Như vạt rêu ngoài suối

Thứ ba - 07/11/2017 21:17 7.708 0
Lão Lía hồ hởi bước từng bước lên những bậc thang bóng nhẵn. Lão bỗng giật thót, đứng sững lại ở bậc cầu thang thứ bảy. Đôi gà trống đem đến cúng ma nhà gái trong lần ra mắt tuột khỏi tay, rơi bịch xuống chân. Lão thấy người bủn rủn như người đói bị say quả vả. Khuôn mặt đen sạm, răn reo chuyển sang màu trắng bệch nhìn không khác gì cái tờ giấy bị ngâm nước rồi đem phơi.
Người đứng đón lão trước cửa quản chính là ông ta. Đã mấy chục năm rồi, nhưng lão không thể nào nhầm được. Cái vết sẹo kéo dài từ gò má xuống tận dưới cằm đen sạm, nhăn nhúm như con rết phơi khô kia, bàn tay trái cụt mất ngón cái kia, đôi mắt sáng quắc như mắt con chim tăng ló mùa tìm bạn kia, làm sao mà nhầm được.

Lão ngã khuỵu xuống bậc cầu. Nhưng rồi lão sực tỉnh. Lão nhớ hôm nay là ngày đi hỏi vợ cho con trai. Vội cúi nhặt hai con gà, đứng thẳng lên, cố nhệch ra một nụ cười nhạt thoét như âm thanh của cái khèn bè bị giập.

 Ông Nọi như không biết đến cử chỉ lúng túng của khách, tươi cười giơ tay ra bắt lấy tay lão. Cái bắt tay lỏng huột và miễn cưỡng nhưng cũng khiến lão yên tâm hơn, vội lụp cụp bước vào nhà trong.

Cũng mấy chục năm rồi, chắc ông ta không nhận ra đâu, lão tự trấn an mình như vậy. Phải thật bình tĩnh để ông ta không nghi ngờ gì, không thể để cái chuyện ngày xưa chạy về trong trí nhớ ông ta. Ông ta mà nhận ra lão thì cái đám cưới của thằng Bỉnh con trai lão sẽ hỏng mất thôi.
*
*    *
Phìa Lò Lía mân mê ngắm mãi cái súng mới. Cái súng hắn vừa được Á Nha thưởng cho vì năm nay ngoài cống nộp cho quan được nhiều bạc, nhiều lúa hắn còn thu được nhiều thịt và da thú quý trong mường hắn cai trị đem lên biếu quan.
Mường của Lò Lía cai trị bạt ngàn là rừng với nhiều những con thú to và hiếm. Trong mường lại nhiều tay thợ săn giỏi. Ngày nào  ở các bản những nhóm thợ săn hoặc những tay săn lẻ chẳng hạ được vài con hươu, con hoẵng, con gấu thậm chí con hổ to hơn con trâu cày. Săn được thú quý thì cứ theo lệ Mường mà làm. Con thú săn được dù to dù nhỏ cũng phải đem đến nhà Lam Poọng trong bản để ông ta chia phần. Cái đùi sau, mà phải là cái đùi khi con thú ngã xuống chạm vào đất thì biếu Á Nha, cái đùi sau không chạm đất thì biếu Phìa Mường, đùi trước thì biếu Tạo bản, hai đường thăn to thì biếu ông Lam Poọng có công chia. Nếu là hổ thì phải biếu quan Á Nha thêm bộ da, là con gấu thì biếu thêm cái mật và bốn chân, con hươu thì biếu bộ nhung... Ai không theo lệ thì bị đánh mười gậy, phạt một chậu bạc đầy.
Cái súng Á Nha cho Lò Lía vừa to vừa nặng. Những viên đạn như ngón tay, vàng óng. Á Nha bảo súng này quan Hai đem từ bêp Pháp sang. Dù con hổ có to, con gấu có lớn đến mấy cũng chỉ bắn một viên là hạ gục. Lò Lía từ nhỏ chưa bao giờ được cầm cái súng to như thế này, vì thế hôm nay ngày đẹp, hắn quyết vào rừng săn thử xem cái súng này có tốt, có giỏi như lời quan nói không.

Chọn cánh rừng rậm và có nhiều thú nhất, Lò Lía khoác súng thẳng tiến.

“Đoàng...”

Cứ mỗi tiếng súng vang lên là một con thú ngã gục. Nhìn những con thú trúng đạn chỉ giãy được một lúc rồi nằm bất động, Lò Lía thích lắm. Không ngờ súng của quan Tây lại có sức mạnh như vậy. Hắn tiếp tục vác súng đi sâu vào rừng. Những con thú bị bắn chết, hắn bỏ mặc, không thèm lấy. Nhà hắn ngày nào mà chẳng được Tạo các bản đem biếu thịt thú rừng chia từ đám thợ săn. Thịt ăn không hết phải treo đầy gác bếp. Thế thì hắn tội gì phải vác những con thú về cho mệt sức. Hắn lấy việc đi săn và nhìn ngắm những con thú giãy chết để làm vui thôi.

Có tiếng rào rào như cây đổ phía trong rừng sâu. Từ khoảng xanh thẳm, những chú chim kêu thất thanh bay vút lên, táo tác.

Một mùi thum thủm, chua chua như mùi cái măng tre bị thối gốc xộc đến. Cái mùi chua gắt khiến Lò Lía thấy lành lạnh, buôn buốt ở hai bên quai hàm. Có con hổ đang đến rồi. Chỉ con hổ mới có cái mùi thế này. Lò Lía bỗng thấy lạnh toát sống lưng, chân tay rủn ra, cái súng rơi bịch xuống dưới chân. Nhưng rồi hắn lại trấn tĩnh được. Hầy, Á Nha bảo cái súng này mạnh lắm, con hổ to đến mấy cũng chỉ cần bắn một viên là hạ gục ngay, thế thì việc gì hắn phải sợ. Vội cúi nhặt cái súng, nạp thêm đạn, hướng nòng về phía có tiếng cây gẫy rào rào ngày một gần, chờ đợi.
Mùi chua chua thum thủm càng ngày càng đậm đặc.

“Ù...oàm...”

Tiếng gầm lạnh gáy vang lên. Một vệt loang lổ vừa vàng vừa đen chồm lên từ một lùm cây, lao vút về phía Lò Lía.

“Đoàng...đoàng...”

Lò Lía hướng nòng súng về phía con hổ, nhắm mắt bóp cò. Con hổ đang đà lao bỗng bị hất ngược về phía sau, đổ rầm xuống lùm cây. Nhưng nó lại chồm ngay dậy. Hai viên đạn chỉ trúng vào đùi sau. Bị thương, con hổ càng điên tiết và hung hãn. Quất mạnh cái đuôi to như con trăn xuống đất lấy đà, bằng tất cả sức mạnh của mình, nó chồm lên lao về phía đối thủ.

Lò Lía không còn nhớ mình đang cầm trên tay cái súng tốt, hắn hét lên rồi quay đầu chạy, bỏ cây súng nằm lăn lóc dưới đất. Cái chết đang theo sát đằng sau khiến hắn chạy nhanh phi thường. Rừng nhiều cây to, từ nhỏ hắn lại được đi săn cùng bố nên có kinh nghiệm thoát thân khi bị thú dữ đuổi. Hắn cứ chạy vòng vèo quanh những gốc cây, chứ không chạy theo đường thẳng. Con hổ bị thương, thân xác nó lại kềnh càng nên không thể luồn lách nhanh qua từng gốc cây để tóm con mồi. Nó điên tiết đuổi theo như điên như dại, thi thoảng mất đà lại đâm rầm vào gốc cây. Mỗi lần như thế, bị đau nó càng lồng lộn điên cuồng.
*
*    *
Lấy cái nỏ và ống tên treo trên vách, Nọi mau mải đi vào cánh rừng Mơ Tươi, nơi có nhiều thú nhất. Mấy hôm nay mẹ ốm mà nhà chẳng còn gì cho mẹ ăn cả. Nọi phải cố săn được con thú về lấy thịt nấu cháo cho mẹ bồi dưỡng.

Đi sâu vào rừng, Nọi ngạc nhiên vô cùng. Cứ một lúc lại gặp một con thú nằm chết, máu chảy ra từ vết thương còn chưa kịp đông. Nhìn vào vết thương, rõ ràng là con thú bị trúng đạn. Nhưng ai bắn chết thú mà lại không lấy đi? Nọi nhìn những con thú vẻ tiếc rẻ mà không dám nhặt về. Không phải mình bắn được mà lấy về, Sừl Giềng(1) bắt tội, có khi mẹ lại ốm nặng thêm.

- Chòi…chòi cu…(Cứu tôi)

Có tiếng kêu cứu bằng tiếng Thái đầy tuyệt vọng vẳng ra từ cánh rừng trước mặt. Nọi là người Xinh Mun nhưng Nọi cũng biết nhiều tiếng Thái. Nọi hiểu được sự hoảng sợ đến tột cùng từ tiếng kêu đứt quãng gần như hụt hơi kia. Vội lao nhanh về phía ấy. Trước mặt Nọi là một cảnh tượng kinh hoàng. Con hổ máu ướt đẫm đùi sau đang lồng lộn đuổi theo một người áo quần rách tướp. Con hổ thì càng ngày càng hung hãn mà kẻ bị đuổi đã gần như kiệt sức, cứ chạy được vài bước lại ngã dúi dụi.

Nọi vội lên dây nỏ, lắp tên và hướng về phía con hổ. Nọi bỗng giật mình. Nọi đã nhận ra kẻ đang bị hổ đuổi kia. Là tên Phìa Lò Lía ác nhất, tham nhất Mường Vạt này. Bố Nọi đã chết vì làm kiệt sức và gục chết khi đi làm nương cho nhà hắn. Bây giờ thì mỗi năm Nọi và các thanh niên bản lại thay nhau đi làm cho nhà Phìa. Làm xong nương, xong ruộng cho Phìa thì lại về làm cho Tạo bản. Nương nhà  Phìa  ngựa chạy một ngày chưa thấy cái cột đỏ, ruộng nhà Tạo bắn mười mũi tên còn chưa thấy bờ xanh. Làm xong cho Tạo cho Phìa thì hạt ban đã mọc thành cây, không kịp ngày gieo hạt. Thế mà cứ đến mùa bọn chúng vẫn  bắt nộp thóc, nộp ngô. Không có nộp thì chúng lôi ra đánh và bắt kí giấy nợ. Phìa  Lò Lía nó ác với dân bản thế thì cứ để con hổ nó xé xác hắn ra mà ăn thịt, cứu hắn làm gì? Nọi hạ cái nỏ xuống, định quay đi.

Nhưng rồi Nọi không thể quay đi. Con hổ đã đuổi sát sau lưng Lò Lía. Chỉ còn một cú vồ là tên Phìa độc ác sẽ nằm gọn trong những cái vuốt sắc. Nhưng  Phìa Lía chết thì lại có Phìa khác về thay. Phìa khác thay cũng sẽ độc ác, cũng cướp bóc dân bản như Phìa Lía thôi, có khi còn ác hơn gấp hai, gấp ba lần.

 
PHẠM HÀ HẢI
Minh họa: Phạm Hà Hải

Cái nỏ lại nâng lên.

“Pậc…”

Mũi lên bay vút đi, cắm ngọt, lút sâu vào đúng cái đốm đen ngay giữa trán con hổ. Tiếng gầm rung cả cánh rừng, vọng mãi vào trong đá núi.
*
*    *
Nhà Lò Lía hôm nay làm cúng to để gọi cái vía về cho Phìa. Cái vía tốt của Phìa đã bị con hổ làm cho sợ quá, đi ra khỏi xác rồi. Bây giờ vía đang lạc ở trong rừng, nên từ hôm thoát chết, Lò  Lía cứ lơ ngơ như người say thuốc phiện.
Nọi có công cứu Phìa nên cũng được gọi đến. Nọi không muốn đến nhưng vẫn phải đến. Nhà Phìa cho gọi mà không đến thì không chỉ Nọi gặp họa mà cả bản sẽ cũng vạ lây. Đi đến nhà Phìa ăn cỗ mà lòng Nọi cứ buồn như tiếng cú kêu trong đêm mưa phùn.

Mới sáng sớm, Tạo các bản đã góp nhau đem đến một con trâu đen, một con bò vàng, một con chó đốm bốn chân, một con dê trắng và bảy bát bạc đầy để Mo làm cúng.

Ông Mo giỏi được mời từ tận Châu Phù Yên về. Ông Mo bói trứng rồi chỉ lên ngọn núi Klay Nẹ cao vút, nơi có đám mây đen như cục thuốc phiện khổng lồ, bảo:

- Cái đám mây kia là vía của Phìa đấy. Phải gọi nó về ngay, không con ma núi nó lấy mất thì Phìa chỉ sống được có bảy ngày nữa.

Thầy Mo đọc bảy bài cúng gọi vía đàn ông. Có bài dài lê thê như cơn mưa dầm mùa ngô lên bắp, có bài ngắn củn như cái cột chính của nhà nghèo. Cứ hết một bài, thầy Mo lại cầm chiếc dùi bằng bạc  gõ lên núm cái chuông một tiếng “toong” rất nhẹ. Lời cúng quyện vào tiếng chuông nghe âm u, lành lạnh.

Gần trưa thì bài cúng gọi vía cũng xong. Cái bát đựng tiết của những con vật đem thịt cúng đã chuẩn bị sẵn. Thầy mo lầm rầm đọc mấy câu rồi đưa bát tiết cho Phìa Lía. Phìa ngửa cổ uống ực một cái cạn hết bát tiết đầy. Thầy Mo lấy bảy đồng bạc từ bảy bát bạc, xếp tròn vào cái mo nang rồi đặt lên đầu Phìa để giữ cho cái vía Phìa không bỏ đi nữa. Đám mây đen trên đỉnh núi cũng tan từ bao giờ. Phìa Lía lại hồng hào như trước.

Bây giờ Lò Lía  mới nhớ tới Nọi. Phìa gọi Nọi đến. Mày có công bắn hổ cứu ta, từ mai ta sẽ cho mày làm Tạo bản Nà Kết, thay lão Tạo Lò Luống già yếu, chậm chạp. Nếu biết làm tốt, biết đến nhà ta nhiều thì ta cho làm mãi. Được làm Tạo rồi mày sẽ nhanh có cái nhà to, có bạc nhiều.

Nọi ngơ ngác, cứ tưởng Phìa Lía nói đùa. Nhưng khi thấy Phìa gọi Tạo các bản đến thông báo thì Nọi biết Phìa không đùa. Nọi không muốn làm Tạo. Làm Tạo vừa ác vừa tham, ai cũng ghét. Nọi không muốn bị mọi người ghét, không muốn bị mọi người nhìn thấy Nọi là như thấy con rắn độc. Nhưng Nọi  nghĩ lại. Không phải cứ làm Tạo, làm Phìa là phải làm ác, phải tham. Ác, tham hay không là do mình chứ. Làm Tạo mà tốt, biết thương, biết lo cho dân bản thì  sẽ được dân bản quý thôi.
*
*    *
Bây giờ thì Nọi chính thức trở thành Tạo bạn Nà Kết. Nọi là Tạo trẻ nhất trong các Tạo thuộc  Mường Phìa Lía cai quản. Cả bản ai cũng ngạc nhiên, bất ngờ. Ố, cái thằng Nọi hiền lành và tốt bụng nhất bản được làm Tạo bản mình à? Lên làm Tạo rồi, không biết nó có ác, có tham như Tạo Lò Luống không.

Nọi cho họp bản ngay tối hôm ấy. Lần đầu đứng trước cả bản để nói, Nọi cứ thấy run thế nào ấy. Nhưng rồi Nọi cũng lấy được bình tĩnh. Cùng là người bản mình thôi mà, có ai lạ đâu mà phải run, phải ngại. Hít một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh, Nọi bảo:

- Người Xinh Mun ta từ xưa đến nay chỉ biết làm Cuông, làm Nhốc, chỉ biết lấy cái sức của mình để làm giàu, làm sướng cho Phìa, Tạo người Thái. Cái phong tục đẹp của dân tộc mình thì bị bắt bỏ đi để theo phong tục người Thái. Cúng hồn cho người chết cũng không được đọc bài Mo của dân tộc mình. Thế thì người chết làm sao mà đi theo lời cúng để  đi đi đến được cái mỏ tiền mọc ba phía, mỏ voi mọc ba ngà, mỏ rồng có chín trăm đuôi mà về mường trời với ông bà tổ tiên. Đám cưới không theo tục lệ của ta thì ma nhà sao nhận được mặt con dâu, con rể.

Nay tôi được cho làm Tạo bản mình rồi, từ giờ tôi cho cả bản quay lại với phong tục của dân tộc mình. Những bài cúng, những tục lệ trước đây ta làm theo Phìa, Tạo giờ phải bỏ hết đi. Người già còn nhớ những bài cúng, những tục lệ của dân tộc mình thì truyền lại cho mọi người trong bản để biết làm theo. Cái ông bà để lại cho ta thì ta phải giữ lấy.

Từ nay đến mùa trồng ngô trên nương, mùa cấy lúa dưới ruộng, mọi người cứ ở nhà mà làm nương, làm ruộng nhà mình, không ai phải đi làm cho Phìa, cho Tạo nữa. Săn được con thú thì để anh em họ hàng cùng ăn, cũng không phải đem chia cái ngon cho ai cả.

Cụ Lếnh già nhất bản Nà Kết, năm nay cụ đã hơn trăm tuổi, tóc trắng như vệt sương trên đỉnh núi Cơi Pòn buổi sớm. Cụ sống ở đây từ khi bản mới lập, chỉ có ba bốn nóc nhà. Tuy tai cụ đã nghễnh ngãng, nhưng cụ vẫn nghe được từng lời Nọi nói. Nhìn mọi người reo vui, cụ chỉ im lặng, lắc đầu.
*
*    *
Lò Luống bụng tức như cầm cái que mục đập vào hòn đá to. Đang làm Tạo, được ăn sung mặc sướng, có kẻ hầu người hạ. Người trong bản thấy Tạo thì sợ như con gà rừng thấy con cáo, không dám ngẩng lên nhìn. Thế mà chỉ vì cái thằng Nọi đáng ghét mà lão bị mất chức, bị mọi người khinh ghét, cứ gặp hắn ở đâu là chửi, là mắng. Lò Luống thấy vừa nhục vừa tức, chẳng dám ra khỏi nhà.

Không thể sống khổ như con lươn ở trong ruộng bùn thế này mãi được, phải tìm cách đòi lại chức Tạo từ tay thằng Nọi thôi. Lò Luống nghĩ mãi. Hắn bỗng nhớ tới hai quả lựu đạn nhìn như hai quả dứa rừng khô hắn cướp được của bộ đội Việt Minh, giờ vẫn giấu kĩ trên hang đá sau nhà.
*
*    *
Phìa Lía chồm phắt dậy, cái tẩu thuốc phiện đang nhồi dở còn chưa kịp hút rơi lăn lóc trên sàn gỗ. Thấy máu trong người như bị đun sôi lên. Đôi mắt Phìa trợn tròn, lồi ra trắng ởn như hai quả trứng chim lủi luộc chín bóc vỏ. Hắn chồm tới sát Lò Luống, gầm lên:

- Nói cái gì hả lão Luống già? Thằng Nọi nó dám cho bản nó bỏ đi hết cái lệ của Mường ta à? Từ nay không cống nộp, không đi làm ruộng, làm nương cho Phìa nữa à? Nó lại còn theo Việt Minh, giấu cả lựu đạn trong nhà để âm mưu giết ta nữa à? Gan nó to bằng cái lá giáy mọc ở đất tốt rồi.

Nhờ Lò Luống chỉ điểm mà chỉ lúc sau bọn người nhà Phìa đã tìm thấy hai quả lựu đạn giấu dưới hòn đá kê cột nhà. Nọi bị trói vào gốc cây bưởi đầy gai ngay ngoài cổng. Đống củi Nọi lấy về để sưởi cho mẹ lúc rét giờ bị mấy thằng người hầu nhà Phìa to khỏe như con gấu tơ lấy ra vụt tới tập vào đầu, vào chân, vào tay Nọi.

Bà Phống đang ốm nặng trong nhà cũng cố bò dậy, lập cập lần cầu thang bước xuống quỳ lạy van xin Phìa tha cho con trai. Lò Lía không thèm nói một lời, giơ chân đạp bà ngã dúi vào bờ rào khiến bà không dậy nổi. Những người trong bản đứng ngoài nhìn thương lắm mà không ai dám vào đỡ bà dậy, chỉ biết chảy nước mắt mà quay đi.

Bây giờ thì Nọi đổ gục xuống, không còn sức để mà kêu nữa. Áo quần rách tướp như tàu lá chuối bị gió quật, máu chảy đầm đìa.

Phìa Lía túm cánh tay phải của Nọi, tì vào gốc cây, lấy con dao đeo bên hông, chặt phăng ngón tay cái của Nọi, gầm gừ:

- Đấy là tao mới trị mày cái tội dám xui người bản mày bỏ đi cái lệ Mường. Còn tội mày theo Việt Minh, giấu lựu đạn âm mưu giết tao thì phải phạt vạ một thúng bạc đầy. Nếu không có đủ thúng bạc thì tao đem mày lên quan Á Nha. Lên quan thì mày được thành ma không có đầu ở cổ, về mường trời, không ai nhận ra mày nữa đâu.

Cái thúng to như cái cối giã gạo ngoài cọn nước được đặt ra trước sân. Bà Phống cố lấy chút sức còn lại, vừa bò, vừa lết lên nhà. Số bạc bà dành dụm bao nhiêu năm chưa đầy một bát. Bát bạc đổ vào cái thúng còn chưa kín được hết đáy.

Dồ dà, không có đủ bạc nộp phạt thì thằng Nọi bị đưa lên Á Nha. Lên Á Nha thì chỉ có chết, chết còn không được đem chôn, còn bị vứt ra rừng cho con hổ ăn thịt, thế thì khổ cho nó quá. Người Xinh Mun ta từ xưa tới nay có gạo thì cùng nhau nấu cơm, hổ đến nhà ai thì cùng nhau đánh đuổi. Phải cứu thằng Nọi thôi. Cụ Lếch run run quay sang bảo mọi người.

Cả bản giờ mới nhớ ra. Tất tả chạy về. Có bao nhiêu bạc trong nhà, có bao nhiêu bạc chôn dưới đất vội lấy hết đem đến đổ vào cái thúng. Cái thúng cứ đầy dần lên, loảng xoảng. Cái thúng đầy đến miệng thì Nọi được thả ra. Phìa Lía sai người đổ bạc vào cái bao, đặt lên yên ngựa. Phìa gọi Lò Luống lại. Ông có công bắt được tội thằng Nọi, ta lại cho ông làm Tạo bản Nà Kết. Thằng Nọi từ nay ta giao cho ông quản lí nó, nếu nó vẫn làm chuyện bậy thì ông cũng bị vạ lây đấy nghe chưa.

Đợi Phìa Lía về rồi cả bản mới dám vào đỡ Nọi lên nhà. Nọi nằm liệt trên giường không nhúc nhích nổi chân tay, thấy xương trong người như bị nghiền vụn nát. Cụ Lếch phân công mỗi nhà một ngày thay nhau đem gạo, đi săn lấy thịt về nấu cháo cho mẹ con Nọi. Cụ Lếch thì tự mình vào lấy cây thuốc tốt trong rừng về vừa đắp vào vết thương vừa cho Nọi uống. Nửa tháng sau thì Nọi lại vác nỏ vào rừng săn bắn được như bình thường.

Tạo Luống giờ thù Nọi còn hơn cái đồi cỏ gianh thù ngọn lửa. Làm sao không thù được khi mà chỉ vì Nọi mà lão mất cái chức Tạo hơn một tháng trời. Hơn một tháng lão khổ hơn cả cái áo rách bị vứt dưới gầm sàn. Vì thế, để làm vơi cái tức trong người, cứ một tuần lão lại kiếm cớ đến nhà Nọi để phá phách, Nọi có cãi thì hắn vu cho tội chống lại quan Tạo, hắn cho người lôi Nọi ra trói vào gốc cây bưởi nhiều gai mà đánh. Nọi có đào được củ mài, săn được con thú, chưa kịp đem về nhà đã bị Tạo chặn cướp giữa đường.

Xót nhất là cái nương ngô. Cả năm đi sớm về tối để phát cây, cuốc đất trồng ngô, thế mà khi bắp ngô còn chưa kịp thâm hết râu, Tạo Luống đã sai người đến chặt hết đem về cho ngựa, cho trâu ăn.

Mẹ Nọi ốm ngày càng nặng, chẳng có cơm ăn, thỉnh thoảng lại chứng kiến cảnh con trai bị người nhà Tạo lôi ra đánh bầm dập cả người, bà lo nghĩ nhiều còn hơn gió núi ngày mưa, một thời gian sau thì bà qua đời.

Ba ngày không ăn uống gì, chỉ ngồi khóc bên cái nhà mồ lợp gianh của mẹ, Nọi nghĩ nhiều lắm. Nếu vẫn ở đây thì không chết vì đói cũng chết vì Phìa, Tạo thôi. Nọi nghe nói ở bản Trặng Nặm, Nà Đít bên kia núi nhiều thanh niên không chịu nổi cái khổ đã chặn đánh cho Tạo bản một trận rồi bỏ đi theo bộ đội.

Đêm đó, đợi con hoẵng trên núi Klay Nẹ kêu “to...ác...to..ác” ba tiếng, Nọi lặng lẽ trốn khỏi bản.
*
*    *
Ông Nọi cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Ngoài trời đang lích rích mưa. Cơn mưa cuối hạ không to cũng không nhỏ, không ào ạt cũng không lây phây như người rắc nắm cám xuống ao cho cá. Mưa cứ đều đều rung rúc như tiếng gió thở ngoài nương ngô khô những chiều cuối đông. Thỉnh thoảng, một giọt lách qua cái khe ngói vỡ lọt vào rơi toong...toong lên cái chiêng đồng treo ở cái cột to giữa nhà. Tiếng chiêng trong đêm nghe buồn và âm u như tiếng chiêng trong bài cúng gọi vía cho Phìa Lía năm nào. Nhớ tới tiếng chiêng năm ấy, lại thấy ngón tay cụt nhoi nhói buốt ở trong xương.

Đã mấy chục năm trôi qua rồi, nhưng làm sao ông quên được con người ấy. Nhìn lão ta hôm nay già yếu hom hem, cúm rúm nhìn vừa hèn vừa tội, chẳng còn một nét gì của tên Phìa Lía độc ác ngày xưa. Nhưng dù có thay đổi, ông vẫn nhận ra ngay từ lúc lão ta từ ngoài cổng vào với cái kiểu đi khuỳnh khuỳnh, khạng dạng hai chân, cứ như bị con ong đất đốt vào chỗ kín. Mối thù giữa ông và Phìa Lò Lía nó như những rễ cây si bám sâu vào trong từng múi đá, sao mà gỡ đi cho được. Lúc nhìn thấy lão ta, ông Nọi chỉ muốn lao xuống túm cổ mà đuổi thẳng cổ ra khỏi nhà. Nhưng rồi ông lại thương cái Thèn, sợ làm thế nó sẽ khó xử.

Phải cố gắng để nuốt cái tức vào trong bụng, thấy khó như nuốt con sâu róm vậy. Còn khó hơn khi phải tươi cười, bắt tay lão ta. Bữa cơm rổn rảng tươi vui nhưng không giấu được sự gượng gạo và nhạt thệch như vệt khói ngoài mưa. Chén rượu nấu từ mầm thóc hôm nay sao cứ đắng ngắt. Men rượu không làm đỏ mặt như mọi lần, càng uống càng chỉ thấy mặt thêm tái đi.

Sau ngày giải phóng, dù không còn người thân, ông vẫn về thăm bản cũ. Không gặp lại Lò Lía, nhưng nghe nhiều người kể, giờ lão ta còn khổ hơn con lợn chỉ có ba chân, đi đến đâu cũng bị ghẻ lạnh, xua đuổi. Cái ác của lão gây ra cho mọi người ngày trước còn lớn hơn ngọn núi Dù Hùa. Giờ lão đã cố gắng làm nhiều việc tốt để chuộc lỗi,  nhưng sự ghẻ lạnh, xa lánh của mọi người cũng chỉ nhạt đi dần như bát nước chàm đổ vào cái ao rộng, làm sao mà quên hết được.

Ông Nọi cũng chưa bao giờ quên đi cái thù. Thế mà không ngờ sau bao nhiêu năm, ông lại gặp kẻ thù của mình trong một tình huống oái oăm như thế này. Ông phải làm thế nào bây giờ? Không cho thằng Bỉnh và cái Thèn lấy nhau thì khổ cả hai đứa nó. Nhìn chúng cứ quấn quýt như đôi cá hà gày mùa đẻ trứng, ông không nỡ cản. Vợ chồng ông đã phải khổ hết một đời vì bị cấm không được lấy nhau, nên ông hiểu lắm. Ông chưa một ngày được đi ở rể, chưa nằm quản một lần, bà Thín vợ ông đến lúc chết vì bệnh cũng chưa được một lần được làm cái lễ Cà sôl để công nhận là gái đã có chồng. Cũng chỉ vì ông quá nghèo lại không còn mẹ, còn cha. Ông không muốn thằng Bỉnh cái Thèn cũng khổ như vợ chồng ông ngày trước.  Nhưng giờ phải tươi cười với kẻ thù, phải uống với nhau chén rượu bên góc thờ ma nhà thì ông sợ không làm được.

Rừng xa, con gà gừng đã te te gáy sáng. Tiếng gà rừng cũng ướt đẫm mưa đêm.

Hòn đá to bên gốc sung mỗi chiều ông vẫn ra ngồi câu, chỉ qua một đêm mưa, nước suối đã làm trôi đi hết những mảng rêu đen xỉn như cái lá chuối hơ trên ngọn lửa. Hòn đá giờ sạch và nhẵn bóng, để lộ ra cả những đường vân đỏ hồng uốn lượn. Nếu không bị những mảng rêu bám vào thì nó sẽ không bẩn và trơn, những buổi ra ngồi câu ông không lo bị trượt ngã khi bước lên, cũng không phải bẻ tàu lá chuối lót lên ngồi. Ông Nọi đứng nhìn mãi hòn đá, rồi lại nhìn dòng nước đang chảy quanh nó, tần ngần.

Tháo đầu chốt cái chốt cắm sâu dưới chân hòn đá, ông kéo dần tay lưới về phía bờ. Tiếng cá giẫy lùng nhùng dưới nước. Cánh tay ông cứ rung rung, dùng dằng thật là thích.

Mẻ lưới hôm nay được nhiều cá to. Cái ếp ông đem theo đựng còn không hết, phải thả bớt đi những con nhỏ. Cá suối mùa này béo và nhiều thịt, làm món gỏi trộn nước măng chua  thì ngọt và giòn phải biết. Ông nghĩ thế và đeo ếp cá đầy nặc mau mải ra về.

Trên đường từ suối về nhà, ông vẫn cứ vẩn vơ nghĩ về hòn đá bên gốc sung.

Lại nghĩ tới cái Thèn, thằng Bỉnh. Chúng nó thương nhau như thế mà không cho nó thành vợ thành chồng thì cả đời lại chỉ nghĩ về nhau. Nghĩ về nhau mà không được ở gần nhau thì khác gì đôi chim mùa gọi đôi lại bị nhốt riêng ở hai cái lồng.

Vẫn còn chưa bỏ được hết cái thù cái tức, nhưng lòng thương con gái ngày càng lớn hơn.

Đã đi một đoạn rất xa, bất chợt ông quay lại nhìn rất lâu hòn đá.

- Hầy, chuyện xưa nó cũ như cái con dao gỉ rồi, để cho nó trôi đi, như vạt rêu ngoài suối...

K.D.k
______
 
1. Sừl Giềng: Ma nhà, tiếng Xinh Mun.

Tác giả: Kiều Duy Khánh

Nguồn tin: VNQĐ

 Từ khóa: kiều duy khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây