Vào những buổi sớm mai, khi thủy triều rút xuống cũng là lúc người dân vùng ven biển xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) lại í ới gọi nhau đi săn còi. Rồi từng tốp, đông nhất là phụ nữ lần lượt đi ra bãi biển, chờ nước rút xuống là xắn ống quần cao quá gối bắt đầu cuộc đi săn. Dụng cụ họ mang theo là những chiếc rọ thắt bên mình, hoặc có khi là cần câu dài để thu phục loài cá này.
Mùa vụ để bắt được cá còi chủ yếu vào tháng giêng đến tháng 5 âm lịch. Vào thời điểm này cá còi sinh sôi nảy nở nhiều nên cũng là lúc đi săn hiệu quả nhất. Bà Nguyễn Thị Ưng (56 tuổi) ở thôn Ninh Phú vừa thoăn thoắt lội trên lớp bùn sình lầy, vừa cho biết, cá còi còn có tên gọi khác là thòi lòi hay phương ngư. Có lẽ do thân hình nhỏ nhắn, còi cọc nên bà con Đa Lộc gọi là cá còi cho dễ nhớ.
Săn cá còi chủ yếu là phụ nữ. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Cá còi phổ biến nhất dọc các bãi lầy ở cửa sông, biển, mực nước không ngập quá 2 m. Vùng bãi triều mấy xã ven biển huyện Hậu Lộc, trong đó bãi triều Đa Lộc là nhiều nhất. Loài cá này sinh sống trong hang hốc, bãi lầy. Khi thủy triều rút xuống, cá chui ra khỏi hang đi kiếm ăn. Chúng di chuyển trên mặt đất khá nhanh, gần như chạy nhảy trên nước cũng như trên đất bùn, có khi leo lên tảng đá, thân cây vẹt.
Điều đặc biệt của loài cá này là rất nhỏ bé, dài khoảng 20 cm, mắt lòi ra ngoài, đầu vuông, thân mình đầy “hình xăm” với các chi tiết khá kỳ lạ. Cá còi sống trên cạn thì hô hấp bằng phổi, dưới nước hô hấp bằng mang. Chúng thường đào một cái lỗ ở dưới đất sâu gần 20 cm, mỗi lỗ như thế thường trú ngụ 1-2 con. Loài này có thể kho tiêu, kho tương, nướng, làm gỏi…, ngon hơn mấy loài cá lóc, rô, trê, chép.
Một buổi săn còi bắt đầu từ sáng tinh mơ đến tận chiều tà. Công việc này đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo nên chủ yếu là chị em, số ít nam giới và một vài trẻ em. Khi phát hiện ra nơi trú ngụ của cá còi, người ta dùng tay đào nhẹ xuống dưới lớp bùn. Thấy động, cá còi liền chui ra ngoài và bị tóm cho ngay vào rọ.
Bên chiếc rọ đầy cá của mình, chị Nguyễn Thị Lực ở thôn Đông Thành, người được xem là “thợ săn” nổi tiếng trong giới bắt cá còi cho biết, việc bắt cá cũng cần phải có kỹ thuật, sự nhẹ nhàng, nhanh tay, nhanh mắt. Bắt cá không thể đi bao tay mà phải để tay trần mới bén. Đã có người bắt cá vô tình bắt phải rắn biển. Tuy nhiên, thường là những loài rắn nước nên lành, bị cắn phải cũng không chết.
Cá còi có thể chế biến nhiều món, giá bán hơn trăm nghìn một kg. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Khi được hỏi sao không kiếm việc gì nhàn hạ hơn, chị Lực trầm tư, giọng đặc dân miền biển: “Ở vùng bãi ngang Đa Lộc, đàn ông chủ yếu đi biển. Chị em ở nhà nội trợ, buôn thúng bán mẹt kiếm thêm tiền ăn và đóng góp học hành cho các cháu. Nghề này tuy vất vả nhưng là nghề săn chim trời cá nước, không mất vốn mất lãi gì hết”.
Bà Nguyễn Thị Ưng cho biết thêm, nghề bắt còi có từ thời ông cha. Cá này ăn ngon lắm, béo hơn cả thịt lợn. Thị trường bây giờ rất ưa chuộng loại cá này nên săn được mẻ nào hết veo mẻ ấy. Ngày trước, chỉ số ít người dân quê đi bắt cá. Bây giờ đông hơn, thời gian cá sinh sản có đến cả trăm người nên cá cũng thưa dần.
Cá còi sau khi thu mua thường được đem ra chợ bán hoặc được bán lại cho các nhà hàng, khách sạn. Giá bán của loài này bình thường 100-130 nghìn đồng/kg, có hôm lên đến 200 nghìn đồng/kg. Trung bình thu nhập của những người đi bắt cá còi khoảng 150 nghìn đồng/ngày.
Theo tài liệu tham khảo thì cá còi thuộc họ bống trắng, được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực cửa sông, hạ lưu sông và vùng biển ở khu vực nhiệt đới, trải dài từ Seychelles, Ấn Độ, Bangladesh, sang Australia, bao gồm cả Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam). |
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc