“Làng Hollywood” Tân An

Thứ bảy - 01/05/2010 23:41 1.842 0

Ba cậu bé Tuấn Việt, Minh Thông, Minh Tú từng đóng vai quần chúng trong phim Vó ngựa trời Nam ở đình Tân An - Ảnh: GIA TIẾN

Ba cậu bé Tuấn Việt, Minh Thông, Minh Tú từng đóng vai quần chúng trong phim Vó ngựa trời Nam ở đình Tân An - Ảnh: GIA TIẾN
Cứ cách 1-2 tuần, đình Tân An (còn gọi là đình Bến Thế, thuộc xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) lại mang vẻ nhộn nhịp, sôi động của một phim trường. Gần đây nhất, bộ phim Khóc thầm chuyển thể từ tác phẩm của cố nhà văn Hồ Biểu Chánh đã quay ngoại cảnh tại đây.
Từ ngày điện ảnh "chạm ngõ" cách đây khoảng 20 năm, ngôi làng nhỏ trầm lặng và yên ắng này đang "thay da đổi thịt" rõ rệt.

"Lên đời" nhờ... chọn diễn viên!

Ở đây, từ lâu người dân không còn mặn mà với nghề nông nữa, phần lớn chỉ sống bằng việc buôn bán nhỏ, đặc biệt có một bộ phận dân cư khấm khá hẳn lên từ nguồn thu nhập chính đến từ các vai diễn trong phim.

Cô Ba bán nước mía ở làng cười nói: "Có dịp 2-3 đoàn phim cùng về quay một lúc, xe cộ ra vào tấp nập còn hơn hội. Họ tới quay phim, rồi còn đặt dân xung quanh nấu cơm, cả mấy trăm phần cơm chứ ít gì, nhà nào cũng lách cách, vui lắm. Ðó là chưa kể mấy đoàn làm phim ca nhạc, rồi tuồng cổ cải lương cũng thường xuyên về đây quay".

Có lẽ vì lý do này mà Tân An được giới làm phim "ưu ái" gọi bằng "mỹ danh": làng Hollywood.

Vào đình Tân An hỏi thăm bà Hai Kiệt, chị Phượng bán thịt heo... hầu như ai cũng biết. Bởi họ chính là những "cò phim" có tiếng tại đây.

Từ một vài vai diễn quần chúng nho nhỏ, bà Hai Kiệt quay sang nghề "thu gom" diễn viên quần chúng hộ các đoàn làm phim. "Ai chứ dân làng này đóng phim được lắm à!" - bà vừa nói vừa mở cuốn sổ ghi chép chằng chịt số điện thoại của các họa sĩ, thiết kế, trợ lý đoàn phim.

"Ðoàn phim cần bao nhiêu cũng có, già, trẻ, lớn, bé, cỡ tuổi nào cũng tìm được, chỉ cần điện thoại trước vài ngày, mà chắc ăn nhất cho xin mỗi "diễn viên" 30.000 đồng tiền thế chân là bảo đảm sẽ có đông đủ" - bà Hai Kiệt xởi lởi.

Tính ra một "diễn viên" người lớn được trả 80.000 đồng/ngày, "diễn viên nhí" 40.000-60.000 đồng/ngày (nếu cảnh quay phải quay đi quay lại nhiều lần), còn nếu diễn tốt một lần "ăn luôn" thì cũng phải chi chừng đó tiền. Ðó là chưa kể nếu vai diễn có vài ba câu thoại thì tiền catsê phải thêm khoảng 120.000 đồng/người, đoàn làm phim phải bao luôn tiền cơm nước nếu quay buổi trưa hoặc xế chiều.

Cứ dẫn hơn chục người tới đóng phim, bà Hai Kiệt có được khoảng 100.000 đồng, hơn nữa thì 200.000 đồng gọi là tiền công mối lái. Bà kể: "Có bữa mấy ông đoàn phim nhờ tui đóng cảnh ngồi bán sương sa cho một thằng nhỏ, có chút xíu thôi mà được trả 200.000 đồng".

Đóng phim từ thuở còn thơ!

 

Nhiều người vui miệng gọi Tân An là “làng Hollywood” ở Bình Dương bởi đây từng là phim trường của hàng trăm bộ phim cổ trang Việt. Bộ phim đầu tiên được quay tại Tân An chính là Ông Hai Cũ của đạo diễn Lý Huỳnh.

Sau này, hầu hết các bộ phim mang hơi hướng cổ trang, lịch sử như Lục Vân Tiên, Người Bình Xuyên, Áo lụa Hà Đông, Vai diễn đầu đời, Vó ngựa trời Nam... đều quay ngoại cảnh tại đây.

Xu hướng làm phim lịch sử đang ngày một tăng thì những nơi như Tân An càng trở nên "nóng" lạ, và những đứa trẻ nơi đây cũng không nằm ngoài guồng quay của một "làng Hollywood".

Trường tiểu học Tân An có lối ra ngay trong khuôn viên của đình cổ Tân An. Cũng như bao cậu bé khác, sau giờ tan học, em Tô Huỳnh Minh Thông sà ngay vào quán bánh tráng trộn. Vẻ hồn nhiên, thơ ngây của một cậu bé 9 tuổi vẫn còn nguyên vẹn: "Con đóng phim từ hồi còn nhỏ xíu, phim con đóng gần nhất là Vó ngựa trời Nam, ngày trước thì đóng phim Lục Vân Tiên. Có cảnh con đóng cầm con diều chạy chơi trên đồng trong phim Vó ngựa trời Nam mà phải đóng nguyên buổi, nắng quá trời".

Khi được hỏi có thích đóng phim không, em bẽn lẽn gật đầu.

Giống như Thông, còn rất nhiều cô cậu khác trạc tuổi em có "thâm niên" đóng phim như em Ngô Tuấn Việt, Nguyễn Minh Tú... Ba của em Thông cho hay: "Tụi nhóc một buổi đi học, một buổi đi đóng phim, miễn là sắp xếp được thời gian. Chỉ cần báo trước, tụi nhóc chuẩn bị bài vở từ trước là được, còn nếu quay vào thứ bảy, chủ nhật thì thoải mái".

Bà Hai Kiệt cho biết thêm: "Nhiều lúc phải quay đêm, mấy đứa nhỏ cũng phải theo đoàn, tui phải đứng ra "bảo lãnh" với ba má nó là sẽ kêu xe ôm đưa về đàng hoàng, cũng cực lắm".

Đâu rồi cổ kính Tân An?

Ðình Tân An được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19, tính đến nay đã gần 200 năm, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Họa sĩ thiết kế Lê Cương - người đã có thâm niên quay gần cả trăm bộ phim cổ trang tại đây - nhận xét: "Hiếm có nơi nào sở hữu được không gian rộng, với mái đình đẹp, lại cổ xưa như đình Bến Thới này. Cùng một nơi, chúng tôi có thể ép góc để có được nhiều cảnh quay đẹp. Ở Sài Gòn hầu như không còn nơi nào đáp ứng đủ yêu cầu cho một bối cảnh cổ trang, nên nơi này được xem là lựa chọn hàng đầu của nhiều họa sĩ".

Càng có nhiều đoàn làm phim tới đây thì người dân càng mừng, thế nhưng những người gắn bó với nơi đây cũng... ngỡ ngàng nhận ra: Tân An đang mất dần vẻ đẹp vốn có.

"Ðình Tân An ngày xưa cổ kính và đẹp lắm, nhưng rồi cây cối bị đốn bỏ cho bớt rậm rạp đặng dễ quay phim nên bây giờ khác xưa lắm rồi, may ra chỉ còn mấy ngôi nhà cổ bên Tân Phú thôi" - một số người lớn tuổi tại làng cho biết.

Ðáng ngạc nhiên hơn là ngay trong khuôn viên tôn nghiêm của đình - nơi thờ tự linh vị của cố khâm sai Chưởng trung quân Bình Tây đại tướng quân - Quận công Nguyễn Văn Thành (tác giả của bộ Hoàng Việt luật lệ nổi tiếng ban hành năm 1812), một số bàn ghế được bày biện lộn xộn, hỏi ra mới hay người ta... mở cả quán nhậu bình dân trong đình!

Theo bà Nguyễn Thanh Phượng - phó chủ tịch UBND xã Tân An: "Ủy ban xã giao cho ban quản lý đình trực tiếp quản lý chứ không can dự. Còn việc trong đình có quán nhậu của người dân thì thật ra chủ quán cũng có nhiều đóng góp cho đình những lúc khó khăn, lại thường xuyên chăm sóc, nhang khói cho đình cũng như cúng viếng mỗi dịp lễ hội nên ủy ban tạo điều kiện để người ta kiếm thêm chút tiền".

Tác giả: Minh Trang

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây