'Chống tác hại thuốc lá phải bắt đầu từ Quốc hội'

Thứ năm - 16/05/2013 08:27 747 0
"Tại các kỳ họp Quốc hội, cứ đến giờ nghỉ giải lao là hành lang lại đầy khói thuốc như làn sương mờ ảo. Vì vậy, Quốc hội phải làm gương phòng chống tác hại thuốc lá", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến.

Sáng 16/5, Ủy ban Các vấn đề xã hội tổ chức hội thảo nâng cao hiệu quả thực hiện luật phòng chống tác hại thuốc lá (có hiệu lực từ 1/5). Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho biết trước đây từng đề nghị cân nhắc việc thông qua luật này vì chính những người nhấn nút thông qua lại đang vi phạm luật.

Khẳng định luật ra đời là cơ sở pháp lý để bảo vệ sức khỏe cho người dân, tuy nhiên ông Cương cho rằng với diễn biến hiện tại, hút thuốc lá nơi công cộng có thể là căn bệnh trầm kha không bao giờ chữa được. "Tại các kỳ họp Quốc hội, cứ đến giờ giải lao là hành lang của tòa nhà lại đầy khói thuốc. Nếu nói văn vẻ thì khói thuốc như làn sương mờ ảo bay nghiêng, nhìn rất kinh khủng", ông Cương dẫn chứng.

Theo đại biểu này, việc thực hiện luật phải bắt đầu và nghiêm túc từ Quốc hội, bởi đây chính là cơ quan thông qua luật, phải làm gương. Ông dẫn chứng thêm, ở phòng làm việc của các Ủy ban hiện tại cũng như "lò than tổ ong", họ đóng cửa bật điều hòa và hút thuốc.

"Sau Quốc hội thì Chính phủ và các cơ quan Bộ Tư pháp phải thực hiện nghiêm luật. Tôi từng kiến nghị là tại sao cấm uống rượu bia trong giờ làm việc lại không cấm luôn hút thuốc lá? Vì bên ngoài xã hội khó thực thi luật nhưng các cơ quan nhà nước thì làm dễ hơn. Vụ trưởng, chuyên viên hút thuốc không bị phạt thì không thể phạt người khác", ông Cương nói.

Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn không có gì thay đổi từ khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực. Ảnh cắt từ clip.

Không chỉ ở Quốc hội, các nơi công cộng như bệnh viện, nhà ga... vẫn nhan nhản người hút thuốc. Ông Vũ Quý Hợp, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ở bệnh viện rất hiếm nhìn thấy y bác sĩ hút thuốc lá nhưng người nhà bệnh nhân thì hút rất nhiều và khó cấm được vì người bệnh luân chuyển liên tục.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở ga Hà Nội. Ở phòng chờ và sân ga trước đường Lê Duẩn vẫn thường xuyên có người hút thuốc. Ông Nguyễn Văn Chương, phó trưởng ga cho biết, ở khu vực này việc xử phạt rất khó khăn. "Lẽ ra việc chuẩn bị các văn bản dưới luật phải thực hiện trước, tuyên truyền mạnh mẽ trong lúc chờ luật, để những người hút thuốc lo sợ, vào bệnh viện không dám hút", đại biểu Nguyễn Anh Sơn nêu ý kiến.

Người đứng đầu Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang đề nghị, khi răn đe không có tác dụng nhiều thì cưỡng chế tài chính. Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế phải dẫn dắt, tổ chức thanh tra xử lý vi phạm ở nhiều điểm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho biết sẽ báo cáo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để nhắc nhở đại biểu thực hiện nghiêm túc luật phòng chống tác hại thuốc lá. Các phòng họp, hàng lang sẽ được dán biển cấm hút thuốc.

Ông Tiên đề nghị Bộ Y tế và các ngành tuyên truyền về trách nhiệm của người đứng đầu bởi qua theo dõi, Ủy ban thấy rằng những người đứng đầu chưa biết gì về luật bởi họ chưa đọc, và chỉ khi nhận được văn bản thì mới xem. "Nếu Bộ Y tế ra văn bản, chỉ thị về trách nhiệm phòng chống tác hại thuốc lá thì ĐH Y, các bệnh viện sẽ phải làm. Đây là những nơi ưu tiên số 1 nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em, người dân", ông Tiên nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng đề nghị cơ quan quản lý thị trường phải có trách nhiệm nghiêm cấm việc bán thuốc lá cho trẻ em. Những nơi nào vi phạm thì xử phạt nghiêm để có tính răn đe. "Luật này mang tính nhân văn cao và ảnh hưởng đến xã hội rất nhiều. Nếu triển khai không hiệu quả thì mỗi năm Ủy ban sẽ giám sát một lần, ngành nào làm không tốt sẽ chịu trách nhiệm và bị bêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng", ông Tiên nói.

Hoàng Thùy

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây