Nhà thơ Phan Hoàng: Một sinh khí tươi trẻ đang “thổi” vào Hội Nhà văn TP.HCM

Thứ sáu - 25/02/2011 20:48 3.550 0

Nhà thơ Phan Hoàng

Nhà thơ Phan Hoàng
Dù chỉ mới hoạt động được mấy tháng nhưng BCH Hội và Ban Nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng hướng về công tác nhà văn trẻ. Đầu tiên là thành lập Giải thưởng Nhà văn trẻ (đáng tiếc là chưa có nhà văn trẻ nào dưới 30 tuổi có tác phẩm được trao giải này trong năm 2010). Tiếp theo là vận động và kết nạp vào Hội nhiều nhà văn trẻ mà tác phẩm của họ đã được khẳng định.

* Chào nhà thơ Phan Hoàng, uỷ viên BCH Hội Nhà văn TP HCM. Xin anh cho biết, công tác nhà văn trẻ của Hội nhiệm kì này có gì đặc biệt hơn so với các nhiệm kì trước đây.

- Khi phân công nhiệm vụ trưởng Ban Nhà văn trẻ cho tôi, BCH Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kì mới hi vọng công tác nhà văn trẻ sẽ khởi sắc hơn. Bởi ai cũng biết TP.HCM là nơi tập trung nhiều cây bút trẻ có tài có tâm, nhiệt huyết sáng tạo và đã có nhiều tác phẩm đóng góp xứng đáng vào đời sống văn học thành phố, nếu không nói họ đang là lực lượng quan trọng làm thay đổi diện mạo văn học thành phố những năm gần đây. Tuy nhiên, trước đây Hội chưa thực sự tập hợp được lực lượng viết trẻ, cũng chưa tạo nên môi trường và động lực tốt cho sáng tác của họ. Đó là một phần nguyên nhân làm cho các nhà văn trẻ không quan tâm đến sinh hoạt của Hội.

Dù chỉ mới hoạt động được mấy tháng nhưng BCH Hội và Ban Nhà văn trẻ đã có nhiều cố gắng hướng về công tác nhà văn trẻ. Đầu tiên là thành lập Giải thưởng Nhà văn trẻ (đáng tiếc là chưa có nhà văn trẻ nào dưới 30 tuổi có tác phẩm được trao giải này trong năm 2010). Tiếp theo là vận động và kết nạp vào Hội nhiều nhà văn trẻ mà tác phẩm của họ đã được khẳng định như Trương Gia Hoà, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Song Phạm, Trần Hoàng Nhân, Trần Hoài Anh, Phạm Ngọc Hiền, Lê Thuỳ Vân… Trường hợp của nhà văn Lại Văn Long cũng có thể xem là hội viên trẻ, dù tác giả của Kẻ sát nhân lương thiện nổi tiếng từ lâu và mới trở lại văn đàn với tiểu thuyết Thạch đếđược dư luận chú ý nhưng bây giờ anh mới gia nhập Hội khi đã ở giữa tuổi tứ tuần. Nghĩa là BCH Hội nhiệm kì mới đã bước đầu tập hợp được một lực lượng viết văn trẻ đáng kể của thành phố. Đây là điều chưa từng có trước đây.

Ở một góc độ nào đó, sau nhiều ý kiến bức xúc của hội viên, việc thành lập và đưa website http://nhavantphcm.com.vn/ đi vào hoạt động cũng là một thành công của công tác nhà văn trẻ. Bởi công việc này không chỉ giao cho đại diện Ban Nhà văn trẻ là tôi đảm nhiệm mà còn được sự góp sức đáng kể của nhiều nhà văn trẻ thành phố, dĩ nhiên là được sự ủng hộ tích cực của Chủ tịch Lê Quang Trang và toàn thể BCH.

* Hội Nhà văn TP HCM cũng đang tổ chức một Hội nghị viết văn trẻ thành phố. Hội nghị sẽ được tổ chức như thế nào? Bao nhiêu năm tổ chức một lần?

- Năm 2011, theo kế hoạch của BCH, Hội Nhà văn TP.HCM có 2 hoạt động trọng tâm: kỷ niệm 30 năm thành lập Hội và tổ chức Hội nghị Những người viết trẻ. Đây là hội nghị lần thứ 3, theo định kỳ 4 năm tổ chức một lần.

Từ kết quả cuộc họp mới đây của Ban Nhà văn trẻ đề xuất lên BCH, hội nghị dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 6.2011, mời 30 nhà văn trẻ TP.HCM và 10 nhà văn trẻ các tỉnh thành khác về tham dự. Các đại biểu sẽ đến Bến Nhà Rồng dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 100 năm ngày lãnh tụ ra đi tìm đường cứu nước, gặp gỡ các nhà lãnh đạo thành phố, sau đó tất cả mọi người cùng lên một tàu thuỷ vượt sông Sài Gòn về Cần Giờ. Trên đường đi vừa tham quan thiên nhiên và những công trình hiện đại ven sông, các đại biểu vừa liên hoan, giao lưu với nhau. Vào buổi tối sẽ có 2 cuộc toạ đàm về văn xuôi và thơ trẻ. Bốn thành viên của Ban Nhà văn trẻ: hai nhà văn Tiến Đạt- phó ban và Thu Trân sẽ phụ trách phần văn xuôi; hai nhà thơ Ngô Liêm Khoan và Ngô Thị Hạnh sẽ phụ trách phần thơ; đồng thời còn có sự hỗ trợ của nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ khác. Sáng hôm sau sẽ tiến hành hội nghị chính thức. Buổi chiều đi tham quan du lịch sinh thái Cần Giờ, liên hoan và lên xe về lại thành phố. Kế hoạch này còn chờ cuộc họp sắp tới của BCH bàn bạc thông qua.

* Điều kỳ vọng của anh và Hội nhà văn TP HCM trong Hội nghị Những người viết văn trẻ sắp tới?

- Như chị biết, tất cả các hội nghị nhà văn trẻ từ trung ương tới địa phương, điều cơ bản đầu tiên là tập hợp đội ngũ, tạo cơ hội cho các nhà văn trẻ gặp gỡ trao đổi nhau về cuộc sống và nghề nghiệp. Đặc biệt là những nhà văn trẻ TP.HCM, dù sinh sống chung một thành phố, nhưng do địa bàn rộng lớn và áp lực công việc, họ không có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau. Thậm chí như tôi có những bạn văn mà mấy năm trời tôi chỉ liên lạc được qua điện thoại, hay chỉ tình cờ gặp nhau trong đám cưới, ma chay. Cũng có những cây bút mới xuất hiện và gây ấn tượng, song không phải đồng nghiệp trẻ nào cũng có dịp gặp gỡ họ…

Ngoài ra, qua hội nghị này, BCH Hội và cá nhân tôi cũng hi vọng sẽ tạo thêm động lực, khơi thêm nguồn cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ hùng hậu các nhà văn trẻ. Tất nhiên còn nhiều sự kỳ vọng khác mà tôi chưa tiện nói ra đây. Và tôi cũng hi vọng hội nghị lần này sẽ có những đột phá và mới mẻ hơn so với 2 lần trước.

* Theo dõi việc kết nạp và xét giải thưởng của Hội Nhà văn TP. HCM thời gian qua, có thể nhận thấy rằng: sự góp mặt của các tác giả trẻ đã chứng tỏ “sức trẻ” của Hội. Liên tục các tác giả trẻ được nhận giải thưởng của Hội nhà văn TP HCM, như Tiến Đạt, Trần Nhã Thuỵ, Lê Thiếu Nhơn, Phan Hồn Nhiên. Liệu trong việc xét kết nạp của Hội Nhà văn TP.HCM có chút nào ưu ái các tác giả trẻ hay không?

- Tài năng văn chương của họ chính là sự “ưu ái” đối với họ trong việc xét kết nạp vào Hội. Những cái tên chị vừa nhắc là Tiến Đạt và Lê Thiếu Nhơn đã tham gia Hội từ lâu và hiện là thành viên của các hội đồng chuyên môn và ban công tác Hội. Nhà văn Phan Hồn Nhiên năm qua vừa nhận tặng thưởng của Hội với tập truyện Cánh trái lại vừa được kết nạp vào Hội với số phiếu cao tuyệt đối. Không chỉ Phan Hồn Nhiên mà các nhà văn trẻ khác vừa qua đều được phiếu rất cao khi xét kết nạp vào Hội.

Tất nhiên, còn nhiều nhà văn trẻ tài năng khác chưa vào Hội mà chúng tôi hi vọng họ sẽ tham gia để tiếp thêm sinh khí tươi trẻ cho sinh hoạt Hội. Trong số đó có nhà văn nổi tiếng Trần Nhã Thuỵ mà chị vừa nhắc, hay nhiều gương mặt đáng kể khác mà chúng tôi sẽ lần lượt tiếp cận như: Dương Thuỵ, Thục Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyệt Phạm, Nguyễn Phong Việt, Thanh Xuân, Nguyễn Vũ Bằng, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đỗ Thanh Vân, Nguyễn Thuý Hằng, Khương Hà, Đồng Chuông Tử, Hoa Nip, Lê Quang Minh, Tiểu Quyên, Nguyễn Thiên Ngân, Nhã Thuyên, Tuệ Nguyên, Song Mây, Chiêu Anh Nguyễn, Ngọc Anh, Tiểu Anh, Yến Linh,…

* Đúng là TP.HCM hiện đang quy tụ rất nhiều tác giả trẻ, sung sức. Vậy Hội có kế hoạch cụ thể như thế nào để thu hút họ tham gia các hoạt động của Hội?

- Chắc chị theo dõi cũng thấy, một sinh khí tươi trẻ đang được “thổi” vào Hội Nhà văn TP.HCM, mà tôi tin nó sẽ ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, bất cứ hội nghề nghiệp nào cũng có những giới hạn của mình. Và tôi nghĩ những công việc mà Ban Nhà văn trẻ và BCH Hội Nhà văn TP.HCM đã và đang cố gắng thực hiện như tôi vừa trình bày là những hành động thiết thực để thêm động lực sáng tác và thu hút các nhà văn trẻ tham gia sinh hoạt Hội. Bởi xét cho cùng, sáng tạo văn học là nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, còn hội chỉ là nơi tập hợp đội ngũ và tạo thêm nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo đó.

Tại Ngày Thơ Việt Nam vừa qua của TP.HCM tổ chức ở Bến Nhà Rồng, việc chúng tôi quyết định dành hẳn sân thơ trẻ để giới thiệu chân dung và tác phẩm của các tân hội viên trẻ cũng nhắm vào mục tiêu đó. Nhân đây xin nói thêm rằng, như tôi đã phát biểu với báo chí, sân thơ trẻ TP.HCM chưa và không bao giờ sôi động, vì điều đó đi ngược lại tinh thần của thi ca. Người đến với sân thơ trẻ TP.HCM sẽ không bao giờ tìm thấy những “trò diễn” mang tính ca kịch vui nhộn, bởi sân thơ trẻ hướng tới cái đẹp thầm lặng đằng sau công việc sáng tạo của nhà thơ. Mỗi năm chúng tôi cố gắng trình làng ít nhất một gương mặt mới. Năm nay cũng thế. Bên cạnh các tân hội viên trẻ, chúng tôi còn giới thiệu 2 gương mặt thơ sinh viên mới toanh đang tìm cách khẳng định mình.

Ngoài vấn đề tinh thần, thì BCH Hội cũng đã đề xuất lãnh tạo TP.HCM hỗ trợ cho các nhà văn trẻ. Từ lâu công việc này cũng đã được Hội tiến hành cho tất cả các hội viên. Riêng năm nay sẽ có một số ưu tiên cho các nhà văn trẻ trong việc tổ chức trại sáng tác, in ấn, phát hành tác phẩm.

* Một trong các khó khăn của các Hội văn học hiện nay là vấn đề kinh phí hoạt động. Ví dụ như Hội Nhà văn Hà Nội, nhiệm kì vừa rồi, tôi nhớ không nhầm thì nếu chia đầu người, các nhà văn không được quá 100.000 đồng/ năm. Thế nhưng đối với Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh thì hình như vấn đề tài chính “dễ thở” hơn?

- Tôi mới tham gia BCH khoá này nên không biết vấn đề tài chính trước đây ra sao. Hơn nữa, BCH Hội các khoá trước không bao giờ công khai vấn đề tài chính cho hội viên. Bản thân tôi cũng chưa và không có nhu cầu nhận bất kỳ một đồng hỗ trợ sáng tác nào của Hội.

Tôi chỉ biết khi BCH Hội khoá mới nhận nhiệm vụ cách đây mấy tháng thì ngân quỹ gần như là con số 0 tròn trịa, mọi hoạt động phát sinh của Hội như hội thảo, hội họp, trại sáng tác, liên hoan cuối năm… đều phải “chạy” xin tài trợ từng đồng của nhà nước và tư nhân. Cái khó này đã đè lên vai Chủ tịch Lê Quang Trang và Phó chủ tịch thường trực Trần Văn Tuấn. Dĩ nhiên cả BCH cũng chịu ảnh hưởng lây. Trang web Hội giao cho tôi phụ trách từ thiết kế đến điều hành, tạm thời cứ bỏ tiền túi rồi từ từ tính sau…

Theo tôi được biết sự khó khăn này là do rơi vào thời điểm bàn giao giữa BCH cũ và mới. Dù khó khăn nhưng các anh chị trong BCH vẫn vui vẻ tự nguyện làm việc hết mình vì trách nhiệm đối với sự tín nhiệm của hội viên và cũng vì lòng tự trọng của mình. Có thể nói đến thời điểm tôi trò chuyện với chị, BCH Hội Nhà văn TP.HCM thật sự đoàn kết, dân chủ và ai cũng nhiệt tình với công việc được phân công.

Bước vào năm mới 2011, sau khi BCH mới đề xuất kinh phí hoạt động Hội lên lãnh đạo thành phố, chắc chắn mọi vấn đề sẽ “dễ thở” hơn. Và nếu chị muốn tìm hiểu rõ hơn thì xin mời vào trang web Hội, nơi sẽ đăng tải công khai mọi hoạt động lẫn tài chính của Hội.

* Ngoài công tác Hội, năm mới anh có dự định gì cho bản thân?

- Vào 25 Tết, tôi bị giựt mất cái laptop và một số tiền kha khá. Máy đã mua lại. Tiền mất thì cũng chẳng sao. Chỉ tiếc quá nhiều dữ liệu trong máy đã “không cánh mà bay”, trong đó có tập thơ Bước gió truyền kỳ tôi viết 10 năm nay đã chỉnh sửa xong chuẩn bị xuất bản. Tôi buồn gần nửa cái Tết. Đen thơ đen bạc nên tôi có cảm giác mình sẽ đỏ… nhiều thứ khác.

*Các cụ ta thường nói rằng “trong cái rủi có cái may”. Tôi tin sự may mắn và những điều tốt lành đang đến với anh trong năm 2011 này.

Phong Điệp (thực hiện)
Nguồn: Văn nghệ Trẻ 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây