chúa tể những chiếc Nhẫn" của Tolkien rất phức tạp, đầy rẫy những cái tên như: Daddy Twofoot, Proudfoot, Hornblower…  nhóm dịch đã dịch thành “Bố Hai Chân”, “Bàn Chân Oách”, “Rúc Tù Và”, rồi những địa danh như: Willowbottom, Weathertop, Withywindle River… họ dịch thành “Đáy Liễu”,“Đỉnh Gió”, "sông Liễu Gai Quấn Quýt”… Ý kiến phản biện cho rằng tên riêng thì giữ nguyên, còn dịch nghĩa làm gì. Giống như không ai dịch George Bush sang thành “George Bụi Rậm”, hay Nguyễn Văn Minh thành “Civilization Nguyễn”.

Nhưng nhóm dịch và các biên tập viên tác phẩm này lại nói rằng đây đơn thuần không phải là nguyên tắc cứ tên riêng là không dịch, mà với hàng nghìn cái tên quá đỗi phức tạp do tác giả dụng công xây dựng mang ý nghĩa thẩm mỹ độc đáo, có dụng ý rõ ràng về thế giới Trung Địa của ông, sau được chính Tolkien quy định cái gì dịch, cái gì không dịch. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Những tranh cãi trên, theo tôi, là sự cố ngoài dự kiến của đơn vị thực hiện cuốn sách và các dịch giả. Họ chỉ nghĩ  “mình phải tuân thủ ý muốn của tác giả” (mà điều này chắc cũng là một ràng buộc khi ký hợp đồng mua bản quyền). Tác giả muốn họ dịch mọi tên riêng bằng tiếng Anh (chứ không phải bằng các thứ tiếng khác do Tolkien bịa ra) thì họ cứ dịch thôi, và phải dịch ngắn gọn trong vài ba âm tiết cho mỗi tên, và tôi thấy họ đã làm hết sức rồi.

Tôi cho rằng đơn vị thực hiện cuốn sách chắc cũng nghĩ đây là vấn đề đơn giản nên họ chỉ trình bày sơ lược ở phần cuối của “Mấy lời cùng bạn đọc”. Tôi tán đồng cách làm của nhóm dịch thuật vì ta phải thuận theo ý của tác giả.

Muốn giải quyết cuộc tranh cãi này, có lẽ đơn vị thực hiện sách đành phải tốn tiền để dịch và in cả 30 trang “Chỉ dẫn tên riêng” của Tolkien thôi.

untitled-1to-1348827619-480x0-jpg-136002
Dịch giả Phạm Viêm Phương.

- Với một cuốn sách tầm cỡ như "Chúa tể những chiếc Nhẫn", theo ông, việc một phụ lục tên tuổi, thuật ngữ, hay là gài thật nhiều chú thích bên dưới... có ý nghĩa thế nào?

- Những ý tôi trình bày ở trên đã trả lời câu hỏi này: nhà xuất bản và người dịch phải chọn một trong hai: làm tác phẩm giải trí hay tác phẩm văn học; và đưa bạn đọc đến với tác phẩm hay đưa tác phẩm đến với người đọc (ý hay ho này tôi học được từ cuốn Dịch thuật và tự do của Hồ Đắc Túc do Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức xuất bản, chứ chẳng phải của tôi đâu).

- Mấy năm gần đây, xảy ra hiện tượng “ném đá” một số bản dịch và dịch giả trên các diễn đàn. Cũng xảy ra hiện tượng chê bai dè bỉu tràn lan bất chấp thực tế, biện luận. Điển hình là vụ chê ông Dương Tường dịch "Lolita" sai từ dòng đầu sai đi, tuy rằng một năm sau bản dịch vẫn được giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội.

Là một người dịch từng đoạt giải thưởng Hội nhà văn VN (cuốn "Tên tôi là Đỏ" của Orhan Pamuk), ông thấy tình hình phê bình dịch thuật, và phản hồi từ công chúng hiện nay ra sao?

- Tôi nghĩ, có làm thì tất có sai; và trong vài trăm, thậm chí vài nghìn, trang bản dịch thì sai là chuyện không thể tránh. Là người dịch, tôi thực hiện bản dịch, lãnh tiền thù lao, lại có được tên tuổi, thì tôi phải chịu trách nhiệm về bản dịch của mình, và đón nhận lời khen cũng như tiếng chê một cách bình tĩnh và duy lý, không chịu ảnh hưởng cảm tính. Mọi phê phán (ngoại trừ vì động cơ lệch lạc như “tư thù” hay “hám danh”) đều đáng hoan nghênh vì nó chứng tỏ người đọc quan tâm tới bản dịch và họ đang đòi hỏi người dịch phải làm việc có trách nhiệm hơn; và nó cũng khiến đời sống văn học trở nên lành mạnh hơn. Trong văn học nghệ thuật cũng như khoa học, không nên có những khái niệm như “cây đa cây đề”, “đại thụ” hay “lão làng” mà chỉ nên tôn trọng cái “đúng” hoặc “hay.”

Còn về “phê bình dịch thuật”, tôi chờ đón những công trình phân tích nghiêm túc và trọn vẹn cho toàn tác phẩm, dựa trên những lý thuyết dịch thuật, mà thứ này tôi e rằng còn hiếm, thậm chí là chưa có ở ta. Còn những bài mà mọi người vẫn gọi là “ném đá” thì tôi thấy mới là những ý kiến “bắt lỗi” hoặc “góp ý”. Các ý kiến chỉ giáo trên rất đều rất đáng quý cho người dịch chúng tôi, nhưng khó mà gọi đó là “phê bình dịch thuật” lắm. Nhiều bài thậm chí còn được viết ra trước khi tác giả đọc hết bản dịch, cũng như lời nói đầu, lời bạt, lời giới thiệu… của những người làm sách.

Để đời sống văn học lành mạnh hơn, và cũng để tỏ lòng tôn trọng người đọc (những người đã nuôi sống mình), người dịch và người xuất bản có bổn phận phải trả lời những ý kiến phản hồi ấy trên bất kỳ kênh thông tin nào tùy mức thuận tiện, chứ không nên để xảy ra tình trạng “sự im lặng đáng sợ” được.

- Ông từng dịch "Chúa tể những chiếc Nhẫn" của Tolkien trước đây. Vì sao sau đó bộ sách bị dừng lại?

- Năm 2001-2002, tôi cộng tác với Hoàng Phong, con trai nhà thơ Ý Nhi, lấy bút hiệu chung là Nguyễn Nam để dịch bộ này. Sách được phát hành hằng tuần dưới dạng từng tập mỏng (như Doreamon hay Harry Potter thời nay). Và rồi sau tập I dự án này đành ngưng lại vì bán ế, không cạnh tranh được trên thị trường.

- Ông nhận thấy độc giả thời nay có gì khác với thời ông lần đầu bước vào công việc dịch thuật?

- Hồi 10 năm trước, tôi không có dịp gặp gỡ bạn đọc vì nhà xuất bản chưa có thói quen tổ chức buổi ra mắt sách như gần đây, nên tôi chỉ biết được một số độc giả ít ỏi qua thư từ mà họ gửi về nhà xuất bản hoặc phát hành. Độc giả hiện nay năng động hơn, sẵn sàng phát biểu ý kiến hơn (một phần cũng nhờ Internet và các diễn đàn), do đó họ làm công việc thẩm định, giám sát, phê phán… mạnh mẽ hơn.

Dịch giả Phạm Viêm Phương sinh năm 1955. Ông tốt nghiệp khoa Sử - Đại học Sư phạm TP HCM năm 1977. Ông bắt đầu công việc dịch (Anh - Việt) từ năm 1987. Hiện tại, ông làm cho tờ Economic Development Review của Đại học Kinh tế TP HCM.

Các tác giả Phạm Viêm Phương từng chuyển thể tác phẩm sang tiếng Việt:

- Don DeLillo (The body artis / Nghệ sĩ hình thể, NXB Văn học 2010)
- Harper Lee (To Kill a Mocking Bird / Giết con chim nhại, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, NXB Văn học 2008)
- Orhan Pamuk (My name is Red / Tên tôi là Đỏ, NXB Hội nhà văn 2007, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2008)
- John Steinbeck (The Wayward Bus/ Rời nẻo đường quen), NXB Văn nghệ TPHCM, 1999
- Ernest Hemingway (Tuyết trên ngọn Kilimanjaro và những truyện ngắn khác, dịch chung với Nguyễn Huy Tưởng, NXB Văn nghệ TP HCM, 1997).
- Philip Roth (The human stain, chưa xuất bản)
- John Updike (Rabit, run; chưa xuất bản)
- George Orwell (1984, chưa xuất bản)
- Cùng hơn 30 đầu sách dịch khác.

Bạch Tiên thực hiện

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây