Lại lùm xùm thi thơ ĐBSCL

Thứ hai - 24/06/2013 02:58 4.937 0
Cuộc thi thơ ĐBSCL lần 5 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng đăng cai phát động từ giữa tháng 4-2012 nhưng mãi đến đầu tháng 6-2013 mới công bố 11 tác phẩm vào vòng chung khảo.
Minh họa: LAP
Minh họa: LAP
Ngay sau đó, trong giới văn nghệ ĐBSCL và các cộng đồng mạng đã có không ít tranh cãi xoay quanh cuộc thi lần này.

Phạm quy, đạo thơ và phản cảm

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Xuân cho biết trong 11 bài vào chung khảo đã có bốn bài, theo ông, là phạm quy. Ðó là các bài Phía mùa cam bạc lá, Tản mạn trưa (đã có trong quyển Cuối ngày nhặt sóng do Xí nghiệp in Tiền Giang in), Tôi đã từng đến biển (đã đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội cuối tháng 11-2012) và bài Về đồng mùa nước nổi được cho là “đạo thơ” từ bài Trở lại đồng tứ giác của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (trong tập Thơ Trịnh Bửu Hoài - NXB Ðồng Nai, 2006).

Riêng bài được cho là “đạo thơ”, khi đặt hai bài thơ Về đồng mùa nước nổi và Trở lại đồng tứ giác cạnh nhau thì bài thơ dự thi giống như là “lục bát hóa” bài thơ tám chữ của Trịnh Bửu Hoài: đầu tiên là số câu hai bài bằng nhau, và mỗi ý thơ nổi bật trong bài Trở lại đồng tứ giác đều được thể hiện trong bài thơ dự thi. Chẳng hạn, Trịnh Bửu Hoài viết: Mấy độ trăng vàng kia gác núi / Ðêm nay bỗng trượt xuống đồng bằng / Thương trăng vỡ trên dòng nước nổi / Gió thu gào khóc giữa mưa giăng, thì bài dự thi đã viết theo thể lục bát thế này: Trăng vàng gác núi lả lơi / Thình lình trượt xuống rong chơi đồng bằng / Vỡ trên dòng nước lăn tăn / Gió ào ào khóc mưa giăng. Sông tràn. Bốn đoạn còn lại của hai bài thơ cũng có sự trùng hợp và giống nhau như vậy.

Ðiều đặc biệt là bài thơ dự thi đã có người thừa nhận mình là tác giả, đó là Cao Phú Cường. Trên một diễn đàn mạng, tác giả này đã lý giải về sự giống nhau của hai bài thơ là: “Tâm hồn của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài và tôi có những sự đồng điệu”. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên ngày 21-6, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài xác nhận khoảng hai ba ngày trước đó tác giả trên có gọi điện cho ông nói xin lỗi vì đọc bài thơ của ông lâu quá rồi quên chứ không cố tình.

Ngoài ra, bài thơ vào chung khảo Tôi đã từng đến biển cũng bị nhà thơ Lê Xuân cho rằng nội dung không những không ca ngợi biển mà từ ngữ, hình ảnh trong bài thậm chí còn xúc phạm biển và ngư dân. Ông dẫn chứng câu Mang những cánh tay nhẹ nhàng vơ vét thiên nhiên trong bài này và cho rằng chỉ có kẻ thù mới vơ vét tài nguyên khoáng sản. Cách ví Những ngư phủ như những chú cá thòi lòi trong bài này cũng có thể hiểu là xúc phạm ngư dân vì thòi lòi là loài rất nhát, gặp người và vật lạ là thụt vào hang trốn. Bài thơ với những hình ảnh, chi tiết phản cảm như thế lại vào chung khảo thì thật khó hiểu.

Không biết ban giám khảo

Mặc dù danh sách các bài thơ vào chung khảo đã được công bố, nhưng người dự thi và công chúng quan tâm vẫn không biết ban giám khảo của cuộc thi lần này là ai. Nhà thơ Vũ Minh Nguyệt cũng sốt ruột: “Ðúng ra phải có kết quả từ năm ngoái. Tôi nghe nói sắp tới họ mời chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật 13 tỉnh ÐBSCL họp giải quyết chứ cũng không biết là khi nào nữa. Bây giờ cũng không biết ban giám khảo là ai”. Chia sẻ về điều này, có nhà thơ nhận định: nên công bố thông tin về ban giám khảo như một cách tạo niềm tin và tôn trọng người dự thi. Trong khi đó, kèm theo danh sách 11 tác phẩm vào chung khảo, ban tổ chức kêu gọi “mong nhận được ý kiến phản hồi (nếu có) đến hết ngày 20-6-2013 trước khi công bố và trao giải cuộc thi”. Ðiều này mang hàm ý ban tổ chức (và có thể cả ban giám khảo) đang thiếu tự tin trong việc đánh giá tác phẩm dự thi, hay đây là cuộc thi cần ý kiến phản hồi theo lối khen - chê bình chọn?

Ngoài thời hạn ngừng nhận bài vào ngày 27-9-2012, trong thể lệ cuộc thi cũng không cho biết cuộc thi có mấy vòng, khi nào công bố tác phẩm đoạt giải, thời điểm sẽ tổng kết trao giải là lúc nào... Nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi (Bạc Liêu) cho rằng nếu có trục trặc, kéo dài thời hạn chấm giải, trao giải thì ban tổ chức phải ra thông báo, nếu không người ta sốt ruột rồi lấy bài gửi đăng báo khác thành ra phạm quy.

Phóng viên đã liên hệ với ông Văn Ngọc Nhuần, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng - trưởng ban tổ chức Cuộc thi thơ ÐBSCL lần 5, nhưng ông Nhuần cho biết chưa có ý kiến gì vì hiện nay chưa có kết luận thế nào. Ông Nhuần nói: “Chắc đầu tháng 7 tới có hội nghị (Hội Văn học nghệ thuật - PV) các tỉnh ÐBSCL, trong đó có bàn về vấn đề cuộc thi thơ. Ðể lúc đó có ý kiến các hội văn học nghệ thuật thống nhất thì đưa lên chính xác hơn, chứ bây giờ đưa lên lại rối”.

Không khỏi lắc đầu

Ðược biết vòng sơ khảo Cuộc thi thơ ÐBSCL lần 5 nhận được hơn 800 bài dự thi, ban tổ chức đã chọn 40 bài vào vòng chung khảo và sau đó chọn 11 bài trong số này để chấm giải. Cuộc thi thơ ÐBSCL bắt đầu từ năm 2002 do Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Ðình Chiểu (tỉnh Bến Tre) tổ chức, được các tỉnh ở ÐBSCL luân phiên đăng cai tổ chức hai năm một lần, là sân chơi thơ lành mạnh ở đồng bằng Nam bộ. Ðáng tiếc cung cách tổ chức qua mấy lần vẫn còn nhiều khập khiễng.

Cuộc thi lần 4 mới đây vẫn còn dư âm trong giới yêu thơ khi bài Trăng nghẹn của Hoài Tường Phong (Cần Thơ) đã được trao giải nhất rồi sau đó lại bị loại khỏi giải. Nhớ lại bài thơ Trăng nghẹn với những câu rất thơ và rất thực như: Ðồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi: / Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất / Ðầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất / Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa từng bị loại khỏi giải, trong khi những câu lục bát “chuyển thể từ thơ người khác” lại đang vào chung khảo, khiến nhiều người yêu thơ không khỏi lắc đầu. 

L.ÐIỀN - C.QUỐC

 

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây