Ráng chiều cù lao – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Thứ tư - 30/03/2022 02:58 1.118 0
Nhà văn Tống Phước Bảo - Tên thật Tống Phước Bảo, ngoài ra anh còn có bút danh Trúc Thiên. Hiện anh sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Hội Viên Hội Nhà Văn TPHCM. Anh đã có truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên nhiều báo và tạp chí trong cả nước. Giải B Cây Bút Vàng - Bộ Công An là giải thưởng anh đoạt được năm 2021, cùng loạt giải thưởng khác như: Tặng thưởng Truyện Ngắn Hay Nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội; Giải Nhất cuộc thi Truyện Ngắn “Một Nửa Làm Đầy Thế Giới” – NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2019; Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Thành Phố Tôi Yêu” – Báo Thanh Niên 2020; Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Quê Nhà Dấu Yêu” – Báo Áo Trắng 2020,...
Anh đã xuất bản nhiều tập sách như: Cả Một Trời Thương (2018), Mình Gọi Nhau Là Cưng (2019), Les Từng Centimet Đừng Vội Ghét Khi Chưa Kịp Thương (2020), Sài Gòn Còn Thương Thì Về (2021) cùng nhiều tác phẩm in chung khác.  Dự kiến sẽ xuất bản: Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình (Tạp bút – NXB Thanh niên 2022), Hỗn Kì Đài (Tập truyện ngắn – NXB Hội Nhà Văn 2022).

 
Nhà văn Tống Phước Bảo
Nhà văn Tống Phước Bảo
Thotre.com trân trọng giới thiệu truyện ngắn của anh.
 
Ráng chiều cù lao – Truyện ngắn của Nhà văn Tống Phước Bảo

1.
Chiều xuôi mấy giề lục bình man man theo sóng nước cù lao. Nước rút đồng trơ mặn. Thượng nguồn ngăn đập nên đâu còn nước ngọt tưới tiêu. Cù lao lọt thỏm giữa dòng Hàm Luông, một bên là dừa, ba phía còn lại mênh mông là nước. Dừa um tùm như rừng. Dừa xanh rì tán phủ che kín mít cù lao. Ban ngày ngó ra xa xăm là nước, ngoảnh đầu thì thăm thẳm rừng dừa. Qua cánh rừng dừa, ngoài kia mới là phố huyện. Đò tách bến sang sông đâu chừng cũng độ tiếng mới cập thị tứ. Mấy bận Đuông hỏi má sao ngoài kia tấp nập mình hổng ở, chui chi cái hốc bà tó hiu hắt người, buồn muốn chết. Năm đó Đuông tám tuổi, ngơ ngác nhìn má gói ghém mớ đồ cho ra xã học. 


Má đâu biết trả lời Đuông, hổng lẽ ngồi kể dông dài chuyện đời mình cho thằng con nít hiểu. Mà chắc gì nó hiểu đâu. Cuộc đời cũng như sông, dài rộng nong sâu, chừng ông trời ổng cho hiểu thì lòng mình mới thấu. Má chỉ dặn Đuông ráng mà ở đậu nhà người ta học lấy con chữ, đời má nghèo đến mồng tơi còn không có mà rớt. Chữ bẻ đôi nguệch ngoạc mỗi cái tên. Cân đo đong đếm chắc tới hàng chục hàng trăm là cùng, vài ba chục ngàn bán mớ cá bóng kèn, năm bảy trăm ngàn là tiền giựt dừa. Đời má phân vàng còn không có đeo tay. Nên thôi, phận mình nghèo mà con, đất này là chốn dung thân, nương theo sóng nước mà sống. Rẽ sóng nước cù lao, Đuông lên xã một chiều nắng ráng vàng rực chân mây. 

Má dao dác nhìn chiều, cách một quãng đồng mà gọi mãi Đuông hổng nghe. Thằng lớn rồi chứ nhỏ gì cho cam. Đi đâu tuốt luốt mười lẵm năm sà chẳng chịu về. Cù lao bạt ngàn dừa, gió lùa tán lao xao. Gió lùa sóng nước rì rào. Gió lùa tiếng má mênh mang vẳng xa trên những cánh đồng lúa đương thì con gái lúc lỉu cúi đầu. Hạt xốp xộp, hạt lốm đốm đục. Lúa nhiễm mặn mấy hôm rồi. Đuông bảo hay kêu sà lan chở nước ngọt về tưới, chứ kiểu này là trắng tay. Má ngồi nhẩm tính một khối là tám chục ngàn, mà cái giá ngoài thị thành đó, chứ trong miệt cù lao xa xăm này chắc họ tính cũng trăm hai chứ không vừa. Một sà lan nước ngọt mà kêu phải cũng chục bồn. Đâu chừng hơn chục triệu không ít. Than vắn thở dài với thằng con chưa dứt lời, đã thấy nó ngoay ngoảy chạy ra đồng.

Chiều sắp sẫm trời mà chẳng thèm về. Chái bếp má hong củi khô, mùi ngái nồng của bữa cơm chiều cũng chẳng làm thằng con nhớ nhà. Má cứ dao dác nhìn trời, nhìn lúa trổ đòng, nhìn sóng nước cù lao, rồi nhìn qua mấy rặng dừa. Phải chi thằng con chịu học hành đàng hoàng ngoài thị tứ thì đâu cám cảnh cần lao cơ cầu như vậy. 
Cả cái cù lao này, đứa nào đi được là đi, tụi trẻ nhỏ đâu có thèm cái xứ nghèo khó này, lần lượt kéo nhau đi hết. Đứa ra phố thị là gần, có đứa mang chí lớn tận Sài Gòn hun hút. Quanh năm chẳng thấy đứa nào về, có chăng Tết nhứt giỗ chạp, nhưng về chưa nóng cái sóng nước cù lao, chưa ấm cái gió chướng lào xào, đã hối hả ra đi. Xóm cù lao đâu chừng mấy chục nóc nhà, toàn mấy người già sớm hôm lủi thủi có nhau. Ai khỏe phụ hợ người ốm đau. Ai trẻ thì dăm ba bữa chèo chống đò sang sông gom mớ đồ cần xài cho cả xóm. 


Bữa có ông nhà báo nào đó tìm đường về cái cù lao thơ mộng trứ danh trong bài hát nổi tiếng mấy mươi năm trước. Ổng tới Giồng Trôm, đứng ngay ngã ba Tháp hỏi cái cù lao Ốc Trăng Mơ ở đâu, thiên hạ ngơ ngác nhìn nhau. Phải lặn lội tìm thêm vài người nữa, may sao gặp ông chủ tiệm vàng lớn nhất xã, nhìn ông nhà báo chưng hửng hồi lâu, ông chủ tiệm vàng gật gù, thiệt ra lâu lắm rồi, cũng hai chục năm trời, biến chuyển của thời cuộc đổi thay, mấy ai biết cái cù lao lẩn khuất giữa dòng Hàm Luông. Mấy ai nhớ cái tên Ốc Trăng Mơ. Có chăng là người ta máng máng vài thân phận nghèo hàn, những người lầm lũi vén rừng dừa từ giữa dòng Hàm Luông lên bờ. Người lên bờ toàn già cả hom hem, không thì cũng đàn bà góa bụa. Nên lâu lắm rồi dân thị tứ này, cũng quen miệng gọi dân cù lao thành xóm Mồ Côi. Nghiệt cái là mồ côi con cháu. Nghe mà đau đáu ruột gan.
 
Xa xa ai đốt đồng chiều. Cái mùi khói nó quyện kí ức, thắt dạ gì đâu. Mùi khói bảng lảng gọi chiều. Chiều về rồi, mà thằng Đuông còn ở tận nơi đâu?


2.
Đuông lên thị tứ ở ké nhà người cô họ để theo học trường xã như bao đứa trẻ xóm cù lao. Khác chăng là lớn tồng ngồng mới bắt đầu vào lớp một. Học đâu chẳng thấy chứ quanh quẩn với mới hàng hóa suốt ngày. Sáng banh mắt chưa kịp nhét vội miếng xôi hay củ khoai vào bụng đã cặm cụi bê hàng, dọn tiệm. Mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng là thay vội cái áo nhăn nhúm xám xị như màu cháo lòng chạy bộ đến trường. Trưa về buông cái cặp táp xuống là tay bưng tô cơm nguội, bắt cái ghế ngồi canh hàng cho cô vào nghỉ trưa. Cứ vậy mà đến xế chiều, tự bày biện học hành, rồi canh cái tiệm chạp phô ngay chợ Giữa. Tiệm bán đủ thứ đồ từ bánh trái cho đến mắm muối, từ tập vở cho đến mấy cái đồ chơi rô bô đẹp hút mắt. Nhưng cấm mà động đậy vào, no đòn tới sáng chứ chẳng phải chuyện chơi. 


Tám tuổi, Đuông bắt đầu biết trèo leo, lấy món này, tìm thứ kia cho khách, biết thu tiền đem đưa cô, biết cầm tiền thối lại cho khách. Hôm nào sơ ý nhận mấy tờ tiền rách thì bị cú đầu cái cốc, nghe rõ to, kèm theo mấy câu chửi riết thành quen. Ờ quen đến nỗi thuộc nằm lòng. Thuộc đến nỗi nhiều khi tự hỏi bộ dân thị tứ ai cũng nghĩ người xóm cù lao “ngu như bò” vậy hả ta. Mà nói thiệt tình, cả cái xóm cù lao đâu có con bò nào. Má nói phải có tiền mới nuôi bò, còn không có tiền thì làm ruộng, thì mò cua bắt cá, thì canh mùa nước nổi mà đặt dớn lùa mấy mớ tép rong ăn. Nên nói người cù lao “ngu như bò” là nói tầm bậy. Mặt mũi con bò phải ra thị tứ Đuông mới thấy. 

Hai ba tuần má canh trưa đứng bóng thì lên thị tứ đón Đuông về thăm nhà. Nhìn Đuông lanh lợi phụ cô bán hàng, má cúi đầu cám ơn rối rít. Dầu gì nó cũng con thằng Út, chị là thương nó như con ruột nghen em. Ăn uống học hành chị lo hết, thấy nó cao lớn chưa. Đó, phải mà ở trong cù lao biết đời nào được như vậy. Nhìn nó mà thương thằng Út. Đã nói em cao số mà không tin, khư khư đòi lấy. Con cái chưa lớn khôn đã đi theo hà bá. Sông nước nơi này linh thiêng lắm em. Cãi lời cha mẹ làm chi, thề thốt làm chi, để giờ bỏ mạng trong cái cù lao bần cùng kiết xác. Thương là thương máu mủ nó, nên chị nói thiệt lòng, cứ để đây, chị nuôi, năm ba tháng hãy ra thăm, Tết nhứt hay giỗ tía nó thì chị cho về. Chứ em ra hoài nó yên lòng đâu mà học hành. 

Bận cô nói vậy, rồi lấy tay xoa xoa đầu Đuông, ngọt nhạt biểu nó vô lấy chai nước ngọt cho má. Tới chừng Đuông chạy ra, chỉ thấy má để lại mớ củ hủ dừa cho thằng con. Cô nói má đi ra chợ Giữa mua chút đồ cho bà con xóm cù lao, hổng ghé lại nữa đâu. Má mầy kêu tao dạy mầy cho khôn ngoan. Chứ ngu ngơ khù khờ như đám cù lao thì sau này ăn cám nghen con. 

Đêm đó Đuông đâu có ngủ, lén cô ra ngồi hiên nhà ngó về phía cuối đường, ngó hoài coi má có lấp ló ở đâu đó nhìn Đuông hay không? Ngó hoài coi má có bất thình lình chạy đến dắt Đuông về cù lao hay không? Ngó miết cuối đường, mà hổng thấy má, chỉ nghe mấy con cúm núm gọi bầy. Hồi còn trong cù lao, má nói cúm núm gọi bầy tìm đàn, cúm núm thương nhau mà tìm về, cúm núm khóc não nùng đêm khuya. Vậy chớ má có biết giờ này thằng Đuông của má cũng ngồi khóc hay không? 
Mà Đuông khóc đâu chừng thêm chục mùa nước lớn ròng, đâu chục mùa cúm núm gọi bầy, thì nó tự biết từ trong những lặng im chịu đựng đó, nó gói ghém đủ đầy con chữ trong người rồi cũng cuối đầu tạ ơn người cô ruột mà xuôi dòng rẽ rặng dừa nước về xóm cù lao. Nó về với má. Mặc cho đám bạn bè chọn trường thi cử, mặc cho cô chửi nó mầy còn ngu hơn con bò. Nó cứ về cù lao. Con bò nó có ngu cỡ nào thì cũng biết quẩn quanh bên chân mẹ. Chiều no cỏ cũng biết tìm đường về chuồng. Biết đâu là nhà, đâu chỉ là ké đậu tình thương. Cô nhìn nó rồi gọn lỏn xua tay. Mầy như tía mầy, bị đám cù lao bỏ bùa. Đuông hai mươi, chưa đủ lớn nhưng chẳng còn nhỏ để biết, chẳng cần bỏ bùa thì người ta ai rồi cũng tự khắc biết nhớ thương nhà mình mà tìm về.


Hôm Đuông đi, nó chạy ra tiệm vàng lớn nhất xã mua cho má đôi bông tai bằng vàng mười tám. Ông chủ tiệm vàng nhìn nó rồi cặp mắt đỏ hoe, ổng hổng lấy tiền. Thôi đi con, thương con còn hổng hết, để …ờ để tao đưa mầy tới bến. Thỉnh thoảng tao vào cù lao thăm mầy được không? Đuông lắc đầu nguầy nguậy, đếm đúng số tiền để lên mặt tủ rồi chạy đi. Nó về ngay lúc chiều ráng nắng lên xóm cù lao. Má cất đôi bông tai mù u kỉ vật của tía vào một cái lon ghi gô sữa sét sẹt để dành. Tự tay Đuông đeo bông tai cho má. Má cười má như khóc. Sóng nước cù lao vỗ bờ réo rắt. 
275641029 368621238466016 2047651763980021156 n
3.
Ngoại nách má chạy giặc từ Xoài Riêng, theo chòm xóm vượt mấy hàng dừa thốt nốt, rồi lênh đênh sóng nước tới chừng thấy cù lao giữa dòng thì cập bến, neo phận đời lữ thứ tại đây. Cù lao hồi ấy thưa vắng. Dân cù lao thương cảm phận nổi trôi của đám chạy giặc ú ớ tiếng Việt bì bõm mà cho ta túc. Cứ vậy mà ở miết thành dân xứ này. Má còn nhỏ xíu, may mắn sống sót trên đường bôn ba, chứ mấy người anh thì mãi mãi nằm lại đâu đó trên mấy cánh đồng Tri Tôn.

 
Thân ở đậu xứ người, nên ngoại làm lụng quanh năm, bốn mùa bám víu sóng nước hải hồ mà mưu sinh. Hừng đông cho tới tối mịt, ngoại chẳng ngơi tay. Có lần giỗ ngoại má kể với Đuông, mãi khi lớn rồi mới biết, quần quật thân mình rã rời để đêm về ngoại chẳng còn sức lực mà nhớ tới đám con vong mạng dọc đường. Nhắm mắt lại nghe tiếng thằng Hai gọi. Xòe bàn tay thấy còn ấm hơi thằng ba. Còn thằng tư thì nằm cạnh góc thốt nốt nào đó. Chòm xóm phải lôi ngoại đi. Còn ông mầy à, đến nỗi cái hình thờ còn chẳng có. Trong kí ức bốn tuổi của má, chỉ toàn khói lửa mà thôi. Mùi khói súng, đến giờ nhắc lại nổi óc ác. Chừng má lớn rồi, chưa một lần dám về Xoài Riêng, cũng chưa một lần ngang qua Tri Tôn. Mỗi bận ra chợ Giữa, gặp ngay mùa thốt nốt, nước mắt ngoại ngắn dài, nên từ nhỏ đến lớn má ghét thốt nốt vô cùng. 


Chừng má lớn rồi, cái lúm đồng tiền sâu lúng liếng, cái nước da đen thay bằng làn da bánh mật chết người. Mái tóc má xuông dài thẳng tắp, má ra thị tứ, thiên hạ hỏi cô Út gội gì mà mước rượt vậy. Má thẹn thùng nói lãng, dạ tại nước dừa đó mấy thím, chứ nhà con nghèo, hổng có dầu bồ kết, lấy nước sông gội, rồi thoa dầu dừa cho nó bóng đẹp. Má trổ mã như đương xuân. Mười tám tuổi mỗi lần ra thị tứ, ngoại hay dòm ngó mấy thằng choai choai, mấy cha điền chủ, mấy lão phú hộ. Nhưng ngoại hổng có dòm ngó mấy ông thi sĩ, thành ra một ngày cái cổ má dài ra, đôi bầu ngực vung cứng lên, ngoại sững sờ.
 
Ông thi sĩ nho nhã thanh tao, học tú tài đôi, tú tài ba. Nhà quyền cao chức sắc. Bận nghe người ta nói có cái cù lao mây trời biếc xanh, ổng nổi hứng đi tìm thi tứ. Ổng tụ nhóm bạn dăm bảy người bỏ lại phố xá thị thành tìm vô cù lao mà ngắm trăng làm thơ. Thú tao nhã trăng thanh, đêm nghe tiếng sóng nước thủ thỉ, ngó trời ánh xanh tròn vành vạnh. Thi phú chẳng biết tới đâu, nhưng mà bận đó dân xóm cù lao chộn rộn hẳn hoi. 


Mấy ông thi sĩ vốn dòng học thức, dạy dân cù lao dăm ba mớ chữ, chỉ dân cù lao vài câu kiến nghĩa, còn đề bút tặng thơ. Dân cù lao treo câu thơ trước cửa nhà mà hả hê. Cái cù lao nhìn từ trên cao có hình xoắn ốc ngay tâm, đêm nằm thì mơ thấy trăng sao tụ hội. Hay là đặt cho nó cái tên Ốc Trăng Mơ nghen bà con. Mấy ông thi sĩ nói nghe hay hết biết. Xóm cù lao nghèo hèn nay đổi đời bằng cái tên bóng bẩy. Dân xóm gật đầu lia lịa, người người xin chữ, nhà nhà treo chữ. Chỉ mỗi nhà ngoại là hổng xin thì lấy gì mà treo.
 
Bận ông thi sĩ ngang nhà ngoại, thấy cô con gái mắt tròn xoe da bánh mật, cười nhẹ một cái mà lúm đồng tiền sâu hun hút. Hun hút tận giấc mơ mấy đêm trời của ông thi sĩ. Từ đó, đêm nào trước rào cũng có dăm ba câu thơ. Ngặt nỗi nhỏ con gái xóm cù lao đâu có biết chữ, chỉ lụm tờ giấy rồi len lén cất một góc đầu giường, nhưng chắc chắn là biết ai đã viết gởi. 


Một chiều trưa nắng chói miền hạ, nhỏ con gái đang kéo dớn lùa tép rong, ông thi sĩ thình lình đi lại. Dớn hôm đó dỡ lên tép quá trời, nhỏ con gái chỉ ngồi bên mép sông mà nhìn. Ông thi sĩ phía dưới mồ hôi nhễ nhãi. Năm ba ngày, tuần qua rồi đoạn tháng, tiếng cúm núm gọi bầy dao dác khắp mé sông. Đâu ai múc ánh trăng vàng đổ đi, mà ông thi sĩ cứ thẩn thờ nhìn. Cũng đâu có ai lấy dớn ăn cắp tép rong mà con nhỏ thập thò mong đợi. Chỉ một lần hổng nhìn hổng đợi, chiều mưa trắng xứ dừa, con nhỏ chạy đồng hổng kịp, ướt lấm lem áo bà ba. Ông thi sĩ bẻ vội tàu lá chuối che. Ờ thì trú mưa. Tàn cơn mưa, cái tàu lá chuối cũng tả tơi. Sớm mai hửng nắng gốc chuối sót lại tàu lá héo queo. 

Sớm mai hửng nắng một ngày nào đó, ông thi sĩ rẽ sóng nước về lại thị tứ, để lại lời hứa mối mai cau trầu. Con nhỏ cù lao ngồi mòn vẹt thêm trăm tàu lá chuối nữa mà nhà mình hổng có miếng trầu cau nào hết. Mưa cũng theo mùa sa giông ngập trời sóng nước Hàm Luông. 

Mấy chuyện này, má giấu bặt, má hổng có kể cho Đuông.


4.
Thằng Đuông lên thị tứ, ngó qua ngó lại hổng có bạn, hai thằng con trai của cô là hai ông chủ nhỏ. Ông chủ nhỏ kêu là phải dạ. Ông chủ nhỏ biểu là phải làm. Lớn thêm chút nữa thì kiêm luôn giặt đồ, dọn dẹp phòng, xách cặp cho ông chủ nhỏ mỗi bận đi học. Lớn thêm chút nữa thì viết thư tình giúp ông chủ nhỏ. Hay làm bài tập cho mấy ông chủ nhỏ đi đá gà, đi gái gú. Khuya lơ khuya lắc vẫn ngồi ngoài hiên canh cửa hai ông chủ đi nhảy đầm về muộn.

 
Có bận bị ông chủ lớn tát ngay giữa sân trường. Tao kêu mầy viết thơ cho tao sao mầy cua luôn con ghệ của tao. Mầy là cái chó gì mà học đòi. Mầy dân cù lao, nghèo kiết xác, ở đậu nhà tao mầy biết không? Thứ chó là phải sủa cho chủ. Nuôi mầy tốn cơm còn bị phản. Chó nó còn trung thành hơn mầy. Thằng Đuông nghe từng lời ông chủ lớn nói. Nó hổng khóc. Nước mắt đâu dư ra mà khóc cho cái phường trơ tráo này. Nước mắt thằng Đuông khóc là cho tía cho má. Cho ngày tía thủ thỉ vào tai thằng Đuông bên hiên nhà, rồi tía ngủ giấc ngủ thật hiền. Ngủ bình yên mãi mãi.


Thằng Đuông lụm cái cặp của mình lên rồi đi thẳng một mạch. Trăm con mắt lỏ thiệt to nhìn nó. Vài tiếng xì xào anh em mà cũng giành gái. Mặc nhỏ con ông chủ tiệm vàng chạy theo í ới. Thằng Đuông có làm gì đâu mà sợ. Thằng Đuông đâu phải con chó mà để trong đầu mấy lới của ông chủ lớn. Thằng Đuông bận học cho xong rồi về với má. Thằng Đuông mười lăm tuổi rồi, biết nhịn cho lành, biết im cho qua. Biết cả luôn phận mình côi cút. Tỷ như mấy đứa có tía thì nó sẽ khóc lóc la hét: “Tao về tao méc tía tao cho coi”. Nhưng mà Đuông biết méc ai. Mấy đứa có cha gót đỏ như son, còn thằng Đuông gót nó lắm bùn từ lâu rồi. Mấy đứa có cha ăn cơm thịt thà, còn thằng Đuông nào giờ ăn cơm với cá riết thành quen. Quen rồi thì hổng có khóc, bị có ai đâu mà về méc. Hổng lẽ bỏ thị tứ về méc má. Để nghe má thở dài thườn thượt. Để nghe má rầy, thôi mà con, thương má thì ráng mà học cho xong, má đâu có ở suốt đời với con. Trong tâm trí thằng Đuông sợ nhất là má buồn. Chứ mấy cái đòn roi của cô, mấy trò bỉ ổi của hai thằng anh họ, cũng chẳng hề khiến nó nao lòng.
 
Nhưng trận mưa roi mây chiều sẫm trời hôm đó của cô bỗng tắt lịm khi ông chủ tiệm vàng xuất hiện trước cửa tiệm chạp phô. Nè tui nói cho bà chị nghen, khéo dạy con cho nó đừng ghẹo gái. Cái xứ này nó kêu hai ông quý tử nhà bà là hai thằng quỷ nhỏ. Quỷ ở đâu chớ quỷ tới nhà tui, tui đốt tiền là ra tro đó nhen. Còn cái thằng cù lao …. Ủa trời cái bớt, cái bớt ngay má… Mầy dân cù lao thiệt hông mậy…


Thằng Đuông thấy ông chủ tiệm vàng lừng khừng đứng đó, thấy bà cô đang líu ríu xiết cây roi mây lại, nó đứng thẳng dậy, xoa mấy vết rướm đỏ đang tươm máu rồi nhẹ bâng, hổng phải ông nhà giàu ơi, tui dân xóm Mồ Côi nhen. 
Chiều tím luềnh loáng ngang trời. Ờ hình như tím tái lên gương mặt mỡ màu ông nhà giàu có cái tiệm vàng to đùng ở thị tứ. 



5.
Té ra là của thằng giựt dừa à! Xóm cù lao truyền tai nhau ngày thằng giựt dừa dẫn gia đình sang làm lễ Thú phạt. Bữa đó trời nắng hanh khô. Vài ba măm cơm tạ ông bà giản đơn. Đàn trai cái mặt bị xị. Xóm cù lao loi nhoi. Ủa kì vậy, trong mình mát hơn ngoài thị tứ, nắng nôi chi đâu mà cái mặt quạu đeo. Ủa chứ nhà bà rước dâu về mà cái bụng chành ành bà chịu hông? Ủa nay cưới mà, cũng ráng cười cái đi trời, cũng con cháu mình chứ người dưng nước lã gì đâu mà khó dễ cho nặng nề. 
Mặc thiên hạ đãi bôi, mặc gia đình mình hổng ưng, thằng giựt dừa vẫn cười tươi roi rói, nắm tay con nhỏ xóm cù lao đi chào bàn. Con nhỏ xanh xao, chốc chốc thằng giựt dừa lại lấy tay thấm giọt mồ hôi rịn ra trên trán. Thôi vợ con nó mệt, con cho nó vào buồng nằm nghĩ rồi con ra con xả láng với bà con. Ngoại mặc áo bà ba nhung, cười hom hem, môi trầu quệt đỏ màu son. Cũng xong cái đám, cũng coi như hổng có hoang là mừng. Ngoại thương thằng giựt dừa như máu mủ ruột rà. Nó hổng phải rể. Nó là người ơn.

 
Đêm miền hạ rào rạo sóng nước, con nhỏ cù lao ngồi thút thít ngoài triền sông, thằng giựt dừa ngồi bên cạnh. Từ nay mình là vợ chồng. Tui thương mình tui chịu mà. Có ai biết gì đâu nè, tui giựt dừa nhà mình miết thì lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Tui hổng nói, mình cũng hổng được nói. Cả đời cũng đừng để ai biết. Con nít nó hổng có tội. Mình cũng hổng có tội. Duyên trời nó đưa đẩy vậy để mình về làm vợ của tui. Để tui làm chồng của mình. Con mình gọi tui bằng tía. Mình cho tui đứa con này. Mà vợ chồng mình cũng chỉ có mỗi đứa con này mà thôi… 
Tui…ờ tui hổng có con được. Hồi nhỏ tui bị quai bị, chạy chữa trễ quá thành ra trên bệnh viện người ta nói bị ảnh hưởng, sau này hổng có con. Tui thương mình lâu quá chừng, chỉ e dè mỗi cái nghiệt ngã này mà đâu dám ngõ lời. Nay coi như số trời. Nghĩ vậy mà thương nhau sống. Rổ rá cáp lại cũng vừa vặn mâm cơm hen mình. 
Con nhỏ cù lao thôi chẳng còn thút thít, ngã đầu lên vai thằng giựt dừa. Đục trong may rủi, thì thôi cũng đã neo bến này, là trọn vẹn nghĩa tình trăm năm. Từ nay chẳng còn trông ngóng, thôi thấp thỏm chờ tin người ngoài thị tứ. Tim cũng chẳng còn thon thót khi nghe tiếng xuồng rẽ lá dừa về hướng cù lao. Cũng từ đó con nhỏ cù lao dặn lòng, đời hổng đeo bông tay vàng, cứ vậy mà xỏ đôi bông mù u của thằng giựt dừa. 

6.
Ông bán vàng sau bận đó lấp ló ngoài cổng trường, gặp thằng Đuông ổng mừng như mở cờ trong bụng. Con …con cù lao ra hả, con biết cô Lành hông? Bộ con là con cô Lành hả? Ông bán vàng dí theo thằng Đuông. Khẽ lay lay tay nó. 
Thằng Đuông thì cứ chạy, tay phủi như đuổi tà. Thôi ông ơi, tui hổng biết ông. Tui đâu có biết bà nào tên Lành. Xóm tui ai cũng rách nát. Tui nói thiệt, tui hổng có thương con gái ông được. Ông mà theo tui là tui về tui méc tía tui đó nhen. Tui …ờ tui có tía đàng hoàng nhen ông.


Ông bán vàng còn đón đường chục lần như vậy. Chục lần đều dắm dúi vào tay thằng Đuông nắm tiền. Con giấu đi, mua thêm bộ đồ, hay thích ăn gì thì ăn. Ông bán vàng cứ dúi, thằng Đuông cứ phủi. Tui hổng thèm tiền ông đâu. Má tui nói hổng có lấy tiền người xa lạ. Má tui giựt dừa là đủ nuôi tui rồi. 

Phủi tay, bỏ chạy là vậy thôi, chứ khi về tới tiệm chạp phô, thằng Đuông lẻn chạy vào buồng nhìn mình chằm chằm trong tấm kiếng. Trời ơi! Lấy cái tay che cái bớt trên mặt, sao giống hệt vậy nè. Hồi mới ra thị tứ có lần nó cũng lấp ló đứng từ đàng xa nhìn lén, nó thở dài, mừng rơn, thấy mình hổng giống. Chừng lớn thêm chút nữa, thấy hao hao cái mũi, thỉnh thoảng ngó lại thấy cái cặp chân mày y rang. Nhưng mà, tình thiệt là nó chỉ có mỗi tía. Cho đến cái hôm tía làm mệt, bên cánh võng hiên nhà tía kể chuyện xưa xa, chuyện má chưa bao giờ nói, chuyện tía để bụng để dạ suốt cả cuộc đời. 

Nhưng Đuông à, tía biết mình yếu rồi, sắp mãn phần, ong bướm cứ vờn quanh, tía thấy có người kêu tía đi chơi, người ta rủ tía về với đất. Tía nói con nghe, đặng ngày nào đó thân sơ thất sở thì con tìm tới, ổng cũng là người đàng hoàng, hồi mới biết mình trổ bệnh, tía đi gặp ổng nói chuyện rồi. Dẫu gì cũng là máu mủ ruột rà, chuyện lỗi lầm thời trai trẻ ai cũng có, nhưng mà xét cho cùng phận số sắp đặt hết trơn. Con đừng có hận, cũng đừng có buồn. Sau này khi con đã là một thằng đàn ông, có nhiều thứ con mới hiểu thấu. Mình nắm được thì cũng buông được. Lòng mình nặng hay nhẹ âu cũng là do mình. Như sóng nước xứ này, lớn ròng gì mình cũng phải sống, sống tử tế thiện lành nghen con. Bảy tuổi đời hà, mà Đuông đã trầm mặc hơn mấy đứa trẻ khác. Xóm cù lao nói nó như ông cụ non, cạy miệng cũng không hé răng. 
Mà hé ra để làm gì, tỷ như người ta nói nó hổng có cái bớt trên mặt chắc đẹp trai dữ thần lắm đa. Người ta lắc đầu tiếc đứt ruột cho nó. Có cái bớt vậy sau này lớn lên trăm thứ khó. Thời này cái ngoại hình cũng lắm điều ưu tiên. Nhưng mà thẩm sâu trong tâm khảm thằng Đuông nó cám ơn cái bớt vô cùng. Ít ra, với cái bớt như vậy, cũng che đi phần nào cái nguồn cội của nó. 



7.
Tiền đâu ra mà mầy giấu dưới gầm giường? Trời đất quỷ thần ơi, tao nuôi mầy bao nhiêu năm, nuôi mầy đến ngưỡng này rồi, mới biết thứ ong tay áo, thứ khỉ dòm nhà. Cô lấy roi mây, vút như mưa. Những trận mưa của chục năm nay cứ rát bỏng tươm máu. Những trận mưa giày nát cõi lòng thằng Đuông. Nhưng nó quen dần, cạn cùng của những trận mưa, nó lại ra chái bếp xứt dầu cù là. Mấy chỗ tươm máu rát buốt, chừng đó nước mắt nó mới tuông. Nó ngó về bến cũ, nó ngóng con xuồng từ rừng dừa đi ra. Nó ngóng cái dáng bà ba nâu sờn vạt, nón lá tước cũ đôi chỗ rách lổm chổm. Nhưng chỉ vậy thôi là lại lủi thủi chui vào nhà. 


Đời tía má nó nghèo, đời nó chưa chắc gì khấm khá, nhưng mà bất quá thì về cù lao sống. Ngày ra sông quơ vội dăm ba con cá, chiều quẩn quanh vườn nhà cũng có mớ rau tập tàng mà qua bữa. Tiền hổng phải của mình, có cầm tay này cũng ra tay kia. Tiền mồ hôi nước mắt nên nó chỉ đắt với chính ai làm ra nó, còn kẻ thò tay lấy trộm, thì cái đồng tiền đó nó cũng rẻ mạt mà thôi. 

Tiền đâu Đuông có thì mặc kệ nó, mắc gì nó chia sẻ với người trút những hằn hộc xưa cũ vào đời nó. Hổng lẽ nói cô ơi tại hai đứa con cô nó quậy phá nhớt thây lầy cốt, học dốt nhất trường, chứ cái thằng cháu ở đợ nhà cô thì tháng nào cũng có chút đỉnh học bổng của trường, lại thêm ít tiền bồi dưỡng do vào đội tuyển học sinh giỏi của huyện. Rồi tiền mỗi lần má rón rén nhét tay nó khi nó về cù lao thăm. Tiền nó chắt chiu mà. Nên dù đánh nó mềm mình nó cũng quyết ôm lấy khư khư. 

Bận bà cô rào rống, bà cô dí đánh, nó chạy. Chạy bán sống bán chết, ai biết ma đưa lối quỷ dẫn đường, hay cái bản năng mà bước chân nó chạy tới cái tiệm bán vàng ngay chợ Giữa. Thiên hạ ì xèo ra coi như coi đoàn hát về diễn vở Phạm Công Cúc Hoa. Ngay cái lớp bà Tào Thị dí quánh Tấn Lực. Khác chăng là con Nghi Xuân từ tiệm vàng chạy ra. Chụp cây roi mây, con Nghi Xuân đẩy bà cô té sấp. Con nhỏ bất giác nhìn thằng cù lao rồi buông tiếng anh ơi. Nước mắt rơi lã chã. Thằng cù lao bị đòn đau bao lần cắn răng không khóc. Nhưng nhìn con nhỏ em… ờ con nhỏ người dưng rơi nước mắt. Không dưng môi nó mặn chát. 

Ông bán vàng buông vội chén cơm tối, chạy ra giữa chợ, đứng như trời tròng. Tiền đó tui cho nó đó. Tui cho nó nhiều hơn nữa nghen bà. Tui cho nó đốt luôn cái nhà bà còn được. Bà mà léng phéng cầm cây roi mây đánh nó thêm cái nào, thì sau này đừng gõ cửa mượn nợ. Cái giấy tờ nhà bà đang cầm ở đây nè, tui dở nhà là ra đường ăn mày nghe chưa! Thiên hạ được dịp mắt tròn mắt dẹt. Thiên hạ có bữa coi hát no nê thịnh soạn.

Thiên hạ nói thằng cha bán vàng nghĩa nhơn gì đâu. Bà cô lóng ngóng đi vội về cái tiệm chạp phô. Tuồng hát vãn rồi. Ngã ba chợ, ngó bên này là cái tiệm vàng của người xa, ngó bên kia là cái tiệm chạp phô của người lạ. Chỉ có đường về với má là thằng Đuông thèm nhất.


8.
Bận thằng Đuông nhất quyết dứt áo về cù Lao, bà cô dùng dằng hổng cho, mầy về thằng cha bán vàng hổng cho mượn tiền nữa, xui xui chả đòi cái nhà, khổ cô lắm Đuông ơi. Nhưng Đuông cứ về. Nó hổng mơ cao, nó học trọn vẹn cho má nó mừng. Cho dân cù lao hổng còn mang tiếng dốt. Ít ra mớ chữ nghĩa lận lưng này, nó quay về cù lao cũng tập tành cho đám con nít ê a từng ngày. Nó về chứ ở lại mần chi. Xứ này hổng phải là chốn dung thân. Cái hốc bà tó kia mới là đất quê của nó.
Thằng Đuông quảy cái ba lô ra ngoài cửa tiệm. Giờ con lạy cô ba lạy này nè, con cám ơn cô chục năm rồi nuôi con. Một tô cơm nguội cũng là cơm. Một ly nước uống cũng là nước. Con về mà hễ có chuyện gì khó, cô cứ kêu người vô cù lao gọi, con phụ hợ gì được con phụ hợ liền. Thằng Đuông lạy xong rồi đi. Nhẹ tênh như gió về miền xuôi. 


Nó nhắm hướng tiệm vàng mà tới thẳng. Mua cho má đôi bông tai. Ờ là cũng để nhìn người lạ lần cuối. Dẫu gì thì cũng cho trọn vẹn. Như một lời chào. Dẫu gần hai chục năm trời, có lần nào người ta quay về cù lao chào má nó một tiếng đâu. Có xa xôi gì, có trắc trở chi, tại cái lòng người ta đâu có neo bến nghèo. Nhưng mà sâu hoắm trong lòng thằng Đuông, nó chỉ muốn hỏi ông bán vàng một câu tại sao hồi đó ổng hông quay lại Ốc Trăng Mơ, cái xứ mà ổng moi tim nặng óc đặt ra cái tên. Cái xứ mà ổng gieo vào đó một mầm sống, rồi rứt áo ra đi như chẳng có gì. Ổng bán vàng bạc đá quí mà, trên cái biển hiệu gi vậy đó, nỡ lòng nào ổng cho má con nó cái cục bạc quá lớn. bạc cả phận mẹ, bạc sang đời con. 

Thằng Đuông chạy hối hả ra bến mặc ông chủ tiệm vàng lật đật dí theo. Bến vắng đò sang, nó núp sau cây mù u già cội. Ông chủ tiệm vàng thắng xe trờ tới. Con ơi… Trời thần ông tới đây mần chi. Dân cù lao hổng xứng để ông ghé thăm đâu. Con cái gì ở đây. Con ờ thì … con chim se sẻ hen ông. Hồi đó má tui hay ru tui ngủ vậy nè: “Hò ơi… Con chim se sẻ nó đẻ cột đình. Bà ngoại để má…hò ơi chớ bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi”. Má tui nói hồi đó có người mê má tui hò Bến Tre lắm. Người ta mê giọng hò, nhưng rồi người ta cũng bỏ má tui. 
Đò đâu cập bến đúng thì đúng lúc. Thằng Đuông sang đò rồi, mà giọng họ cứ mãi theo chân ông bán vàng về tới chợ Giữa. 


9.
Má gọi Đuông về thì nó hổng về, chừng nó về thì chạy hầm hập vào chái bếp ngay hiên sau. Vắt cái chân lên ghế, tay bưng chén cơm, nó lùa vội. Nè má, nãy tui ra ngoài ấp, nghe ông trưởng ấp nói, sáng mai có tới năm cái sà lan chở nước ngọt vào cho xóm cù lao mình. Cha nội trưởng ấp còn nói, nghe đâu có người xin tỉnh đầu tư làm khu du lịch sinh thái Ốc Trăng Mơ, tổ chức hội hè, thi phú chi đó cho xôm tụ cái cù lao này lên. Cho xóm cù lao mất đi cái tên Mồ Côi. Dân cù lao hết rẽ rừng dừa mà hải hồ tứ chiếng. Dân cù lao mình sắp đổi đời rồi nghen má.
Ủa vậy chớ ai giàu giữ vậy mầy biết hông Đuông. Má kéo cái ghế xích lại gần thằng Đuông, coi thằng con có hóng được tin tức gì hay ho nữa hông. Nè, tui nói má nghe má đừng có hết hồn nhen. Cha nội nhà giàu nào đó ngoài chợ Giữa, cái thằng cha mà đặt tên cho xóm cù lao là Ốc Trăng Mơ đó. Cái thằng cha làm bài thơ gì mà nổi tiếng rần rần đó má. 


Thằng Đuông nhìn má nó. Má nó giật mình chưng hửng. Đã nói má đừng hết hồn. Người ta thây kệ người ta, riêng tui là thiệt thà với má nhất. Tui có một ông tía, tui có một bà má. Tui dân cù lao, ngàn vàng cũng không đổi được cái gốc tích cù lao của tui. Nhưng mà hồi tía mất, tía nói cù lao mình sóng nước mênh mang, gió lùa lào xào. Gió lùa quẩn quanh cù lao rồi gió theo dòng mà ra sông. Sóng có vỗ bờ ì đùng thì tan ra rồi cũng chỉ là nước mà thôi. Lòng mình nặng hay nhẹ cũng là do mình mà má. Tui cũng như con chim sẻ mà hồi xưa má hát thôi. 
Gió xạc xào mấy tàu lá dừa. Nắng hướng thị tứ ráng chiều cù lao. Đám se sẻ bay về tây rợp trời. Sóng nước xứ này, vỗ gì mà thắt dạ bầm gan.

 

Tác giả: Tống Phước Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây