'Ở nội trú từ cấp 3 để học sinh có điều kiện tự lập'

Thứ tư - 24/04/2013 07:12 1.085 0
"Sự khác biệt của trường cấp 3 FPT là tập trung vào việc phát triển cá nhân toàn diện mà ở đó, học sinh được phát triển năng khiếu, tham gia sinh hoạt cộng đồng, ngoại ngữ và nhiều môn quốc tế', tiến sĩ Lê Trường Tùng chia sẻ với độc giả VnExpress.net.

Gần 300 câu hỏi được độc giả VnExpress gửi tới 2 vị khách mời là tiến sĩ Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT và thầy Nguyễn Xuân Phong - Hiệu trưởng trường THPT FPT trong buổi tư vấn trực tuyến chiều 24/4 với chủ đề "Học cấp 3 theo mô hình mới".

Hai vị khách mời là Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT và ông Nguyễn Xuân Phong, quyền Hiệu trưởng THPT FPT tại tòa soạn báo VnExpress.net chiều 24/4.

- Chào các vị khách mời! Chủ đề tư vấn trực tuyến có đề cập đến mô hình trường cấp 3 kiểu mới. Xin hỏi các vị khách mời điểm khác biệt của mô hình này với các mô hình khác là gì? Xin cảm ơn! (Hạnh Chi, 33 tuổi, Nam Định)

- Thầy Nguyễn Xuân Phong, Hiệu trưởng Trường THPT FPT: Trước tiên xin thay mặt Trường THPT FPT kính chào và cảm ơn các quý độc giả báo điện tử VnExpress đã quan tâm và theo dõi chương trình. Sự khác biệt của Trường THPT FPT là định hướng giáo dục tập trung vào việc phát triển cá nhân toàn diện cho học sinh và chuẩn bị năng lực học tập toàn cầu cho các em ở các bậc học cao hơn. Trường cũng tập trung các hoạt động vào việc hình thành đam mê, phát triển khả năng của mỗi cá nhân và giúp các em sớm có được định hướng nghề nghiệp sau này. Có thể tạm gọi đây như một mô hình trường chuyên kiểu mới, khi không chỉ tập trung vào một môn học cụ thể mà định hướng rộng hơn, thực tế hơn về nghề nghiệp cho các em. Mô hình nội trú toàn thời gian từ thứ hai đến thứ sáu, hai ngày cuối tuần không học thêm, không bài tập về nhà sẽ hỗ trợ tốt hơn cho phụ huynh cũng như tạo điều kiện để các em có thời gian dành cho gia đình, cho các hoạt động xã hội, đồng thời giúp học sinh trưởng thành và tự lập hơn.

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT: Mô hình trường phổ thông nằm trong một trường đại học, học sinh ở nội trú và được dạy dỗ, chăm sóc toàn diện, không phải một mô hình mới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình này thường áp dụng cho các trường phổ thông năng khiếu thuộc các trường đại học công lập. So với các trường loại này, trường phổ thông nội trú FPT có một số điểm khác biệt. Ngoài chương trình đào tạo chuẩn theo quy định của Bộ giáo dục, học sinh sẽ được đào tạo nâng cao về ngoại ngữ, tin học, một số môn học đặc thù theo chuẩn quốc tế và được hỗ trợ phát triển theo năng khiếu của từng em. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu của trường là sau khi tốt nghiệp, các em sẽ tiếp tục theo học tại đại học FPT hoặc đi du học. Bởi thế, trong chương trình, chúng tôi đưa các nội dung để chuẩn bị cho các em đi du học sau này hoặc những kỹ năng, kiến thức mà trường đại học FPT mong muốn đối với đầu vào của mình, trong đó, có kỹ năng tự lập trong cuộc sống sinh hoạt, học tập của mình.


Độc giả đặt câu hỏi tại đây

- Cho tôi hỏi học sinh ở các tỉnh không phải ở Hà nội thì có học được không, có phải nộp tiền trái tuyến gì không? (Mai Thi Nga, 47 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Chào chị Nga, năm nay, đối tượng tuyển sinh của trường trung học nội trú FPT là các học sinh thuộc các tỉnh khu vực phía Bắc. Chính sách tài chính cho tất cả đối tượng là giống nhau và không phải nộp phí trái tuyến với các thí sinh không thuộc địa bàn Hà Nội.

- Tôi rất thích và rất muốn cho con theo học chương trình đào tạo này để con tôi hình thành được tính tự lập ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi chỉ muốn hỏi thêm về nơi ở nội trú của các cháu có gần cơ sở y tế không, việc chăm sóc sức khoẻ cho các cháu được nhà trường thực hiện thế nào? (Đặng Đình Thảo, 40 tuổi, Hà Nội)

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Kính chào anh Thảo. Trường THPT FPT có phòng y tế với cán bộ y tế trực 24/24 để phục vụ cho các nhu cầu chăm sóc sức khỏe bình thường và công tác sơ cứu. Trường cũng đã liên hệ với các đội cấp cứu của Viện 105 với khoàng cách 15 phút đi xe để phục vụ trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra việc mua bảo hiểm y tế cho học sinh sinh viên sẽ thực hiện theo đúng quy định của nhà nước. Hàng năm nhà trường đều có tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh.

Ngoài ra, chúng tôi quan niệm việc phòng ngừa, chuẩn bị nền tảng sức khỏe tốt cũng quan trọng không kém. Một trong những điểm nhấn của chương trình đào tạo, phát triển cá nhân của Trường là tăng cường giáo dục thể chất vì đây là một điểm yếu của con người Việt Nam, chưa được chú trọng trong các trường phổ thông. Học sinh THPT FPT sẽ được chơi ít nhất 6 môn thể thao trong chương trình của trường và sẽ được hoạt động thể chất đều đặn hàng ngày để tăng cường sức khỏe.

- Chào thầy Tùng, tôi có con trai muốn gửi gắm vào trường FPT. Cháu nhà tôi học thì tốt, hay được học sinh giỏi, nhưng tính cách hơi rụt rè. Tôi lo ngại không biết với việc học tập trong môi trường quốc tế như FPT, cháu nhà tôi có gặp khó khăn không khi cấp một và cấp hai cháu chỉ học "trường làng" ở Quảng Ninh thôi. Cảm ơn thầy và chúc thầy sức khỏe. (Ngô Thị Thơm Email:Thomngo@yahoo.Com, 45 tuổi, TPHCM).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Với tính cách hơi rụt rè, cháu sẽ gặp một chút khó khăn trong những tuần đầu. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng phương thức đào tạo của trường và các hoạt động ngoại khóa sẽ rất nhanh chóng khắc phục tính cách rụt rè của cháu. Việc khắc phục tính rụt rè của cháu sẽ là trách nhiệm của nhà trường và có lẽ, tăng cường khả năng giao tiếp, tính tự lập sẽ là một trong những tiến bộ đầu tiên của cháu khi theo học tại trường THPT FPT.

Hơn 100 câu hỏi được đặt cho 2 vị khách mời trong 15 phút đầu tiên.

- Cho tôi hỏi thầy Tùng, điều gì khiến chúng tôi có thể đặt niềm tin vào trường. Tôi khá thích thú với mô hình mới này, nhưng còn hơi e dè vì đây là năm đầu tiên FPT tuyển sinh phổ thông. (Nguyễn Ánh Ngọc, 27 tuổi, Hà Nội).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT: Cách đây 7 năm, FPT cũng lần đầu tiên tuyển sinh đại học và hiện nay, đại học FPT được biết đến như một trường đại học đào tào chất lượng cao. Năm nay, chúng tôi chính thức triển khai hệ phổ thông nội trú của trường đại học FPT, kế thừa những gì trường đại học FPT đã làm được trong những năm qua. Đồng thời hiểu sâu sắc rằng trường đại học FPT cũng như các trường đại học quốc tế khác mong muốn đầu vào của mình cần có những tốt chất và kỹ năng gì để có chương trình học tập, rèn luyện phù hợp. Trường đại học FPT cũng đã có kinh nghiệm quản lý, lo ăn ở, học tập, sinh hoạt cho hàng nghìn sinh viên nội trú nên chúng tôi không e ngại việc quản lý nội trú như thế nào. Tất nhiên, với đối tượng học sinh phổ thông thì mô hình quản lý sẽ chặt chẽ hơn nhiều, dựa trên mô hình quản lý nội trú của những trường phổ thông quốc tế. Với tiềm lực của tập đoàn FPT, trường phổ thông sẽ được đầu tư tốt nhất, có các cán bộ giáo viên tốt nhất và con em FPT cũng sẽ học ở đây.

- Thưa thầy Tùng, con nhà tôi đang học lớp 9. Tôi dự định khi cháu học xong tôi sẽ cho đi du học vì môi trường nước ngoài hiện đại, đảm bảo cả về tri thức lẫn kỹ năng. Tuy nhiên tôi cũng lo cháu sẽ “mất gốc”, đi du học sớm quá sau này về lại VN làm việc sẽ khó hòa nhập với môi trường bản địa. Thầy nghĩ sao về điều này? (Trần Thị Xuân Yến Email:Yenttx1962@gmail.Com, 45 tuổi, Hà Nội).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Đi du học sớm có cái tốt là dễ hòa nhập với môi trường quốc tế. Tuy nhiên, cháu sẽ không được học một số môn liên quan đến lịch sử, địa lý, văn học Việt Nam, không dễ dàng về nhà cuối tuần để duy trì tình cảm gia đình, cho nên sau này, hơi khó thích nghi với môi trường Việt Nam. Cháu gái của tôi hiện đang học đại học của nước ngoài và cũng đi du học từ thời phổ thông nên tôi cảm nhận khá rõ việc này.

- Tôi rất thích chương trình đào tạo của THPT FPT: sáng học chính khóa theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều học ngoại khóa, tăng cường CNTT – tiếng Anh, chương trình giáo dục thể chất, sinh hoạt tập thể phong phú… Nhưng tôi cũng lo nội dung như thế là nặng nề, dày đặc, các con sẽ phải học nhồi nhét. Xin các thầy nói rõ về điều này? (Phan Nguyễn Văn Minh, 19 tuổi, Đà Nẵng).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Chương trình đào tạo của trường PT FPT sẽ tương đối nặng, các em vừa học cả chương trình của bộ GD - ĐT, vừa học các nội dung bổ sung và tham gia các hoạt động sinh hoạt, rèn luyện khác. Tuy nhiên, việc nắm bắt, theo kịp các nội dung chương trình sẽ không quá khó thông qua công nghệ đào tạo tiên tiến, sự tận tình của thầy cô và quy mô lớp học ít học sinh để có thể hỗ trợ được từng em. Các em sẽ không phải học thêm, vào thứ bảy, chủ nhật, có thể dành toàn bộ thời gian về thăm gia đình hoặc tham gia hoạt động ngoại khóa.

Tiến sĩ Nguyễn Trường Tùng.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Tùng.

- Tôi được biết THPT FPT xây dựng theo mô hình trường nội trú chất lượng cao với định hướng nghề nghiệp tương lai sớm cho học sinh. Cụ thể, nhà trường sẽ định hướng như thế nào để tương lai các em được đảm bảo vững vàng? (Phan Mỹ Linh, 19 tuổi, Hà Nội).

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Chào bạn Linh. Hiện nay không ít phụ huynh và nhà trường đang định hướng học sinh vào một mục tiêu gần như duy nhất là đỗ tốt nghiệp và thi đại học điểm cao. Theo chúng tôi, cách định hướng như vậy là hơi ngắn hạn và nó có thể để lại những hậu quả không tốt mà nhiều năm về sau mới có thể nhận ra được thì đã quá muộn. Không ít học sinh sau khi đỗ đại học là kiệt sức hay có tâm lý thả lỏng vì đã đạt được mục tiêu, các kỹ năng, tâm thế cần thiết cho việc học đại học thì lại chưa được chuẩn bị nên hiệu quả học rất thấp. Một tỷ lệ rất lớn các em học sinh lớp 12 chưa biết mình có khả năng gì, đam mê gì và định hướng nghề nghiệp cho mình như thế nào, nếu có đam mê thì cũng rất hời hợt và chạy theo phong trào bạn bè là chính. Cái này không trách các em được vì các em suốt ngày tập trung vào học Toán, Lý, Hóa, ..., đâu còn thời gian dành cho các hoạt động, trải nghiệm khác để hình thành đam mê. Việc thiếu định hướng và đặt mục tiêu ngắn hạn, không được chuẩn bị tốt cho việc học đại học chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chán học hay chất lượng sinh viên tốt nghiệp không cao, gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay.

Trường THPT FPT đặt mục tiêu xa hơn là phải chuẩn bị tốt nhất có thể các năng lực học tập toàn cầu cho học sinh, bao gồm ngoại ngữ, thể chất, tâm lý, văn hóa, các kỹ năng học tập. Các quý vị có thể xem thông tin chi tiết hơn về chương trình đào tạo của nhà trường tại website http://thpt.fpt.edu.vn. Ngoài ra nhà trường sẽ có các hoạt động chuyên sâu về các nhóm nghề nghiệp, các câu lạc bộ hướng nghiệp, các hoạt động tham quan, tìm hiểu, làm đồ án, nghe nói chuyện để các em có cơ hội trải nghiệm và khám phá đam mê, năng lực của mình trước khi xác định hướng đi lâu dài sau này.

- Tôi có cháu họ đã tốt nghiệp ĐH FPT, giờ có công việc ổn, lương hơn 10triệu, gia đình rất yên tâm. Chúng tôi rất tin tưởng vào hệ thống giáo dục của FPT. Giờ FPT mở trường cấp 3, tôi thấy rất hay và phù hợp, nên cũng đang cân nhắc cho con gái vào đây học. Không biết với những gia đình có con cháu theo học FPT đông thì có được ưu tiên gì không? (Trần Xuân Sơn Email:Sontran1969@yahoo.Com, 38 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Những gia đình có nhiều con theo học tại đại học hoặc phổ thông FPT thì từ cháu thứ hai trở đi sẽ được hưởng chính sách như con em của cán bộ FPT, giảm 30% học phí. Trường hợp của anh sẽ không được giảm học phí vì không phải quan hệ anh ruột.

- Trong TP HCM có trường THPT FPT không, thưa hai vị khách mời? (Bùi Đình Thiếm, 52 tuổi, 235b, Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP HCM).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Chúng tôi dự kiến trường THPT nội trú FPT sẽ bắt đầu tuyển sinh tại TP HCM từ năm 2016. Hiện nay, mới chỉ có cơ sở tại Hà Nội.

- Thực tế cho thấy trình độ ngoại ngữ của người Việt Nam đang ở mức thấp, trong khi đó nhân lực thành thạo tiếng Anh thường đạt mức lương gấp đôi những người không có tiếng Anh. Chương trình đào tạo tăng cường nội dung tiếng Anh của THPT FPT liệu có đảm bảo, cam kết về đầu ra cho học sinh hay không? (Mai Vân Khánh, 25 tuổi, Nam Định).


- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Chuẩn đầu ra tiếng Anh sau ba năm của các em sẽ tương đương với IELTS 6.0, còn các em có năng khiếu tiếng Anh hoặc đã học tiếng Anh từ trước thì sẽ đạt kết quả cao hơn. Chuẩn tiếng Anh này đủ để các em có thể vào học đại học FPT không cần qua năm dự bị tiếng Anh và được đa số các quốc gia chấp nhận để đi du học.

- Cuối tuần nếu các cháu ở tỉnh xa không về nhà thì nhà trường có các hoạt động gì cho các cháu không? Các cháu sẽ được tự do đi đâu thì đi hay nhà trường có quản lý? (Hieu Hoang, 38 tuổi, Lang Giang, Bac Giang)


- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Trường sẽ có hoạt động ngoại khóa, thăm quan cho các cháu không về nhà, ở lại trường. Các cháu cũng có thể tham gia các hoạt động thể thao, sử dụng thư viện, sử dụng máy tính hoặc đi chơi theo nhóm có kiểm soát.

- Mô hình trường trung học FPT rất tiên tiến và tôi mong con cái được học tập trong môi trường như vậy, ở HN thì ngoài trường Thực nghiệm tôi chưa tìm thấy mô hình nào tương tự để cho con đi học với chi phí phù hợp và ko bị nặng thành tích. Trường trung học FPT dành cho đối tượng học sinh là con em của tầng lớp trung lưu trở lên có phải không ? (Phạm Linh Lan, 36 tuổi, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội)


- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Chào chị Lan. Tôi không rõ khái niệm tầng lớp trung lưu có được hiểu một cách giống nhau không. Để có thể có điều kiện tốt nhất về học tập, cơ sở vật chất hoàn chỉnh, các giáo viên giỏi, các hoạt động ngoại khóa, phát triển cá nhân phong phú thì cũng khó mà có thể có mức chi phí thấp được. Tuy nhiên mức học phí của THPT FPT ở mức khá hợp lý, thấp hơn nhiều so với các trường quốc tế hay tư thục chất lượng cao tại Việt Nam. Mức học phí của trường là 4 triệu đồng một tháng, đã bao gồm toàn bộ chi phí học chính khóa, học thêm, học bổ trợ, tăng cường tiếng Anh. CNTT. Phụ huynh không phải lo lắng chuyện học thêm cho học sinh vì việc này đã được nhà trường lo lắng hoàn toàn. Các chi phí ăn ở nội trú cũng ở mức hợp lý do được sử dụng cơ sở vật chất đầu tư bởi Tập đoàn và Trường Đại học FPT với mức tiền ở KTX là 900.000 đồng một tháng, tiền ăn ở mức 80.000 đồng cho 3 bữa. Học sinh được sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất hiện đại của trường miễn phí, bao gồm sân đá bóng cỏ nhân tạo, sàn tập Vovinam, sân trượt băng, các sân đa năng bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, máy tập Gym,...

Thầy Nguyễn Xuân Phong - Hiệu trưởng Trường THPT FPT.

- Việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay còn nhiều nan giải, nhất là chuyện vẫn tuân theo phương pháp truyền thống (ngữ pháp – dịch), giáo viên thì thậm chí vừa yếu vừa thiếu… Tôi thấy THPT FPT đề cao việc giảng dạy tiếng Anh. Vậy nhà trường định đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình, giáo viên… hay có sự đầu tư đặc biệt nào nhằm mang lại hiệu quả hay không? (Lương Vĩnh Hoàng Email:Fatherandson2000@yahoo.Com, 42 tuổi, TPHCM).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Liên quan đến tiếng Anh, các em sẽ học theo công nghệ đào tạo được đánh giá là tiên tiến nhất hiện nay của Isarel do FPT chuyển giao công nghệ về Việt Nam.

- Tôi xem phỏng vấn thì biết cháu nhà tôi đủ điều kiện tham gia học tập ở trường này, điều kiện như vậy là rất tốt cho các cháu phát triển. Nhưng tôi chư thấy ai hỏi về học phí: đóng theo hàng năm hay học kỳ, mức học phí cho năm 2013 - 2014 là bao nhiêu? (Trần Quyết, 45 tuổi, Ngô Quyền Hải Phòng).

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Học phí được đóng theo học kỳ (5 tháng). Một năm học có 2 học kỳ. Mức học phí của trường là 4 triệu đồng/ tháng hay 20 triệu đồng/ học kỳ, bao gồm toàn bộ việc học chính khóa, học thêm, học bổ trợ theo tình trạng cá nhân, học nâng cao tiếng Anh và CNTT. Gia đình sẽ không phải lo lắng về chuyện học thêm của học sinh, kể cả cho việc ôn thi tốt nghiệp hay thi đại học.

- Nhà tôi ở gần Hòa Lạc, tôi muốn hỏi con tôi có thể vẫn ở nhà mà không phải ở bán trú, như vậy có được không? (Vũ Thị Lan, 35 tuổi, Hòa Lạc)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Hàng tuần, cháu được về nhà từ tối thứ 6 đến sáng thứ hai. Vào các ngày khác, nếu có lý do đặc biệt, cháu có thể về nhà sau 9h tối và sáng sớm hôm sau quay lại trường để kịp tập thể dục.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng.

- Con tôi rất thích Toán, THPT FPT có lớp chuyên để cháu tiếp tục niềm đam mê với môn toán không ạ? (Thành Nhân, 42 tuổi, Bắc Ninh)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Việc đào tạo năng khiếu - trong đó Toán là một nội dung được tổ chức theo dạng câu lạc bộ, sẽ có câu lạc bộ Toán để cháu cùng các bạn khác được học thêm thể hiện đam mê với môn học mà cháu yêu thích.

- Tôi muốn hỏi hồ sơ vào trường cần những gì? Điều kiện xét tuyển cụ thể ra sao? Trường sẽ lấy theo điểm thi tốt nghiệp hay như thế nào? (Nguyễn Ngọc Long, 29 tuổi, Hà Nội).

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Trường THPT FPT tuyển sinh trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Điều kiện để được nộp hồ sơ là có học lực khá, hạnh kiểm khá năm học lớp 9. Sau đó các thí sinh sẽ tham gia một bài trắc nghiệm năng lực trong thời gian 60 phút vào ngày 2/6 tới đây. Các thí sinh vượt qua bài trắc nghiệm này sẽ xét tuyển theo kết quả học 4 năm THCS đối với thí sinh ngoài Hà Nội, xét tuyển theo kết quả học 4 năm THCS và điểm thi vào 10 đối với học sinh Hà Nội. Do chỉ tiêu của trường có hạn (150 chỉ tiêu) nên nhà trường sẽ xét từ trên xuống dưới và theo đợt, ưu tiên cho các thí sinh đăng ký sớm. Hồ sơ đăng ký tham gia dự kiểm tra năng lực rất đơn giản và có thể tải về từ website của trường, anh có thể xem chi tiết trên website: http://thpt.fpt.edu.vn hoặc liên hệ theo số điện thoại: (04) 37955768.

- Tôi ở Thái Nguyên nên tôi thích nhất trường FPT ở mô hình học nội trú, tuy nhiên tôi vẫn còn nhiều băn khoăn về sự an toàn của cháu khi không ở gần bố mẹ, các cháu sẽ được quản lý như thế nào ngoài giờ học và ban đêm? Khuôn viên của trường rộng như vậy liệu có kiểm soát được ra vào của khách lạ không? Vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bữa ăn được nhà trường quản lý thế nào? Mong lãnh đạo trường giải đáp những thắc mắc này hộ tôi. (Phạm Trung Khoa, 43 tuổi, Thái Nguyên).


- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Câu hỏi của anh rất hợp lý, đây cũng là mối quan tâm của trường và khi thành lập trường nội trú PT FPT, chúng tôi đã đi thăm khá nhiều trường nội trú trong và ngoài nước để xây dựng mô hình quản lý phù hợp. Sẽ có giáo viên quản lý các cháu 24/24, khu vực học tập, ký túc xá của các cháu được kiểm soát vào - ra chặt chẽ, vệ sinh an toàn thực phẩm tuân thủ theo các quy định của nhà nước, thực phẩm được cung cấp từ các nguồn tin cậy và đầu bếp có tay nghề.

- Tôi biết công ty FPT có phong cách làm việc rất sáng tạo và đổi mới, về mảng giáo dục thì lâu nay FPT cũng đã ít nhiều tạo được tiếng vang trong cộng đồng. Tuy nhiên sự sáng tạo và đổi mới đối với bậc đại học thì dễ, còn đối với bậc phổ thông trung học là bậc học vẫn còn đậm tính truyền thống, khuôn khổ của ngành giáo dục. Các anh có tự tin là sẽ thay đổi được cách dạy, cách học cho nhóm đối tượng này không? (Trịnh Thị Phương Trang, 42 tuổi, Số 18 Lê Hoàn, TP Thanh Hoá).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Việc thay đổi cơ bản toàn diện giáo dục phổ thông cần có thời gian. Trước mắt, trường PT nội trú FPT sẽ tăng cường các nội dung đào tạo bổ sung theo công nghệ hiện đại, có nhiều nội dung đào tạo phong phú để phát huy năng khiếu của từng học sinh, đồng thời tận dụng CNTT tối đa để đào tạo các môn truyền thống. Mỗi học sinh sẽ có một laptop dùng riêng trong quá trình học tại trường như một công cụ để phục vụ học tập.

Độc giả đặt câu hỏi tại đây

- Thưa thầy Phong. Tôi đang thấy học sinh FPT sẽ phải học rất nhiều thứ mà hoàn toàn có thể không cần thiết khi các em xác định sẽ học ở một trường đại học ở Việt Nam. Ngoại ngữ và tính quốc tế được đặt khá nặng, làm tôi có cảm tưởng như đây là lò luyện du học. Nếu vừa đảm bảo chương trình của Bộ, vừa học thêm các chương trình này thì con tôi liệu có quá tải không? (Quang Thắng, 40 tuổi, Hải Dương).

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Chào anh Thắng. Chúng tôi quan niệm rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không một quốc gia hay cá nhân nào có thể tránh khỏi các tác động của nó. Do vậy tính quốc tế và ngoại ngữ là những điều vô cùng cần thiết để có thể thành công trong xã hội, dù có đi du học hay học các chương trình trong nước. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng các chương trình đào tạo đại học trong nước sẽ phải thay đổi để đi theo các định hướng này nếu muốn đào tạo ra các sinh viên có cơ hội việc làm tốt. Nhà trường cũng tin tưởng rằng anh, cũng như các phụ huynh khác đều mong muốn hướng đến một điều tốt hơn, một cơ hội và tương lai sáng sủa hơn cho con em mình chứ không muốn giữ nguyên những điều đang có.

Chúng tôi đã tính toán chi tiết và cùng với việc đưa thêm các phương pháp giảng dạy hiện đại, tăng cường tính chủ động của học sinh, thay đổi và giảm bớt những nội dung không cần thiết thì chương trình học hoàn toàn phù hợp với thời lượng cho phép.

Thầy Nguyễn Xuân Phong.
Thầy Nguyễn Xuân Phong.

- Tôi muốn hỏi thầy Tùng về chế độ dinh dưỡng cho các cháu học ở cấp ba FPT. Các cháu đang tuổi ăn tuổi ngủ, nếu chỉ ăn cơm nội trú ở nhà ăn tập thể liệu có chịu được không. Nếu các cháu nhà tôi muốn ăn thêm, liệu các cháu có được mua thêm suất ăn hay có cách nào khác không? (Hoàng Anh Email:Hoanganh.1963@gmail.Com, 60 tuổi, TP HCM).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Thực đơn nhà ăn tập thể tính toán đủ dinh dưỡng cho các cháu. Ngoài ra, các cháu có thể mua thêm đồ ăn tại cantin hoặc tại siêu thị đại học FPT ngay trong khuôn viên nhà trường. Các cháu sẽ trả tiền bằng thẻ thanh toán, phụ huynh có thể nạp tiền vào thẻ và theo dõi việc tiêu tiền ở thẻ như thế nào.

- Hiện nay các trường phổ thông chuyên hoặc bình thường đều chú trọng rèn luyện ôn ĐH theo khối để giúp các cháu thi đỗ. Trong khi đó THPT FPT lại không theo mô hình khối chuyên, mà tôi thấy nội dung đào tạo có vẻ rộng, thiên về kỹ năng. Học THPT FPT các cháu có khả năng đỗ đại học ở Việt Nam như thế nào? (Hoàng Thành Vinh, 29 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Luyện thi không phải là mục tiêu chính của trường. Tuy nhiên, trường cũng sẽ chú trọng để các em tốt nghiệp phổ thông với kết quả tốt và đủ điểm thi đại học để vào được đa số trường đại học Việt Nam.

- Tôi đã download đề thi mẫu trên website của trường về cho con gái tôi làm thử thì cháu nói đề rất là khó, vậy tiêu chí đầu vào của trường sẽ chỉ tuyển học sinh Khá Giỏi đúng không? Nếu vậy với sức học trung bình khá như con tôi liệu có thể thi vào trường được không? Trường có tổ chức lớp ôn thi đầu vào không? (Hoàng Trọng Khương, 42 tuổi, Cầu Giấy).

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Chúng tôi mong muốn có học sinh có sức học khá trở lên và tố chất tốt để đảm bảo theo học được chương trình của trường chứ không đánh đố hay đòi hỏi quá cao. Tôi chưa rõ mức trung bình khá của con anh là ở mức nào, cách tốt nhất là anh cứ cho cháu tham dự bài kiểm tra ngày 2/6 tới, qua đó có thể đánh giá chính xác hơn khả năng. Do chỉ tiêu có hạn và buộc phải xét tuyển từ trên xuống nhưng thí sinh đăng ký sớm sẽ được ưu tiên vì nhà trường xét kết quả theo đợt.

Dạng câu hỏi mẫu hiện có trên website của trường là để phụ huynh hình dung về dạng câu hỏi. Chúng tôi cũng đưa các câu thuộc diện khó nhất để học sinh có hình dung và chuẩn bị tốt hơn, đa phần các câu hỏi trong bài kiểm tra thật sẽ không khó ở mức như vậy mà các câu hỏi khó chủ yếu dành cho việc xét học bổng với những học sinh giỏi. Ngoài ra dự kiến điểm chuẩn sẽ ở mức 50% số câu trả lời đúng. Nhà trường không tổ chức ôn thi đầu vào mà có thể tổ chức một buổi hướng dẫn về dạng câu hỏi nếu nhiều phụ huynh có yêu cầu. Phụ huynh có thể gọi điện theo số (04) 37955768 để được tư vấn thêm và đề đạt nguyện vọng được hướng dẫn.

- Chào thầy Tùng, xin thầy giải thích thêm: Chương trình tăng cường tiếng Anh và công nghệ thông tin của trường cụ thể được xây dựng như thế nào? (Nguyễn Văn Tính, 35 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Chương trình tiếng Anh sẽ sử dụng công nghệ được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay của Isarel, đảm bảo đầu ra tương đương IELTS 6.0. Về công nghệ thông tin, mỗi em sẽ được phát một máy laptop dùng riêng phục vụ học tập (học sinh được giữ máy tính thứ bảy, chủ nhật và các ngày khác từ 7h tới 21h). Các em cũng sẽ được đào tạo CNTT theo giáo trình CNTT dành cho các trường phổ thông của Anh.

- Kính chào các thầy! Toán học và một số môn khoa học tự nhiên khác được giảng dạy như thế nào ở trường FPT, tài liệu giảng dạy có theo sách giáo khoa của bộ GD không? Nếu học chương trình khác thì có đảm bảo thi đại học không? Xin cảm ơn! (Nguyễn Khắc Sỹ, 40 tuổi, Vũng Tàu)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Theo quy định hiện nay, các môn học này sẽ phải sử dụng sách giáo khoa của bộ GD-ĐT. Các nội dung đào tạo bổ sung, chuyên sâu được triển khai dưới dạng ngoại khóa, phù hợp với năng khiếu từng em.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT.

- Với các giờ học tiếng Anh và công nghệ thông tin tăng cường, nhà trường có thu thêm các khoản học phí? (Trần Văn Hinh, 33 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Các khoản phí này đã tính trong học phí nộp hàng tháng, các em không phải nộp phí cho các nội dung học tăng cường.

- Nhà trường có chương trình nào hỗ trợ học sinh tìm các học bổng du học hay không, và nếu có thì cụ thể ra sao? (Nguyễn Thường Email:Thuong2999@gmail.Com, 37 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Hiện nay, FPT có trung tâm tư vấn du học - (FPT MegaStudy) chuyên làm các dịch vụ tư vấn du học và hỗ trợ tìm học bổng cho du học sinh. Trường đại học FPT cũng có quan hệ với khá nhiều trường đại học quốc tế nên khả năng tìm kiếm được học bổng là rất lớn.

- Tôi rất ưng ý với mô hình đào tạo mà trường đề ra nhưng còn băn khoăn về đội ngũ giáo viên. Xin ban giám hiệu nhà trường chia sẻ thêm về đội ngũ giáo viên của nhà trường? (Dương Xuân Nghĩa Email:Dxn@gmail.Com, 37 tuổi, Hà Nội)

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Chào anh Nghĩa. Anh có thể hoàn toàn yên tâm về việc này vì giáo viên của chúng tôi được tuyển lựa kỹ với 2 tiêu chí: là giáo viên giỏi, có kinh nghiệm tại các trường chuyên, các trường top đầu của Hà Nội, đồng thời chia sẻ được những giá trị và triết lý giáo dục của trường, sẵn sàng ứng dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến. Hiện nay chúng tôi đã có sự xác nhận tham gia của đầy đủ đội ngũ giáo viên phục vụ cho 5 lớp học của nhà trường trong năm học 2013-2014. Đội ngũ này sẽ tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới để phục vụ cho các kế hoạch xa hơn.

Nói xa hơn, ngay cả với những môn mà không ít trường và học sinh đang coi là môn phụ như Sử, Địa, .., chúng tôi sẽ áp dụng các cải cách về phương pháp giáo dục, ứng dụng CNTT để học sinh học được thực chất, thu được những giá trị thực sự từ các môn học này đồng thời lại rất hào hứng khi tham gia tiết học.

Thầy Nguyễn Xuân Phong.
Thầy Nguyễn Xuân Phong.

- Con gái tôi đang học lớp 10 PTTH chuyên ở TP Sơn la. Tôi xin hỏi về các điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển sinh vào trường học từ năm lớp 11 Trân trọng cảm ơn Thầy (Bùi Ngọc Minh, 46 tuổi, TP SƠN LA)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Năm nay là năm đầu tiên hoạt động, trường chỉ tuyển học sinh lớp 10. Rất tiếc là chưa có lớp 11 để cháu có thể vào học.

- Khi nào trường PTTH FPT có tại Đà Nẵng (Lê Bá Vũ, 41 tuổi, 399 Ngô Quyền - Đà Nẵng).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Nếu điều kiện thuận lợi, cơ sở của trường PTTH nội trú FPT tại Đà Nẵng và TP HCM sẽ tuyển sinh từ năm 2016. Cơ sở của trường tại Đà Nẵng sẽ nằm trong khu đô thị FPT.

- Nếu con tôi thuộc đối tượng tuyển thẳng nhưng muốn giành học bổng 50% thì có được không? (Quản Thị Minh Ngọc, 36 tuổi, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội).

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Chị có thể cho cháu nộp hồ sơ tuyển thẳng để giữ chỗ, sau đó đăng ký tham dự bài kiểm tra năng lực ngày 2/6 tới. Nếu cháu đạt điểm cao trong bài kiểm tra này thì có cơ hội dành họcbổng 50% của trường.

- Qua website THPT FPT tôi nhận thấy nhà trường đào tạo các cháu theo phương châm tôn trọng cá nhân, nhưng lại rèn luyện học sinh trong môi trường nội trú, đề cao tính tự lập, kỷ luật… Tôi vừa an tâm về hình thức quản lý này nhưng cũng vừa lo lắng nếu các biện pháp không được triển khai hợp lý sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục của nhà trường cũng như phụ huynh? (Hoàng Trần Nam, 47 tuổi, Hà Nội)

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Cảm ơn câu hỏi rất hay của anh Nam. Chúng tôi cho rằng tính tự lập, tính kỷ luật hoàn toàn không có gì mâu thuẫn với việc tôn trọng cá nhân cả. Thậm chí nếu hiểu một cách rộng hơn thì nó lại còn hỗ trợ cho nhau. Ví dụ như anh giữ kỷ luật tập thể, tuân thủ nội quy chính là một hình thức để tôn trọng người khác và yêu cầu người khác phải tôn trọng mình. Tại THPT FPT, học sinh được rèn luyện tính kỷ luật, tôn trọng các nội quy, tôn trọng người khác, sinh hoạt theo kế hoạch khoa học, chặt chẽ nhưng lại được hết sức tôn trọng về cá tính, năng khiếu riêng, được tôn trọng tuyệt đối về suy nghĩ. Các em cũng được tự lập và tự chủ trong việc chọn lựa các môn tự chọn cho mình, từ thể thao, nghệ thuật đến các hoạt động định hướng nghề nghiệp, các câu lạc bộ sở thích.

- Theo thầy hiệu trưởng để học sinh phát triển toàn diện cần những yếu tố nào? Trường học kiểu mới thực hiện dân chủ hóa như thế nào (Hồ Sỹ Anh, 53 tuổi, quận 1, TP. HCM)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Cảm ơn anh về câu hỏi thú vị. Theo tôi, để phát triển toàn diện - từ khía cạnh nhà trường - cần có chương trình học tập, rèn luyện và phương pháp đào tạo hợp lý, trong một môi trường phát huy được tính năng động, tích cực của từng học sinh và giáo viên, cán bộ nhà trường có tâm với nghề, thực sự tôn trọng học sinh, hết mình vì sự tiến bộ của học sinh. Mô hình đào tạo nội trú với các nội dung và phương pháp đào tạo được chọn lọc cho phép làm việc này. Dân chủ hóa trong nhà trường từ phía học sinh là được phép phát biểu, tranh luận về bất cứ vấn đề gì mà không e ngại trù úm từ người khác.

- Hiện nay, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, đạo đức trong giáo dục bị cho là xuống cấp trầm trọng. Các vị chuyên gia đành giá gì về điều này? Xin cảm ơn! (Quảng An, 34 tuổi, TP HCM).

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Tôi không muốn bình luận chuyện bên ngoài vì xã hội cũng đã nói khá nhiều. Tôi chỉ có thể khẳng định là tại THPT FPT, việc học bổ trợ, học nâng cao, tăng cường tiếng Anh, CNTT hay ôn thi tốt nghiệp, thi đại học đều nằm trong trách nhiệm của nhà trường và trong mức học phí đã công bố, tuyệt đối không có chuyện phát sinh. Ngoài ra việc học tập tại trường là học thực chất, không tiêu cực, tuyệt đối không có chuyện quan hệ, quà cáp hay phong bì cho giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường.

- Con tôi học trường thực nghiệm, sau khi chuyển cấp, cháu phải tham gia một khóa học gọi là để "hòa nhập cộng đồng" vì cách thức dậy giữa thực nghiệm và truyền thống khác nhau. Liệu rằng, sau khi học theo kiểu mới tại cấp 3 FPT, con tôi có phải làm cái thao tác ở trên? (Thu Hồng, 35 tuổi, Hà Nội).

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Sau khi học xong trường PT nội trú FPT, cháu sẽ vào đại học. Cách thức dạy tại trường đại học và trường phổ thông chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác biệt và chúng tôi hy vọng rằng nếu học tại trường PT nội trú FPT thì sự khác biệt này sẽ ít nhất.

- Khi được biết thông tin về việc Đại Học FPT mở trường cấp 3 tôi thực sự rất quan tâm vì con trai tôi thích học về CNTT và tôi cũng đã dự định sau này sẽ hướng cho con vào ĐH FPT. Vậy nếu con tôi vào học cấp 3 FPT thì điều kiện nào để cháu có thể được tuyển thẳng lên ĐH FPT? (Nguyễn Hồng Nga, 41 tuổi, Cầu Giấy)

- Thầy Nguyễn Xuân Phong: Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh THPT FPT sẽ được ưu tiên tuyển thẳng vào ĐH FPT và còn có một lợi thế rất lớn nữa là sẽ được bỏ qua một năm học dự bị ngoại ngữ đầu tiên vì các cháu đã đạt mức tiếng Anh để có thể học chuyên môn luôn. Như vậy sẽ tiết kiệm rất đáng kể thời gian cũng như kinh phí học tập.

- Xin được hỏi khi lập ra mô hình đạo tạo kiểu mới này, các ông có gặp khó khăn, trở ngại nào từ phía các nhà quản lý giáo dục? Các ông làm cách nào để vượt qua. Xin cảm ơn! (Phạm Hải Vân, 35 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giúp đỡ, động viên chúng tôi rất nhiều trong quá trình thành lập trường. Chúng tôi mong rằng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và của xã hội nói chung trong quá trình đào tạo của trường, bởi vì hoạt động giáo dục là một công việc rất khó với trách nhiệm xã hội rất lớn. Đặc biệt là xây dựng một trường đào tạo chất lượng tốt, chi phí phải chăng, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và để học sinh có tiền đề để phát triển sau này.

- Một tờ báo điện tử sáng nay có bài phỏng vấn ông chia sẻ về việc đổi mới ngành giáo dục Việt Nam và ông đã đề nghị một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu học và trung học, bỏ đi cấp THPT. Như vậy việc xây dựng một trường THPT FPT nội trú hiện nay của ĐH FPT có mâu thuẫn gì với phát biểu trên của ông? (Hoàng Tú Anh, 34 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Ý của tôi là cần phải gộp hai hệ THPT và THCS lại làm một để hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam chỉ còn hai hệ tiểu học và trung học với tổng thời gian đào tạo khoảng 9-10 năm, trong đó, 5-6 năm cho tiểu học và 3-4 năm cho cấp trung học. Sau khi học xong phổ thông, học sinh có thể vào học cao đẳng hoặc học dự bị đại học hai năm trước khi vào đại học. Trường trung học nội trú FPT sẽ dạy trung học năm cuối và dự bị đại học nếu như mô hình đào tạo phổ thông 9-10 năm được chấp nhận. Như vậy, phát biểu của tôi không có gì mẫu thuẫn cả.

- Nếu thành công từ mô hình cấp 3 mới, các ông có tính tiếp đến dự án thành lập mô hình đạo tạo mới cho bậc tiểu học? Xin cảm ơn! (Hạnh Phúc, 22 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Chúng tôi chưa có kế hoạch triển khai hoạt động giáo dục cho cấp tiểu học, không phải không muốn làm mà là không dám làm. Trong các mảng đào tạo đại học, PTTH, tiểu học thì đào tạo đại học là dễ nhất, tiểu học là khó nhất.

- Tôi cho rằng, buổi tư vấn trực tuyến này rất bổ ích, cung cấp cho tôi nhiều thông tin. Tôi xin hỏi vấn đề hơi riêng tư: Các thầy làm cách nào để quản lý học sinh ở nội trú, nhất là chuyện yêu đương khi mà học sinh ở khu tập trung cùng với các anh chị đại học? Là các bậc cha mẹ, chúng tôi thực sự lo lắng về điệu này. (Minh Anh, 35 tuổi, Hà Nội)

- Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Thế hệ chúng tôi nhiều người học trường chuyên trong các trường đại học cũng thường xuyên tiếp xúc với các anh chị sinh viên và nói chung không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Thế hệ bây giờ có thể có suy nghĩ khác, chuyện yêu đương của lứa tuổi học trò nhiều khi muốn cấm cũng không được và việc này hoàn toàn độc lập với các em ở nội trú hay không. Trong môi trường nội trú, điều này có khi còn quản lý được tốt hơn khi các em học tập và ở nội trú ở những khu vực biệt lập, được quản lý ra-vào, có giáo viên quản nhiệm sinh hoạt cùng và chia sẻ, nắm các vấn đề của các em như một người bạn. Nhờ đó có thể nắm bắt và định hướng, can thiệp kịp thời.

Do thời gian có hạn, mặc dù câu hỏi còn rất nhiều, chúng tôi không kịp trả lời hết câu hỏi của độc giả. Các độc giả có thể gửi câu hỏi về email:thpt@fpt.edu.vn , gọi điện theo số điện thoại: (04) 37955 768 hoặc truy cập website: http://thpt.fpt.edu.vn.

Thay mặt trường THPT FPT xin chân thành cảm ơn các quý độc giả đã tham gia buổi tư vấn trực tuyến. Chúc quý vị sức khỏe và có một kỳ nghỉ lễ sắp tới vui vẻ, hạnh phúc! Chúc các bạn học sinh đạt được kết quả tốt nhất trong các kỳ thi sắp tới!

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây