Ina Thùy Dương - cô gái Việt đoạt giải thơ tiếng Đức

Thứ bảy - 08/08/2009 11:57 2.563 0

Ina Thùy Dương - Ảnh: Nguyễn Văn Thọ

Ina Thùy Dương - Ảnh: Nguyễn Văn Thọ
Đầu tháng 7-2009, trên đường tới Chemnitz thăm Ina Thùy Dương, giải nhất toàn nước Đức trong cuộc thi thơ 2008 của Nhà xuất bản FiFa (1), tôi cứ tự hỏi bé gái ấy đã làm thế nào để có thể chiến thắng những người Đức, nơi vương quốc thơ của những Goethe, Schiller, Heine, Brecht..., để cư dân Đức coi sự kiện này như vinh danh thêm thành phố của họ?

Và để tờ MorgenPost viết: “... Khi Ina gọt bút chì và thể hiện ý nghĩ của mình bằng những vần thơ, tức là em đã đi trước chúng ta trong lĩnh vực ý thức gìn giữ tiếng Đức...” (2).

Tới được ngôi nhà gia đình Ina Thùy Dương ở Chemnitz đã qua 2 giờ chiều. Ina Thùy Dương chạy từ gác hai xuống đón mẹ và khách trở về từ cửa hàng bán quần áo nhỏ của bố mẹ em. Ina tự tin bắt tay tôi và ra ôtô giúp mẹ xách thức ăn vừa mua lên nhà. Cô bé Ina Thùy Dương nhỏ nhắn, thanh thoát, khuôn mặt trái soan, đôi mắt tự tin và nụ cười thật tươi đi trước dẫn tôi vào phòng khách. “Chuyện Ina là từ năm ngoái!” - cha em, anh Nguyễn Quang Phúc, tới Đức học công nhân kỹ thuật từ năm 1982, bắt đầu câu chuyện...

Vì còn nhiều trò chơi

Tháng 3-2008, bà giáo người Đức Heinze của Tiểu học Annenschule đến Hội chợ sách Leipzig và cầm tờ rơi thông báo về cuộc thi văn chương của Nhà xuất bản FiFa. Bà Heinze chợt nghĩ tới Ina Thùy Dương, cô học trò cưng của bà từ lớp 1 tới lớp 4 có nhiều bài thơ làm bà thú vị. Tại sao không? Trở về Chemnitz, bà Heinze trao tờ rơi cho Ina Thùy Dương, bấy giờ đã là học sinh lớp 5 trung học Georgius-Agricola-Gymnasium và họ nhất trí tham gia trò chơi này.

 

 

...Tôi đọc báo thấy em được giải nhất trong cuộc thi viết dành cho lứa tuổi học sinh do Nhà xuất bản FiFa tổ chức. Với thành tích đó, trên cương vị là phó thị trưởng thành phố Chemnitz phụ trách về giáo dục, tôi chân thành chúc mừng em.

Tôi rất vui mừng vì với những bài thơ của em, thành phố Chemnitz được biết đến nhiều hơn. Điều quan trọng là ngoài việc học, em đã thể hiện được năng khiếu làm thơ của mình. Giải nhất cuộc thi thơ chính là nguồn động viên tinh thần em đạt được.

Phó thị trưởng CHEMNITZ BERTHOLD BREHM

Liên tục trong hai tháng, Ina Thùy Dương âm thầm gửi gần chục bài thơ đi và quên ngay. Ina giải thích: “Chơi cái gì cũng tới nơi tới chốn, nhưng cháu không nhớ rõ bởi vì còn nhiều trò chơi khác”. Nào “học như chơi” để liên tục tổng kết từ lớp 1 tới lớp 5 các môn đạt điểm 1 và 2, lại còn tham gia lớp học “làm người hòa giải” của thành phố và theo học lớp biểu diễn pop và hip hop kéo dài sáu năm rồi.

 

Thật bất ngờ, hai tháng trôi qua, từ Muenchen người ta gửi thư tới thông báo em đoạt giải nhất thơ với bài Những vì sao huyền diệu. Cũng lập tức, sau công bố của FiFa, hai tờ báo lớn nhất vùng Chemnitz Freie Presse và MorgenPost đồng loạt đưa tin.

Phó thị trưởng phụ trách giáo dục và văn hóa Chemnitz, ngài Berthold Brehm gửi ngay thư chúc mừng tới Ina. Bởi vì có ai tin được một bé gái 11 tuổi sinh ra và sống, học tại Chemnitz, con một gia đình thợ khách Việt Nam lại có thể chiến thắng tất cả đối thủ, kể cả người Đức, trên toàn nước Đức. Đúng là một sự kiện! Thành phố và nhà trường khẳng định em đã mang lại vinh dự cho thành phố, cho trường.

“Thêm nhiều người biết tới Chemnitz của chúng ta - MorgenPost viết gần kín hai trang - Thật tài tình và điêu luyện, đặc biệt hơn, một cô gái sống ở Chemnitz có bố mẹ đều là người Việt Nam đã cho chúng ta thấy cái hay cái đẹp của ngôn ngữ Đức, chơi chữ để thể hiện sự phong phú của nó... Hằng ngày chúng ta chỉ dùng 400-800 từ. Còn những nhà thơ, ví dụ như cô gái nhỏ Thùy Dương của chúng ta, dùng nhiều hơn thế, cho thấy tiếng Đức của chúng ta giàu ý tưởng và tính sáng tạo như thế nào”.

Tháng 9, FiFa mời cả nhà Ina Thùy Dương tới nhà xuất bản ở tận Muenchen để trao giải. Thật là hồi hộp! Ina Thùy Dương nhớ lại hôm ấy nhà văn Đức Harry Theoder Master long trọng công bố giải nhất thuộc về Ina Thùy Dương. Cô bé Việt Nam nhỏ xíu đứng bên cạnh nhà văn người Đức, trên tay là chiếc cặp xinh kẹp Những vì sao huyền diệu của em.

Mãi tới bây giờ nhắc lại chuyện này, Ina cũng không nhớ cụ thể ai đã viết và nói gì về em. Để tìm hiểu chính xác thông tin, tôi phải lục lại các báo cũ gia đình lưu giữ, thư của ngài phó thị trưởng Chemnitz và bút tích của nhiều bạn bè ở lớp học ghi trên các tờ giấy nhỏ.

Những bài thơ từ khung cửa sổ

Thành phố Chemnitz từng là vùng công nghiệp nhẹ nổi tiếng của Đông Đức. Thời đó hàng vạn thợ khách Việt đã tới đây học nghề và làm việc. Gia đình Ina Thùy Dương như nhiều gia đình khác ở lại lập nghiệp sau khi nước Đức thống nhất.

Mẹ Ina Thùy Dương, chị Nguyễn Thị Nga, nguyên là giáo viên phổ thông dạy môn họa ở Việt Nam, kể hai vợ chồng từng thất nghiệp, bán quán, bán rong ở chợ, từng phá sản, nợ nần nhưng vẫn hi vọng và dành mọi điều kiện cho các con ăn học. Ina Thùy Dương là con thứ hai.

Ngôi nhà Ina Thùy Dương sống ở giữa trung tâm thành phố, ngay sát con đường đi bộ trung tâm. Không như Berlin hay Hamburg, Chemnitz yên tĩnh lạ thường. Từ bancông sau nhà nhìn xuống là bãi cỏ tháng hè xanh biếc và một quần thể tượng đá hiện đại. Hằng ngày cô bé đi học về qua hai con voi bằng đá nom rất ngộ nghĩnh. Tối nào cũng vậy, trước khi đi ngủ Ina mở toang cửa sổ và nhìn ra ngoài. Có những bài thơ sinh ra ngay lập tức ở khoảnh khắc ấy.

Tâm sự với tôi về việc tạo nên sự gắn kết trong gia đình khi nhịp sống châu Âu luôn bận rộn từng ngày, mẹ Ina nói: “Để kiếm sống, người Việt Nam ở đây hầu như chỉ gặp nhau vào buổi tối. Tinh mơ là ai nấy đều cấp tập rối rít ra khỏi nhà. Gia đình tôi có một kỷ luật: khi ăn tắt tivi. Cả ngày làm việc, chỉ buổi tối mới có thời gian quây quần bên mâm cơm để các con nói tiếng Việt, để chia sẻ, sao lại xem tivi!”.

Hai ngày, tôi ngồi đọc nhiều bài thơ của Ina Thùy Dương. Cô bé làm thơ về rất nhiều đề tài mà cô để tâm. Những bài thơ của học trò cấp I. Thế giới quanh cô là suy nghĩ về tình bạn, về giấc mơ (Verstehe mich bitte, Freundschaft và In meinen Trumen...), về vẻ đẹp mùa xuân (Der Frühling), về trò chơi (Spiele aus aller Welt), về con thỏ trong ngày lễ Phục sinh (Der Osterhase). Thậm chí để giúp em gái, bé Thùy Linh và các bạn em học nhanh bảng chữ cái tiếng Đức, Ina viết bài thơ về chữ cái (Die Buchstaben)... Phải nói là tiếng Đức của Ina Thùy Dương rất giỏi, điều đó làm thơ của em không chỉ đầy nhạc điệu mà ngôn từ cũng uyển chuyển.

Một cuộc chơi mới

 

 

Khi đọc những bài thơ tiếng Đức của Ina, tôi nhận ra tính logic về tư duy, sự liên tưởng nhiều khi bất ngờ, dù giọng điệu rất tự nhiên, không gò bó, nhịp thơ rất hiện đại như trào lưu thơ hiện nay ở Đức, nhưng thật khó ngờ một đứa bé 11 tuổi lại suy nghĩ sâu sắc, đầy cái tình về con người và thơ tới vậy. Chơi trò chơi cô bé liên hệ tới đất nước Việt Nam qua lời kể của mẹ, ngắm vì sao cô làm thơ nói về lòng tin... Thơ tiếng Đức của Ina có thể ảnh hưởng nhiều ở lối tư duy thơ rất Đức, của các nhà thơ lớn mà cái nôi là Chemnitz, lại mang cả cái tình vốn tri ân và sâu đậm của người Việt ta chăng?

 

Ina tự nhận tiếng Việt của em không giỏi, cô bé viết thơ tiếng Việt ít, chỉ dăm bài cho mẹ thân yêu. Vần điệu, ngôn từ còn đơn giản nhưng nhiều cảm xúc, tải được cái tình tha thiết của em với mẹ.

Sự tự tin của Ina trong những câu chuyện em kể, khi đi đọc thơ ở nhà văn hóa thành phố cùng nhà văn Đức Hermann Friedrich, khi giao lưu ở trường và trong các buổi họp mặt do Hội Người Việt tại Chemnitz tổ chức đang hình thành một nhân cách hứa hẹn. Mẹ Ina tiết lộ với tôi Ina muốn thử sức ở mảng văn xuôi với cấp độ cao hơn. Cô bé đang viết truyện ngắn dự một cuộc đua mới trên toàn nước Đức, lứa tuổi tới tận 35, do nhà sách nổi tiếng Thalia Buch tổ chức.

Câu chuyện Ina Thùy Dương sau gần một năm tôi mới biết để hôm nay viết bài này. Tiếc là thơ của Ina, hay có thể còn nhiều câu chuyện về những đồng bào thợ khách, chúng ta chưa kịp thời phát hiện để cộng đồng chung vui. Giá chúng ta có một tổ chức thông tin quần chúng rộng khắp trên toàn nước Đức sớm hơn? Gần đây, trong tiếp xúc với cộng đồng, đại sứ Việt Nam mới nhậm chức Đỗ Hòa Bình cho biết đang có kế hoạch thúc đẩy thành lập hội những người Việt Nam trên toàn nước Đức...

Tôi hi vọng nhiều điều thay đổi tốt đẹp khi rời Chemnitz. Với những gì Ina Thùy Dương đạt được trong học tập, trong nhiều mặt năng khiếu và ở nhân cách tốt đẹp đã hình thành, như một bài thơ, em sẽ góp phần cùng với nhiều trẻ em Việt sinh ra ở Đức vẽ nên chân dung một thế hệ người Việt Nam mới ở châu Âu. Một thế hệ thoát ra khỏi tình trạng chân lấm tay bùn của những người thợ khách. Có phải thế không hở những vì sao hi vọng nhỏ bé, Ina Thùy Dương với bài thơ vô địch của em?

 

 

Những vì sao huyền diệu(*)

Không có ngôi sao nào không thể với tới

nếu như bạn không quên...

Và nếu bạn nhìn lên vòm trời cao

khi đôi mắt bạn thiếu một niềm tin:

có một ngôi sao đang hiện hữu

Thì bạn đã u mê.

Người ta không thể chạm tay vào nó

nếu thiếu một tình yêu

Mỗi ngôi sao đâu tính giá trị như tiền lẻ

dẫu khắp thế giới này nhan nhản các vì sao.

Đêm nào cũng cho không nụ cười

Chậm rãi, chúng sẽ là người bạn thân thiết.

Bạn hãy tự tin và hiểu cho tấm lòng của tôi

sẽ có một ngày ngôi sao hiện ra trước mặt. 

(2008)

______________

* Nguyên tác: Sterne sind Wunder. Bản tiếng Việt do Ina Thùy Dương dịch và nhà văn Nguyễn Văn Thọ hiệu đính.

 

NGUYỄN VĂN THỌ (Postdam, LB Đức)
Nguồn: Tuổi Trẻ

______________

(1) Hằng năm Nhà xuất bản FiFa tại Đức tổ chức cuộc thi thơ, truyện ngắn trên toàn nước Đức. Cuộc thi này thu hút hơn 1.000 trẻ em dưới 18 tuổi từ khắp nước Đức tham gia.

(2) MorgenPost 19-9-2008. Trích từ bài viết của nhà báo Corinna Karl. Những chữ in nghiêng trong bài trích từ các tài liệu lưu trữ của báo chí và thư tòa thị chính Chemnitz.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây