Đức Hoàng viết văn từ nhạc Aqua và tin Google

Thứ ba - 22/02/2011 10:58 3.122 0

Tác giả trẻ Đức Hoàng. Ảnh: Pham Mi Ly.

Tác giả trẻ Đức Hoàng. Ảnh: Pham Mi Ly.
Những câu chuyện dân gian số hóa trên mạng, nhạc Aqua, truyện Doraemon, phim Lee Byung Hun… được Đức Hoàng, tác giả ‘Aquarius’, chọn đưa vào văn chương bởi đó chính là cuộc sống của anh và những người trẻ thuộc thế hệ anh.

Tác giả cuốn Aquarius hay là Chuyện dân gian ở thời đại chúng tasinh năm 1987, từng học Đại học Kiến trúc nhưng không tốt nghiệp, hiện làm phóng viên báo Bóng Đá và say mê viết tiểu thuyết.

Cách đây vài năm, Đức Hoàng đọc Vương quốc ảo của Quách Kính Minh và rất bất ngờ khi biết nhà văn Trung Quốc này viết cuốn sách đó từ năm 19 tuổi. Anh càng bất ngờ khi thấy một quyển sách có thể sâu sắc một cách hồn nhiên như vậy. Quách Kính Minh là một chàng sinh viên không có chút chuyên môn nào về văn học nhưng có thể tạo nên hiện tượng trong làng văn, Đức Hoàng nghĩ chỉ có thể là nhờ sự hồn nhiên. Chính tác phẩm Trung Quốc này đã tạo cảm hứng viết lách cho anh.

Đức Hoàng viết cuốn Aquarius trong vòng một năm, từ tháng 5/2009 đến tháng 5/2010, đúng “mùa dâu da nở” như nhân vật chính trong truyện từng nhắc đến.

Tên gọi Aquarius của cuốn sách xuất phát từ album cùng tên của nhóm nhạc Aqua gồm các thành viên người Đan Mạch và Na Uy rất nổi tiếng ở Việt Nam trong thập niên 1990 và 2000. Đây là một từ không có trong từ điển tiếng Anh nhưng có thể hiểu là “thuộc về Aqua”, thể hiện việc cuốn sách được sáng tác dựa trên cảm hứng về âm nhạc Aqua. Trong sách, mỗi chương đều lấy lời đề từ là một câu nhạc từ một bài hát của nhóm này. Đức Hoàng cho biết, trong suốt một năm sáng tác, anh chỉ nghe nhạc Aqua để lấy cảm hứng.

“Nhạc Aqua có thể gọi là ‘thị trường’, rất bốc và có thể thích hợp để ‘lắc’ nữa. Nhiều người có thể không nhận thấy tính nghệ thuật trong đó, nhưng thực ra nhạc Aqua chất chứa rất nhiều nỗi niềm. Thậm chí tôi còn cố lý giải nhạc Aqua như trường hợp bài Doctor Jones”, tác giả nói. Mặc dù vậy, Aqua không phải là thần tượng số một mà chỉ là một trong số các nhóm nhạc mà anh thấy hứng thú.

Câu chuyện của Aquarius có thể gặp trong các phim hành động Hollywood hay bộ phim Hàn mà Lee Byung Hun đóng vai chính. Câu chuyện kể về một sát thủ trong thế giới ngầm, dòng đời ngắn ngủi là những cuộc ám sát liên miên.

“Trước đây, khi sáng tác, tôi không nghĩ mình đủ tư cách để viết một tác phẩm với mục đích xuất bản, tôi chỉ viết để nói những điều cần nói. Chính vì thế câu chuyện có nhiều điều tưởng tượng, tôi cũng không hề nhắc đến tên một thành phố hay đất nước Việt Nam ở trong cuốn sách. Độc giả có thể câu chuyện xảy ra ngay tại nơi họ sống cũng được, nghĩ nó xảy ra ở hành tinh khác cũng được. Theo tôi, câu chuyện có thật hay không không quan trọng bằng việc cuốn sách mang lại cho độc giả những gì”, tác giả nói.

Đức Hoàng mở đầu cuốn tiểu thuyết bằng cách nhắc đến một “bản tin đi lạc” trên Google News. Đó là vào năm 2008 khi Google bỗng dưng lọc ra tin hãng hàng không United Airlines phá sản, thực chất là tin từ năm 2002 và đưa lên trang chủ như một thông tin mới cứng. Liền đó, gần 1 tỷ USD cổ phiếu của hãng này bị bán tống bán tháo chỉ trong vài phút sau. Từ đó tác giả liên hệ đến bức thư tình đi lạc do người yêu năm xưa viết cho người vợ mà ông chồng bà này vô tình đọc được. Bức thư đó dẫn đến sự tan vỡ của một gia đình, khiến đứa con trai, nhân vật chính, bỏ nhà ra đi và trở thành sát thủ. Hai câu chuyện hoàn toàn khác biệt nhưng có chung tính chất và quy luật, đó là “thủ thuật” quen thuộc mà Đức Hoàng sử dụng trong cuốn sách.

Bìa cuốn "Aquarius hay là Chuyện dân gian ở thời đại chúng ta".

Tác giả cho biết, là người làm báo, anh có ba địa chỉ thường xuyên truy cập để cập nhật thông tin: Google News, mục Ảnh trong tuần của tạp chí Time và báo điện tử VnExpress. Trong Aquarius, nhân vật chính thường xem Google News và theo dõi mục Ảnh trong tuần của Time. Còn những thông tin quốc tế mà Đức Hoàng sử dụng làm hình tượng văn học, về những chú gấu Bắc cực, về đất nước Thổ Nhĩ Kỳ…, anh nói đó là những bản tin để lại ấn tượng sâu sắc mà anh từng đọc trên VnExpress. Đó là những thông tin anh đọc một lần rồi nhớ mãi, chứ không phải đến khi viết sách mới ngồi tra lại.

“Những câu chuyện dân gian của thời đại chúng ta ở trên Google. Những kinh thánh của thời đại chúng ta nằm trong từng trang Doraemon”, Đức Hoàng viết trong những dòng tâm sự cuối cuốn sách. Đó là lời tuyên bố tưởng như lạ lùng nhưng lại có lý, đặc biệt trong suy nghĩ của những người cùng thời với anh, những người bắt đầu làm quen với Google hơn 5 năm trước và lớn lên cùng các nhân vật Nobita, Doraemon trong bộ truyện tranh Nhật Bản trứ danh. Nguồn cảm hứng vô tận của tác giả là những câu chuyện như vậy.

Đức Hoàng thuộc mẫu người trẻ có những thói quen hiện đại, cách viết của anh cũng vậy. Anh chọn viết về thời đại của chính mình bởi anh chưa thỏa mãn với những tác phẩm văn chương viết về đề tài này. Khó có ai hiểu về thời đại này hơn những người “đang trẻ”, như anh và các cây bút cùng thế hệ với anh. Văn học hiện nay, đối với anh, chưa phản ánh rõ nét cuộc sống và nội tâm của họ.

Mặc dù vậy, tác phẩm của Đức Hoàng vấp phải một lối mòn trong các sáng tác trẻ: sự u uất, ám ảnh, thiếu tươi sáng. Những thế giới màu đen, những cuộc đời không có lối thoát, tính cách nhân vật chưa thực sự gây ấn tượng. Kiểu nhân vật bị cuộc đời xô đẩy dẫn đến làm sát thủ, bế tắc như nhân vật tôi không phải hiếm, nhân vật có tính cách lãng mạn nhưng đó cũng chưa phải một nét độc đáo. Giọng văn đầy hoài niệm củaAquarius là một nét riêng nhưng chưa hẳn có sức níu giữ độc giả.

Đây mới là tiểu thuyết đầu tiên xuất bản của Đức Hoàng, anh thể hiện mình mang nhiều đặc điểm điển hình của một tác giả trẻ. Thế nhưng, trong những đặc điểm đó, bên cạnh tính hiện đại, vẫn còn nhiều nhược điểm. Tác phẩm có những cách khai thác mới, có những chi tiết gây ấn tượng, nhưng về tổng thể chưa hiệu quả. Người ta có thể chỉ nhớ những chi tiết đó và lãng quên cuốn sách. Chính vì tác phẩm hình thành từ những mảnh nhỏ của suy nghĩ nên thiếu tính hệ thống và còn dựa nhiều vào cảm hứng.

Bản thân Đức Hoàng cũng chưa hài lòng vì cách mình giải quyết vấn đề. Anh không thoát khỏi suy nghĩ “Cứ mỗi lần ấn Ctrl S (lệnh lưu tài liệu trong Microsoft Office Word) kết thúc tác phẩm là tôi thấy mình thất bại”.

Đức Hoàng đang tiếp tục “giải” một “đề thi” mới: cuốn Eris hay là Những giao thức ở thời đại chúng ta. Đây cũng chính là tác phẩm từng bị các nhà xuất bản từ chối, hiện chuẩn bị ra mắt vào giữa năm nay.

Tác giả: Pham Mi Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây