Thư tình gửi một người gồm khoảng 100 bức thư được chọn lọc trong hơn 300 thư viết tay của Trịnh Công Sơn gửi cho một người có tên là Dao Ánh.
Các bức thư hầu hết viết ở giai đoạn 1964-1967 sau đó thì đứt đoạn. Đến những năm 1980 hai người tiếp tục viết thư cho nhau với tình cảm của những người bạn. Từ đây cho đến khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất còn thêm khoảng 20 lá thư nữa. Trong đó, có lá thư duy nhất gửi bằng đường thư điện tử viết năm 2000, ấy cũng là bức thư cuối cùng nhạc sĩ họ Trịnh viết cho Dao Ánh.
Một tài năng văn chương tuyệt vời
Trong thư ủy nhiệm cho Trịnh Vĩnh Trinh, chị Dao Ánh nói rõ đây không phải để khoe một mối tình mà chị ấy nhận thấy tập thư viết rất hay, có giá trị văn học, nếu những thư này đến được với nhiều người thì rất bổ ích.
Tôi và nhà báo Nguyễn Trọng Chức được nhờ sắp xếp lại tập thư và chú giải những điển cố, điển tích, các tác giả triết học, văn học, âm nhạc, những tác phẩm văn chương và bài hát. Đặc biệt, trong thư nhạc sĩ sử dụng nhiều tiếng Pháp... tất cả những điều đó cần được chú giải cẩn thận.
Lá thư đầu tiên, tức năm 1964, Dao Ánh khi ấy mới 15 tuổi, con của một thầy giáo giảng dạy Pháp văn. Bản thân cô là một người đọc nhiều, hiểu nhiều về văn học và triết học. Đọc thư của Trịnh Công Sơn để thấy người đọc thư cũng có vốn văn hóa rất dày dù tuổi đời còn rất trẻ.
Là một trong những độc giả đầu tiên, tôi thấy thư viết rất hay. Mọi người mới biết về một Trịnh Công Sơn với những ca khúc hay, nhưng thông qua những lá thư này người ta còn biết đến Trịnh Công Sơn như một tài năng văn chương. Nếu trước đây là ca từ và giai điệu tuyệt vời trong các bản tình ca thì giờ là văn đầy chất thơ, giàu tư tưởng và tràn ngập cảm xúc. Điều quan trọng tôi cảm nhận được là tài nghệ sai khiến ngôn ngữ của Trịnh.
Nhưng các bức thư không phải là sáng tác văn học, nó giống như nhật ký tình yêu. Qua đó người ta thấy được tình cảm, cảm xúc, nỗi nhớ nhung, buồn phiền, yêu thương... Dù chứa một nỗi buồn man mác từ đầu đến cuối nhưng luôn đậm đặc tình yêu thương con người và cuộc sống. Và quan trọng, giống như nhạc, những lá thư tình này dù buồn, dù đau khổ, đổ vỡ nhưng đều hướng tới cái đẹp. Dù tan vỡ nhưng vẫn có lời chúc cho người yêu của mình có đời sống hạnh phúc. Trịnh Công Sơn cũng có mối tình xa xôi với Diễm, tức là yêu thì rất mãnh liệt nhưng đó là “tình yêu trên trời”, vì một hoàn cảnh nào đó mà tình yêu không thành. Theo gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dao Ánh chính là em gái của Bích Diễm. Sau khi không còn tình yêu với Bích Diễm nữa thì là tình yêu với Dao Ánh. Lúc ấy cô còn đang học ở Huế.
Tập thư này có ba phần: phần đầu là nỗi nhớ nhung. Phần 2 anh Sơn kể lại cuộc giao du để làm nhạc và hát rồi lưu lạc ở Đà Lạt, Sài Gòn, Huế... trong thời gian đi hát với bạn bè: Đinh Cường, Trịnh Cung, Hoàng Phủ Ngọc Tường và đặc biệt là Khánh Ly.
Phần 3 từ năm 1966-1967, lúc ấy Dao Ánh đã vào học ở Sài Gòn và sống trong cư xá Thanh Quan. Giai đoạn này Trịnh Công Sơn viết rất nhiều ca khúc tặng Dao Ánh.
Trong thư cũng thấy thời gian sau Dao Ánh không còn mặn mà trả lời thư của Sơn nữa thì Sơn có trách móc. Và lá thư viết ngày 25-3 -1967 Trịnh Công Sơn viết: “Chúng mình kết thúc tình yêu ở đây”. Sau đó còn chúc Dao Ánh có đời sống tốt đẹp và thật hạnh phúc. Hành động này của anh Sơn khiến tôi nghĩ đến Pushkin với câu thơ: Chúc em gặp được người tình như tôi đã yêu em. Đó là một tình cảm độ lượng.
Thư từ giải mã ca từ
Tôi biết Trịnh Công Sơn rất lâu và biết nhiều cả về những mối tình của anh ấy, nhưng tập thư này vô cùng bất ngờ đối với tôi. Bởi vì tôi đã gặp những người Trịnh Công Sơn đã yêu hoặc những người yêu Trịnh Công Sơn ở trên đời này. Ví dụ: chị C.N.N., người Pháp gốc Việt, từng về để chuẩn bị đám cưới với Trịnh Công Sơn; sau đó là Michiko người Nhật, đây cũng là một mối tình; rồi cô V.A., á hậu một cuộc thi nhan sắc, gia đình đã tới lui rất mặn mà và cũng gần đến hôn nhân rồi lại tan vỡ (đầu những năm 1990); rồi một ca sĩ... Tôi biết những phụ nữ đó. Trong suy nghĩ của tôi thì Diễm là người yêu sâu sắc nhất của Sơn, nhưng khi đọc thư này thì mới biết tình yêu bền bỉ từ đầu đến cuối, cho đến tận lúc Sơn mất đi lại chính là Dao Ánh. Hàng loạt ca khúc viết trong suốt giai đoạn yêu nhau và cả sau này đều dành cho Dao Ánh: Em còn nhớ hay em đã quên, Xin trả nợ người.
Những lá thư này giống như biểu tượng của tình yêu muôn thuở.
Đó là một tình yêu thánh thiện, đổ vỡ thì cũng là thánh thiện. Hay là vì nó đổ vỡ nên mới còn lại bền bỉ đến giờ! Cho đến bức thư viết năm 2000, Sơn vẫn viết trong tâm trạng của một người yêu. Đến nay, sau khi Sơn mất đi rồi, tình yêu ấy còn mạnh hơn cả tập thư này. Tôi cho rằng mối tình cụ thể không còn nhưng một mối tình biểu tượng vẫn còn mãi.
Đọc hết các lá thư tình, nó cũng giải mã cho rất nhiều ca từ trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Người đọc sẽ hiểu được cội nguồn rất nhiều bài hát tại sao lại có ca từ như thế. Một bài rất nổi tiếng Cuối cùng cho một tình yêu phổ thơ của Trịnh Cung, dù phổ thơ Trịnh Cung nhưng khi kết thúc và chia tay thì hoàn toàn là để dành tặng cho Dao Ánh với những ngôn từ mà ông đã dành để viết thư. Nhiều năm tháng qua đi và cô Dao Ánh đã sang nước ngoài, Trịnh Công Sơn viết Em còn nhớ hay em đã quên, cũng là để viết riêng cho Dao Ánh.
Các ca từ được lặp đi lặp lại rất nhiều trong các thư gửi cho Dao Ánh, sau này xuất hiện trong các tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Thư tình gửi một người
Những con chim lạ nào đã xuất hiện trên vòm trời trước mặt một buổi chiều để báo cơn dông sắp qua miền đất này. Ánh ơi Ánh ơi, Ánh sẽ để lại đất đai này dấu tích của một thời huy hoàng nào xa cũ. Anh sẽ làm người đốt đèn ở ngọn hải đăng trở lại. Người đốt đèn đã mê sảng trong một cơn sốt kinh niên. Hằng đêm đốt đèn lên, đi tìm trong vùng sương dưới chân đồi những vết chân cùng những chứng tích của người bỏ đi đã một lần có mặt. Đêm đã rộn ràng nhè nhẹ với tiếng giun dế reo ngoài bãi cỏ. ... Mưa đã rơi xuống bằng thác ầm ĩ quanh anh cũng như bóng tối đã phủ chìm đất cỏ. Ngoài kia có còn gì đâu ngoài một ánh sáng néon ở xa, một trụ đèn bằng cây và hai màu trời đất. Mưa vẫn rơi vẫn ướt đẫm, anh nghĩ đến tóc Ánh những sợi tóc dài rất đẹp. Ôi dòng sông cho những ước mơ trôi đi trôi đi. Bây giờ đã mất cho một tiếc nuối không cùng. Nếu Ánh còn giữ một ít nào đó thì hãy gửi cho anh để anh nhìn lại ở đó tìm một lời ngưỡng vọng cũ của mình. Ánh ơi Ánh ơi, bao giờ nghĩ đến Ánh anh cũng mường tượng ra một Ánh rất huyền thoại lung linh. Anh nhớ đến Ánh qua hình dáng của Claire trong Terre promise (1) - “vùng đất hứa”, ở đó Claire, sau những thất vọng trong cuộc sống này, hướng về với tâm hồn thanh thoát cởi mở lòng ích kỷ và tìm ở vùng đất mới này một tình yêu đơn thuần như hoa cỏ. (Trích thư ngày 27-10-1964) ● ...Tự nhiên anh thấy cần nói với Ánh, cần nói với như thầm nghĩ rằng Ánh mới hiểu mới nhìn thấy được anh. Những con người sống với lòng chân thành mới dễ nhìn thấy nhau. Đừng ngụy trang thể xác, đừng ngụy trang tâm hồn. (Trích thư ngày 27-10-1964) ● Anh về đây từ chiều hôm qua sau hơn mười giờ nằm kẹt lại ở rừng. Chiến tranh đã đốt lên ở đó. Những chiều sương lên mù mịt và mây bỏ xuống thành phố, anh ngồi hút thuốc và nhìn từng xác người đưa về, từng người đàn bà thất thểu khóc và không khí buồn thảm cứ như thế nhân lên. Anh đã phải ngẩn ngơ và quên hẳn những kêu rêu cũ của mình. Anh cũng vẫn ngồi ở phòng mỗi ngày chờ những cơn mưa chiều xuống trên bãi đất rộng màu nâu sẫm. Thật chán nản. Anh không còn một ý nghĩ nào cho mình hay cho bạn bè nữa. Trí óc rỗng tuếch. Một hư vô miên man bao trùm. Ánh ơi, Ánh nghĩ gì về sự hủy hoại này của anh. Sẽ qua đi qua đi phải không. Giai đoạn này anh chỉ có thể như thế mà thôi, không thể hơn được nữa. Còn phép mầu nào huyền nhiệm hơn để cứu rỗi. ... (Trích thư ngày 9-5-1965) ● Bây giờ đã quá khuya. Chương trình chủ đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho cả Ánh lẫn anh, một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua. “Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả. Và bên sau quyết định này là một lối ngõ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả. Tất cả đã rõ như một khoảng trắng. Cũng đành vậy thôi. Anh đang nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thủy triều. Quyết định như không thuộc về anh. Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được. Để vĩnh biệt nhau trong tình yêu đó anh chỉ muốn khuyên Ánh trong tương lai hãy tự tin hơn và bớt suy tính. Anh đã bất lực không cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son. Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau. Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai. (Trích thư ngày 25-3-1967) (1) Tiểu thuyết Terre promise (Đất hứa) của văn hào Pháp André Maurois. |
NGUYỄN DUY
(Hoàng Điệp ghi)
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc