Nhà văn Hồ Anh Thái: Người thích đi chệch đường ray...?

Thứ tư - 02/03/2011 11:37 4.112 0

Nhà văn Hồ Anh Thái.

Nhà văn Hồ Anh Thái.
Không ít người cho rằng Hồ Anh Thái là người “thích đi chệch” đường ray của lịch sử văn chương truyền thống nước nhà từ sau năm 1975 đến nay, thậm chí anh còn thích làm những việc, viết những điều có vẻ như “khác người”. Thực tế có đúng như vậy không?

Từ người cầm bút...

Hồ Anh Thái sinh năm 1960. Anh đã từng tham gia chiến tranh biên giới, học đại học, làm cán bộ ngoại giao, viết văn, làm lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội... với tư cách là một công dân Việt Nam. Trong tư cách ấy, anh đã, đang và sẽ đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Còn với tư cách con người nghệ sĩ, nhiều người cho rằng anh là người “không chịu” đồng hành cùng lịch sử văn chương chính thống thời kỳ này là một câu chuyện khác, rất dài.

Thế hệ anh có quyền và có cơ hội hơn để có thể nhìn thẳng vào bản chất cuộc chiến và những hệ lụy của nó đối với những người còn sống sót sau cuộc chiến đó. Rồi anh lại được đi học đại học, công tác ở cơ quan ngoại giao, đi tây, đi tàu nhiều, nên “nợ áo cơm” của Hồ Anh Thái chắc chắn là không đến mức phải “trả cả hình hài”, mà anh hoàn toàn có thể dốc toàn tâm toàn ý và làm những điều mà mình thích và lựa chọn, mặc dù những cái anh nghĩ và anh đã làm có thể là “đi chệch” đường ray so với truyền thống văn chương thời kỳ này. Nhưng với tư cách công dân, Hồ Anh Thái là người đã sắm khá “tròn vai”, chẳng có gì đáng bận tâm hay chê trách cả.

… Đến những trang viết

Với một lưng vốn khá đầy đặn gồm 21 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, Hồ Anh Thái đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng truyện ngắn 1983-1984 của báo Văn nghệ (truyện Chàng trai ở bến đợi xe); Giải thưởng văn xuôi 1986-1990 của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng); Giải thưởng văn học 1995 của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (tập truyện ngắn Người đứng một chân). Anh đã thực sự đi bằng đôi chân của mình, lừng lững bước ra văn đàn Việt Nam đương đại như một sự đoạn tuyệt với những bản anh hùng ca chiến trận trong quá khứ, dù cho nó có vinh quang đến mức nào. Anh đã tự khai phá con đường đi riêng của mình dù có phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, anh vẫn làm và đã có những thành công nhất định.

Đọc kỹ những trang văn của anh, nhất là cuốn Cõi người rung chuông tận thế thì thấy rằng đích thị đây là “sự phẫn nộ của lý trí”, chứ không phải là “lý trí của sự phẫn nộ”. Sự tưng tửng trong giọng kể của Hồ Anh Thái chứng tỏ anh đã vượt qua được xúc cảm ban đầu. Anh biết dồn nén những xúc cảm đó đến mức buộc lý trí phải tự nói ra những gì cần phải nói. Qua những trang văn, người ta thấy Hồ Anh Thái có một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Chính vì thế, những chi tiết, hình tượng, cảnh huống giả tưởng được anh hư cấu mà người đọc vẫn thấy như thật 100%, bởi lẽ những chi tiết, hình tượng, cảnh huống ấy đã được anh cân nhắc rất công phu, nghiêm túc và có tính chuyên nghiệp cao.

Có thể thấy, qua các tác phẩm của anh, khi nhiều người còn đang ngái ngủ thì Hồ Anh Thái đã tỉnh thức; khi mọi người còn mãi mơ mộng, hy vọng vào những cái hão huyền thì Hồ Anh Thái đã tự tìm con đường đi cho riêng mình; khi cuộc đời này còn quá nhiều điều người ta cần phải nương tựa vào nhau để hướng tới ngày mai thì Hồ Anh Thái đã tự đứng lên đi bằng đôi chân của chính mình. Hồ Anh Thái thực sự là một trong số những người đặt nền móng cho một dòng văn chương “hiện thực nghiêm ngặt” trong văn xuôi Việt Nam đương đại.

Văn của anh là tiếng kẻng báo động giữa đêm khuya, đánh thức cả binh đoàn người đang ngủ say trong vòng hào quang của chiến thắng; là gáo nước lạnh dội thẳng vào những khuôn mặt còn u ơ, ngái ngủ vì những tiếng ong ong của kinh kệ nhà thờ đang dìm lịm những cái dạ dày teo tóp của những con thú hoang đói mồi; là sự khởi nguồn cho một thái độ của những “con chiên bất kính” không chịu chấp nhận thứ bánh vẽ mà Chúa hứa sẽ ban cho; là thứ văn chỉ ra cho người đời thấy rằng, muốn phục thiện thì phải đi đến tận cùng cái ác; là sự bừng tỉnh của con người cá nhân trước sự cám dỗ, mê hoặc của những lối mòn cũ mang tính chất của một tôn giáo, nhưng ẩn giáo đường, ẩn cả kinh kệ và ẩn luôn cả Chúa.

Nói một cách chính xác hơn, văn của Hồ Anh Thái là thứ văn đọc để nghĩ, chứ không chỉ đọc để thích thú, xuýt xoa. Nhiều cảnh huống, nhân vật, tình tiết anh tạo ra đã để lại sự ám ảnh khó quên trong lòng người đọc như các nhân vật Khải (Chàng trai ở bến đợi xe), Kim (Những cuộc kiếm tìm), Cốc, Bóp, Phũ (Cõi người rung chuông tận thế) hay Dăm Bông, Xúc Xích, Sâm Banh (Vẫn tin vào chuyện thần tiên)... Vì thế những trang văn của anh là thứ văn dành cho tầng lớp trí thức, một tầng lớp thuộc diện “quần chùng, áo dài”, hay chí ít, nói như K. Mark là những người “công nhân cổ cồn”, lớp người, theo truyền thống người Việt là rất “kỵ dơ” với tầng lớp công - nông - binh, xuất thân từ nông dân, mang đậm tính chất tập thể, đám đông, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và cả giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước đây với phong trào hợp tác hóa ở nông thôn.

Văn Hồ Anh Thái kiệm lời, chắc nịch. Có chỗ, có nơi còn cộc lốc đến lạnh lùng, vì Anh Thái không thích nói vòng vo, uốn éo, mà thích đi thẳng vào bản chất của sự vật, hiện tượng. Điều đó đã gây cho không ít người chưa quen đọc lối văn này khó cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nó. Tuy nhiên, lối viết như vậy rất cần cho thời hậu chiến, trong một xã hội đầy rẫy những sự nhộn nhạo trong quá trình tiến lên hiện đại, nên được những người không thích ru ngủ, những người ưa tìm tòi sáng tạo, các bạn trẻ rất hồ hởi đón nhận. Bởi vì Hồ Anh Thái không phải là kẻ chuyên đi phân phát các khẩu phần ăn cho những cái dạ dày rỗng tuếch nên đừng ai đứng chờ. Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu! Âu đấy không chỉ là bản chất, mà còn là định hướng của nền kinh tế - xã hội và văn hóa mà toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng đến.

Như vậy, liệu cho rằng Hồ Anh Thái là người “thích đi chệch” đường ray của lịch sử văn chương nước nhà đương đại có thoả đáng hay là cần phải có một cái nhìn bao dung nhưng đầy nghiêm túc, mới mẻ nhưng rất khoa học đối với hiện tượng văn chương có vẻ “khác người” của Hồ Anh Thái không (!?)

Tác giả: Thúy Liễu

Nguồn tin: SKĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây