Nhà văn Trần Kim Trắc. |
Nhà văn Trần Kim Trắc phát biểu cảm tưởng lúc tuổi 84 vẫn còn có dịp ngất ngưởng văn đàn: "Tôi giờ già hay nghĩ vẩn vơ. Mỗi khi nhìn thấy xe cộ nhộn nhịp ngoài đường, tôi tự hỏi không biết phía dưới những cái mũ bảo hiểm kia là những cái đầu đang băn khoăn điều gì, đang thắc thỏm điều gì. Nhà văn không phải ông thầy của bất kỳ ai. Nhà văn chỉ chọc ngứa tâm hồn cho bạn đọc, để họ tự thức tỉnh và tự nâng cao phẩm giá làm người". Truyện ngắn Sài Gòn đắc địa khai thác đúng quan niệm ấy. Câu chuyện thời sự về xuất khẩu cô dâu Việt được nhìn qua ống kính cánh xe ôm để có những lý giải ân tình chất phác và gửi gắm những mơ ước đẹp đẽ.
Với tài năng đã được định hình như Trần Kim Trắc, truyện ngắn Sài Gòn đắc địa không phải quá xuất sắc. Tuy nhiên, đọc truyện vẫn nhận diện được bút pháp Trần Kim Trắc, từ cách dẫn dắt tếu táo “đừng tưởng rằng dân xe ôm chỉ biết có rù ga hứng những núm vú thỉnh thoảng ịn vào lưng là không có tính linh hoạt văn hóa chính trị thời cuộc. Thử tính nếu sáng sớm họ ngưng mua báo xem các tờ báo lớn hàng ngày có điêu đứng không?” đến cách thắt nút tình huống “Thím Năm tài thiệt đó, dám bắt rể từ bên Tây về nuôi phởn phơ béo tốt thế này” và cả cách sử dụng không gian kết thúc ấm áp “chỉ cần nước sôi pha trà thôi mà tình làng nghĩa xóm đổi trao xôm tụ lắm”.
“Sài Gòn đắc địa” thành công ngay từ cái tên truyện, nói theo ngôn ngữ hiện đại là “ngon lành cành đào”. Nếu không bị giới hạn theo thể lệ cuộc thi “tác phẩm không dài quá 1.800 từ”, có lẽ Trần Kim Trắc sẽ xây dựng Sài Gòn đắc địa theo bề thế hơn và đầy đặn hơn!
Với truyện ngắn Cái lu đoạt giải thưởng Văn Nghệ Cửu Long năm 1952, anh bộ đội Trần Kim Trắc của Tiểu đoàn 307 lừng danh bắt đầu bước chân vào văn chương. Sau năm 1954 tập kết ra Bắc, nhà văn Trần Kim Trắc trở thành cán bộ của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Thế nhưng, vì phải lòng một người con gái mặn mà, Trần Kim Trắc từ giã ngôi nhà số 4 đầy mê dụ đối với dân cầm bút, để đi theo tiếng gọi tình yêu lên tận Tuyên Quang lập nghiệp.
Hành trang đuổi bắt hạnh phúc của Trần Kim Trắc chỉ có một gói nấm mốc làm men nước chấm và một cái thùng gỗ nuôi ong, và ông đã sống những năm cuối thập niên 1960 và những năm đầu thập niên 1970 trong căn nhà nhỏ cạnh hồ Nông Tiến bằng nghề sản xuất nông sản. Cứ ba ngày thì Trần Kim Trắc làm được một lu nước chấm, làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nếu tiếp tục duy trì, thì không khéo đến hôm nay ông đã sở hữu một thương hiệu nước chấm lừng danh hơn cả nước tương Chinsu hay nước mắm Nam Dương!
Chuyển sang nuôi ong, với cái thùng gỗ ban đầu, ông Trần Kim Trắc thuần dưỡng ong rừng thành ong nhà, và nhanh chóng được biết đến như một vua ong ở bến đò Bình Ca. Tháng 7/1975, vợ chồng nhà văn Trần Kim Trắc để lại sản nghiệp cho họ hàng, chỉ mang 20 đàn ong hành phương Nam. Và đến già, nhà văn Trần Kim Trắc vẫn sống thảnh thơi với nghề nuôi ong. Căn nhà của ông ở Sài Gòn không cần treo biển, không cần quảng cáo mà vẫn có người tìm đến mua mật ong dinh dưỡng bảo đảm chất lượng lẫn bảo đảm uy tín.
Gần 20 năm rời xa công việc sáng tác, Trần Kim Trắc ngỡ có thể sống cần mẫn suốt đời như bao người nông dân đồng hương Chợ Gạo - Tiền Giang của mình. Thế nhưng, chữ nghĩa như một cái nghiệp đeo đẳng, ông túc tắc viết lại. Những trang văn chắt chiu từ sự từng trải và sự suy nghiệm của ông khiến độc giả bao phen thích thú và đồng nghiệp cũng lắm phen giật mình. Hai tập truyện ngắn Ông Thiềm Thừ và Hoàng đế ướt long bào ông xuất bản gần đây thể hiện đầy đủ phong cách văn chương của Trần Kim Trắc, vừa hóm hỉnh sâu cay vừa ưu tư gợi mở.
Sáng 1/2, tại Hội trường Hội Nhà báo TP HCM, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Hội Nhà văn TP HCM tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay”. Qua hai vòng sơ và chung khảo, ban giám khảo trao giải cho 13 tác giả; trong đó có 2 giải nhì, 3 giải ba và 8 giải khuyến khích (không có giải nhất). Tác phẩm Sài gòn đắc địa (tác giả Trần Kim Trắc) và tác phẩm Thiếu phụ (tác giả Trương Anh Quốc) đoạt đồng giải nhì. Ba giải ba gồm tác phẩm Bánh chưng nóng đây (Trần Triệu Phong), Ra ngõ gặp ba người (Vũ Đảm), Con đã lớn chưa (Cẩm Giang). Trong thời gian phát động cuộc thi (từ ngày 1/8/2011 đến hết tháng 12/2012), ban tổ chức đã nhận được hơn 1.500 tác phẩm của 874 tác giả từ nhiều vùng miền, trong đó có cả những tác giả sống ở nước ngoài gửi bài đến dự thi. Thành phần tác giả tham gia dự thi rất đa dạng, gồm nhà văn, nhà báo, nhà giáo, người lính, công nhân viên chức, người lao động, học sinh sinh viên,… |
Tác giả: Lê Thiếu Nhơn
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc