Năm 2005, tôi rất vinh hạnh được gặp người, lần đầu tiên tại khách sạn Hoàng Gia Yên Bái (giữa một vùng núi cao, lại đột ngột xuất hiện những hồ nước xanh biếc, phong cảnh thật nên thơ). Người đi dự Đại hội Nhà văn 25 tỉnh phía Bắc, trước thềm đại hội Nhà Văn Việt
Ngay từ phút đầu tiên, Kim Chuông đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm mến. Đó là sự hồn nhiên, cởi mở, chân thành. Khi tôi ngồi nghe Kim Chuông đọc thơ lục bát tình yêu, với những câu thơ hay đến kỳ lạ, thì tôi đã hoàn toàn bị khuất phục và cảm thấy mình rất nhỏ bé trước tài năng thi ca của người.
Hôm em cúi xuống gội đầu
Làm tôi chết đuối bên cầu ao quê
Rồi hôm em tắm chiều về
Nước sông trong quá, trăng thề lại soi…
(Em xưa)
Hoặc:
Mặt trăng thành mặt trăng tình
Cái đêm Thị Nở đốt mình vì yêu
Cái đêm vườn chuối Chí Phèo
Xóm thôn đất đá, cột kèo cưới nhau
Đất đá, cột kèo cưới nhau thì tài quá! Lạ quá! Độc đáo quá! Và, đây nữa, một nỗi buồn mênh mang, vời vợi:
Hình như chỉ một lần này
Bến sông với chuyến đò đầy biệt tăm…
(Hình như)
Ngay từ hồi còn nhỏ, Kim Chuông đã đắm mình trong Tứ thư, Ngũ kinh của Khổng tử, rồi “Vô tạo giả, Vô ngã, Vô thường” của Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật. Nhưng, qua thơ, tôi thấy, cái mà Kim Chuông còn mê đắm hơn tất cả sự mê đắm nói trên, đó là mê gái! Chàng thi sỹ đa tình này lúc nào cũng thích rượu ngon và gái đẹp. Người chẳng cần gìn giữ gì cả, cứ bô bô nói trước thiên hạ rằng, “Đời còn đâu lắm Thuý Kiều / Nên ta đã gặp là theo đến cùng… (Bài II). Nghĩa là, Kim Chuông mê gái với một quyết tâm rất cao, bất chấp mọi gian nguy, thử thách:
Thuyền em chưa bến bình yên
Còn chao đảo sóng, còn nghiêng ngả chèo
Tôi thì muốn buộc dây lèo
Kéo co với cả mưa chiều và giông…
(Hai ta)
Rồi, anh thú nhận:
Tính ta nông nổi thật thà
Thấy mây là ngắm, thấy hoa là nhìn
Thấy em xinh đẹp dịu hiền
Là ta làm sóng, làm thuyền đảo chao…
(Gió mềm)
Kim Chuông đã khoe với bàn dân thiên hạ về “Đức mê gái” của mình một cách chân thật, hồn nhiên và rất đáng yêu. Chẳng ai có thể chê trách anh về điều ấy cả. Vì đàn ông là sống cho đàn bà, chết cho bản thân, nhưng không phải trên đời này ai cũng được như thế!
Kim Chuông không chỉ không ngại ngùng khoe mình mê gái mà anh còn không ngại ngùng khoe mình nghèo kiết xác: “Anh chẳng có gì chỉ hai bàn tay trắng, căn phòng 9m2, khu tập thể Nhà In, hai giường một ghép đôi, chiếc xe đạp cà tàng, với chiếc quạt 35 đồng nom như là chong chóng… Rồi, “Khi yêu nhau, khi cưới nhau, chỉ một mảnh trăng gầy đứng chờ ta đầu ngõ… (Anh và em).
Kim Chuông nghèo về vật chất, nhưng người tình thì lại giàu có như lá mùa thu. Hình như, đó là quy luật bù trừ mà tạo hoá đã ban tặng cho thi sỹ, mà người ta vẫn gọi là “Số đào hoa”.
Người tình - Hình như luôn là đòn bẩy cho anh, mặc dù chỗ dựa đó không vững chắc, luôn di động, thất thường mưa nắng… đã mang đến cho anh những cảm xúc sáng tạo mới mẻ. Khao khát yêu thương đến cháy bỏng và đau khổ đến tận cùng. Hai điều đó, luôn song hành trên đường đời của các thi nhân và sinh ra những tác phẩm làm chấn động thế gian, chuyển rung trời đất…Kim Chuông nhiều khi ngả nghiêng trong giông bão cuộc đời, cũng đã vịn vào những cuộc tình đó để đứng dậy, để vượt qua cô đơn, buồn chán vươn về phía hy vọng. Mặc dù sau hy vọng đó, anh lại rơi vào buồn chán cô đơn. Ta thầm ghen với anh trước vầng trăng mười sáu sáng giữa bãi ngô xưa, đẹp và thơ mộng vô cùng:
“…Mỗi bận thuyền ta ngả nghiêng bão táp, anh lại mang vành trăng mười sáu nõn nà chìm giữa bãi ngô xưa lại mọc xanh giữa loan phòng hai đứa…”
(Căn phòng nhỏ)
Nếu không có nỗi đau, không có hy vọng thì không có thi nhân. Hay nói một cách khác, thi nhân được cấu thành từ hai phẩm chất đó, như sành sứ được cấu tạo từ đất và lửa. Kim Chuông đã nói điều này bằng thơ rất hay : “… Cần một chút em về rồi xa mãi, một chút yêu, chút nhớ, chút giận hờn, chút búa rìu, chút dịu dàng, chút kinh thành đổ vỡ, chút bồi hồi thềm phù sa hồi sinh…/ Cần một chút lặng câm và náo động, một chút đau như canh bạc đêm tàn, Cần một chút cô đơn không ai cả, Lại cần đến dường nào Xuân đến có Em - Anh!...” (Ở một góc ngày về)
Khát vọng yêu thương luôn thắng thế và vượt qua tất cả nỗi cô đơn, khổ đau và bất hạnh. Chẳng có sương muối gió đông nào có thể ngăn cản được sức sống của mùa xuân. Đó chính là tình yêu mà Kim Chuông vẫn thường hát lên bằng tất cả sự khao khát của mình. Anh cứ thế truyền lửa ấm cho mọi người qua những trang thơ tình say đắm. Mặc dù, tình riêng của anh nhiều khi lại lạnh cóng …
Yêu là thế. Thương là thế. Nhưng trớ trêu thay cuộc đời của thi sỹ như một đường tàu có rất nhiều sân ga cô đơn. Mỗi một ga lại có một người tình đi ngang qua, để lại bao kỷ niệm đau buồn và nuối tiếc. Có lúc, Kim Chuông ngoái nhìn và không khỏi bàng hoàng trước sự trống vắng đến ghê người: “…Cuối nẻo trời mờ mịt hoàng hôn, trăm năm, ngàn năm, chỉ còn lại mây bay gió tạt. Một đám tro khô xác. Một bóng cây ngơ ngác nhớ thương rừng. Một vườn trồng bỏ lại những mùa không…” (Anh và em)
Trên con đường dằng dặc mịt mờ hoàng hôn đó, không chỉ có mây bay, gió tạt, không chỉ có tro tàn khô xác, mà còn có cả những cơn mưa, làm cho cõi lòng của tác giả thêm giá lạnh.. Đó là lúc Kim Chuông tự vấn trước mình, tự vấn trước vòm trời không em :
Bây giờ ngồi ngắm cơn mưa
Lòng ta còn lạnh bốn mùa không em
(Tự vấn)
Bốn mùa, không biết tìm đâu trong cái thời gian dằng dặc ấy, trong cái không gian mênh mông ấy, một chấm đỏ em về?
Chiều mưa, rồi màn đêm buông xuống, anh vẫn ngồi một mình trên đường tàu, đợi ai? Không có ai cả. Nghĩa là, anh đợi chính mình. Nhưng mình đang ở đâu ? Không biết. Chỉ thấy một đám mây đang bồng bềnh phiêu dạt ở cuối trời:
Chỉ còn ta đợi ta thôi
Đêm thông thênh quá, ta ngồi thông thênh
Đợi ta, ta nhận ra mình
Lòng ta ở đám mây bềnh bồng xa…
(Đợi)
Càng viết, thơ Kim Chuông càng sâu thăm thẳm, đau xót lạ lùng. Và, khi ấy, thơ Kim Chuông bật ra từ gan ruột mình ngỡ như chẳng cần phải chữ nghĩa văn chương cầu kỳ chi cả. Sự giản dị đến độ như thế thường mang lại cho thơ một sức mạnh diệu kỳ.
Kim Chuông viết:
Ta không biết ốm đau gì
Lạy Giời, ta ốm ai đi chợ chiều
Ai lo cho bữa cơm nghèo
Ai nâng giấc những đêm nhiều trống canh…
(Một mình)
Trong tiếng than não nuột ấy, Kim Chuông vừa ơn trời, nhưng lại vừa trách trời. Cuối cùng là trách cái phận mỏng hẩm hiu của mình:
Lòng ta rộng đến thùng thình
Cô đơn bốn mặt, gió rình rập chao”…
(Bài Bốn)
Rồi,
Vợ không, con ở xa nhà
Một mình ta sống riêng ta một trời…
(Một mình)
Đi tận cùng cô đơn tưởng Kim Chuông sẽ rơi xuống vực
thẳm. Nhưng không, bên bờ vực thẳm ấy, Kim Chuông đã tìm thấy ý nghĩa lớn lao của cuộc đời mình. Cái ý nghĩa để anh còn muốn sống, muốn tồn tại và vượt lên. Đó chính là tình bạn:
Đời ta thôi chẳng còn gì
Còn dăm thằng bạn sống vì nhau đây
Dăm con tim giữa tim này
Thương nhau mòn mỏi, hao gầy ngày xa
(Một mình)
Kim Chuông viết rất nhiều thơ về bè bạn. Bè bạn mới là tay vịn của cuộc đời anh. Điều này đã nâng tầm vóc của nhà thơ lên những cung bậc mới, vạm vỡ và cao lớn hơn. Đó là những tình cảm rất chân thành, không “hờ thuê, khóc mướn”, không giả dối, điểm trang.
Trời cho ta có bạn bầu
Thế gian này hỏi ai giàu hơn ta?
(Tặng Trọng Khánh)
Hoặc:
Đêm nay bong bóng một mình
Một mình ta gọi cho thành ba ta
(Ba ta một lứa bên trời)
Hoặc:
Ta thường lạnh lắm đêm sâu
Nhiều đêm thức dậy gọi bầu bạn ơi!
(Gửi Hà Cừ)
Tiếng gọi bạn của Kim Chuông trong những đêm cô đơn thanh vắng, nhiều khi vang lên như tiếng vạc gọi bầy giữa trời đêm. Khi mà nhân gian đang chìm trong những giấc ngủ say, chỉ ai thức mới nghe được những tiếng vạc như những tiếng nấc ấy. Tiếng trái tim của nhà thơ đang nối rộng vòng tay bè bạn. Những vòng tay toàn cầu…
Thơ Kim Chuông có những trăn trở khám phá, tìm tòi trên nhiều thể loại, nhiều đề tài, giống như một cuộc đi tìm mình, phát hiện mình. Ở thể loại thơ lục bát và thơ lòng thòng như văn xuôi, ta thấy thơ Kim Chuông luôn lấp lánh, tài hoa, có sức quyến rũ, làm say đắm hồn người. Tuy nhiên, trên hai thể loại này, Kim Chuông cần ngắn gọn hơn, cô đọng hơn, bớt đi những câu chữ rườm rà để ý thơ được sáng rõ. Ngược lại, ở những thể thơ ít lời, như thơ 4 chữ, thơ 5 chữ, ta thấy ngòi bút Kim Chuông không còn khả năng tung hoành, chỉ còn một Kim Chuông mờ nhạt, đông cứng, lạc lõng trong những cánh rừng lộng lẫy của thơ anh. Đôi khi người tiều phu ngơ ngác, không nhận ra anh nữa.
Một nhà thơ thường bắt đầu từ sự giản dị, trong sáng. Khi đã đạt được độ uyên thâm, thơ họ trở nên cao siêu, lạ lẫm, bí hiểm. Và, cuối cùng, sau bao nhiêu tìm kiếm, trăn trở, tưởng mình đã đi được xa lắm, không ngờ họ lại trở về với bước đi chập chững thuở ban đầu. Thơ Kim Chuông đang có xu hướng ấy. Có thể, Kim Chuông muốn tước đi những thứ không cần thiết, xa lạ và rối rắm để trở về với sự hồn nhiên, tươi tắn, trở về với hồn cốt của người Việt Nam, những con người mặt tròn vành vạnh như trăng rằm, nói đặc tiếng Việt, chứ không phải những tiếng xì xồ, lơ lớ…
Còn một điều muốn nói, đó là hình tượng thơ của Kim Chuông. Thơ Kim Chuông luôn tinh tế, kín đáo, đầy tâm trạng và rất giàu hình tượng nghệ thuật. Anh tả một con sông đang trôi giữa trời giống như người con gái khoả thân đang tắm, vì chảy qua nhiều bến vắng, nên sông không cần phải gìn giữ:
“Sông tắm giữa trời vô tư chẳng cần gìn giữ…”
(Sợ)
Một cây hoa gạo nở đầy hoa, rộn ràng như người con trai đội lễ đến nhà người yêu xin chạm ngõ:
“Hoa gạo cõng đầy mình mâm rượu đỏ khổng lồ đi chạm ngõ…”
(Nghe)
Và, đây nữa, trăng trong thơ Kim Chuông không say, không điên như trăng trong thơ Hàn Mặc Tử. Nó tĩnh lặng hơn, đẹp hơn, dễ ngắm nhìn hơn. Song, không phải vì thế mà mất đi sự bay bổng, lãng mạn :
Tôi liều phen đến hai lần
Dẫn trăng về ở rất gần đêm mơ
(Tự vấn)
Rồi,
“… Nhiều đêm, nhiều đêm… hồn tôi tanh bành gió
Mảnh trăng Thuỷ Nguyên neo mãi chiếc neo vàng…”
(Thuỷ Nguyên, ở nơi này tôi có)
Đêm, hồn người, gió, mảnh trăng, chiếc neo vàng… đã mang đến cho thơ Kim Chuông những hình tượng thơ rất đẹp, rất lãng mạn. Và, trên đó là sự sang trọng, tao nhã.
Mảnh trăng - Chiếc neo vàng - Quả chuông - Và, Kim Chuông (tên anh) cũng chỉ là một. Đó là lời cuối, tôi muốn nói với bạn đọc và cũng là lời tạm biệt với Kim Chuông, chàng thi sỹ đa tình! Thơ anh, từ lâu đã dõng dạc vang lên trên thi đàn và ngân nga trong lòng bạn đọc!
Tác giả: Đinh Nam Khương
Nguồn tin: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc