Cánh đồng bất tận - Phần II

Thứ ba - 18/08/2009 23:49 4.962 0

Cánh đồng bất tận - Phần II

4. Lần đầu tiên hai chị em tôi lạc giữa đồng. Cơn mưa buổi xế chiều làm tắt rụi ánh mặt trời, và đêm tối nhanh chóng ập xuống. Mưa giăng bốn bề, những rặng vườn trở nên xa vời, mờ mịt, căn lều và chiếc ghe của mình nằm ở phía nào vậy ta, Điền hoang mang hỏi. Chúng tôi lội xom xom xuống một mé vườn và rã rời tuyệt vọng xua bầy vịt quay ra. Cha tôi đã bỏ về ghe từ giữa trưa, có thể cha đã uống rượu say và ngủ mất tiêu. Có thể cha còn thức nhưng cha không đi tìm. Khóc đã đời, một hồi, thấy trời ngày càng tối, chúng tôi quyết định buông trôi, tha thểu đi theo bầy vịt, biết đâu…

>> Cánh đồng bất tận - Phần I

May sao, chúng nhớ đường về. Khi nhìn thấy ánh đèn chong leo lét đầu ghe, chúng tôi mừng như chết đi sống lại, Điền nắm tay tôi chạy như điên, nước đồng văng sáng trắng. Bầy vịt tao tác một phen (báo hại đêm đó tụi nó nín đẻ). Cha tôi ngồi chờ bên cạnh cây roi.

Sau này, đã tự học cách định hướng bằng bằng mặt trời, bằng sao đêm, bằng gió, bằng ngọn cây… nghĩ tới lần lạc đồng, thấy cười quá chừng. Mắc cười hơn là Điền, vốn rất sành sỏi đường đi nước bước, lại bị lạc lần nữa, giữa ban ngày. Nó loay hoay ở giữa một gò đất chùm gọng leo dày mịt, không biết vô đó bằng đường nào nhưng chẳng thể quay ra, có người đàn bà bưng rổ bánh quy lại, biểu nó ăn. Đói quá, thằng Điền ngốn gần chục cái. Lúc tôi tìm được nó nhờ tiếng rên ư ử, bụng nó đã lặc lè, và miệng đầy sình đất. Quay đi quay lại không có bóng người, chỉ có cái mả lạng nằm sát đất, rời rợi cỏ xanh.

Những ngày sau này, tôi một mình trở lại gò đất, nhưng chờ hoài không thấy ma hiện ra. Nghe thằng Điền kể, người đàn bà đó thiệt hiền, chỉ đau đáu vuốt tóc nó và ánh nhìn chan chứa thương yêu. Tôi nghe mà khóc muốn chết, sao con ma đó không chịu giấu tôi giùm cái.

Rồi tôi ngồi quẹt tay lau nước mắt đi, kỹ càng, để gương mặt an nhiên, ráo hoảnh. Tôi quyết không để cha thấy mình buồn, quyết không để cha bật ra cái câu “Chịu hết nổi cái cảnh sống này rồi hả? Chừng nào đi ?”.

Cha vẫn thường đánh chị em tôi, thường đánh khi vừa ngủ dậy. Đó là khi người ta thấy hoang hoải, chán chường, sau một giấc dài, mở mắt ra, vẫn gió đìu hiu, vẫn nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh. Và tôi tự nhớ lại coi hồi sáng này, hồi trưa này mình đã làm gì giống má, kho cá bỏ quá nhiều tiêu? Hay vì tôi buộc tóc nhong nhỏng? Hay tại tôi ngồi bắt chí cho thằng Điền ?

Hay tại tôi càng lớn càng giống má. Có bữa, nửa đêm thằng Điền thức giấc, nhìn thấy tôi day lưng lại lui cui vá áo, nó thảng thốt kêu “Má ơi!”. Tôi cảm thấy mình thất vọng đến rã rời. Những thói quen, những cái gì liên quan đến má tôi phủi gần sạch rồi, nhưng tôi làm sao có thể từ bỏ hình hài này.

Tôi đành để cha đánh để ông bớt đau chút lòng. Sau này chị em tôi không day dứt chi cho mệt, vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má, vậy thôi.

Với chúng tôi, quãng thời gian ấy vẫn còn vui lắm, sau này, cha tôi chán không đánh nữa. Cha ơ thờ, lạt lẽo, chuyện gì cần nói thì nói vài câu nhát gừng. Cha giao bầy vịt cho hai đứa tôi, lúc rảnh ngồi gọt đẽo những cán dao, tấm thớt hay lẳng lặng vác cần câu đi câu cá, vừa bán được tiền, vừa khỏi phải nhìn những đứa con của một bà mẹ bạc lòng. Thành ra, cái ghe thấy nhỏ, lại rộng vô cùng tận, loay hoay chỉ ba con người, nhưng nhiều năm trôi qua, hai chị em tôi vẫn cảm thấy xa cách cha. Có lần, khi đi trên sông, thằng Điền giả đò té chìm ngỉm mất tăm, tôi giả đò kêu la chói lói, cha hơi giật mình hoảng hốt, dợm lao xuống nước, nhưng rồi cha điềm nhiên ngồi lại, tiếp tục gọt đẻo, chắc là nhớ ra thằng Điền đã lặn lội nước sông từ năm bốn tuổi, sức mấy mà chết trôi.

Chúng tôi biết là khó đòi hỏi gì hơn nữa, chỉ một chút xao lòng của cha, là mừng lắm rồi. Cha giống như đồ vật bằng gốm vừa qua cơn lửa lớn, vẫn hình dáng ấy nhưng đã rạn nứt, nên chúng tôi chỉ dám đứng xa mà nhìn, mủ mỉ nâng niu, nếu không thì vỡ mất.

Và chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi…

Tôi và Điền buộc phải tự học lấy cách sống. Nhiều khi dễ đến không ngờ… Nhờ Điền bị rắn hổ đất cắn mà chúng tôi biết được cách phân biệt vết răng của rắn độc. Nó để lại trên cổ chân Điền một cặp vết răng như hai cái lổ nhỏ, sâu hoắm. Tất nhiên, phải nhờ người thợ gặt tốt bụng vác thằng Điền chạy một đỗi đồng để tới ông thầy lấy nọc rắn, nó mới giữ được cái mạng để rút… kinh nghiệm. Sau này, một lần băng qua một đám cỏ dày, đến lượt tôi bị rắn cắn, tôi kêu, Điền ơi, chắc Hai chết trước à. Thằng Điền nhìn vết thương nó cười, nói không sao, số Hai sống lâu lắm, hai hàng răng tươm máu giống hệt nhau như vầy, chắc cú là rắn bông súng cắn chơi thôi. Và nhìn bướm bay, nhìn mây trôi tôi biết ngày nắng hay mưa. Nghe bìm bịp kêu chúng tôi biết nước lên. Dừng ghe ở một tuyến kinh nào, thằng Điền trèo lên ngọn cây cao, ngó bao quát cánh đồng và tính toán xem có thể cầm vịt ở đấy bao lâu thì hết thức ăn, đúng chóc. Hay chúng tôi tự phán đoán ở đâu vụ mùa đến sớm, vùng nào lại trễ tràng để rời cánh đồng này, chúng tôi đến ngay một cánh đồng khác, ngay khi lúa vừa chín tới.

Thành ra, mùa du mục của chúng tôi kéo dài liên tục từ mùa mưa sang nắng, rồi lại mưa. Nhiều lúc tôi hơi nhớ con - người. Họ ở trong cái xóm nhỏ kia, chỉ cách chỗ chúng tôi dựng trại vài ba công đất. Họ lúc nhúc trên thị trấn kia, nơi chúng tôi vẫn thường ghé lại mua gạo, cám, mắm muối… dự trữ cho những chuyến chạy đồng xa. Và họ ở gần ngay đây, họ vừa gặt lúa vừa nói chuyện tục tĩu rồi cười vang bên bầy vịt đang rúc rích tìm thức ăn, nhưng tôi vẫn nhớ...

Có lẽ vì cuộc sống của họ ngày càng xa lạ, với chúng tôi. Họ có nhà để về, chúng tôi thì không. Họ sống giữa chòm xóm đông đúc, chúng tôi thì không. Họ ngủ với những giấc mơ đẹp, chúng tôi thì không. Nằm chèo queo, co rúm, chen chúc nhau trên sạp ghe, chúng tôi đánh mất thói quen chiêm bao. Điều này làm tôi và Điền buồn biết bao nhiêu, vì cách duy nhất để được nhìn lại hình bóng má cũng tan rồi. Mà, thí dụ như những cơn chiêm bao quay trở lại, chúng tôi không biết chắc là hình ảnh ấy của má có xuất hiện hay không.

5. Mùa khô năm tôi mười ba tuổi, bầy vịt lăn ra chết gió. Để kiếm sống, cha tôi quay lại với nghề thợ mộc. Cha nhận đóng giường, tủ cho một vài nhà trong xóm Bàu Sen, chúng tôi neo ghe lại đó dài ngày.

Cái cảm giác đang ở xóm cũ (có ngôi nhà cũ) vây riết lấy chúng tôi (chữ “chúng tôi” tôi không kể cha vào). Những trưa xế ngồi ngoài hàng ba một nhà trong xóm, tôi tước lá dừa thắt cào cào châu chấu, Điền ngó nắng rưng rưng ngoài sân, nói “sao gió ở đây giống hệt gió nhà mình”. Hai đứa tôi muốn khóc.

Chị chủ nhà ngần ngại nói với cha, “Ngó mặt hai đứa con anh thấy thương quá, thấy… không bình thường”. Cha tôi cười nhẹ, “Vậy hả ? Ờ ờ…”.

Đứa con gái chị chủ nhà trạc tuổi thằng Điền, rủ chúng tôi vào nhà chơi. Nhưng nó luôn nhận được những cái lắc đầu. Chúng tôi sợ quá cái bồ lúa trong nhà, hình ảnh nó làm cả hai chị em ngạt thở. Thật lạ làm sao, khi mà chúng tôi đã quen dần với những - hình - ảnh - giống - mình (tức là bị bỏ giữa đời chơi vơi), thí dụ như nhìn một chiếc đũa gãy, cái nắp nồi vỡ, hay bầy gà con lạc mẹ nhao nhác… Nhưng không quên được, cái bồ lúa ngai ngái mùi cứt trâu, giữa nó và vách nhà là một khoảng hơi tối nhưng rất thu hút trẻ con. Chúng hay giả bộ đó là nhà của riêng chúng, để bày biện, nấu nướng, đóng vai chồng vợ, vai má con. Để lúc bị đòn, chúng cũng chui tọt vào đó, khóc một mình, nhiều khi ngủ quên luôn (và người lớn thì hãi hùng, sao không thấy đứa nhỏ đâu, nó bỏ đi về ngoại, nội? hay đã vô ý trợt chân té xuống đìa?. Cái kẹt bồ lúa, cũng đã từng là thiên đường mơ mộng của hai chị em tôi, bẻ trái trứng cá làm cơm, muổng dừa là chén, giả đò “ăn” no, giả đò tối rồi, đi ngủ, một bữa kia chơi chán lăn ra ngủ thiệt, thức dậy bỗng thấy cuộc đời mình thay đổi quá trời đất, như đã sống qua một kiếp rồi. Nhưng chín mười tuổi đã đủ để gọi là một kiếp người chưa ?

Chúng tôi chẳng phải những đứa trẻ bình thường, cuối cùng nhỏ con chị chủ nhà cũng nhận ra, nó bỏ mặc. Nó là một đứa trẻ xinh đẹp nhưng hỗn hào, cái kỉnh, nó chẳng khi nào kêu má ơi má à, khi cần, nó chỉ cộc lốc bảo, tui đói bụng quá bà ơi. Người mẹ phân bua với cha tôi, “Tại ba nó mê theo vợ bé nên không ai dạy…”.

Chị cũng bận rộn, te tái cắp nón đi suốt, tìm ông thầy này, bà cốt kia, để thỉnh bùa chú cho ông chồng quay lại. Và mỗi khi thất bại, chị lại quả quyết là bùa của tình địch mạnh hơn. Nói như vậy dường như để cho tâm bớt đau trước sự thay lòng. Chị có cả một kho tàng về chuyện đồng cốt, những người có khả năng thấu đáo cõi âm, cõi trời và cõi người. Họ biết chữa bệnh (có thể lấy từ bụng ta ra một nùi tóc với cái lưỡi dao cạo, hay dùng hột gà luộc lăn trên da thịt ta, sau đó bẻ cái trứng ra cho ta coi một nhúm lông… chó mực), cũng biết dùng những tấm bùa được vẽ bằng máu… lưỡi để ếm chết người và cuối cùng, họ đem được người ta yêu trở lại. Chỗ này khá mắc cười, bởi tấm bùa có linh nghiệm thiệt thì người quay về cũng không phải của - mình. Những săn sóc nâng niu, những lời nói ngọt ngào… tất cả đều không thật (mình biết tỏng tòng tong là nhờ bùa ngãi chớ thương yêu gì). Và cái cười dịu dàng kia, ánh mắt ấm áp kia, nụ hôn ngọt ngào kia, vòng tay nồng nàn kia… cũng vậy. Đó là chưa kể phải thoi thóp lo âu một ngày bùa thiêng hết tác dụng, thằng đàn ông rùng mình một cái, ngơ ngác hỏi ủa, sao hai đứa mình nằm chung giường vậy, xin lổi nghen, chắc tại hồi hôm tui xỉn quá nên chui ẩu vô mùng bà. Rồi ông ta nhìn vẻ mặt đau đớn của mình, kinh hoàng: “Trời đất ơi, bộ tui đã làm gì bậy bạ sao ?”. Tất cả sẽ chấm dứt ở đó, ông nọ phủi sạch những ngày tháng mặn nồng. Với ký ức trống trơn, họ phơi phới ra đi, còn mình thì nhớ hoài, đau hoài…

Nhưng chẳng tin vào bùa thì còn biết làm gì nữa, chị cũng đã lặn lội tới nhà tình địch, đã xé quần áo của cô ta, xởn tóc, lôi xểnh ra biêu riếu giữa chợ rồi, chị kể. Bằng cái giọng rộn rã, giòn tan chỗ cao trào, rồi chị hết sức chậm rãi, tỉ mỉ, tả cái đoạn chị dùng dao rạch mặt cô ta và xát muối ớt vào (những người quê mình vẫn thường làm chuyện đó rất bình thường, sẽ buồn cười khi có ai đó nói làm vậy là vi phạm điều X chương Y luật hình sự, họ cãi ngay, “Ủa, nó cướp chồng tui thì tui phải đánh cho tởn chớ”, với vẻ mặt tự hào ngút ngất, tỉnh bơ, ngây thơ, tựa như một người đi qua trận địa cũ và nói với ông bạn mình, hồi năm bảy hai tui bắn thằng lính cộng hòa ở chỗ này, óc nó nát như chao, con mắt văng ra xa cả thước. Ông bạn chẳng ớn, nói tôi cũng cắt cổ thằng Mỹ ở đây chớ đâu)

Sau đận đó, chồng chị bỏ ngay cô nhân tình này và trớ trêu, anh ta chạy theo… cô khác. Ba mùa lúa rồi chị ra đồng một mình. Một mình nuôi con. Một mình nhìn gương, tự ve vuốt và yêu lấy mình…

Cái sàn lãn sau nhà đã ba năm vắng bóng đàn ông. Một chiều chúng tôi đến, xẻ mấy cây đố xong, cha ra đó tắm. Nước chảy re rắt trên khuôn mặt lạnh lùng, nước mỏng tang tràn qua những thớ thịt đỏ au của cha tôi. Chị chợt giật thót người, cài vội chiếc nút áo bung ra vì không chịu nỗi đôi vú căng tức.

Ngay lập tức, tôi có cảm giác câu chuyện về những lá bùa vẽ nhì nhằng chị dấu trong áo gối, ém dưới chiếu, hay kẹt giường… không còn ý nghĩa gì hết. Chị cũng sững sốt khi nhận ra điều đó. Giường đã làm xong, đáng lẽ chúng tôi phải dời đi, nhưng chị chủ nhà muốn đóng thêm hai cái tủ nữa. Chị thuê hàng xóm xuống ao mò lên những thân gỗ đã ngâm lâu và chở tới xưởng cưa. Rõ ràng là chị không chuẩn bị trước, rõ ràng chị muốn giữ cả nhà chúng tôi lại.

Chúng tôi được đối xử rất tử tế, ngoài hai bữa cơm, buổi trưa, chị hay đãi thêm nồi chè, hay khoai luộc. Chị nồng nhiệt bảo chúng tôi lên nhà ngủ, nhà rộng rinh như vầy không cớ gì phải ngủ ghe. Cha tôi trù trừ nhưng rốt cuộc cũng gật đầu (với một thoáng giễu cợt), thật không nỡ chối từ một tấm lòng như thế.

Tôi và Điền ở lại ghe, tôi nói, ngủ ở đây gió mát quen rồi, với lại, tụi tui phải giữ đồ. Nói tới chỗ này tôi mắc cười muốn chết, chiếc ghe tơi tả, đáng giá gì đâu mà giữ. Có mấy ông thống kê gì đó làm chứng, mấy ổng đã ngao ngán như thế nào khi thấy chỗ ở ngang mét hai dài ba mét mốt cho ba nhân khẩu, điều tra thêm thì phương tiện nghe nhìn giải trí chỉ cái radio trị giá mười bốn ngàn, nguồn nước sinh hoạt từ sông, thu nhập ờ thì vài ba triệu một năm, tuỳ vào ông trời, như năm nay, thì trắng tay…

Và ngó lại cái khạp da bò nứt, trong rỗ úp vài cái chén sành, một thùng giấy chứa quần áo cũ… thấy mình lấy cớ giữ đồ hơi vô căn cớ. Nhưng chị chủ nhà không để ý, chị đang ưng bụng, ngây ngất tràn trề trong mắt. Và cha tôi lên đó, một mình.

Tôi ôm quắp thằng Điền nghe những con sóng nhỏ lách tách vỗ vào mũi ghe, nói, Hai nhớ trường học quá à, cưng (Ôi cái trường xiêu dựng trên khu vườn chùa đầy cây thuốc, có ông thầy trẻ tuổi hay vò đầu tôi và xao xuyến hỏi, má khoẻ hôn con ?). Thằng Điền hỏi lại, “Mắc gì mà nhớ ? Lãng òm…”. Tôi không biết, tôi đã ngưng nhớ nó từ khi sống cuộc sống trên đồng, nhưng đêm nay, sao tôi lại nghĩ tới, cả chuyện kiếm tiền để chữa mắt cho Điền (tôi vẫn nghĩ, sự xuất hiện của nước mắt chỉ có ý nghĩa khi người ta khóc). Đêm nay, tôi sao thế này ? Vì nhìn thấy niềm hy vọng ư ?

Và tôi ngủ trong nỗi xốn xang.

Lúc thức dậy thì hy vọng cũng thức theo, sáng hôm đó, tôi thấy cha trút bỏ vẻ lầm lũi thường ngày, mắt ông hay rực lên, nói cười rất lạ, dường như cha bừng tỉnh nhận ra giá trị của mình, tìm thấy con đường sẽ đi. Những suy nghĩ cồn cào làm cho vẻ mặt cha lung linh như bầu trời nhiều mây và gió. Thoắt quang đãng thoắt âm u, thoắt khoái trá, thoắt đau đớn…

Chị chủ nhà cũng thất thường, đang tươi hơn hớn bỗng bần thần khi thấy cha đóng xong một cái tủ nữa rồi. Chiếc tủ chén này, cha mất năm ngày mới hoàn thành, nhưng không sớm hơn được, vì chị chủ nhà lúc thì bưng nước ra, lúc lại kêu nghỉ tay ăn bánh, anh thợ à. Nhiều lúc chơi ngoài hàng ba, nghe tiếng bào trượt trên ván ọt ẹt ngừng lại, buổi trưa im phắc. Và đống dăm bào bị dẫm tạo ra âm thanh lạo xạo lao xao lào xào. Chúng tôi biết chị đang ở ngay chỗ cha.

Không hiểu sao tôi lại nghĩ chị chủ nhà chính là hy vọng để chị em tôi trở về cuộc sống bình thường với một người - cha - bình - thường. Chúng tôi luôn tạo cơ hội, khoảng trống cho chị gần gủi với cha. Cực nhất là phải rủ rê lôi kéo nhỏ con chị chơi với chúng tôi, thằng Điền khó chịu, “đồ con nít…”. Tôi cười, “thôi, kệ nó…” mà lòng nghĩ, biết đâu mai mốt con nhỏ này với mình là một gia đình. Biết đâu đó là một mối tình dài.

Nên tôi thấy hơi lo khi cha sắp hoàn thành chiếc tủ áo cuối cùng. Buổi chiều, cha xin những mảnh cây ván vụn đắp vá lại mui ghe. Nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục đi. Chị chủ nhà ủ ê, suốt buổi chị giằm đũa vào chén cơm nguội ngắt. Cha nhìn chị, cười nhẹ, rồi hỏi khẽ khàng :

- Cô đi với cha con tôi nghen ?

Như chờ đợi chỉ có thế, chị gật đầu, mặt tở mở và rạng rỡ, gần như không suy nghĩ gì (Má tôi cũng đã từng chọn lựa nhanh như thế sao ?). Tôi bất giác ứa nước mắt, rồi nhận thấy cha đang nhìn mình, tôi bệu bạo cười, “cắn trúng cái lưỡi đau quá trời”.

Chị chủ nhà bắt đầu sống với những giây phút bồn chồn, chị loay hoay, te tái tới lui. Chị kiếm lủ khủ giỏ xách, những muốn gói ghém thật nhiều đồ đạc nhưng nhận ra chiếc ghe chẳng chứa nổi, nên quăng phẹp một bên. Cuối cùng, chị đưa nhỏ con về chơi bên ngoại, và trong lòng chị em tôi bùi ngùi tiễn nó đi như đưa tiễn một cuộc đời. Mai nó vẫn sống, nhưng mà sống khác. Rồi chị quay lại, ra bực sông, ngồi đắm đuối nhìn ngôi nhà của chúng tôi, “những ngày sắp tới của mình ra làm sao, ta?”.

Dễ hình dung lắm. Như chỗ cái sạp xỉn màu tôi đang giặt vải lau đây sẽ là nơi chị sẽ ngủ, sáng ra chị vẫn không phải rời chỗ ấy, vì chỉ cần ngồi dậy, day mặt ra phía sau là đụng bếp, là có thể nhen lên một lọn khói buồn teo. Mấy đêm đầu có lẽ không quen, vì phải nằm chèo queo, ghe thì chao sóng. Mấy đêm đầu chắc chị hơi ngại ngùng, mắc cỡ vì ở ghe không có vách ngăn, vì thế chị em tôi sẽ cố ngủ thật say, ngáy thật to để át những tiếng thở hổn hển, dìu dặt. Chị cũng sẽ mất khá lâu để thích hợp với nhiều hình ảnh mang tính ước lệ, thí dụ như mấy bụi hành ngò trồng trên cái xô bể (thay vì khu vườn cây cỏ hoa trái mênh mông), hay cái lò cà ràng nhỏ (thay vì cả một gian bếp ấm sực mùi củi lửa)… Và nghe cha tôi than, tôi chán cái nhà này quá rồi, thì cũng nên hiểu là không có cái nhà nào cả. Nhà chúng tôi là cái này, là cánh đồng nào đó, con sông nào đó... Riêng chúng tôi thì không cần chị phải yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ gì hết. Chúng tôi không hy vọng điều đó (đến con chị còn không hy vọng gì mà). Ngay lúc này đây, cứ nghĩ, một bữa trưa mai trưa mốt nào đó, có nắng hiu hiu và gió hiu hiu, vì muốn chứng minh tấm lòng của mình với cha, muốn tỏ thái độ hoà hợp với hai đứa trẻ lạ lùng này, chị bắt thằng Điền lại, xối nước kỳ cọ những mảng đất đã dính khắn trên làn da mốc meo của nó, miệng cắm cẳn, cằn nhằn hay biểu tôi ngồi để chị thắt bím tóc cho, chắc tôi thấy khó chịu vì xa lạ và buồn cười.

Nhưng tiếc rằng không có ngày mai, mốt đó. Chị bị cha tôi bỏ lại, khi vừa đi được một đoạn đường. Một đoạn đường đầy khó khăn. Chị buộc mình tin rằng sự chọn lựa này là đúng, tình yêu này xứng đáng được đánh đổi. Xóm làng, ngôi nhà, vườn tược trôi tuột lại phía sau. Và đứa con gái… Rất cố gắng, chị mới thôi thảng thốt. Cha ghé một chợ nhỏ đầu xóm kinh, biểu chị lên mua một ít củ cải muối đem theo. Người vừa khuất trong tiệm tạp hóa, cha cười. Chị em chúng tôi mãi mãi không quên cái cười đó, nó vừa dữ dội, đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thật dài, riết lấy khuôn mặt cha, làm mắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước. Cha quăng đồ đạc của chị lên bờ vung vãi. Và nổ máy cho ghe đi.
Có ai chờ chúng tôi, trên những cánh đồng khơi ?


6.

Trời đất ủ dột nhìn mưa vào mùa. Thằng Điền kiếm được mấy cây ô môi nhỏ, nó rủ tôi trồng. Chúng tôi dầm mưa, lấy mũi dao đào thành mấy lổ con con, rồi đắp đất ém gốc lại. Cái cảm giác mà cha tôi đã từ bỏ là yêu thương, che chở cho một sinh linh (yếu ớt, nhỏ bé) nào đó thật ngọt ngào. Điền biểu tôi chặt sậy cắm quanh, sợ mấy con vịt ăn trụi lá, với lại, bờ đất này rất nhiều người qua lại, không khéo là bị dẫm bẹp. Hai đứa ngồi nhìn công trình của mình, bỗng buồn, không biết mai này còn có dịp quay lại coi tụi cây này lớn lên, để trèo lên hái trái, để giăng cái võng, ngủ một giấc đã đời.

Chị em chúng tôi nảy ra nỗi thèm muốn, khao khát được trồng cây từ khi rời Bàu Sen, vì biết chẳng bao giờ quay lại sống - bình - thường. Dường như chúng tôi nhớ, nhớ cồn cào. Nỗi nhớ bao gồm được chạy chơi trên cái vuông sân mọc đầy vú sữa đất, được tự mình trồng cây gì đó, có trái, và trái ăn được, ăn rất ngon. Nhưng cái mơ ước nhỏ nhoi là nhìn nó lớn lên cũng mong manh, khi mà đến chưa nóng chỗ đã phải dời đi nơi khác. May là lần này chúng tôi ở Cỏ Úa khá lâu, chăm chút bầy vịt (mới gầy lại) “trơn lông bụng”. Thằng Điền một bữa ra coi cây bén rễ, nó bỗng chép miệng, “Ước gì đây là đất-của-mình…”.

Tôi cười, điều đó thật xa xôi. Có lần, đi qua xóm, trong một buổi chiều, chúng tôi gặp những ông già ngồi chơi với cháu, thằng Điền đứng tần ngần bên hàng rào dâm bụt, bảo, “Phải chi ông này là ông nội mình, thương đỡ chơi, hen Hai?”. Nghe câu đó tôi bỗng thấy mình nghèo rơi nghèo rớt, nghèo đến nỗi không có… ông nội để thương, thèm muốn bên đường. Tôi lắc đầu, bảo thôi, thí dụ như mình lỡ mến người ta, mai mốt dời đi, buồn dữ lắm. Mà, đã ngấm, đã xé lòng toang hoang với nỗi đau chia cắt rồi, chưa sợ sao ?

Sống đời mục đồng, chúng tôi buộc mình đừng yêu thương, quyến luyến bất cứ ai, để khỏi ngậm ngùi, để lòng dửng dưng khi cuốn lều, nhổ sào đi sang cánh đồng khác, dòng kinh khác. Chúng tôi vô định hơn bất cứ người nuôi vịt chạy đồng nào. Vì những cuộc tình của cha tôi, ngày càng ngắn ngủi.

Cha tôi đã có-vẻ-bình-thường, hay nói cười, hồ hởi trong những lúc có người (chữ “người” này không tính hai chị em tôi). Nhiều lúc tôi không giấu được thảng thốt, cứ nghĩ mình đã gặp lại cha-của-ngày-xưa. Nhiều lúc tôi ngồi trông người trong xóm đi thăm lúa ghé qua chòi, lúc ấy, cha sẽ kêu, “Nương à, nướng mấy con cá khô, cha lai rai với mấy bác…”. Em tôi cũng sướng ran xách chai ra tiệm mua rượu, nó khoái chí nghe cha gọi, “Điền ơi! Điền…”. Vui được chút đó thôi, khi khuất bóng người, chị em tôi đắng đót nhìn cha hao hao người đóng tuồng vừa trút lớp.  Xanh xao, lạnh lẽo đến ngơ ngác và cô đơn.

Không, lúc chỉ một mình, cha tôi đáng sợ hơn thế. Cha giống như con thú trở về tổ sau khi no mồi. Con thú nằm mơ màng nhấm nháp lại hương vị của miếng mồi, và ngẩm ngợi thòm thèm con mồi kế tiếp. Có lúc sự vật lộn làm vết thương cũ của con thú đau, nó liếm láp vết máu, và tôi hãi hùng nhận ra chỗ đau ấy cứ rộng thêm ra. Đôi khi tôi nhớ người đàn bà ở Bàu Sen, nhớ bóng người xấp xãi, ngơ ngác chạy theo chiếc ghe sáng ấy. Chắc chị đã quay lại, đón đứa con gái về, móc quần áo trở vô tủ. Có hề gì, rồi chị sẽ yêu một người khác, nhưng mãi mãi, chị không quên nỗi ê chề bị bỏ lại bên đường (bằng chứng là ba cha con chúng tôi có quên được đâu). Với những đàn bà sau này, cha tôi tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng, và bỏ rơi họ đúng lúc. Có người vừa bán xong cái quán nhỏ của mình. Có người vừa nói xong những lời dứt tình với chồng, con. Có người vừa phủ phàng chia xong gia sản, có cô gái sắp về nhà chồng, củi to củi nhỏ chất thành giàn ngoài chái... Hết thảy đều cun cút tin và yêu. Cha mang họ đi một quãng đường vừa đủ để người ở lại nhìn rõ chân dung của sự phản bội, sau đó người đàn bà bị hắt lên bờ.

Con đường quay về bị bịt kín.

Cha không tốn nhiều công sức cho việc chinh phục (Những người đàn ông quê mùa đã tự tay đẩy người đàn bà của mình đến với cha, bằng nhiều cách. Họ thích uống say, họ thích dùng tay chân để tỏ rõ uy quyền. Mệt nhọc làm lụng trên đồng, người đàn ông đã trở nên khô cằn, có khi cả đời, họ không nói với phụ nữ một câu yêu thương tử tế. Họ không biết vuốt ve, âu yếm, khi cần, họ lật cạch người phụ nữ ra và thoả mãn, rồi quay lưng ngủ khò). Sẽ còn bao nhiêu người nữa được cha tôi cho nếm thử niềm đau kia, tôi tự hỏi mình khi nhìn người đàn ông vào tuổi bốn mươi, quyến rũ từ cái cười, từ câu nói, ánh nhìn thăm thẳm, ngọt ngào. Trời ơi, trừ chị em tôi, không ai thấy được đằng sau khuôn mặt chữ điền ngời ngợi đó là một hố sâu đen thẳm, bến bờ mờ mịt, chơi vơi, dễ hụt chân.

Nên mỗi lần cha nhìn đăm đắm và mỉm cười với một người đàn bà mới chúng tôi lại thắt thẻo. Thêm mối tình đau trước cả ngày thứ nhất (mà chị em tôi không cách nào ngăn được). Tôi có cảm giác cha quắp lấy người ấy, vùi mặt vào da vào thịt, ngấu ngiến mà lòng cha lạnh ngắt. Thằng Điền cay đắng, “Cha làm chuyện đó thì cũng giống như mấy con vịt đạp mái…”. Tôi nạt, “Đừng nói bậy…”.

Nhưng tận đáy lòng, tôi cũng nghĩ, cha hơi khác con-người. Nhạt nhẻo hơn cả việc quan hệ theo mùa, theo bản năng, trong cha tôi không còn một chút cảm xúc nào, nét mặt tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phụ phàng.

Cha đẩy chúng tôi trượt dài vào nỗi thiếu thốn triền miên. Mỗi lần rời khỏi một nơi nào đó, thật khó để phân biệt, chúng tôi bỏ đi hay chạy trốn. Chúng tôi đánh mất cái quyền được đưa tiễn, được xao xuyến nhìn những cái vẫy tay, được nhận vài món quà quê như buồng chuối và hương hay bó rau ngót cắt trong vườn, cùng lời dặn dò quyến luyến, “Đi mạnh giỏi nghen…”.

Chị em tôi hết sức cố gắng để sự giận dữ, chán chường của mình không bùng cháy. Chúng tôi cho vịt ăn thật xa trên đồng, vạ vật ở đó từ sáng tới chiều. Gió hoang liêu trên đồng không làm lòng hai đứa nguội lại. May ra, gió chỉ thổi khô nước mắt lúc nào cũng ri rỉ trên mặt em tôi.

Tôi không còn muốn chữa mắt cho Điền. Bởi Điền khóc suốt (giống hệt tôi), dù vẻ mặt nó rất bình thản (tôi cũng vậy, khác là nước mắt tôi khô rốc trong lòng). Hai đứa tôi đều kỳ dị, đến mức nhiều khi tự giật mình.

Có lần, hai chúng tôi ngồi trên một bờ đất, xung quanh đấy những người thợ gặt đang ăn cơm. Nắng giữa trưa nóng rát. Tôi nói, chỗ khác có nắng dữ dằn vầy không ha. Thằng Điền nói, mùi cá kho quẹt thơm dễ sợ. Ừ, tôi gật đầu, nhưng cái mùi nghèo quá. Vậy mùi gì giàu, thằng Điền hỏi vặn lại. Tôi cười, thịt kho tàu. Rõ ràng hai đứa tôi có cãi qua cãi lại, vậy mà sau đó một người thợ gặt tỏ vẻ ngạc nhiên, “Hai đứa bây ngồi chù ụ cả buổi trời, không nói câu nào, vậy mà cũng chịu nổi sao?”

Thằng Điền cười, “Ủa, tụi mình hỏng nói tiếng-người!?”. Tôi nhận ra nó không hề máy môi, tôi đọc được những ý nghĩ trong Điền. Ở đó, đang có bão tơi bời, gió quất điên cuồng vào trái tim nhỏ chi chít vết đau. Thằng Điền nổi loạn.

Dấu hiệu bắt đầu từ một bữa trong xóm đê, tình cờ ngó đôi chó nhảy nhau, thấy các chị đang phơi lúa kêu ó ré lên, tôi rủ Điền giả đò nhắm mắt (trò này cực kỳ trẻ con, vì ai cũng mường tượng mồn một tư thế động tình của hai con chó). Thằng Điền phì cười, nó kêu lớn, “Hai, coi nè…” rồi cầm đoạn cây xông đến quất đôi chó tới tấp. Hai con chó kêu la thống thiết, hoảng loạn, xà quần trong đám bụi đất. Đau đớn cùng cực, chúng rúc vào chân đống rơm, nhưng không chịu rời nhau. Con đực phục đầu sát đất, rên rỉ, nước dãi chảy ròng. Không chạy hả. Bốp. Không chạy nè. Bốp. Thằng Điền gào lên. Cây trúc giập nát. Tôi giữ tay Điền lại bảo, “Ác với tụi nó chi vậy, cưng”, thấy nước mắt bê bết trên mặt em tôi.

Ngay từ lúc ấy, tôi đã muốn chạy về và nói với cha "Thằng Điền bị sao rồi, cha ơi...". Tôi sợ, hoảng loạn khi phải chứng kiến một mình.

Thằng Điền biết là tôi đã nhìn-thấy-cái-gì-đó, nó chua chát cúi đầu. Điền chối bỏ niềm vui được trở thành một người đàn ông thực thụ. Nó tự kìm hảm bản năng trổi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng sự tất cả sự miệt thị, giận dữ, căm thù. Nó phản kháng bằng cách trút sạch những gì cha tôi có, cha tôi làm. Giãy dụa đến rã rời, nhiều bữa, nó dầm mình dưới ao đến khi người tái nhợt. Nó chạy như điên trong đêm, trên những bờ ruộng mướt cỏ đến khi mỏi nhừ, gục xuống. Rồi nằm xoãi trên đồng, tả tơi.

Không phải vậy, không phải vậy Điền ơi, tôi muốn kêu lên, tiếc là sự thất học khiến tôi không diễn đạt được bằng lời. Tôi không chắc lắm, nhưng dục tình và xác thịt không xấu xa, không đáng bị khinh bỉ, không phải là nguyên nhân đẩy chị em tôi đến cuộc sống này với những đổ vỡ này…

Điền mười sáu tuổi, nó có thể mãn nguyện nằm bên tôi, dái tai để mặc tôi mân mê. Điền đã lạnh ngắt. Nó dửng dưng nhìn những đứa con gái làm cỏ lúa, quần xoắn cao, đùi non mởn. Đôi lúc bắt gặp những đôi người quấn nhau giữa các chòi ruộng hay lùm cây, nó khinh khỉnh cười khào. Nó điềm nhiên nói cái giọng hơi run rẩy nhưng rất mỏng và dịu dàng, “Hai, thôi đi. Em đâu có sao, buồn làm chi...”.

Tôi cười, nói ờ. Nhưng muốn nghỉ buồn cũng không đơn giản. Phải rất lâu, tôi mới nhìn Điền một cách bình thường, tôi cố quên chuyện của nó, tưởng tượng bây giờ nó mới chín mười tuổi gì đó (cái hồi hai đứa như cây kiểng còi, thẳng đuột như nhau, thằng Điền hay bắt chước đái ngồi).

Và tôi chợt nghĩ, sự bất thường của Điền, chẳng qua nằm trong chuỗi rất dài của sự trừng phạt. Điều đó lý giải cho việc thiên nhiên ngày càng trở nên hung dữ hơn, khắc nghiệt hơn. Bằng những sấm chớp, gầm gừ, dường như trời đất đã nín nhịn nhiều, cuồng nộ bắt đầu rồi đây. Có lần, tôi lấy cao su gói lại mớ mùng chiếu, nhìn mưa thè cái lưỡi ướt nhão nhớt vào lều, khoái trá nếm từng tấc đất, tôi tự hỏi, không biết chỗ khác (chỗ không có chúng tôi) có mưa nhiều như vầy không. Ý nghĩ đó xuất hiện triền miên trong đầu tôi, rằng trời chỉ trút mưa, trút nắng ở nơi chúng tôi dừng chân lại. Nỗi bẽ bàng của những người đàn bà bị cha tôi bỏ rơi (và cộng thêm niềm đau vỡ của những người quây quanh họ) đã thấu qua những tầng mây.

Và dường như cách giao tiếp ngấm ngầm của tôi và Điền cũng trong chuỗi bất thường, nó làm cho mối quan hệ với cha thêm rời rạc. Những bữa ăn nối tiếp nhau trong im lặng. Lúc và cơm, tôi hay bị ảo giác, tưởng mình đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước. Một cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao. Đường chân trời mờ mờ xa ngái. Một vài gò mả loang lổ dưới chòm trâm bầu. Tiếng chim kêu nhỏ từng giọt thiu thỉu. Mùi rạ mới quyện với bùn tanh tanh. Bầy vịt rúc đầu vào nách, ngủ ơ hờ dưới bóng cây tra treo từng chùm bông vàng tuyệt vọng lay như những chiếc chuông câm. Cảnh không đổi, người cũng không, cứ ngồi ngoáy mãi vết thương cũ, nhỏ nước mắt.

Giống như mấy cái mả ngồi, thằng Điền nhận xét. Vừa may, một bữa trưa nắng rập rờn trên nách rạ, chúng tôi cảm nhận được những tiếng nói lao xao. Thằng Điền thảng thốt, "Tụi mình ba trợn thiệt sao, Hai ?" khi nhận ra đó là tiếng của... vịt. Tôi cười, hớn hở. Thế giới của vịt mở ra. Không ghen tuông, hờn giận, chắc tại cái đầu vịt nhỏ quá nên chỉ đủ cho yêu thương. Tôi thôi thắc mắc vì sao cả bầy trăm con chỉ cần mười, mười lăm con vịt trống.

Đắm đuối với loại ngôn ngữ mới, chúng tôi chấp nhận để cho người ta nhìn mình như những kẻ điên (miễn là tạm quên nỗi buồn của cõi - người). Chị em tôi học cách yêu thương đàn vịt (hy vọng sẽ không bị đau như yêu thương một - con - người nào đó). Nhưng nhiều khi nhìn thằng Điền dõng tai coi mấy con vịt nói cái gì, tôi giật mình, nuốt một họng đắng, tự hỏi đã đến nỗi này sao, đến nỗi chơi với người thấy buồn, nên chuyển qua chơi cùng vịt. Đêm nào cũng vậy, cũng rón rén, từ tốn, hai chị em thắp một ngọn đèn giữa chuồng, để lúc bọn tôi ra, chúng nhìn, biết không phải người lạ, không xao động. Vừa nhỏ nhẻ lấy trứng, tôi vừa hát một bài hát bâng quơ, đôi chỗ vì hạ giọng thấp mà hụt hơi. Bầy vịt nhạy cảm khủng khiếp, sau này, tôi cố sửa lại những chỗ hụt hơi ấy, chúng nhận ra ngay, và nhìn tôi với vẻ ngờ vực, "Ủa, phải con - người hôm trước không ta ?". Một con vịt đui khịt mũi, cười, "Nó chớ ai, giọng có khác, nhưng rõ ràng là tiếng trái tim nó. Quen lắm. Chập chờn, thút thít, đòng đưa như sắp rụng... "". " Có nổ hôn đó, cha nội?" "Sao không, mấy người thử đui đi rồi biết". Bất giác, tôi nhắm mắt để nghe lại tiếng tim mình.

Nhưng sự trừng phạt tính toán cũng vừa vặn, vừa đủ vui, vừa đủ thương, quấn quýt, nó lại đứng sau lưng và cười nhạo chúng tôi.

Gió chướng trở ngọn, trên những cánh đồng ủ ê tin buồn. Chúng tôi nghe được một cụm từ lạ, dịch cúm gia cầm. Những người nuôi vịt chạy đồng cười khào, “Chậc, mấy con vịt chết gió, mấy ông nhà nước nói cho quá…”. Hôm chính quyền thông báo tiêu huỷ tất cả các bầy đàn, họ xửng vửng kêu lên, “Trời trời, bộ hết chuyện giỡn sao, mấy cha?”

Chẳng ai giỡn cả. Người ta dùng ý tưởng của Tào Tháo thời Tam Quốc, “thà giết lầm còn hơn tha lầm”, dồn tất cả vịt trên cánh đồng lại và đào hố chôn. Thằng Điền mếu máo :

- Mấy ông ơi, vịt tui sân sẩn, có bệnh tật gì đâu…

Một người càu cạu :

- Sao cậu biết ?

- Rõ ràng tụi vịt nói với tui.

Mọi người cười ha ha, bữa nay vui quá chừng. Họ bắt đầu trùm kín mình bằng những bộ đồ đi mưa. Họ rải vôi trên những hố chôn lớn bằng mấy khẩu đìa cộng lại. Họ tọng những con vịt còn sống, còn giãy dụa, còn gào thét vào bao tải, buộc miệng và quăng xuống đó.

Đám nuôi vịt chạy đồng tụm lại ở một chỗ, cúi mặt vào lưng nhau. Họ xót của, tiếc tiền, họ cảm nhận được sự kiệt quệ, đói nghèo đang vây bủa. Lần rủi ro này (của cái nghề lắm rủi ro) thật khốc liệt.

Cha tôi ngồi riêng biệt ở một bờ đất và đốt thuốc ngó trời, điệu bộ hơi dửng dưng. Với nỗi đau sâu hoắm sẵn trong lòng, thì những biến cố khác chẳng qua như một vết xước nhỏ ngoài da, nhằm nhò gì.

Hình ảnh đó, nét mặt đó làm cho tôi tuyệt vọng. Mà, lúc đó, tôi đang chết điếng, sao tôi lại nhìn về phía cha ? Vì tôi muốn cầu cứu (như những đứa trẻ con gặp chuyện giật mình, hay buột miệng gọi má ơi hoặc cha ơi!)? Vì tôi thấy mình không thể chịu đựng được tiếng gào khóc thê thiết của những con vịt bị vùi sâu dưới lòng đất ?

Mất nửa ngày những cái hố mới được lấp đất đầy. Xuyên qua những lớp đất bầy nhầy, tôi nghe vịt - của - tôi vẫn còn thoi thóp, chúng đau đớn vì những cái cổ gãy, rối quặt quẹo, chúng hỏi nhau vì sao tụi - người - ta lại ác. Rồi thinh lặng. Trong cái im ắng đến rợn người, tôi nhận ra tiếng của con vịt mù, có lẽ vì không sợ tối, nên sự sống kéo dài.

Rồi ánh sáng nhập nhoạng cuối ngày loang lổ đổ xuống, tôi và Điền khóc hức, cảm nhận được cái thở hướt ngắn dần, ngắn dần của con vịt sau cùng. Và nín bặt. Và tan hết. Chỉ còn gió cười từng tràng dài... Tôi tiếc thôi là tiếc sinh linh nhỏ bé đã thấu được tim mình.

Sáng sau, người ta tìm được một người chăn vịt nằm sát mép hố, mắt chong chong ngó trời không chớp, miệng sủi ra thứ bọt, trong vắt như bọt cua nhưng hôi nồng nặc. Chai thuốc trừ sâu lăn lóc cạnh đó đã cạn tới giọt cuối cùng. Sống thì khó chứ chết sao mà dễ.

Tôi đứng nhìn, tiếc rẻ, ủa, cái người nằm sóng xoài kia, sao không phải là chúng tôi ?

Sự báo ứng dường như đang ở rất gần.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây