Sáng 9/4, Văn phòng Quốc hội trình bày dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-6/2014), ngoài việc xem xét báo cáo định kỳ, một trong hai nội dung được chọn để giám sát chuyên đề là công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống sân bay, cảng biển tại các địa phương, hoặc việc thực hiện quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ điện.
Tại kỳ họp thứ 8 (cuối 2014), Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề một trong hai nội dung về hiệu quả tổng thể kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của 2 dự án Tân Rai và Nhân cơ do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, hoặc việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Một số nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được dự kiến ở các phiên họp trong năm.
Cho ý kiến về chương trình giám sát, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, Quốc hội và Thường vụ Quốc hội cần ra tay khi nhiều địa phương đã và đang phá vỡ diện tích trồng lúa, đe dọa mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng phức tạp đến đồng bằng sông Cửu Long. Ông đề nghị giám sát để có biện pháp xử lý, nếu không việc đối phó sẽ chậm.
Nhắc lại câu chuyện thủy điện năm nào cũng nổi lên nhiều vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần có những giải thích thỏa đáng. "Dự án bô xít tại Tân Rai, Nhân Cơ cũng đang là vấn đề bức xúc. Ủy ban Thường vụ nên tăng thêm một cuộc giám sát chuyên đề nữa", bà Mai nói thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay, nhiều cơ quan, đơn vị đề xuất phải giám sát những vấn đề liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại. "Thực tế hiện nay thì đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Tôi cho rằng cần lựa chọn chuyên đề này để giám sát", ông Hiện đề nghị.
Theo bà Nguyễn Thị Nương, đã giám sát thì phải tới cùng, tránh trường hợp Vinashin, Vinalines. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, nếu nhìn về tương lai thì vấn đề năng lượng là đặc biệt quan trọng, trong đó có chính sách pháp luật về phát triển năng lượng. Đối với câu chuyện thủy điện mà Chủ nhiệm Mai đề cập, ông Giàu băn khoăn việc giám sát tuy giải quyết được bức xúc dư luận, nhưng sau đó không rõ bước đi tiếp theo thế nào.
"Giai đoạn khủng hoảng thế này chưa thấy thiếu năng lượng, nhưng khi kinh tế phát triển nhanh hơn thì đây là vấn đề bức bách. Biến đổi khí hậu hiện nay chưa tác động lớn, nhưng không chủ động ứng phó thì sẽ chậm", ông Giàu nhìn nhận.
Với hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ, theo ông Giàu đây là vấn đề cụ thể nhưng nhạy cảm bởi không chỉ ở khía cạnh kinh tế còn liên quan đến xã hội, quản lý người nước ngoài.
Ở góc độ khác, Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương bình luận, các cuộc giám sát những năm qua tiến hành nhiều nhưng kết quả đi vào cuộc sống ít, nhiều kết luận giám sát không được giám sát lại. "Cần phải giám sát tới cùng, tránh trường hợp đã giám sát rồi nhưng hậu quả vẫn xảy ra như Vinalines, Vinashin", bà Nương nêu yêu cầu.
Nữ trưởng ban này cùng với hai Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị bổ sung hoạt động giám sát đối với việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường bởi đây là chủ trương lớn và đã có nghị quyết của Quốc hội.
Tác giả: Nguyễn Hưng
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc