Cần xem lại nội dung phản cảm của bài thơ “Tôi đã từng đến biển”
Thứ năm - 13/06/2013 05:524.6440
Trong mấy ngày qua, giới văn chương khá xôn xao về 11 bài thơ vào vòng chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ V-2012 do Ban tổ chức là Hội VHNT Sóc Trăng công bố. Ngoài nghi án tác phẩm “Về đồng mùa nước nổi” (MS: 096A) vừa bị phát hiện có những sự giống nhau kỳ lạ với một bài thơ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài còn có một tác phẩm khác cũng “hơi có vấn đề”, đó là bài thơ “Tôi đã từng đến biển” (MS: 019E). Bài thơ này cũng đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số cuối tháng 11-2012, như vậy có được (bị) xem là vi phạm thể lệ cuộc thi?
Trong bài thơ này có những chỗ tối nghĩa, thậm chí có chỗ phản cảm. Xin được phân tích sơ lược qua bài viết ngắn này.
Tôi đã từng đến biển (MS: 019E)
Biển là trời xanh trôi trên mặt đất Những con thuyền như chiếc lá trôi trên lòng biển mẹ Mang những cánh tay nhẹ nhàng vơ vét thiên nhiên Đánh thức nàng công chúa sau một thời gian ngủ quên
Tôi đã từng đến biển Những ngư phủ như những chú cá thòi lòi Bám biển như bám đất phù sa Ngóng gió, ngóng mây, ngóng từng biến động
Biển không cho ta thấy giới hạn Nhưng lại giúp ta nhận ra giới hạn của mình Và ta lớn lên khi đến biển Cũng như biển từng nhỏ lại ở trong ta.
Phân tích khổ đầu tiên, ta chú ý (và bị “sốc”) với hai câu này:
“Những con thuyền như chiếc lá trôi trên lòng biển mẹ Mang những cánh tay nhẹ nhàng vơ vét thiên nhiên”
Câu trên không có gì, nhưng khi gắn với câu dưới thì rất khập khiễng. Hình ảnh thuyền như lá trôi trên biển gắn với hình ảnh “mang những cánh tay” liệu có khập khiễng chăng. Nếu nhận xét “nặng” thì nó khập khiễng, nếu nhận xét “nhẹ” thì nó không có một tí chất thơ nào!
Đặc biệt nhất, một hình ảnh rất phản cảm là “vơ vét thiên nhiên”. “Vơ vét” có nghĩa là lấy đi cho bằng hết, lấy không chừa lại thứ gì. Hay hiểu theo cách khác thông dụng hơn là sự bóc lột, trấn lột để lấy tài sản. Chúng ta thường gặp ở những câu: “Thực dân Pháp ra sức vơ vét tài nguyên nước ta”, “Chính quyền Bắc thuộc vơ vét sản vật của Giao Chỉ”… Việt Nam có chủ quyền trên biển, thì khai thác biển là chuyện đương nhiên, tại sao lại “vơ vét”, mà “vơ vét” của ai? Nếu không thích dùng từ “khai thác” tác giả có thể dùng từ khác, chứ dùng “vơ vét” thì quá phản cảm. Không biết bài thơ này là viết để bảo vệ luận điểm của ai? Hay là tác giả bài này không hiểu từ “vơ vét” nghĩa là gì?
Chỉ với từ “vơ vét” này thôi, thì tác phẩm này dù hay đến mức độ nào cũng không xứng đáng nhận giải, dù là giải khuyến khích cũng không xứng đáng, thậm chí là không xứng đáng lọt vào chung khảo. Từ “vơ vét” thể hiện một con người coi thường biển Tổ quốc.
Đoạn tiếp theo, ta chú ý đến hình ảnh:
“Những ngư phủ như những chú cá thòi lòi Bám biển như bám đất phù sa”
Tác giả so sánh “ngư phủ” như “cá thòi lòi” cũng hết sức phản cảm. Trong khi cả nước đang hướng về những ngư dân, ca ngợi người ngư dân anh dũng, thì tác giả lại ví họ với “cá thòi lòi”. Lại thêm hình ảnh so sánh “bám biển như bám đất” thật khó hiểu? Nếu giải thích rằng câu thơ trên có ý nghĩa là ngư phủ bám biển như cá thòi lòi bám đất, thì câu thơ lại rất ngô nghê. Bởi vì cá thì làm sao bám đất phù sa được đây? Cá thòi lòi là loài cá sống trong hang hốc dọc các bãi lầy ở cửa sông, như vậy thì sao chúng “bám đất phù sa” ? Một ý tứ hết sức ngô nghê.
Đến câu “Ngóng gió, ngóng mây, ngóng từng biến động” thì tôi xin được hỏi có nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nào có thể giải thích dùm tôi cụm “từng biến động” nghĩa là gì không? Đây là một cụm tối nghĩa, chứng tỏ tác giả không hiểu gì cả, chỉ gán ghép chữ nghĩa thành hình ảnh thôi. Đoạn thứ hai của bài này đọc lên rất buồn cười, thậm chí không bằng cả một đoạn văn xuôi tả cảnh biển của học sinh.
Đoạn cuối, có hai câu đầu “Biển không cho ta thấy giới hạn / Nhưng lại giúp ta nhận ra giới hạn của mình” là khá. Tuy nhiên, hai câu sau “Và ta lớn lên khi đến biển / Cũng như biển từng nhỏ lại ở trong ta” thực sự lại là hai câu tối nghĩa và. Ta có thể “lớn lên khi đến biển” nhưng tại sao lại có thể “Cũng như biển từng nhỏ lại ở trong ta” ? Biển “nhỏ lại ở trong ta” là sao, nhỏ thế nào mà “nhỏ lại ở trong ta” được? Về chi tiết này, nhà LLPB Lê Xuân (Cần Thơ) nhận xét: “Dĩ nhiên thơ không cần chỉ rõ như văn xuôi mà chỉ gợi, nhưng gợi như thế thì ngô nghê quá”.
Tóm lại, bài thơ “Tôi đã từng đến biển” (MS: 019E) này chỉ nói chung chung sơ sài về biển mà không có một tứ nào đắt, ấn tượng. Đọc xong cũng chẳng đọng được gì trong lòng bạn đọc. Chẳng những thế còn phản cảm bởi “vơ vét” và “cá thòi lòi”. Nhà LLPB Bùi Công Thuấn (Đồng Nai) nhận xét: “Bài nói được điều gì, ngoài sự mơ hồ, chung chung. Tôi không biết bài này có nằm trong tiêu chí viết về biển đảo không”.
Thật khó hiểu khi bài thơ này lọt vào vòng chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL?