Vị cá quê nhà

Thứ năm - 30/08/2012 04:56 5.788 0

Vị cá quê nhà

Nhà tôi nằm ở khúc đuôi miền Trung, thuộc một xã buồn thiu nằm kế biển. Trong vài cuộc cải cách địa giới, Chính phủ lại gom vào miền Nam. Nhưng trong tâm trí của những người quê tôi, họ vẫn là những người miền Trung dãi dầu nắng gió, ăn to nói lớn.

Tuy sát sườn bên biển nhưng xóm tôi không phải là xóm vạn chài mà là xóm Vườn, trồng lúa, thanh long và những thứ rau củ quả nhiệt đới lặt vặt khác. Thiên chức đánh cá và làm muối dành cho xóm Muối, một cộng đồng dân di cư, sát biển hơn. Sự giao lưu dân cư ở quê tôi diễn ra khá đậm đà, thi thoảng người xóm Vườn rỗi chuyện đồng điền vườn tược lại đạp xe xuống biển đi kéo trủ, tựa như những người kéo lưới thuê cho những chuyến đánh bắt gần bờ, để kiếm ít cá tôm mực ghẹ cải thiện bữa ăn. Còn những ngày trăng sáng, biển vắng cá, người xóm Muối chạy ngược lên xóm Vườn mua gạo và bầu bí, rau muống rọc. Thời gian cứ thế trôi qua trong bình yên.

Những ngày hè thiếu niên, tôi thường cọc cạch đạp xe xuống biển để kéo trủ theo phong trào đang dâng lên thành cao trào ở xóm Vườn. Tôi thường ra khỏi nhà từ khuya, sau khi ăn qua loa gói mì tôm có bỏ thêm bánh tráng mỏng, ít cơm nguội còn sót trong nồi và trở về khi trời đứng nắng với một bịch nilông tả pí lù cá tôm, mực ghẹ và cả sò. Tôi rửa sạch cát biển, bỏ hết vào xoong luộc tươi, sau đó vớt ra chấm muối ớt nướng, mùi biển khơi vẫn đọng đầy trên gai lưỡi. Những phút giây hưởng thụ thành quả lao động luôn làm tôi hạnh phúc. Đôi khi trúng lưới có cá mòi, tôi đem về cho má nấu canh chua măng.

Cá nục thì má đi chợ mua rau về hấp cuốn bánh tráng chấm nước mắm me. Những ngày hè của tôi trôi qua trong nồng nàn vị cá biển. Thịt heo đối với tôi và cả những người quê tôi là một loại thực phẩm giàu protein xa lạ và xa xỉ. Những miếng cá xuất hiện dày đặc trong những bữa cơm sáng trưa chiều trở nên quá đỗi bình thường, đôi khi là minh chứng cho một cuộc sống bình lặng và nghèo nàn ở những ngôi nhà kề biển.

***

Tôi xa biển trong những chuyến học hành dài dằng dặc. Những bữa cơm bụi qua loa nhưng tha hồ chọn món. Tôi thường chọn sườn nướng hay thịt kho tàu gì đấy. Tôi hơi bất ngờ rằng khách khứa chọn món cá biển thì phải trả thêm tiền so với những đĩa cơm chọn những món thịt. Tôi thầm nghĩ họ là những người ăn cơm bụi... dại khờ. Tôi ăn thịt như để bù đắp quãng đời thiếu niên ứ hự cá. Vị cá bắt đầu xa lạ trong những chiếc gai vị giác của tôi.

Những bữa cơm trong trường đại học, tôi không được quyền chọn món vì nhà ăn đã dọn sẵn thức ăn tinh tươm, chúng tôi chỉ việc bốn đứa sáp lại với nhau chung một mâm mà ăn. Những bữa thịt cá xen kẽ nhưng bữa thịt vẫn nhiều hơn bữa cá. Tôi bắt đầu ngán thịt và đâm ra thèm cá. Cá Sài Gòn hơi nhạt sau những chuyến vận chuyển, ủ ấp dài về không gian lẫn thời gian. Ấy vậy, tôi vẫn không tìm ra khoảng cách giữa vị cá quê nhà và vị cá xa nhà. Những lần về quê ít ỏi, khoảng cách ấy tôi cảm nhận bắt đầu rõ rệt dần.

Tôi trở lại thành phố, ăn những miếng cá nhạt và đầy màu sắc ướp đá đến buồn bã. Tôi thèm một miếng cá chính gốc quê nhà như thèm được cô bạn cùng lớp khen... đẹp trai, như thèm một lần được tỏa sáng về điểm số. Nỗi thèm trở thành nỗi nhớ. Nỗi nhớ trở thành nỗi buồn của một kẻ xa quê đang trong độ tuổi ý thức về cố hương.

Má lên thành phố, mang theo một thùng ăm ắp cá mòi, cá nục. Má lên lỡ cỡ tuần nhưng cuối tuần tôi mới được ra ngoài theo lệ của một ngôi trường quân sự. Má để cá trong ngăn đá của tủ lạnh nhà chị. Tôi bắt chuyến xe buýt cuối tuần đầu tiên lên gặp má. Má nấu một nồi canh chua măng cá mòi, hấp một nồi cá nục để cuốn bánh tráng như những ngày thiếu niên ở nhà. Má vẽ vào chén tôi đầy những miếng cá.

Tôi lật đật gắp bỏ vào miệng như sợ những con cá trong xoong sẽ búng đuôi về với biển. Cảm giác ngọt lự len đều trong lưỡi. Sự béo ngậy chạy rần rật trên vòm miệng. Bỏ tủ lạnh gần nửa tuần nhưng vẫn nguyên vẹn như lúc còn búng nhảy trong lưới của dân xóm Muối. Tôi nhắm mắt hít vào trong lòng như hít vào miền quê. Vị cá quê nhà lần đầu cảm nhận trọn vẹn. Trong lòng tôi cảm động như muốn bật khóc. Khóc như một kẻ xa quê được trùng phùng cố hương sau cả đoạn đời. Ký ức về một thời niên thiếu bỗng xô ào ạt.

Cuối cùng, không một con cá nào còn sót trong xoong. Má nhìn tôi đầy thương cảm...

Tác giả: Trần Minh Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây