Lần đầu thấy trăng - chuyện buồn của ngành giáo dục

Thứ ba - 19/11/2013 04:06 2.824 0
Lấy bối cảnh, đề tài trong ngành giáo dục, cuốn sách của Võ Diệu Thanh không chỉ kể câu chuyện trường lớp mà còn là bức tranh buồn của hiện thực xã hội.

Lấy bối cảnh, đề tài trong ngành giáo dục, cuốn sách của Võ Diệu Thanh không chỉ kể câu chuyện trường lớp mà còn là bức tranh buồn của hiện thực xã hội.

Tên sách: Lần đầu thấy trăng
Tác giả: Võ Diệu Thanh
NXB Phụ Nữ

Mọi chuyện bắt đầu từ Lưu Manh tự - nơi không có chùa, mà là một thửa đất hẹp, một bên là nhà trọ Tình (một lầu xanh xuyên quốc gia trá hình), một bên là trường tiểu học Dương Đôi với đủ loại giáo viên. Trong Lưu Manh tự có hai ông già làm bạn với nhau, đó là ông giáo Độ tốt bụng không màng danh lợi, sống thanh đạm như một nhà tu, và già Hai - một người tính nết hiền lương nhưng nói năng bạt mạng.

Bộ ba Dẫu - Dị - Hậu, mỗi đứa một hoàn cảnh, một tính cách, nhưng học chung lớp và trở thành ba học sinh cá biệt. Chúng được mọi người gọi trệch thành Dẫu - Dị - Hợm.

Dẫu (nhân vật xưng tôi) sinh ra trong một gia đình đông con, bố mẹ nghèo, thất học, phó mặc lũ con tự mưu sinh. Dẫu chưa bao giờ thích học, cô bỏ học đi bán vé số và bán trinh khi mới 14 tuổi. Dẫu dần tiến tới con đường bán dâm không chuyên ở nhà trọ Tình.

body-Lan-dau-thay-trang-4563-1383128446.

Bìa sách Lần đầu thấy trăng.

Dị là con trai của chủ nhà trọ Tình. Gia đình giàu có, Dị đến lớp học chủ yếu để khoe đồ chơi, tiền bạc. Cha mẹ mải chạy theo tiền bỏ mặc Dị dần dần thành đứa hư hỏng. Dị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh thành một đứa trẻ ngớ ngẩn, ít nói. Dị say mê Dẫu, nhưng bị Dẫu từ chối, nó trở thành một đứa trống ruột, tổn hao tâm hồn, và cho dù có được Dẫu cũng vẫn thấy cuộc sống này là một cái tẻ ngắt cần được lấp đầy bằng những trò lố bịch.

Hậu (nhân vật mình) là con của một người đàn bà đẹp nhưng do bị phù tình mà trở nên tâm thần. Hậu có gen khờ của mẹ, nhưng do bệnh thành tích trong giáo dục mà vẫn được lên lớp. Học tới lớp 3 thì Hậu bỏ học. Thầy giáo Độ, là bạn của bà ngoại Hậu, đã đưa Hậu về nhà dạy chữ cho nó. Hậu ngoan hiền, chăm chỉ và trở thành cô giáo. Hậu mến và yêu ông giáo Độ lúc nào không hay. Hậu không tới trường mà chỉ mở lớp dạy miễn phí cho những em nhỏ bất hạnh như mình.

Sau bao biến cố, Dẫu quyết định bỏ đi, để lại Hậu với bao mong ước tốt đẹp, để lại Dị cùng mớ vàng mà cậu ăn cắp từ gia đình mang cho cô.

Tác giả Võ Diệu Thanh là một cô giáo dạy mỹ thuật, chính vì thế chị đem phần nào những trăn trở trong ngành của mình vào trang viết. Đọc Lần đầu thấy trăng của Võ Diệu Thanh, người đọc dễ liên tưởng tới Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Bởi trong Lần đầu thấy trăng, người đọc cũng cảm nhận được không gian, đời sống của người dân Nam bộ, đậm chất Nam bộ. Nhưng nếu Nguyễn Ngọc Tư viết về thân phận người nông dân Nam bộ, thì Võ Diệu Thanh viết về nỗi bất hạnh của những đứa trẻ vùng đồng bằng sông Cửu Long; nếu Nguyễn Ngọc Tư phản ánh hiện thực, những vấn đề xã hội của người dân Nam bộ, thì Võ Diệu Thanh nói về những bất cập trong ngành giáo dục.

body-2-6882-1383128447.jpg

Tác giả Võ Diệu Thanh (người quàng khăn) là một cô giáo dạy mỹ thuật.

Tác giả Võ Diệu Thanh là một giáo viên nhưng mê viết. Chị đã xuất bản và giành được một số giải thưởng văn học nhất định. Tập truyện ngắn Lời thề đá (2009) được giải C do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật xét tặng. Tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược (2010) được giải Nhì cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4. Tập truyện ngắn Gạt nước mắt đi được giải Nhất cuộc thi truyện ngắn hay trên mạng xã hội Yume. Năm 2013 này, ngoài tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng, Võ Diệu Thanh còn cho xuất bản tập truyện ngắn 17 cây số đường ma.

Tác giả: Hiền Đỗ

Nguồn tin: VnExpress

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây