Góc khóc - Truyện ngắn của Trương Thanh Thùy

Chủ nhật - 15/10/2017 22:44 4.988 0

Thằng Du bị tai nạn!

Cái tin như tiếng sét rít ngang tai hai mảnh đời già cằn cỗi sững sờ nhìn ra phía cái bóng xiêu xiêu đổ theo chiều đang tất tả đầy lo lắng đứng ngoài nói vội nói vàng vô, mà quên mất người hàng xóm lâu năm của mình tên gì, quên luôn chuyện phải cảm ơn người ta một tiếng, cho dù cái ơn báo tin này chua và đau lắm, quên hẳn chuyện áo quần họ đang xộc xệch đến độ không nên cứ thế mà bổ ra đường... Thứ họ còn nhớ, chỉ là, thằng Du – thằng con trai độc, thằng con cầu con khẩn của họ – bị tai nạn.

Nhà văn Trương Thanh Thùy
Nhà văn Trương Thanh Thùy

Ông Dền biểu vợ thôi bỏ đi, không sinh được thì kiếm con nuôi về nuôi, hà cớ chi cứ tự trách cứ mình hoài cho cái thân vốn đã teo tóp của bà ngày càng rộc rạc thêm? Bỏ? Bà Dền cũng muốn lắm chớ! Bà Dền cũng muốn được yên thân một ngày để hát, để cười như đàn bà tuổi bà viên mãn gia đình lắm chớ, nhưng làm sao bà bỏ cho được, khi cứ đêm đêm, rình nghe ông Dền thắp nhang lên bàn thờ mà thút thít khóc, nói, ba má linh thiêng, cho tụi con mụm con để vui cửa vui nhà, để vợ chồng tụi con thêm khăng khít...?

Ông Dền biểu vợ nghèo thì cũng nghèo rồi, làm lụng chi cũng phải cho mình ngày nghỉ. Bà Dền nghe theo tắp lự. Mà, nghỉ của bà là để quảy nải lên chùa, quỳ mọp dưới bức tượng Quan Âm, lạy như dập nát đầu mình, chỉ để xin một tiếng khóc toe toe của trẻ nít trong nhà. Những ngày nghỉ của suốt nhiều năm, bà Dền giấu mình ở sân chùa, nơi bà biết, bà rồi sẽ có ngày được ban ơn cho một đức tin không mệt mỏi. Ông Dền không trách, không buồn. Ông để vợ đi theo cách vợ muốn, còn ông, cứ rảnh là bắt chiếu ra sân đợi ông hàng xóm qua đánh ván cờ rồi ậm ờ chạy về chở con đi học... Vài chục, vài trăm ván cờ dang dở dấy lên trong ông Dền một nỗi khát lạ lùng – ông khát cho mình một đức tin!

Thằng Du bị tai nạn!

Hai thân già với áo quần không kịp chỉnh tề chờ đợi nhau rời khỏi ghế xe ôm rồi dặt dịu đưa nhau bước trên những bước sợ hãi tột cùng cho những suy nghĩ buộc phải gạt đi ngay ra khỏi đầu mình mà không thể, qua quãng sân rộng thênh thang của cái bệnh viện họ từng đứng trước đó nhiều lần, nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Ờ, bà Dền bán nước ngoài này mà!

Nay là ngày nghỉ – ngày ông Dền quy định với vợ từ thuở nảo thuở nào mỗi tháng phải một ngày dành cho bản thân mình để làm những chuyện mình thích – nên ông bà Dền không ra bán, nhường chỗ cho hai con nhỏ bán bông mà bà Dền cứ thắc mắc hoài, là những ngày khác tụi nó bán ở đâu để kiếm sống, khi mà mặt bằng khó tìm như nước giữa sa mạc như vầy. Chua thay, thằng Du lại vô bệnh viện ngay cái ngày ba má nó không thể biết từ đầu.

Chẳng còn ai trong cái bệnh viện này là không biết ông bà Dền. Làm sao mà không biết hai vợ chồng già gắn với cổng bệnh viện cùng cái xe cafe, nước ngọt vài chục năm nay với cái kiểu, thấy ai nghèo nghèo, tần ngần đứng nhìn là vội vàng làm bịch trà đá đem ra giúi vô tay như năn nỉ người ta uống. Làm sao mà không biết hai con người tình cảm với nhau đã nhiều mà tình cảm với người khác còn nhiều hơn, nhớ hết tên bác sĩ, y tá, hộ lý, thậm chí đến cả lao công, tài xế cũng nhớ, để hỏi thăm từng sáng thấy họ đến ca làm, gửi lời thăm nhắn đến từng người trong nhà lúc họ hết ca. Nên, chuyện thằng Du con ông bà Dền vô viện là chuyện làm nhiều người phải quan tâm. Và, chuyện ông bà Dền rưng rưng đi như chạy vô là chuyện khiến ai thấy cũng phải đón đường dẫn họ vô.

Có một lần, ông Dền đến chùa tìm vợ, hay, nói đúng hơn là ông tìm đức tin cho chính mình. Ông Dền đứng nhìn lâu lắm cái hình ảnh vợ ông quỳ gối thẳng lưng, chắp hai bàn tay đen đúa vì sương gió của bà lại với nhau, mắt khép hờ và tĩnh lặng hoàn toàn trước đấng tin từ bi đứng nhìn từ trên xuống.

Ông Dền tần ngần một lúc, rồi cũng lặng lẽ bước lại, chậm rãi nhưng hoàn toàn không chần chừ quỳ xuống cạnh vợ, chắp hai bàn tay cụt ngón ở cái lần quay xe nước mía năm chưa cưới bà Dền, nhắm mắt và cùng cầu nguyện cho cái âm thầm mà vợ ông đã khấn cầu bấy lâu nay, cho dù, chưa từng một lần nào bà Dền nói với ông cả!

Sau lần đó, bà Dền đậu thai. Không biết đó là sự trùng hợp hay thật là món quà ông bà nhận được từ đấng linh thiêng, chỉ biết, bà Dền mang thai thằng Du và khỏe khoắn lạ thường. Có thể, với bà Dền, sự sống mãnh liệt đang cựa quậy trong bà truyền cho bà một nội lực mà không phải ai cũng có thể có ở cái tuổi ngấp nghé bốn mươi. Còn, với ông Dền, thì đó là một sự gồng cứng mình khi bà Dền nghe bác sĩ trong bệnh viện ra vô hỏi thăm, biểu bà phải nhớ ăn uống đàng hoàng, phụ nữ lớn tuổi mang thai đầu lòng thường không tốt. Càng nghe, bà Dền càng khỏe! Bởi, ông Dền biết, bà buộc bà phải khỏe!

Hành lang trước phòng cấp cứu đông chật. Bà Dền đảo mắt nhìn quanh, xót trong lòng khi biết những con người đứng kia đang cùng suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc với bà. Không dưng, bà nhắm mắt, chắp tay cầu nguyện. Bà quên cầu nguyện cho chính mình, cho con trai mình. Bà Dền cầu cho tất cả những ai nằm trong kia sẽ qua, để những ai ở ngoài này không phải quá đau khổ khi đón nhận mất mát.

Ông Dền quay qua nhìn vợ mà rớt nước mắt. Ông muốn ôm bà vô lòng một lần, hôn lên trán bà như trong phim người ta vẫn làm với nhau, cho dù là ở cái tuổi sắp leo vô quan tài, mà không dám. Thấy dị vì dân mình không quen thể hiện tình thương kiểu đó, càng dị khi ông bà đang đứng đây, đối diện với chuyện thằng con trai độc của ông bà ở ngưỡng thập tử nhất sinh. Ông thương bà bằng nước mắt đàn ông già chảy ngược vô trong, bởi ông biết, vợ ông đang cầu nguyện cho điều gì. Ờ, với bà Dền vợ ông, chuyện thiên hạ yên bình và ít đau khổ mới là chuyện quan trọng nhất trần đời. Ông thương bà, chỉ cần bởi vậy!

Vài người trong áo blu trắng ra vỗ vai, nắm tay ông bà, kiểu động viên ở cái lúc mà ông bà cũng quên mất họ tên gì, họ là ai, chỉ nhớ, họ là người sẽ cố cứu thằng Du con ông bà. Hình như, bà Dền sực nhớ ra mình chưa cầu nguyện gì cho thằng Du, nên mở mắt ra chào hỏi những người vừa chạm vào bà để bà thức dậy và nhớ mình hãy còn đang sống, bà lại nhắm mắt, chắp tay nguyện cầu. Lời cầu nguyện cuối cùng dành cho thằng con trai muộn mằn bà tìm được cho đời đàn bà của mình.

Thằng Du đẹp lắm, giống một thiên thần! Không phải bởi nó là điều mong ước quá lớn rồi cũng đến với ông bà Dền. Nó đẹp thiệt, với mắt đen và mày rất rậm. Từ cái lúc nó chào đời, huơ tay huơ chân chới với với cái thế giới bỗng rộng bất thường, miệng toa toa hít khí để khóc, thằng Du đã đẹp nét đẹp của một thằng con trai bản lãnh nhưng chắc chắn sẽ tình cảm như cha mẹ nó, bởi, dưới đôi mày rậm ấy là cặp mắt đen bỗng ướt át lạ lùng lúc tiếng khóc đầu tiên nó gửi cuộc đời.

Ông Dền ngồi chệt bệt giữa hàng lang khuya vợ ông đẻ, khằng khặc khóc, tự hỏi, sao cái bắt đầu của con người luôn là tiếng khóc vậy? Phải chăng bởi thế, nên đời rồi vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau, con người ta rồi cũng đem nước mắt ra mà giải tỏa? Nghĩ vậy thôi, rồi không nghĩ thêm được nữa, chỉ khóc khô khóc khan cho hai sinh linh đã tròn vuông trong kia đợi bàn tay cụt mất ngón của ông ẵm bồng, dìu dắt. Ông Dền bật đứng dậy và nhận ra mình vững chãi đến lạ lùng!

Sau ngày đó, bà Dền không còn lên chùa khấn Quan Âm nữa! Không phải bà Dền vô ơn, hoàn toàn không! Bà dành ngày nghỉ của mình cho thằng Du theo cách đem hết tiền để dành bà bỏ vô hộp thiếc mỗi ngày bán về, đem ra tiệm gạo, mua được bao nhiêu bà cũng đem tới trước cổng chùa, múc từng lon cho những người ăn xin đi ngang, riết thành lệ, cứ tới ngày nghỉ của bà Dền là mấy người ăn xin đổ tới đợi nhận gạo từ bà, từ thằng Du lõn bõn chạy theo nhìn thử má nó làm gì.

Hôm nay, bà Dền không lên chùa, cũng không đi mua gạo đem phát như tất thảy mọi ngày nghỉ bà từng làm suốt hơn hai chục năm qua, từ ngày bà sanh thằng Du. Bà Dền vừa bàn với chồng tối qua, nghe đâu, ở chỗ kia, một vùng núi mà cái tên còn lạ với bà, có nhiều người sống đói, sống khát như người rừng, bà bàn với ông cứ dành tiền đó, đợi đợt thằng Du được nghỉ học, biểu nó dẫn ông bà lên mua gạo cho người ta. Chỉ mới ngày đầu tiên sau suốt chừng đó năm mỗi tháng duy nhất chỉ có một ngày nghỉ, bà Dền ở nhà, thèm nấu món gì là lạ cho hai cha con nó ăn mà thằng Du thì lại biểu đợi nó học về, ghé mua đồ ăn hàng về cả nhà ăn chung.

Bà Dền bình tĩnh đến lạ lùng khi người ta đẩy cái giường chở thằng Du ra. Họ nói loáng thoáng rất nhanh với ông Dền rằng thằng Du phải mổ liền. Ông Dền nhìn nhanh qua thằng con trai của mình rồi vội vã quay đi, giấu nước mắt. Mặt mũi thằng nhỏ trầy xướt thảm thương, vừa té đó mà giờ mắt đã sưng húp, bầm tím, cũng biết nó bị chấn động mạnh cỡ nào. Bà Dền nhìn chồng rồi quay qua nhìn con, lụp bụp bước theo những bước chân trong trang phục trắng đi như chạy về phòng mổ, cố với tay ra nắm lấy bàn tay bất động của thằng Du. Phải mạnh mẽ lên, biết không con?

Từ khi nhập nhoạng tối đến tận đêm – suốt khoảng thời gian thằng Du nằm trên bàn mổ – bà Dền tuyệt không ngồi một lần nào. Bà cũng không đi lại sốt ruột như người ta. Bà cứ lặng thinh đứng ở một góc khuất, hướng mắt về tấm bảng sáng đèn của phòng mổ rồi thi thoảng đưa mắt nhìn chồng – người đàn ông duy nhất của cuộc đời bà đang gục trên hai đầu gối đã mỏi rã rời vì năm tháng. Bà Dền không tỏ ra đau buồn hay khổ sở như cái khi bà vừa hay tin nữa. Bà tin vào số phận, và, nếu hôm nay, số phận của thằng Du được an bài là phải xa bà, xa chồng bà, thì bà biết, mình phải đủ mạnh mẽ để vực chồng mình dậy mà sống tiếng hai quãng đời sẽ thành cô độc dẫu vẫn tiếp tục ráp vào nhau. Bà cũng không dám mong cầu gì ở đấng thiêng bà luôn tin nữa, không biết tại sao, nhưng cái ký ức của ngày thằng Du lên bảy cứ rõ ràng hiện về, và, bà Dền không còn dám mong cầu nữa rồi!...

Sinh nhật bảy tuổi của thằng Du đúng vào ngày ông Dền đã quyết định chọn làm ngày nghỉ hàng tháng của ông bà. Ông Dền hôm nay theo cả hai mẹ con đi tiệm mua gạo, đem tới trước cổng chùa. Số gạo hôm nay nhiều hơn mọi ngày, bởi, suốt gần tuần qua, mấy cô, mấy chú trong bệnh viện biết sắp sinh nhật thằng Du, ai cũng ghé cho quà, cho cả tiền. Ông bà Dền nhận hết, vì ông bà đã định sẵn việc mình sẽ làm trong sinh nhật thằng Du.

Thằng Du giờ đã thạo chuyện múc gạo đổ vô bao nhỏ cho từng người. Nó vừa trao gạo cho người ta, vừa niệm Phật. Thằng Du có tin Phật hay không, không biết, chỉ biết, nó thấy má nó làm vậy suốt chừng đó năm, từ ngày nó biết nhớ tới giờ, và nó tin rằng, đó là việc làm đúng.

Có vài tiếng la hét đuổi cổ mấy người ăn xin đang xếp hàng đợi gạo từ gia đình thằng Du. Ý người ta là đám ăn xin dơ bẩn ngán đường, ngán chỗ đậu xe. Cả ông bà Dền, cả thằng Du cũng bị mấy người trên chiếc xe con bóng loáng nạt nộ. Thằng Du lủi thủi rúc ra sau lưng ba, nhìn ra sợ sệt. Rồi, không hiểu trời xui đất khiến gì, nó lại lẽo đẽo đi theo nhóm người giàu sang lên chùa. Khi trở ra, nó vô tư kể cho bà Dền nghe, là, má, má, người ta giàu vậy mà còn đi cầu có thêm tiền đó, má! Bà Dền nạt ngang, biểu thằng Du không bao giờ được thọc mạch chuyện người ta nữa. Thằng Du buồn thiu nhìn ra, nói cái giọng già chát của thằng nhỏ bảy tuổi, là, sao ai lên chùa lạy Phật cũng cầu cái gì cho họ vậy, má? Phật có đủ sức cho họ hết không?

Thằng Du nằm đó, bất động hoàn toàn!

Đầu nó cạo trọc boong. Hai con mắt sưng húp đến mức nếu tan hết thuốc mê chắc nó cũng không thể mở ra mà nhìn ba má nó được. Ông Dền nấc lên một tiếng khô khan rồi cúi rịt đầu khi thấy vợ quay lại nhìn ông trách cứ. Ờ, giờ này mà yếu đuối vậy, con nó biết, lấy chi mà nó có động lực mà cố gắng vượt qua?

Bà Dền chầm chậm, nhè nhẹ đi tới chỗ thằng Du đang nằm. Bà không thể cưỡng lại được chuyện nhìn những thân hình bất động nằm trên dãy giường cùng dãy với con trai bà. Những gương mặt giống hệt nhau khi đầu không có tóc và sưng húp vì chấn thương. Không dưng, lòng bà Dền rộn lên một nỗi thổn thức sợ hãi đến lạ lùng – nỗi sợ hãi của một người mẹ có cả một đàn con đang trong cơn nguy kịch. Và, bà Dền khóc...

***

Chuyện bà Dền đổ bệnh sau tai nạn của thằng Du hai ngày là chuyện ai cũng lường tới. Ai biết bà Dền chẳng biết rằng bà làm tất cả mọi thứ cũng chỉ để cho thằng Du. Bà sống đức độ lắm, cũng chỉ vì bà mong thằng con trai độc của bà nhìn vô đó mà hiểu, mà sống đúng, mà thành người đàng hoàng.

Ông Dền cũng biết trước vợ sẽ bệnh – có lẽ! Bởi, năm thằng Du chín tuổi, nó sốt cao một đêm, đêm sau tới bà Dền sốt. Sốt mấy, bà Dền cũng ngồi chăm thằng Du, tuyệt không chịu ngủ, mặc kệ chồng bà rầy rằng làm vậy chỉ là tự làm kiệt sức mình và không thể nào chăm con tốt được. Mà, rồi mọi chuyện như chuyện thần tiên, lúc ông Dền chạm vô vợ, giật bắn mình vì độ nóng phát ra từ bà, quay qua quay lại tính lấy khăn chườm cho bà đỡ xốn mắt, nghe tiếng thằng Du ú ớ gọi má nó, là y như rằng, quay lại thấy bà Dền đã khỏe re, cười tít cả mắt. Giờ, tất cả những gì ông Dền đợi, chắc chỉ là thằng Du khỏe lại để thấy hai má con nó cứ tung tẩy với nhau sau chiếc xe cafe nước ngọt sau giờ thằng Du tan học phụ ba má dọn hàng.

Bà Dền gượng dậy nhiều lần mà không thể. Miệng khô ráp nứt nẻ, húp cháo chồng nấu mà nghe nghẹn đắng cổ họng. Cũng có lúc bà Dền lo, mình đau, con bệnh, chồng chỉ còn thời gian chăm sóc hai má con, không bán buôn gì được, tiền sẽ hết nhanh lắm, nhưng rồi qua liền cái suy nghĩ đó, bởi bà biết, cũng giống y chang bà, ông Dền coi tiền coi bạc là phù du, kiếm được, xài được, lại kiếm lại được, không nặng nề quá làm chi. Chỉ sợ, tiền thuốc thang cho thằng Du quá sức của ông Dền, trong khi bà có muốn dậy phụ ông cũng không dậy nổi thì tội cho ông quá!

Hôm nay đã là ngày thứ ba rồi, kể từ khi thằng Du bị tai nạn mà nó vẫn chưa chịu tỉnh. Cứ chặp ông Dền vô viện, về, là bà Dền cố ngóc đầu lên nhìn thái độ của chồng, rồi lại nằm xuống. Ông Dền biểu để đưa bà vô viện khám cho yên tâm, chớ mới một hai ngày đổ bệnh mà bà xanh quá nhưng bà Dền không chịu. Tới giờ, thiệt là tiền bạc đã khiến bà lo.

Cái bóng xe lăn nửa quen nửa lạ tần ngần lăn tới cổng căn nhà xụp xệ nhất trong cái khu tồi tàn nhất thành phố này khiến bà Dền buộc phải ngẩng dậy. Người ta tới trong nước mắt. Không biết những giọt nước mắt tàn tật kia chảy ra vì gì nữa, họ có lỗi chi đâu? Là thằng Du con bà chịu không thấu chuyện mấy thằng thanh niên đủ tay đủ chân, khỏe mạnh mà đi giựt xấp vé số của người phải đi lại bằng những vòng quay, nó gí theo, rồi nó té, chứ thiệt họ chẳng lỗi phải gì ở đây mà cứ phải ngồi khóc, ngồi xin lỗi rối rít ông bà Dền.

Hình như, ông Dền dùng hết sức lực còn lại của mình để động viên người đàn bà tàn tật tội nghiệp kia, để bà yên tâm về nhà nghỉ ngơi tí đỉnh mà ngày mai còn sức mà kiếm tiền mua gạo nấu cơm. Nên, khi người ta vừa rời đi bằng những vòng quay đó, ông Dền gục xuống, khóc tức khóc tưởi, mặc kệ bà Dền nằm bẹp trên giường đau đớn ngó ra.

Bà Dền tự hỏi, ông Dền khóc vì gì? Có phải, có chút nào đó ông ấm ức cho chuyện, những gì thằng Du nhận được từ lòng tốt của nó quá phũ phàng?

Hai con nhỏ bán bông chỗ ông bà Dền bán nước tự động lên tiếng nói ông Dền về nhà nghỉ, để tụi nó thay phiên nhau canh thằng Du nên ông Dền mới có được bữa về nhà nằm ở cái giường nhỏ kê sát cái giường vợ ông nằm, để không canh cánh lo biết bà ở nhà bệnh sao.

Sương. Gió...

Bà Dền đứng ngay mé cửa khép hờ nhìn ông Dền một chặp. Ông Dền ngồi thẳng dậy, rầy bà bệnh mà còn ra đó chi cho gió máy, vô nằm liền cho ông, mai khỏe, ông cho vô viện thăm thằng Du. Bà Dền không nói gì với chồng hết. Bà chỉ đứng lặng im nhìn ông rồi đau đáu hai dòng nước mắt chảy xuôi xuống gò má sạm đen tóp táp của bà. Ông Dền tự dưng nghe lạnh thấu xương, rùng mạnh mình và bật lao về phía cửa, với tay về phía hình ảnh vợ ông đang như lớp sương ảo trôi đi. Mọi thứ tuồn tuột qua tay ông như thời gian, không kiểu gì ông nắm giữ được!...

Ông Dền giật mình thức dậy, nghiêng đầu nhìn qua chỗ vợ ông đang nằm. Đầu óc ông trống huơ trống hoác, duy nhất chỉ có suy nghĩ khẩn cầu đấng linh thiêng của vợ ông, rằng, giấc mơ ban nãy không phải là sự thật!

***

Có lẽ, đám tang bà Dền là đám tang đông người viếng nhất khu ổ chuột này. Có khi, còn đông người viếng hơn cả đám tang của một người nhà giàu nào đó. Những người viếng bà Dền đều có gương mặt quen quen, nghĩa là, ông Dền từng thấy, từng gặp nhưng chắc chưa từng nói chuyện. Họ đến, gửi thương yêu của những người quá nghèo đến cho một người đàn bà nghèo sẵn sàng sẻ chén gạo cho họ. Đám tang không nước mắt! Hoặc chăng, nước mắt của họ đã khô hết cho những tháng ngày khóc cũng không vớt được chút bình yên nào cho cuộc đời, nên giờ, họ chỉ có thể đến chào bà Dền bằng sự lặng thinh đầy tiều tụy. Ông Dền cũng không thể khóc, vì, hình như, nước mắt bây giờ không còn đủ cho ông.

Thằng Du hi hí mắt nhìn ba nó – người đàn ông đầu tiên và duy nhất đến lúc này nó thần tượng. Hồi nó còn nhỏ, ba nó đã từng một lần, hay hai lần gì đó khóc với nó, nói ba nó hèn và kém cỏi nên không cho má con nó được một mái nhà lành lặn như người ta. Hồi đó, thằng Du còn nhỏ lắm, đến độ nó muốn động viên ba nó một câu mà cũng chả biết lựa từ ngữ nào cho hay ho, cho phù hợp, nên khi đó, nó chỉ biết khóc hùa theo. Ông Dền ba thằng Du không còn tự trách mình nữa, không hẳn vì trong ông, cái suy nghĩ mình kém cỏi nên vợ con mình khổ không còn, mà bởi vì, những gì thằng Du dành cho ông khiến ông phải nghĩ khác. Thằng Du học giỏi nhất trường nó học – ngôi trường có cả đứa nghèo như nó, nghèo thua nó và có cả những đứa thuộc giới con nhà giàu. Thằng Du vô đại học cái một với điểm cao chót vót, báo đài ầm ầm kéo tới phỏng vấn tía lia, nó cười trong nước mắt rồi nói, không có những người vĩ đại như ba má nó, thì chắc nó còn không biết mặt chữ là gì... Ờ, phải! Thằng Du đã chứng minh cho ông Dền ba nó biết, là ông không hèn, không kém cỏi, ngược lại, ông vĩ đại vô cùng.

Cái cảm giác bàn tay thằng Du cựa quậy trong bàn tay già nua run rẩy của mình khiến ông Dền rùng mình. Sao, nó giống cái chạm khẽ khàng mỗi khi bà Dền động viên hay nhắc nhở ông gì đó quá?! Sao, nó giống cái hơi ấm bà Dền cố truyền cho ông mỗi khi ông cảm lạnh quá?! Sao... sao... hai má con nó cứ giống hệt nhau thế này?

Câu đầu tiên thằng Du hỏi ba nó, là, má đâu ba? Má có buồn, có lo lắm không? Má có ăn ngủ được đàng hoàng không? Hồi xưa, cũng nhiều lần ông Dền con nít chớ, thấy ganh tị chớ. Ông bà, ai cũng thương thằng Du hết trơn, cũng lo cho nó hết trơn, cũng hy sinh cho nó hết trơn, nhưng thâm tâm thằng Du hướng về má nó một cách dữ dội ghê lắm, tới độ, nhiều khi ông tự hỏi, nó có thương ông không? Nghĩ rồi thôi, rồi tự trách mình, là già đầu còn bày đặt mấy trò đối kỵ nhỏ mọn đó, thấy cũng quê quê. Giờ, thằng Du trở dậy sau những ngày cả ông, cả bác sĩ lo nó sẽ thực vật hoài, nghe nó hỏi về vợ mà ông Dền bần bật run. Ông sợ! Thiệt là rất sợ! Du ơi, phải chi con hỏi ba cái khác đi...

***

Thằng Du vô lớp một. Nó lõn tõn chạy theo chân ba má nó trên con đường đầy sình lầy dẫn ra khỏi khu ổ chuột, tiến về phía ngôi trường nó từng chóc mỏ nhìn vô mỗi ngày theo má nó đẩy xe nước đi bán mà thèm thuồng hỏi, khi nào con được như mấy anh chị đó, hở má? Nên chuyện nó đi học với cái mỏ ngoác cười không ngậm lại được, dễ hiểu hơn là mấy cái mặt mếu máo khóc đòi ba mẹ của mấy đứa bạn cùng lứa.

Thằng Du biết đọc. Nó không khi nào đánh vần ra miệng, cứ lầm rầm trong đầu rồi chậm chạp đọc hết câu cho ba má nó nghe. Nó biết, nó mà đánh vần ra miệng là ba má nó hết hiểu mô tê gì luôn. Tại, với những người không biết chữ, những gì họ nghe được phải rạch ròi thì họ mới có thể hiểu hết. Nên, từ khi vừa biết đọc, thằng Du đã muốn mình rành rọt được những thứ đến tai ba má nó.

Cứ mỗi ngày, nhìn thằng Du lớn khôn và trưởng thành, ông Dền thường lặng cười lúc đó, rồi lại tìm cho mình một góc riêng để khóc – riêng đến độ, chính vợ ông, bà Dền, cũng không biết. Với ông Dền, mỗi góc riêng trốn được sự lo âu của hai má con bà Dền – thằng Du đều để lại một dấu ấn rất riêng với ông về thằng con trai độc của mình.

Có hai lần, ông Dền không tìm được góc riêng, không trốn được má con thằng Du mà khóc trước mặt họ.

Một lần, ông Dền khóc trước thằng Du, khi mà tới ngày nó vô cấp hai, mà túi ông không đủ tiền để sắm cho nó bộ áo quần mới, để nó phải mặc cái quần của hai năm trước, ngắn quá mắt cá chân. Bà Dền không than không vãn, cắt như trọc mái tóc dài óng của bà, bán luôn, mua cho con bộ áo quần mới. Lần đó, với ông Dền, góc riêng để khóc của ông chính là thằng Du, để ông có thể đối diện với sự kém cỏi của mình khi không thể cho vợ con mình một chút gì gọi là no đủ.

Một lần, là lần người đàn bà tàn tật tìm đến rồi rời đi trên chiếc xe lăn, đến để khóc, để xin lỗi ông bà Dền, vì họ mà thằng Du bị tai nạn. Lần đó, ông Dền quằn giữa nhà mà khóc, dẫu biết phía sau lưng mình là vợ đang nhìn ra. Ông Dền khóc, cho một nỗi xót xa không dám nói thành lời, rằng, người tốt như thằng Du con ông sao lại gặp chuyện trái khoáy vậy? Không thể tính lần đó bà Dền là góc riêng để khóc của ông, hoặc nếu tính, thì cái nhìn bà hướng về ông luôn trìu mến, luôn thương yêu là góc riêng yên bình mà ông Dền biết, ông có thể tìm về...

Bác sĩ nói, không để thằng Du bị xúc động. Vì, giờ, một cơn cảm xúc mạnh sẽ khiến thằng Du quỵ ngay. Nên, cái chuyện, má nó đã theo tổ tiên ông bà, đứng trên nhìn xuống mà phù hộ độ trì cho nó, thành chuyện riêng mình ông Dền biết và phải giữ cho chính ông.

Thằng Du vốn là đứa thiệt thà. Nên, mỗi khi hỏi má đâu, nghe ông Dền nói xạo là má bận bán, má vừa ở đây ra nè, má nấu cháo cho con rồi đi chùa rồi... là nó tin răm rắp, không còn thắc mắc nữa. Vài lần, nó thở dài, nói ba biểu má cứ ở nhà, ra vô đây cũng không được gì, lại mệt thân má. Ông Dền nghe đau tức hết ngực. Ông Dền nghe mọi sức lực tuồn tuột ra khỏi mình theo đường lỗ chân lông. Ông Dền muốn gục xuống. Ông Dền muốn khóc. Ông Dền muốn gào thét... Có góc riêng nào cho ông không? Du ơi! Má thằng Du ơi!

***

Đêm đông trôi qua buồn và rất lạnh. Thằng Du muốn trở mình thức dậy đắp cho cha nó cái mền. Thấy cha co ro trên chiếc ghế bố kê sát giường mà nó xót xa quá chừng. Nhưng, cơ thể nó giờ vẫn chưa thể cử động theo điều khiển của đầu óc nó, nên, nó cứ hé mắt nhìn cha đầy cảm thương.

Bà Dền nhẹ nhàng đi vô từ lúc nào, thằng Du không hay biết. Tới tận khi bà Dền đứng trước mặt nó, sát cạnh ba nó, đắp khẽ khàng lên tấm ngực già đều đặn nhịp ngủ mệt mỏi tấm áo cũ sờn rách của bà, thằng Du mới hay má nó đang ở với nó, với ba. Nó muốn dậy. Nó muốn ôm má nó. Nó muốn rúc vô lòng má nó tìm hơi ấm đã vỗ về cho cả cuộc đời nó... Nó vẫn chưa thể cử động được đàng hoàng.

Bà Dền ngước mắt nhìn qua, cười hiền với nó, biểu, con ngủ tiếp đi! Thằng Du không muốn làm theo mà cũng không dám cãi lời. Nó nằm ngay lại, đợi má nó tới gần như nó biết má nó chắc chắn sẽ làm. Bà Dền tới gần nó thiệt. Nhưng, bà Dền không ngồi xuống cạnh nó như nó mong, không đưa tay vuốt má nó như nó chờ đợi. Bà Dền chỉ lặng lẽ đứng đó nhìn nó với cặp mắt buồn xa xôi, nói cái giọng vọng về từ một miền thằng Du không thể biết, rằng, nó phải mạnh mẽ lên, phải nhanh khỏe để còn lo cho ba nó thay bà. Bà nói nó, cho dù bà không ở gần nó nữa, thì mãi mãi bà vẫn dõi theo nó. Rồi, bà đi...

Ông Dền kiệt sức!

Không phải ông Dền kém! Cũng không phải ông Dền đang buông xuôi! Chỉ là, ông Dền quen với chuyện có bất kỳ chuyện gì, thì bà Dền vợ ông cũng ở bên cạnh. Giờ, chỉ còn trơ lại tấm thân già còm cõi của ông với những xúc cảm đau đớn tột cùng, với những lời nói xạo không muốn cũng phải nói với thằng Du, thành ra, ông Dền kiệt sức.

Ở phía cuối hành lang nơi có phòng thằng Du nằm là một vuông đất trống, người ta dùng để làm bãi rác. Ông Dền từng khó chịu khi người nhà bệnh nhân cứ thoải mái vứt rác ra đây làm hôi hám hết cả dãy phòng. Nhưng ai rồi cũng làm vậy nên thành quen. Nhân viên vệ sinh của bệnh viện cũng quen với chuyện mỗi ngày dành ra vài chục phút tới đây thu dọn rác. Ở đó, mỗi khi ông Dền đi tắc từ căn tin bệnh viện tới phòng thằng Du, ông phát hiện ra có một gốc cây sim đương nụ. Cây sim không quá lớn, cũng không quá nhỏ, vừa đủ để bóng tròn của nó tỏa ra làm mát lòng ông.

Sở dĩ ông Dền phát hiện ra ngay gốc sim ấy sau lần đầu tiên ông đi ngang, bởi, sim là loại cây mà bà Dền vẫn thích. Bà nói, thích, chỉ vì bản Màu tím hoa sim mà bà nghe đến nằm lòng không sai một chữ, vậy thôi. Và, chắc bà nói nhiều lần đến độ, nó ăn sâu vô trong đầu ông Dền, để khi thấy gốc sim cỗi nọ, ông nhận ra nó liền.

Lần đầu, khi thằng Du tỉnh, hỏi ông Dền má nó đâu, ông nói xạo thằng con rồi đi vội đi vàng ra góc sim này mà khóc. Lúc đó, trong ông không kịp để nghĩ tới chuyện thằng Du sẽ đối diện sao với cái tin má nó không còn ở đây với nó, với ông nữa. Những gì ông kịp nghĩ là, bà Dền đã vội vã rời khỏi ông mà đi. Và, ông chỉ biết, ông cần một góc riêng để khóc. Ông chấp nhận cái mùi hôi hám rác rến xộc lên, chỉ để đứng được cạnh gốc sim chỉ cao ngang gối ông mà khóc, vì ông tin, bà Dền cũng tìm ra gốc sim này như ông.

Lần thứ hai, thứ ba, thứ tư... nói xạo thằng Du chuyện má nó có vô bệnh viện, ông Dền cũng ra chỗ gốc sim này mà khóc. Giờ, ông khóc vì nhớ bà Dền và vì cả thương thằng Du. Ông còn không chấp nhận nổi chuyện bà Dền không còn ở đây nữa thì thằng Du biết sẽ chấp nhận kiểu nào?

Giờ, gốc sim già cạnh đống rác thành góc riêng để ông Dền khóc!

Sáng thức dậy, thấy thằng Du cứ mở mắt nhìn mình, ông Dền nghe ngứa ngáy khó chịu quá. Sợ, sợ nó sẽ tỉnh táo hỏi má nó đâu thêm một lần nữa, để phải nói xạo nó thêm một lần nữa, rồi chạy ra gốc sim già tìm góc riêng để khóc lần nữa... Nhưng, thằng Du không hỏi. Nó chỉ đăm đăm nhìn ông rồi vội vàng quay đi ngay khi ông phát hiện ra hàng nước mắt của nó lăn nhẹ nhàng khỏi khóe.

Ông Dền nghe chấp chới. Ông Dền nghe chênh vênh. Ông không kịp giải thích gì với thằng Du chuyện ông ra ngoài, chỉ tần ngần nhìn nó quay mặt vô tường thêm lát nữa, rồi đi như chạy ra góc riêng của mình, góc tu tu trước gốc sim vẫn chi cao tới gối ông. Du ơi, có phải, con đã biết không?

Bàn tay run rẩy đặt khẽ khàng lên vai ông đang run lên từng chặp. Thay vì giật mình bởi sự đột ngột ấy, ông Dền đứng chết trân. Ông biết, phải, ông biết chính xác, cái ấm áp ấy, cái mạnh mẽ ấy chính là của thằng con trai ông. Ông Dền tự hỏi, mình phải làm gì? Cứ vậy thôi sao? Hay sẽ quay lại đối diện với nó?

- Má đi rồi! – Thằng Du nói, rất nhẹ và hoàn toàn không cần kiềm chế – Nên, ba cứ để con là góc khóc của ba, được không ba?

 

Tác giả: Trương Thanh Thùy

 Từ khóa: trương thanh thùy, đẹp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây