Nguyễn Duy - Người lương dân thành tâm với cuộc đời

Thứ năm - 18/11/2010 04:00 2.785 0

Nhà thơ Nguyễn Duy qua ngòi bút ký họa.

Nhà thơ Nguyễn Duy qua ngòi bút ký họa.
Nhà thơ Nguyễn Duy vừa vinh dự được Viện Hàn lâm Rumania trao Giải thưởng lớn về thơ năm 2010. Hơn 30 năm sống chết với thơ, trước sau như một, "nhà thơ thảo dân" vẫn giữ được phong thái của một con người thơ uyển chuyển, sâu lắng. Dù biết bao thế hệ độc giả đã lặng người trước những vần thơ du dương ân tình của ông, Nguyễn Duy vẫn chỉ tự nhận mình là "một người lương dân sống rất thành tâm với cuộc đời".

Trong làng thơ Việt Nam, Nguyễn Duy đã là một thương hiệu thơ thân thuộc, bền bỉ với thời gian. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói "Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó". Nhưng Nguyễn Duy trong những đêm thơ, những tọa đàm thơ lớn, nhỏ ở Hà Nội từ tháng 7 đến tháng 10/2010 nhân tuyển tập thơ Nguyễn Duy do Công ty Nhã Nam và Hội Nhà văn xuất bản, Nguyễn Duy  tự nhận mình chỉ là "một người lương dân sống rất thành tâm với cuộc đời", giống như bà ngoại của ông vậy.

Trong một đêm thơ với những người yêu thơ quây quần trong một không gian ấm cúng, nhà thơ Nguyễn Duy đã ý nhị đọc bài thơ "Đò Lèn" như một cách giới thiệu thân phận của mình. Nhà thơ 62 tuổi vẫn rưng rưng niềm xúc động khi nhắc nhớ lại tuổi thơ côi cút của mình. Người được Nguyễn Duy nhắc đến nhiều chính là bà ngoại "Người thầy dạy tôi làm những vần thơ đầu đời. Bà ngoại tôi là một người không biết chữ nhưng có một trí nhớ tuyệt vời, ca dao, hò vè, truyện nôm thuộc nằm lòng. Tôi lớn lên cùng những câu chuyện kể của bà, hiểu về nhân tình thế thái trong những ngày theo bà hành hương về những ngôi chùa. Từ những chuyện kể, câu ca của bà, tôi bắt đầu viết những câu ca dao, lục bát ngắn như một cách viết nhật ký, nay nhẩm một câu, mai nhẩm một câu". Người bà, cũng chính là nguồn cảm hứng để Nguyễn Duy viết nên nhiều bài thơ xúc động, một trong những số đó là bài "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" (1987). Ít ai biết rằng ký ức về mẹ trong Nguyễn Duy rất xa xăm, chính từ hình ảnh kỷ niệm về bà, ông đã viết nên bài thơ hay được nhiều bạn đọc yêu thích chính trong một ngày cúng giỗ mẹ.

Năm 1957, học lớp hai trường làng, Nguyễn Duy làm những vần thơ đầu đời. Bài thơ "Trên sân trường" được Nguyễn Duy coi là "Những vần nôm na về kỷ niệm bé con của mình". Đến năm 1962, như Nguyễn Duy dí dỏm, ông "bắt đầu bắt chước người ta để đổi mới mình, hiện đại hóa thơ". Bài thơ "Người vợ của tôi" được coi là một kỷ niệm vui của Nguyễn Duy. Những câu thơ của cậu bé mới lớn ấy chỉ có mỗi Nguyễn Duy thuộc lòng và như nhà thơ trào lộng rất thật thà là: "Gần 10 năm trời gửi báo Văn Nghệ không ai in". Một cơ duyên tình cờ đến với Nguyễn Duy, năm 1971, một đêm ở chiến trường, ngồi dưới hầm nghe radio có phát chương trình nhà phê bình Hoài Thanh nói chuyện về tính hiện đại của ca dao VN, trong đầu cậu lính trẻ Nguyễn Duy ghi nhớ mãi câu nói của Hoài Thanh: "Cái gì còn tồn tại đến hôm nay thì hiện đại". Nguyễn Duy mạnh dạn gửi cho Hoài Thanh một chùm thơ của mình. Sau đó, Nguyễn Duy lập một chiến công rất hiển hách không phải trên chiến trường mà là trên báo Văn Nghệ - được in nguyên một chùm thơ trên tờ báo danh tiếng này, kèm theo đó là một bài phê bình, giới thiệu của Hoài Thanh, lúc đó là đầu năm 1972. Chùm thơ sau đó đoạt giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ cùng các chùm thơ của Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ và Nguyễn Đức Mậu. Từ "sự kiện" này, Nguyễn Duy rút ra một bài học lớn cho bản thân, cũng chính là bài học cho những người viết trẻ: "Mình viết cái gì thật là của mình thì sẽ truyền cảm, viết bằng cái tình, cái lý của kẻ khác sẽ không thành cái gì. Quan trọng nhất là phải có một người phát hiện và thẩm định tác phẩm của mình". Cũng chính từ bài học này, khi đã trở thành một người biên tập, Nguyễn Duy phát triển thành phong cách cẩn thận trong biên tập. Khá nhiều bài thơ của Nguyễn Duy đã trở thành một giai thoại. Bài "Cơm bụi ca" được nhiều bà chủ quán cơm bình dân xin về treo tại cửa hàng. Ngày nay, những người đi qua đại lộ Lê Lợi của tỉnh Thanh Hóa vẫn truyền miệng nhau về bài thơ được lập miếu thờ ở dưới một gốc bàng, đó là bài "Đá ơi!". Nói như nhà thơ Trần Ninh Hồ: "Nguyễn Duy viết về cái gì cũng thật và đi đến cùng. Chính cái thật đã cứu Nguyễn Duy. Thật nhưng chính Nguyễn Duy lại cách tân từ những cái rất nhỏ, ngôn ngữ trào ra, cảm xúc trào ra".

Tác giả: Thành Tâm

Nguồn tin: SK & ĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây