Gần 12h trưa, thang máy dẫn lên nhà ăn ở tầng 15 của một tập đoàn trên phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chật kín người. Cửa thang máy vừa mở, đoàn người bên trong ùa ra chen chân với những người đang xếp hàng đợi mua cơm. Trước các quầy bán, nhân viên công sở đứng xếp hàng đợi đến lượt. Tiếng loảng xoảng bát đĩa, tiếng gọi nhau í ới cùng những bước chân vội vã khiến căng tin trở nên ồn ào.
Ngày nắng, những món luộc, canh và bún đắt hàng. Các bàn ăn đều kín chỗ, thậm chí bàn phía ngoài ngập nắng vẫn không còn ghế trống. Khác với mọi khi các nhóm nhân viên vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, hôm nay nắng gắt bất thường, họ ăn nhanh để về phòng làm việc cho mát.
Thay vì rong ruổi ra ngoài ăn, dân công sở chọn căng tin cơ quan để tránh nắng. Ảnh: Bình Minh. |
Vốn ghét căng tin vì phải chờ đợi và mùi thức ăn bám vào quần áo, anh Hải bình thường vẫn cùng nhóm bạn xuống quán vỉa hè gần cơ quan ăn trưa. Ăn xong, anh cùng bạn bè cà phê hoặc trà đá vỉa hè tán gẫu. Nhưng hôm nay nhân viên công ty truyền thông này chuyển hướng ăn cơm căng tin. "Thà bị ám mùi một chút còn hơn là phải xuống đường trong cái nắng 38-39 độ C", anh Hải giải thích và cho hay để hạn chế ra ngoài, nhiều nhân viên nam trong phòng học tập các chị em xách cặp lồng cơm từ nhà đến cơ quan.
Cũng "thay đổi chiến thuật" ở nguyên trong phòng làm việc thay vì xuống đường ăn trưa, chị Hương, nhân viên IT của một công ty viễn thông ở Hà Đông gọi cơm hộp. Gần 11h trưa, phòng chị í ới giục nhau chọn món để còn đặt cơm. "Trời nắng, nếu không đặt sớm sẽ hết đồ ngon và phải đợi lâu", chị giải thích.
Chị Hương cho biết hay cùng đồng nghiệp tranh thủ giờ nghỉ trưa để ghé các shop mua đồ hoặc sang siêu thị đi chợ. Nhưng vài hôm nay chị không dám ra đường vì sợ say nắng. Khu nhà chị ở Mỹ Đình tối qua mất điện nên hai đứa nhỏ được "tản cư" xuống nhà ông bà nội ở Hà Đông. Không phải chăm con nên chị cũng như nhiều nhân viên sẽ lán lại cơ quan chờ tắt nắng mới về nhà.
Trời nắng, chị Mai thay đổi thực đơn cho gia đình bằng canh cá rô. Ảnh: Bình Minh. |
Trời nắng nóng, mọi người đều uể oải nên các bà nội trợ cũng phải kỳ công chế biến món ăn ngon miệng và giúp giải nhiệt. Tại các chợ, cua, trai, hến trở nên đắt hàng. Đi chợ từ sáng sớm, nhưng chị Mai (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) vẫn không mua nổi ít cua về nấu canh. Đảo một vòng quanh các chợ gần nhà nhưng không hàng nào còn, chị đành mua cá rô nấu canh cải và không quên dặn chủ quán hôm sau để phần cua.
Theo chị Mai, giá cua không quá đắt (khoảng từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/lạng) nhưng trời nóng, cua dễ chết nên mặt hàng này càng khó mua. Để chống lại cái nóng, chị cũng tích cực nấu chè để giải cơn háo nước cho cả nhà.
12h trưa, Hà Nội nóng hầm hập, chị Liên vẫn kiên nhẫn ngồi bán kính trên đường Hồ Tùng Mậu. Từ đầu đến chân chị bịt kín, chỉ hở đôi mắt. Ngoài áo chống nắng, chị còn bịt thêm vài chiếc khăn lên đầu, tay đeo găng, chân đi giày. "Mặc như vậy ngồi bán hàng mới khỏi bụi và nóng", vừa nói, chị vừa kéo tấm vải che mặt ra một chút cho dễ thở.
Trọ cách chỗ bán hàng không xa nhưng chị Liên không dám về nhà nghỉ vì đi lại nắng mệt mỏi và căn nhà trọ chật hẹp "nóng như một cái hầm". Hơn nữa, buổi trưa không bị công an đuổi nên chị tranh thủ ngồi dưới nắng bán kính cho người đi đường. Chị than mấy hôm nay phòng trọ mất điện, phải đối phó bằng cách đặt chậu nước trong phòng và lót nhiều giấy dưới tấm ngói xi măng. Tối nào đi bán hàng về chị cũng mua cân bún về cả nhà xì xụp với canh chua.
Giữa trưa, chị Liên vẫn ngồi bên xe hàng mong bán được kính cho người đi đường. Ảnh: Bình Minh. |
Lên Hà Nội đã 4 năm nay, chị Liên và chồng bán kính bên đường kiếm tiền nuôi ba đứa con. Chị lẩm bẩm mong trời đừng nắng gắt nữa để còn bán được kính, chứ như hôm nay đến trưa vẫn có chẳng có ai mở hàng. Hôm qua chị ngồi từ 14h đến 18h tối mà chỉ bán được một chiếc kính. "Nắng gắt, chả ai buồn ghé vào mua", người phụ nữ ngoài 50 tuổi chép miệng nói.
Theo cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt. Tại trung tâm Hà Nội, từ 7h sáng nay nóng 30 độ C, đến 13h chiều vọt lên 38 độ C và đạt 39 độ C lúc 16h. Đây chỉ là nhiệt độ trong lều khí tượng (đo ở vị trí cách mặt đất chừng 2 m, có mái che), còn thực tế ngoài đường có thể nóng 42-44 độ C.
Chuyên gia khí tượng dự báo, người dân Hà Nội còn phải chịu đựng nắng nóng gay gắt trong 2-3 ngày nữa.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc