Bất đồng ý kiến về xây mới 2 công trình tại chùa Một Cột

Thứ tư - 15/05/2013 08:18 829 0
Trong khi sư trụ trì và một số nhà nghiên cứu ủng hộ việc xây mới nhà Tổ, nhà Tăng thì các nhà quản lý văn hóa đề nghị phải làm theo đúng Luật di sản, hạn chế xây công trình mới ở chùa Một Cột.

Sáng 15/5, tại hội thảo lấy ý kiến về phương án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích chùa Một Cột - Diên Hựu, Ban quản lý dự án quận Ba Đình đã đưa ra nhiều hạng mục sẽ được tu bổ, như: đảo ngói Tam Bảo, nhà Mẫu, thay gạch sát sân, cải tạo sân vườn, thoát nước, cây xanh. Đặc biệt có 2 phương án xây dựng mới nhà Tổ và nhà Tăng phía sau chùa Diên Hựu với diện tích dự kiến trên 200 m2.

Nhà Tổ và nhà Tăng được xây mới tại lô số 6, 7. Ảnh: Đ.L.

Theo sư trụ trì Thích Tâm Kiên, chùa Diên Hựu - Một Cột trước đây có nhà Tổ, song khi xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phải xóa bỏ để phục vụ làm hành lang bảo tàng. Vì thế nhà chùa phải rước tượng nhà Tổ vào nhà Mẫu để thờ tạm đến ngày nay. Ngoài ra, nhà chùa có diện tích nhỏ nên các sư vẫn phải ở tạm bợ, sinh hoạt không đảm bảo.

"Tôi đề nghị phục chế nhà Tổ và xây nhà Tăng để 1-2 nhà sư ở, chứ chúng tôi không muốn đưa gì mới kệch cỡm làm biến dạng di tích", Đại đức Thích Tâm Kiên nói và kiến nghị nâng cốt nền của di tích vì trời mưa to thì chùa vẫn bị ngập do đây là khu lòng chảo, nước từ nơi khác tràn về.

Đề xuất xây mới nhà Tổ, nhà Tăng nhận được sự đồng tình của một số nhà nghiên cứu, song phần lớn e ngại về diện tích xây dựng. Ông Trần Đình Thành, Phó phòng quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa, nhận xét chùa Một Cột là di tích quan trọng nên cần xây công trình mới về phía tây để tạo khoảng cách với chùa, như phương án đề xuất của quận Ba Đình. Công trình phải nhỏ nhất để hạn chế chiếm khoảng không, nhà Tổ nên thu gọn từ 5 gian xuống 3 gian.

Ông cũng đồng tình phương án cải tạo thoát nước, nâng cốt nền nhà Mẫu để hạn chế úng ngập khi mưa lớn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, cho rằng không xây mới thì không giải quyết được sự nhom nhem, sinh hoạt lẫn lộn tại chùa Diên Hựu, song quan trọng là xây thế nào để hợp cảnh quan. Quận cần tham khảo chi tiết kiến trúc để không bị vênh, không ngoại lai. Ông cũng đồng tình phương án xây dựng nhà Tổ song yêu cầu lưu ý mức độ chiếm diện tích.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền đề nghị việc tu bổ theo cách thông thường là hỏng đâu sửa đấy và phải có sắp xếp, chỉnh trang hạng mục thờ tự. Ông cũng đề nghị xây dựng nhà Tổ trước, nhà Tăng và mặt trước hai công trình này hướng phía nam cùng hướng ngôi chùa Diên Hựu.

Chủ tịch quận Ba Đình Đỗ Viết Bình. Ảnh: Đ.L.

Không đồng tình với việc xây mới, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho rằng theo Luật di sản rất hạn chế xây công trình mới. Trong trường hợp cấp bách xây dựng thì phải được Bộ trưởng Văn hóa, người cấp bằng di tích lịch sử đồng tình.

"Quan điểm của chúng tôi là không đồng ý. Tôi cũng không muốn trong chùa này xây thêm khu thờ tự mới nữa. Chúng ta cố gắng không xây thêm công trình mới ở khu di tích nếu không quá cấp bách. Hiện đã có nhà Tổ rồi nên không có cơ sở là tính cấp thiết ở đây", ông Tiến nói.

Lãnh đạo cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội cũng đề nghị phường Đội Cấn tăng cường công tác quản lý bên ngoài chùa. Ông cho biết rất buồn khi đến đây thấy nhiều hàng quán dịch vụ nhếch nhách, đồ lưu niệm chất lượng thấp trong khi khu vực này phải là điểm đến di sản để lại ấn tượng trong lòng du khách.

Trưởng ban quản lý danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Tuân cũng cho rằng trọng tâm của dự án cải tạo tu bổ di tích là chống xuống cấp nên cần tập trung chống xuống cấp các hạng mục, còn việc xây dựng mới phải có lý giải thuyết phục. Ông đề nghị quận Ba Đình có giải trình riêng trình thành phố khi xây dựng công trình mới.

Chốt lại buổi hội thảo, Chủ tịch quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho rằng phương án dự án cải tạo, tu bổ chùa Diên Hựu - Một Cột nhận được nhiều ý kiến trái chiều là bình thường. Thời điểm này quận chưa thống nhất việc xây dựng nhà Tổ, nhà Tăng mà sẽ nghiên cứu, hoàn chỉnh phương án bảo tồn di tích để trình thành phố phê duyệt.

Lãnh đạo quận Ba Đình cũng yêu cầu chính quyền phường Đội Cấn giải tỏa hàng quán, dọn vệ sinh để bảo vệ môi trường, cảnh quan khu di tích chùa Một Cột - Diên Hựu.

Chùa Một Cột được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049. Chùa chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Tháng 10/2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất cho chùa Một Cột. Hiện công trình này là một trong những biểu tượng của thủ đô, là điểm tham quan được rất nhiều du khách ghé thăm khi đặt chân đến Hà Nội.

Tác giả: Đoàn Loan

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây