Em Béo và Hội Cầu Vồng xoay quanh những câu chuyện thú vị về một nhóm bạn nhỏ lớp Hai, cùng chơi với nhau trong một hội được gọi là Hội Cầu Vồng với những nickname rất ngộ nghĩnh: Nhi Su Mô, Nhi Còi, Nhi Búp Bê, Nhi Khủng Long, Ngọc Phù Thủy và Em Béo.
Mỗi biệt danh đều có “sự tích” riêng của nó – đặt theo đặc điểm và cá tính của mỗi bạn nhỏ. Những câu chuyện dở khóc dở cười ở trường và ở nhà như trò chơi đóng giả làm nhà vua, hoàng hậu, chuyện “làm đỏm”, chuyện đi dã ngoại, chuyện “xì hơi ra ngô”, chuyện tập xe đạp… được tái hiện sinh động qua lời kể của cô bé 4D - đụng-đâu-đổ-đấy - Ngọc Phù Thủy.
Mỗi bạn nhỏ một cá tính, có nhiều ưu điểm nhưng không ít nhược điểm, những trò quậy phá khiến người lớn nhiều khi phát bực… nhưng mỗi câu chuyện lại chất chứa tình yêu thương, sự chia sẻ, biết quan tâm tới nhau từ những điều nhỏ nhất.
Là bà mẹ của hai cô công chúa, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã khéo léo lấy chất liệu từ cuộc sống hằng ngày của con để đưa vào tác phẩm của mình: nào là chuyện không thích ngủ trưa, chuyện thích ăn gia vị mì tôm, mơ ước được sở hữu một ngôi nhà làm bằng sô-cô-la, thích màu hồng, thích được “làm mẹ” để làm bất cứ điều gì mà không bị cấm đoán…
“Tôi không dám chắc là cuốn sách sẽ bán chạy, nhưng tôi tin là con gái tôi và bạn bè cùng lứa tuổi của nó sẽ thích bởi chúng thấy được mình ở trong đó”, nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ. Với sự thấu hiểu tâm lý con trẻ, dùng ngôn ngữ của trẻ thơ và cách kể chuyện lôi cuốn, tác giả Đỗ Bích Thúy đã tạo nên một cuốn sách thực sự dành cho trẻ.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cô viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tạp văn, tạp bút... Các tác phẩm đã xuất bản: Sau những mùa trăng (NXB Quân đội, 2001), Những buổi chiều ngang qua cuộc đời (NXB Thanh niên, 2003), Ký ức đôi guốc đỏ (NXB Kim Đồng, 2004), Tiếng đàn môi saubờ rào đá (NXB Công an, 2005), Bóng của cây sồi (NXB Thanh niên, 2006), Người đàn bà miền núi (NXB Phụ nữ 2010), Trên căn gác áp mái (NXB Phụ nữ, 2011), Em Béo vàHội Cầu Vồng (NXB Kim Đồng, 2012).
Đặc biệt, truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy từng được đạo diễn Ngô Quang Hải dựa vào để viết kịch bản phim Chuyện của Pao. Bộ phim được Cục Điện ảnh đầu tư hơn 2 tỷ đồng để bấm máy và đã đoạt giải Phim truyện nhựa xuất sắc tại Cánh diều vàng 2006.
Tác giả: N.H
Nguồn tin: Dân Trí
Ý kiến bạn đọc