“Giải cứu” thơ

Thứ ba - 14/08/2012 23:10 2.488 0

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Câu chuyện “Nhà thơ gặp rắc rối vì... thơ” đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc và gợi nhắc thêm nhiều “kỷ niệm” khó quên về một cách đọc thơ. Thơ Trẻ xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.

Đọc bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của nhà thơ Đàm Chu Văn (Đồng Nai), tôi nhớ tới bài thơ Những cây thông kêu của nhà thơ Thanh Thảo. Bài thơ của Thanh Thảo viết cách đây một phần tư thế kỷ và được đăng lần đầu trên tạp chí Langbian số 1 (1988) của Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng. Nhà thơ nói lời những cây thông “ào vào tỉnh ủy” kêu “chúng tôi muốn sống đời thông”, cầu khẩn con người “xin đừng đốn chúng tôi”. Lập tức bài thơ gây xôn xao dư luận. Lập tức tạp chí xứ núi bị kiểm điểm. Những búa rìu đã được vung lên để đốn cây thông trong thơ và đốn cả cây thơ.

Bài thơ mang tên Phía ngược của nhà thơ Ngô Đình Miên (Bình Thuận) cũng bị làm om sòm năm 2008. Ngược là không đi lại những lối mòn quen thuộc một thời - Cỏ ngả rạp về cùng một phía/ Hoa nở chung một sắc màu đều. Ngược là đi về phía Đường hoa đủ màu, nhiều giọng hót chim/ Sỏi đá thật làm đau bàn chân thật. Bài thơ này khi in trong tập thơ riêng cùng tên của tác giả đã bị lãnh đạo tỉnh nhắc nhở, khi được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chọn vào Tuyển tập thơ Bình Thuận từ 1975 đến nay lại bị yêu cầu phải đưa ra.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Với bài thơ của Đàm Chu Văn, tôi thấy đây là một bài thơ buồn, rất buồn, một nỗi buồn của cây cỏ thiên nhiên khi bị con người tàn phá, quay lưng, một nỗi buồn cây mang phận người hay của người mang phận cây. Cái buồn thức tỉnh và thanh lọc. Nhà thơ Quang Dũng từng ước được như mây đầu ô bay thoát khỏi góc phố phường chật chội, thì Đàm Chu Văn thấy cây dầu “những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao” để thoát “hơi phố thị ngạt ứ lồng ngực”, đó là cách thơ giải thoát cho con người khỏi sự hung bạo và vô cảm trước cuộc đời, trước tự nhiên”.

Tạp chí Nhật Lệ (Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình) số 163 (tháng 10-2008) đăng bài thơ Gửi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ của nhà thơ Trần Quang Đạo với hai câu mở đầu: Quảng Bình có võ tướng văn nhân/ Nếu không có chị chỉ còn một nửa và ...Bởi chị là Quảng Bình/ chị nhìn thấy khoảng trời hố bom mà không ai thấy được. Ngay sau đó trên báo Quảng Bình (tháng 11-2008) đã có bài viết phê phán bài thơ và quy kết tác giả là đã “có những quan điểm lệch lạc xúc phạm đến võ tướng, văn nhân Quảng Bình. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật phải có bài nói lại, phân tích ý thơ của bài thơ này.

Nhớ lại mấy thí dụ trên để thấy vụ bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của Đàm Chu Văn bị cấp tỉnh bắt “đối thoại”, tiếc thay không phải là cá biệt ở nước ta. Những lần có vụ việc như thế xảy ra, tôi hay được bạn bè ở các địa phương nhờ lên tiếng “giải cứu” trên báo chí với tư cách một nhà phê bình, một người làm chuyên môn văn học. Nghĩa là các “bị can thơ” muốn tôi, và giới phê bình, giúp họ đọc thơ bằng con mắt văn học để minh định với những người đọc thơ bằng con mắt ngoài văn học một bài thơ là gì.

Có một thực tế nữa là gần đây những tác phẩm văn chương bị lụy oan thế này thường là thơ. Có lẽ thơ mơ hồ hơn, đa nghĩa hơn trong chính ngôn từ và cảm xúc nên dễ bị suy luận và suy diễn hơn khi đọc. Trong vụ hai bài thơ của Ngô Đình Miên và Trần Quang Đạo, khi biết được thông tin từ các bạn văn ở hai tỉnh báo về, tôi đã cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do trình độ của người đọc khác nhau, đưa tới những cách đọc khác nhau. Một bài thơ, bài văn khi in ra là một văn bản nghệ thuật. Mỗi người đọc văn bản đó theo trình độ của mình, và như thế văn bản chỉ có một nhưng tùy người đọc mà có những tác phẩm khác nhau. Trình độ đọc quyết định cách đọc, cách đọc quyết định tư cách đọc của độc giả. “Có đồng đẳng mới bình đẳng”, câu châm ngôn này có thể ứng vào đây được.

Như vậy, cũng để “giải cứu” thơ, tránh những chuyện đáng tiếc và thật ra là không đáng có, không nên có trong việc đọc văn chương; để đời sống văn học có được môi trường lành mạnh, thuận lợi cho tự do sáng tạo của các nhà văn, một trong những điều quan trọng là phải nâng cao trình độ đọc của người đọc. Đọc thơ khác đọc chữ.

K.Marx nói: “Người đi giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Tư tưởng này cần được quán triệt không chỉ trong khi đọc văn chương, và nhất là khi đọc văn chương. Bởi vì những bài thơ bị “rắc rối cố ý” nêu trên đây cuối cùng đều vẫn được in nguyên vẹn trong tập thơ của các nhà thơ, đều vẫn được đọc, cảm nhận bình thường và bình đẳng như các bài thơ khác.

Tác giả: Phạm Xuân Nguyên

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây