'Phải công tâm khi bỏ phiếu tín nhiệm'

Thứ tư - 15/05/2013 22:51 844 0
"Đại biểu phải công tâm, không bị tác động, phải độc lập chính kiến và đánh giá tín nhiệm một cách chính xác, chắt lọc thông tin qua ý kiến nhân dân để việc lấy phiếu đạt kết quả", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.

Sáng 15/5, góp ý cho việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ 5, bắt đầu diễn ra từ tuần tới, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, chương trình kỳ họp dự kiến sẽ giảm thời gian thảo luận riêng tại các đoàn về nội dung này.

Cụ thể ngày 10/6, các đại biểu sẽ có một nửa buổi chiều để thảo luận ở đoàn. Ngày 11/6, Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp thảo luận ở các đoàn. Ngay sau đó, tại phiên họp toàn thể, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày lại bản báo cáo này cũng như các báo cáo khác có liên quan.

Ngay trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội bầu ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh lãnh đạo chủ chốt. Kết quả sẽ công bố vào chiều cùng ngày. Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm được thông qua vào ngày tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi bỏ phiếu, các đại biểu Quốc hội phải độc lập, công tâm, khách quan. Ảnh: N.Hưng.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ban Công tác đại biểu đề nghị chỉ bố trí thảo luận ở các đoàn khi Thường vụ Quốc hội thấy cần thiết, vì có thể đại biểu sẽ không yêu cầu làm rõ hay xác minh các vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm hoặc nếu có thì sẽ không đủ thời gian để người được lấy phiếu và các cơ quan có thẩm quyền giải trình, làm rõ. Ngoài ra, việc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo kết quả xác minh, giải trình về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu chỉ thực hiện khi thấy cần thiết.

"Có ý kiến đề nghị tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày và bố trí nội dung này trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để đại biểu có thêm thông tin, làm cơ sở cho việc lấy phiếu tín nhiệm", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay.

Góp ý cho việc chuẩn bị, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, việc thảo luận riêng ở các đoàn trước khi bỏ phiếu là rất cần thiết, do đó đề nghị phải ấn định trong lịch của chương trình nghị sự chứ không sắp xếp ở dạng "nếu có".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá lấy phiếu như một bước tiến trong việc xây dựng hệ thống chính trị, quyền giám sát của Quốc hội thay mặt nhân dân được thực hiện. "Quan trọng nhất là ở các đại biểu, người bỏ phiếu tín nhiệm phải làm sao để phải công tâm, khách quan, không bị tác động, phải độc lập chính kiến và đánh giá tín nhiệm một cách chính xác. Các đồng chí phải chắt lọc thông tin qua ý kiến nhân dân để làm sao việc lấy phiếu đạt kết quả", ông Hùng nói.

Theo chương trình dự kiến được trình, kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20/5 và kéo dài đến 21/6. Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số dự án luật sẽ được thảo luận như luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật việc làm.

Ngoài nội dung về kinh tế xã hội, các bộ ngành cũng gửi báo cáo riêng như tình hình thực hiện dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên; công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, việc thực hiện quy định không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán và việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng miếng thông qua đấu giá trong thời gian qua.

Ngoài phiên khai mạc, bế mạc và chất vấn, việc phát thanh, truyền hình trực tiếp sẽ được thực hiện với khá nhiều nội dung như thảo luận tại hội trường về Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây