Xin lỗi… 5 tỉ đồng được dùng như thế nào?

Thứ ba - 04/05/2010 22:24 1.967 0

Ảnh: V.An

Ảnh: V.An
Theo thông tin từ đơn vị sản xuất sản xuất - Công ty V.Art, số tiền dự kiến đầu tư ban đầu cho vở kịch "Xin lỗi, em chỉ là…", là 3 tỉ đồng, sau đó đội lên 4 tỉ và cuối cùng khi vở kịch hoàn tất, ra mắt khán giả là tròm trèm 5 tỉ đồng.

Gần 5 tỉ đồng cho một vở kịch. Con số không hề nhỏ này gây “choáng” cho những người làm nghề và khán giả.

Xin lỗi em chỉ là…, được ĐD Hoàng Vũ và nhà văn Trang Hạ chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết văn học mạng Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của tác giả Tào Đình (Trung Quốc) với giá bản quyền 5.000 USD.

Trước khi vào dựng vở, nhà sản xuất tỏ ra rất chuyên nghiệp khi bắt tay vào công việc nghiên cứu thị trường, khảo sát thị hiếu… tiềm ẩn của khán giả sân khấu kịch. Khi họ nắm bắt được nhu cầu được thưởng thức “cái-gì-đó” hoành tráng, đặc biệt, thì mới mạnh tay tiến hành vở diễn. Đó là lý do để Xin lỗi, em chỉ là… thay vì ở trong không gian vừa đủ của một sân khấu nhỏ thông thường, thì diễn tại nhà hát Hòa Bình, chấp nhận giá thuê 15 triệu đồng/ngày để tập ráo riết trong suốt 2 tháng liền. 18 cảnh diễn trên sân khấu là 18 cách xử lý khác nhau, cùng với màn hình quay video clip “ngốn” hết 500 triệu đồng. Nhà sản xuất cũng rất am hiểu hiệu quả cho chiến lược PR, truyền thông đối với sản phẩm của mình, nên mạnh tay chi phân nửa số tiền đầu tư, hơn 2 tỉ đồng cho việc đưa thông tin vở kịch tiếp cận đến công chúng thông qua con đường tin nhắn trên mạng điện thoại di động, chiếu trailer trên taxi, và trong các rạp chiếu phim. Dàn diễn viên “sao” tham gia vở kịch được đãi ngộ tối đa: ngoài cát-sê cho nữ diễn viên chính cao nhất từ trước đến nay 10 triệu đồng/đêm, còn mua bảo hiểm cho toàn bộ diễn viên trong vòng 1 năm với mệnh giá 1,3 tỉ đồng/người(!?)…

Tuy nhiên, sức người và tiền của bỏ ra đã không làm hài lòng người xem về kỹ thuật, khán giả cảm thấy khá khó chịu khi ngay trong đêm diễn đầu tiên, xảy ra sự cố âm thanh nghiêm trọng. Ngay đến đêm diễn thứ ba, âm thanh cũng không khá hơn. Một dàn mic mới thay nhau tắt tiếng, khiến khán giả la ó phản đối. E rằng hy vọng thu hồi vốn sau 5 đêm diễn của nhà sản xuất sẽ khó thành sự thật khi khán giả đã không lấp đầy khán đài như mong đợi.

Bản thân kịch bản Xin lỗi, em chỉ là… rất giản dị, không cần sự cầu kỳ về kỹ thuật, mà cái cần nhất là con người, là diễn viên. Rõ ràng đây là đất để diễn viên chơi nghề, là nơi diễn viên khẳng định đẳng cấp diễn xuất của mình. Nhưng những diễn viên kỳ cựu như Việt Anh, Công Ninh… không có “đất” để “dụng võ”, xuất hiện như cái bóng mờ nhạt, mà lẽ ra, đạo diễn nên “sử dụng” triệt để họ. Còn một sân khấu bề thế, với tiện nghi kỹ thuật hiện đại, nếu cần, chỉ để bổ trợ thêm để làm thỏa mãn ý tưởng sáng tạo của đạo diễn, và tăng độ hoành tráng của vở diễn.

Đạo diễn Công Ninh 

Vì sao anh đồng ý xuất hiện trong vở diễn nhạt nhòa này mà vai trò của anh có thể thay thế bất kỳ diễn viên nào khác? 

Thật ra mà nói, tôi rất hãnh diện khi được mời tham gia vào vở diễn đầu tư công phu và hoành tráng như thế này, và thêm một chút tò mò, muốn tìm hiểu họ làm như thế nào để tiếp thu kinh nghiệm. Vai tài xế Thái Đắc ban đầu có nhiều đất diễn, tuy nhiên, quá nhiều nhân vật làm cho thời lượng vở kéo dài, sau đó mọi người quyết định “cắt” bớt vai Thái Đắc. Vấn đề xứng đáng hay không xứng đáng nằm ở chỗ thái độ của người làm đối với diễn viên và khán giả. Vở Xin lỗi em chỉ là… được làm rất bài bản, hơn hết là diễn viên được trân trọng một cách nhất định.

Tác giả: Thủy Linh

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây