Những năm 90 của thế kỷ XX, mấy đứa chúng tôi vừa học cao học bên sư phạm xong. Cả đám quần tụ nơi Cầu Giấy. Có đứa chưa muốn rời Hà Nội về quê. Có đứa đã rất nhanh ấm chỗ. Tôi may mắn hơn, được về bên trường Báo chí công tác.
Trần Hòa Bình lúc đó cũng từ ĐHSP Hà Nội 2 (Xuân Hòa) về trường Báo chí. Thế là mấy anh em líu ríu suốt với nhau. Tôi lúc đó đang còn độc thân. Trần Hòa Bình thì cũng lại vừa “lỡ bước sang ngang”.
Căn phòng 14 m2 của anh là nơi anh em văn nghệ, đàn em, học trò tụ bạ. Trần Hòa Bình là người chịu đựng sự quấy quả của người khác phải nói đến mức... phi thường. Mà lúc nào anh cũng tươi vui như không.
Nơi anh ở, không lúc nào vắng người. Khi thì bạn gần. Lúc lại bạn xa. Có lần học trò. Lần khác đàn em. Có lúc đơn giản chỉ là độc giả hâm mộ tìm đến. Trần tiếp hết. Vui hết. Không tỏ ra ngại khó với bất cứ ai. Đến bữa, thì tiện đấy, có gì ăn nấy.
Các chú rủng rỉnh thì mua cút rượu, chai bia về cho vui. Còn không thì cũng chẳng sao. Có hôm đến bữa, trong nhà không còn gì để nấu. Chắc là trong túi cũng hết tiền. Trần Hòa Bình lúng túng. Khách biết ý, trong túi có tiền, lén ra mua chút thức ăn sẵn mang về; hoặc rủng riểng hơn thì rủ nhau đi quán. Ngày ấy nghèo lắm. Quán xá cũng chỉ cơm bình dân rau đậu, dăm xu rượu đã vui suốt bữa.
Tôi vốn là học trò lớn tuổi, kém thầy Trần Hòa Bình ba bốn đốt, được Trần “nhấc” lên cho là “ông em”. Những ngày ấy cũng cứ quần tam tụ ngũ ở chỗ nhà anh suốt. Hôm nào có tiền thì mua ít thức ăn, lưng chai rượu tạt vào uống cùng anh. Khi không có tiền, cũng lại ghé vào bảo anh cho em ăn cơm với. Có hôm sang chơi ban tối, mấy anh em uống rượu say, liền ngủ lại. Chả ý tứ gì. Nhà anh có hai bố con.
Bé Trang còn bé. Cảnh gà trống nuôi con những năm gieo neo lại càng cám cảnh. Nhìn thấy Trần Hòa Bình lúc nào cũng có vài ba đứa học trò suốt ngày bám trụ ở đấy, tôi cũng đâm lo. Không biết đã nuôi con lại nuôi cái đám tiểu yêu nữa thì chịu sao nổi...
Có một sớm, ngủ dậy ở nhà anh, lúc ấy đã nắng chan chan ngoài ngõ. Chả thấy Trần Hòa Bình mời mọc ăn sáng gì cả. Trong túi tôi cũng hết tiền. Thằng bạn ngồi đấy không thấy ỏ ê gì, chắc túi cũng rỗng. Bỗng thấy tiếng rao ngoài ngõ ai mua đậu đi...
Trần Hòa Bình liền gọi với mua dăm bìa đậu. Xong anh bảo: các chú đã ăn đậu sống chấm đường bao giờ chưa, mát lắm, món cao lương mĩ vị đấy. Tôi không dám nói gì. Liếc thấy thằng bạn kia tủm tỉm cười.
Anh dúng đậu vào bát nước sôi rót từ trong phích ra, rồi cẩn trọng xắn đậu thành từng miếng nhỏ, lấy thêm đĩa đường, rồi mời chúng tôi ăn sáng. Vừa ăn, anh vừa nắc nỏm khen ngon. Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn món đậu sống chấm đường. Ăn mà cổ nghèn nghẹn...
Món đậu sống chấm đường nhớ đời ấy, sau này mỗi khi nhắc lại, vẫn thấy thương thương. Ngày ấy, như câu thơ của bạn tôi, mấy anh em bần hàn “Dắt nhau đi dưới bóng nợ nần”...
Có một hôm sinh nhật tôi, một mình buồn quá, yêu đương chưa gì, tôi bèn có sáng kiến sang nhà anh uống rượu. Tới nơi, trình bày ý tưởng. Trong túi có ít tiền. Trần Hòa Bình phái đứa học trò đi sắm đồ nhắm và rượu để mừng sinh nhật tôi. Khi vào bếp, anh sai phái, dặn dò, mắng mỏ, sốt sắng, mặt mày hoan hỉ lắm. Bữa rượu được dọn ra. Thật đơn sơ.
Mấy anh em chén chú chén anh thật tưng bừng. Hết đọc thơ rồi lại hát. Hát chán lại kể chuyện yêu đương em này em nọ. Tôi có kể cho Trần nghe về mối tình với nàng sơn cước của tôi ngày trai trẻ, và bây giờ cô ấy đã có chồng, đã có con, nghe đâu thấy bảo không được mãn ý, thương lắm. Có người mạn ngược về bảo vừa gặp cô ấy. Vẫn không khác mấy. Gái một con càng xinh. Nhưng trông mặt cứ buồn buồn...
Chắc lúc kể, trông mặt tôi thiểu não lắm thì phải. Kể chán rồi lại hát. Tôi hát bài hát do tôi sáng tác dành cho người ấy lúc đang yêu. Trần ngồi gật gù khen chú rất được, rất được. Mãi rồi cũng mệt. Bốn bề tĩnh lặng, khuya khoắt. Tất cả lăn ra ngủ. Sớm mai, tỉnh rượu nhìn nhau cứ ngường ngượng. Tôi chuồn thẳng lên cơ quan rõ sớm.
Mấy hôm sau, Trần gọi tôi sang nhà, nói là “sang oóng”, tức là sang uống rượu, một cách nói lóng quen thuộc của Trần. Tôi vội trèo lên chiếc xe đạp cà rỉ lao sang. Trần bảo chú đi mua rượu về khao, anh có bài thơ tặng chú được lắm. Lòng khấp khởi, tôi bèn dốc ngược túi, còn đồng nào đi mua rượu hết. Lại ngồi tụ bạ. Rót rượu nâng lên mời mọi người. Trần bảo trước khi cạn chén Trần xin đọc tặng bài thơ.
Cả đám im lặng. Trần đọc như một nghi lễ. Tôi nghe hứng lấy từng lời. Tay cầm chén rượu run run, sánh cả xuống đất. Đã lâu lắm rồi tôi mới bị run lên như thế. Ôi, ông anh. Ông anh nói hộ bao điều mà tôi không nói được. Tôi là thằng đi vào văn chương chỉ có mỗi món phê bình như dao gỉ. Bao nhiêu tâm trạng mà cứ vùi trong lòng mưng tấy.
Những lúc như thế, giận mình không biết làm thơ để nói được ra cho hả. Bài thơ của Trần Hòa Bình đã không làm cho tôi đau thêm, mà ngược lại thấy lòng được an ủi rất nhiều. Thơ hay khiến vết thương lòng mau khép miệng.
Bài thơ này, Trần viết trên một tờ giấy nhỏ xé ra từ cuốn sổ tay. Chữ viết nắn nót. Ban đầu đặt tên “Uống rượu cùng VG”. Sau không rõ thế nào, khi đem in trên tờ báo hẻo lánh nào đó mà tôi cũng đã nhìn rồi, có tên “Một lần chạm cốc”. Không phải vì là người được tặng mà tôi khen bài thơ hay.
Nhưng những ai may mắn được đọc thơ Trần từ trong bản thảo, tôi tin rằng Một lần chạm cốc thuộc hàng những bài thơ hay mà Trần Hòa Bình để lại.
Trong một bài viết khác đã từng công bố “Trần Hòa Bình - chàng thi sĩ của những khúc ru tình”, tôi đã nói rằng, Trần có khoảng năm bài thơ xuất sắc trong hàng thơ Việt Nam đương đại và nhiều bài thơ khá. Một tài thơ chỉ cần như thế, cũng đã đáng được nể vì.
Nhớ một năm Trần Hòa Bình đi xa, ghi lại một chút kỷ niệm xung quanh bài thơ này như tấc lòng tri kỷ của thằng em đối với ông anh, của bạn văn với người văn đã khuất. Đã một năm rồi, nhanh thế...
Trần Hòa Bình Một lần chạm cốc Tặng V.G Nào chú em, ta cạn chén 17-8-1991 |
Tác giả: Văn Giá
Nguồn tin: Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc