Bài thơ được đánh giá là "một bài thơ tuyệt tác" và được nhiều nhà nghiên cứu khai thác từ nhiều góc độ: nhịp thơ ngũ ngôn, tính bi kịch, triết lý về thời gian, tình thương người, nỗi buồn hoài cổ, cảm hứng bi ca… Bài thơ đã được dịch sang tiếng Pháp và xung quanh nó có biết bao là đối thoại.
Các bạn văn gọi Vũ Đình Liên là Ông đồ. Ông cũng tự nhận mình là "Ông đồ hiện đại" (lettré moderne). Theo Hoài Thanh, "Ông đồ" là sự kết hợp của hai nguồn cảm hứng tình thương người và lòng hoài cổ và có thể nó còn là hợp lưu của nguồn cảm hứng thứ ba, đó là nghề dạy học. Vũ Đình Liên là một nhà giáo lâu năm. Bên cạnh việc làm thơ, ông còn viết nhiều sách giáo khoa. Cùng với một số người bạn cũng là nhà giáo, các ông thành lập Nhóm Lê Quý Đôn viết lịch sử văn học từ những năm 60 của thế kỷ trước và dịch các tác phẩm văn học Pháp. Hơn nửa thế kỷ dạy học, năm 1990 ông được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Ở Hà Nội có ba địa chỉ gắn bó sâu sắc với Vũ Đình Liên. Đó là Chùa Bộc, ngôi nhà 156B Bà Triệu và 11 phố Hàng Bông. Có thời gian ông sống từ bi, ẩn dật trong Chùa Bộc. Và có một ngày thu vàng nắng của năm 1986, ngôi chùa tĩnh lặng bỗng xôn xao náo nhiệt vì sự đông vui ồn ã khác hẳn ngày thường, khiến những người xung quanh không khỏi tò mò, ngạc nhiên. Đó là ngày bè bạn và các học trò của nhà thơ Vũ Đình Liên tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày ra đời bài thơ "Ông đồ" dưới mái Chùa Bộc.
Thời gian sống ở đây đã khiến ông suy ngẫm rất nhiều về đạo Phật. Vốn là người hướng nội, gần gũi với thập loại chúng sinh, hồn thơ ông càng thấm đẫm tinh thần bác ái của nhà chùa. Ông viết về Phật Bà: "Nghìn mắt không nhìn hết khổ đau/ Nghìn tay nâng chẳng nhẹ u sầu"; về triết lý đời sống theo cảm nhận của riêng ông: Đời người là đau khổ/ tình người là xót thương. Ngôi nhà ở Bà Triệu là nơi ông sống những năm cuối đời. Trên hè phố Bà Triệu, nhiều người thường gặp ông nhẩn nha đi bộ, gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc, vầng trán mênh mông, bên hông lúc nào cũng đè nặng chiếc cặp da đen sờn cũ, đầy ắp sách vở, tư liệu, bản nháp thơ và chắc chắn trong đó không thể thiếu toàn tập thơ Baudelaire bằng tiếng Pháp và bản dịch của ông. Vũ Đình Liên rất mê Baudelaire. Ông đã dịch "Những bông hoa ác" và hàng trăm bài thơ của tác giả này. Ông say mê đến mức mọi người gọi ông là Bôđơ… Liên. Và có nhà thơ Pháp đã gọi ông là "Baudelaire Vietnamien".
Ngôi nhà 11 phố Hàng Bông thường được gọi là Gác Lưu xá, là một nơi chốn đầy ý nghĩa trong đời sống tinh thần của Vũ Đình Liên. Đây là nhà riêng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, một người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ Thủ đô. Ông đã lưu giữ được nhiều tấm ảnh, bức tranh và tư liệu văn học nghệ thuật quý hiếm. Ngôi nhà này là nơi gặp gỡ và đàm đạo văn chương của ba nghệ sĩ: nhà thơ Vũ Đình Liên, họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Do đó căn gác này còn những tên gọi khác nữa là "Lầu Tình bạn" hay "Bảo tàng Lưu - Liên - Phái". Tại đây có treo đôi câu đối: Nhân loại xây Đền Văn hoá mới - Hoà bình dựng Tháp Đại đồng xưa, do Vũ Đình Liên làm và Bùi Xuân Phái viết. Tại ngôi Đền Văn hoá này, vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày giỗ của Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Hugo, Baudlaire… trầm hương trên bàn thờ lại thành kính toả khói nghi ngút để tưởng nhớ những bậc tài danh của đất nước và nhân loại.
Sinh thời Vũ Đình Liên là một người trọng tình bạn và luôn xót thương những người bần hàn, khổ sở. Có những ngày Tết, ông gói một đùm bánh chưng rồi ra đi không ăn Tết ở nhà. Con cháu đi tìm thì thấy ông đang ngồi ăn cùng với vài người cơ nhỡ ở sân ga. Nhắc đến Vũ Đình Liên, người ta thường nhắc đến "Ông đồ" mà ít người biết tới một chùm thơ về người đàn bà điên khá độc đáo, liên quan đến thói quen của ông. Có thể nói chùm thơ này biểu hiện tập trung phong cách thơ Vũ Đình Liên sau 1945, thể hiện rõ nét sự ảnh hưởng sâu sắc thơ Baudelaire, từ nghệ thuật cấu tứ cho đến hình ảnh, ngôn từ, âm điệu.
Tết năm Bính Thìn (1977) nhà thơ lên Thái Nguyên ăn Tết với bà con, bạn bè. Khi tàu hoả đến ga Lưu Xá, cách Thái Nguyên khoảng 10 cây số, ông gặp một người đàn bà điên áo quần tả tơi, ngồi bệt dưới sàn tàu. Người điên và nhà thơ nhìn nhau xót thương, một mối tình câm lặng. Ngay đêm hôm đó ông làm bài thơ "Người đàn bà điên ga Lưu Xá": "Người đàn bà điên ga Lưu Xá/ Ngồi ngay trước mặt dưới chân tôi/ Ai vẽ được thiên tài hội họa/ Chân dung kia kinh tởm tuyệt vời/ Công chúa điên rồ và rách rưới/ Hình ảnh lạ lùng chửa có hai/ Cả tưởng tượng Đông Tây cộng lại/ Khôn dựng nên dù một phần mười/ Bao tải xơ ni lông nát vụn/ Sợi dây thừng buộc mũ rách bông/… Tôi ngồi ngắm mắt không hề mỏi/ Đống rác kia xưa đã là hoa… Ai dun dủi và ai sắp đặt/ Một nhà thơ với một người điên/ Tôi bắt gặp ba lần cặp mắt/ Nhẹ căm thù như muốn làm duyên"… Lúc này trong toa xe mọi người đã xuống hết, không còn ai nữa. Nhà thơ lấy trong túi xách ra một góc bánh chưng, một gói mứt sen nhỏ, hai tay nâng gói quà Tết trao cho người đàn bà điên: "Người nhận quà đưa tay đón tay/ Chẳng rằng chẳng nói mặt như ngây/ Chia tay không một lời hò hẹn/ Hai mặt ảnh hình bốn mắt ghi/… Tôi đi tìm đến những người thân/ Bè bạn cháu con xa với gần/ Ngày Tết cổ truyền vui thiếu đủ/ Nhìn mặt người như ngắm hoa xuân/ Còn tôi biết cuộc đời đã trút/ Lên hoa kia sương tuyết nặng dày/ Đời độc ác lòng người bội bạc/ Làm hoa kia thành đống rác này/ Đời sẽ đổi lòng người sẽ đổi/ Sẽ trở về tình xót nghĩa thương/ Hãy trút hết áo quần hôi thối/ Cho thịt da lại toả hương thơm/ Người em Lưu Xá ở đâu đây/ Có thấy ấm lòng xuân nắng hây/ Một đóa hoa tàn nay nở lại/ Thắm hồng trong buổi mới xuân nay".
Mười năm sau, 1987 cũng ở ga Lưu Xá, nhà thơ gặp lại người đàn bà đó, tuy vẫn còn hoang dại nhưng đã bớt phần rách rưới điên loạn. Dưới bóng trăng mờ, người đàn bà nắm tay nhà thơ và đưa tiễn ông đến hai ga sau. Ngay sau đó ông sáng tác bài thơ "Gặp lại người đàn bà điên" ghi lại cảm xúc của mình. Năm năm sau, 1992 người đàn bà đến tìm nhà thơ ở nhà riêng tại phố Bà Triệu. Bây giờ người điên ấy đã là một cô gái đẹp. Một mối tình huyền thoại. Và ông viết tiếp bài thơ "Người điên - Nàng tiên": "Đông Tây, Thi Họa tương phùng/ Cổ kim nghệ thuật tình thương thần kỳ…/ Thịt da trầm tỏa hương bay/ Như hồi đôi tám thơ ngây má hồng". Trong lần gặp gỡ đầu tiên, nhà thơ của tình thương đã nhìn thấy ở "cái xác thối tha ấy" một bông hoa toả hương, một mối tình xưa tinh khiết. Có lẽ đó là cảm hứng bắt nguồn từ nhiều bài thơ của Baudelaire mà ông đã dịch và ngấm vào trong máu thịt (Hãy yêu họ, vì dưới những manh quần rách tã/ Những tấm áo mong manh vẫn là những tâm hồn". Thơ Baudelaire qua bản dịch của Vũ Đình Liên). Cũng như "Ông đồ", xung quanh bài thơ này lại có bao lời bình luận và đối thoại. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã minh họa người đàn bà điên trong một bức tranh kỳ dị và Trần Văn Lưu là người đã cất giữ bức tranh này.
"Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ". Đó là một câu hỏi đầy khắc khoải vang lên như tiếng nói từ nghìn xưa vọng về. "Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay". Nhưng có một người đã "hay" và may sao người đó lại là ông - nhà thơ Vũ Đình Liên, người đã xót xa, lặng lẽ, cảm thông để viết nên bài thơ sống mãi cùng năm tháng.
Tác giả: Lưu Khánh Thơ
Nguồn tin: ANTG
Ý kiến bạn đọc