‘Chưa có hộ dân Đường Lâm xây nhà đúng Luật di sản’

Thứ tư - 15/05/2013 13:13 782 0
Hơn 200 hộ đã cải tạo nhà tại xã Đường Lâm song không có ai thực hiện được đúng theo Luật di sản văn hóa do thủ tục xin giấy phép phức tạp. Lãnh đạo thị xã Sơn Tây cho biết sẽ đối thoại với người dân về vấn đề này.

Trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết, việc người dân làng cổ Đường Lâm xin trả lại danh hiệu di tích cấp quốc gia là hành động của một bộ phận nhỏ người dân bức xúc khi bị ngăn chặn các vi phạm xây dựng trên địa bàn thôn Mông Phụ, không phải là đại diện của 1.500 hộ với hơn 6.000 dân đang sống tại di tích.

Theo ông Thăng, 5 năm qua, xã Đường Lâm có 179 hộ xây dựng, cải tạo nhà ở. Trong đó, 94 hộ bị thanh tra xây dựng lập biên bản vi phạm và đình chỉ xây dựng, song mới chỉ có gia đình bà Hà Thị Khanh bị cưỡng chế dỡ tầng hai năm 2010.

Đầu năm 2013, do chính quyền buông lỏng quản lý nên các hộ dân đã tự ý xây nhà khi chưa có thoả thuận, xây dựng sai quy định. UBND thị xã đã chỉ đạo xã Đường Lâm kiểm điểm, đồng thời có kế hoạch cưỡng chế các hộ dân xây dựng sai quy định. Việc này đã làm nảy sinh bức xúc, phản ứng của một số hộ dân trong diện bị xử lý, ngăn chặn dẫn tới viết đơn đề nghị trả lại danh hiệu di tích cấp quốc gia.

Một ngôi nhà bị xử phạt do chủ nhà lợp mái ngói song đổ bê tông mà không dùng cột kèo bằng gỗ. Ảnh: Hoàng Hà.

Giải thích nguyên nhân tình trạng xây dựng sai phép, trái phép khá phổ biến, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, Luật di sản văn hóa đã quy định khu vực 1 (làng Mông Phụ) là bất khả xâm phạm, yêu cầu cơ quan quản lý phải giữ nguyên hiện trạng từng con đường, ao, giếng, nhà...

Theo ông Sơn, trước đây người dân không phải xin phép xây dựng nhà ở, nay lại bị điều chỉnh bởi hai luật là Luật di sản văn hóa và Luật xây dựng nên để cải tạo nhà, phải xin phép Sở Xây dựng và phải xin thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Mẫu thiết kế nhà phải do đơn vị thiết kế có pháp nhân thực hiện. Nhiều thủ tục như vậy nên hơn 200 hộ cải tạo nhà trong các năm qua chưa ai thực hiện được đúng theo Luật di sản văn hóa. Hiện, thị xã Sơn Tây vẫn cấp giấy thỏa thuận xây dựng cho hộ dân với quy định chung như nhà gỗ lợp ngói, chiều cao dưới 6m.

"Làm theo đúng Luật di sản là rất khó. Chúng tôi đã kiến nghị thị xã Sơn Tây cấp phép thỏa thuận để tạo thuận lợi cho dân. Tuy nhiên, nhiều nhà vẫn xây dựng sai so với thỏa thuận đó", ông Sơn nói.

Cơ quan quản lý di tích làng cổ cho biết, hiện Đường Lâm còn ơn 100 ngôi nhà xây 2-3 tầng với thiết kế hiện đại, nhưng đa số xây dựng trước khi làng cổ được công nhận là di tích, còn một số nhà xây sau này do chính quyền quản lý chưa tốt.

Cũng theo Trưởng ban quản lý di tích, người dân làng cổ chưa được cấp đất giãn dân trong khi dân số không ngừng tăng lên, nhu cầu cải thiện cuộc sống là hiện hữu. Có những nhà cổ diện tích 200 m2 không thể chia ra làm nhiều hộ sinh sống nên người dân rất khó khăn. Thị xã Sơn Tây đã lập dự án đất giãn đân 9 ha song qua nhiều khâu thẩm định, đầu tư từ các sở ngành thành phố nên kéo dài thời gian.

"Một số nhà cổ, nhà truyền thống hiện nay có 2-3 thế hệ sống. người dân bao nhiêu năm chịu đựng. Người dân đã chịu nhiều thiệt thòi khi bảo vệ di sản của quốc gia, thậm chí đổ mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi rất thông cảm với nỗi khổ của dân song không có thẩm quyền giải quyết. Quy hoạch và các quy chế quản lý làng cổ Đường Lâm thực sự chưa được các ngành quan tâm", ông Sơn chia sẻ.

Trong báo cáo gửi thành phố Hà Nội, lãnh đạo thị xã Sơn Tây cũng kiến nghị nhiều giải pháp cải thiện đời sống người dân như lập dự án giãn dân bên ngoài khu bảo tồn và hỗ trợ người dân ở khu vực 1 là 70% và người dân ở khu vực 2 là 50% tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ các căn nhà có niên đại trên 100 năm tuổi, hỗ trợ 50% kinh phí tu bổ với các căn nhà truyền thống. Nhà hiện đại chuyển đổi thành nhà truyền thống cũng cần được hỗ trợ 100% kinh phí...

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Cục di sản văn hóa cho biết, cơ quan này đã nhiều lần đốc thúc Hà Nội phê duyệt quy hoạch làng cổ Đường Lâm để có cơ sở bảo tồn, quản lý di tích. Tuy nhiên, do quá trình sát nhập Hà Tây và Hà Nội nên việc lập quy hoạch chậm chễ. Khi người dân muốn trả lại danh hiệu di tích, Hà Nội cần đối thoại với dân và giải quyết những bức xúc của dân vì Hà Nội đề nghị Bộ Văn hóa công nhận di tích.

Trước đó, một số người dân xã Đường Lâm đã gửi đơn bày tỏ muốn trả lại danh hiệu di tích quốc gia của làng cổ vì họ bị hạn chế sửa chữa, xây mới nhà ở, không có lợi ích từ kinh doanh du lịch.

Tác giả: Đoàn Loan

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây