Tìm hướng đi cho sân khấu cải lương

Thứ năm - 03/01/2013 04:51 3.781 0
Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc – 2012, diễn ra tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa qua, là nơi hội tụ những tinh hoa của nghệ thuật cải lương đương đại, với 27 vở diễn của 22 đoàn nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Hoạt động này được coi như một cuộc “sát hạch” của những tìm tòi, thể nghiệm, góp phần tìm hướng đi mới cho nghệ thuật cải lương trong bối cảnh khó khăn kéo dài. Nhưng...
Nhìn lại một cuộc “sát hạch”

Xưa nay, nói đến nghệ thuật cải lương, người ta đã mặc định cho nó một từ “sến”, dù bản chất của cải lương, theo GS, TS Trần Văn Khê, nghĩa là “sửa đổi để trở nên tốt hơn”. Cải lương là hình thức nghệ thuật được phát triển, cải tiến, nâng cao từ cái gốc đờn ca tài tử, sau đó là hình thức ca ra bộ. Vốn nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ đã ngự trên “ngai vàng” của đời sống văn hóa tinh thần người dân phương Nam suốt từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thập niên 90, thế kỷ 20, được tiếp biến, phát triển rộng khắp cả nước.

Từ khi đất nước mở cửa, với sự du nhập, phát triển ồ ạt của các loại hình nghệ thuật giải trí thời thượng, cải lương cùng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc dần mất chỗ đứng trong lựa chọn của số đông khán giả. Và hơn 1 thập kỷ lại nay, cải lương rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Hàng loạt những đoàn nghệ thuật cải lương phải “khai tử”. Hàng trăm diễn viên phải từ bỏ niềm đam mê ánh đèn sân khấu, bươn chải mưu sinh...

Đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, nhiều đề tài khoa học bàn về đổi mới cải lương để tìm cơ hội tồn tại, phát triển. Và một trong những vấn đề cốt lõi được những người làm nghề thống nhất coi là “cứu cánh” cho cải lương, chính là phải hiện đại hóa cải lương, đưa được hơi thở cuộc sống đương đại vào nghệ thuật truyền thống, nội dung vở diễn phải chạm đến những vấn đề “nóng” mà đời sống xã hội đặt ra.


Cảnh trong vở “Nỗi đau sợi tơ đồng”- Đoàn Cải lương Tiền Giang

Trong quy chế tổ chức liên hoan lần này do ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL kiêm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn ký, đã nêu rõ: Tiêu chí bắt buộc của liên hoan là tác phẩm phải phản ánh về đề tài hiện đại, có nội dung, tư tưởng rõ ràng... Các tác phẩm có sự tìm tòi, sáng tạo mới về phương pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện, nhưng phải giữ được đặc trưng của loại hình nghệ thuật cải lương.

Như vậy, cuộc liên hoan có ý nghĩa như một đợt “sát hạch” cho những sáng tạo, tìm tòi, đổi mới. Mỗi đoàn đem đến một hoặc vài “món” ngon nhất và mới nhất, tạo nên những “bữa tiệc” thịnh soạn về sân khấu cải lương, chờ xem phản ứng từ khán giả thế nào để có thể góp phần bổ sung, định hình một hướng đi mới.

Ai cũng thấy độ “nóng” của đề tài qua tiêu đề các vở diễn, mà nếu không giới thiệu, rất có thể nhiều người sẽ lầm tưởng đó là tên của những bộ phim... ăn khách. “Ma lực đồng tiền” (Đoàn Cải lương Ánh Hồng, Trà Vinh); “Món nợ vùng ven” (Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ); “Cơn hồng thủy” (CLB sân khấu xã hội hóa Sen Việt); “Người thi hành án tử” (Đoàn Cải lương Thái Bình); “Đi qua tâm bão” (Đoàn Cải lương Đồng Nai) v.v.. Nhiều vở diễn có đề tài đấu tranh chống tiêu cực đã có cách thể hiện khá táo bạo, mang đến những cảm xúc tươi mới, hấp dẫn người xem.

Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Tiếp cận với cái mới, ngay trong đội ngũ những người làm nghề cũng đã xảy ra tranh luận trái chiều. Nhiều người cho rằng nên giữ lại phong cách cũ, thực hiện các đề tài cổ trang, lịch sử... vốn đã trở nên quen thuộc của cải lương xưa nay. Đến với đề tài đương đại, khó khăn lớn nhất của hầu hết các đoàn là kịch bản.

Nhà biên kịch Phạm Văn Quý (Hà Nội) thừa nhận: Các tác giả viết kịch bản cải lương hiện nay trên cả nước đếm không quá mười đầu ngón tay. NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: Người viết cải lương đã khó, lại ngày một thưa vắng dần. Khủng hoảng kịch bản là căn bệnh mãn tính của cải lương...

Nhiều đạo diễn than thở, tình hình hiện nay kiếm được kịch bản cải lương đã khó. Kiếm được kịch bản hay lại càng khó. Lấy kịch bản chuyển thể từ kịch nói vẫn là lựa chọn của các đoàn. Tuy nhiên, sự chuyển thể này nhiều khi khiến sân khấu cải lương tự làm khó mình, nếu như kịch bản gốc ấy đã được các đoàn kịch nói dàn dựng, biểu diễn. Đem đi biểu diễn một sản phẩm “cũ người mới ta” thì khó mà thuyết phục được khán giả. Ấy là chưa nói, đặc thù của kịch hát nói chung, cải lương nói riêng khác xa kịch nói. Vậy nên khi chuyển thể, tiết tấu kịch buộc phải sửa cho chậm lại. Lời thoại chuyển thành lời hát nên các cao trào không thể “nóng” như ở kịch nói.

Liên hoan diễn ra tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai. Đêm khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai liên tục cập nhật các vở diễn. Băng rôn được giăng đầy trên hầu hết các tuyến phố chính của thành phố Biên Hòa. Có thể nói, liên hoan đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Những ngày diễn ra liên hoan (diễn liên tục mỗi ngày 2 vở, sáng và tối), dù mở cửa tự do nhưng chỉ có những suất diễn vào các buổi tối cuối tuần là đông khán giả. Còn lại chủ yếu là “ta diễn mình xem”. Đa phần khán giả đến xem các vở diễn đều là người đứng tuổi.

Sau khi dự thi, nhiều đoàn đã được chính quyền, ngành văn hóa địa phương tạo điều kiện tổ chức đi biểu diễn phục vụ nhân dân ở các địa phương, các tổ chức, đơn vị quân đội trên địa bàn. Đây cũng chính là niềm vui đối với những người làm nghề, bởi sản phẩm nghệ thuật đã đến được với một lượng không nhỏ công chúng.

Một vị trưởng đoàn của một đoàn nghệ thuật đến từ miền Bắc nói rằng, liên hoan là để những người làm nghề có dịp hội ngộ, giao lưu với nhau, để ngành chủ quản ghi nhận những cố gắng, đóng góp của giới nghệ sĩ, tạo điều kiện để một số nghệ sĩ có huy chương. Đặt ra mục tiêu to tát lúc này là rất khó.

Tre đã già, măng chưa mọc

Vở cải lương “Vượt qua tâm bão” của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Đồng Nai là một vở diễn có nội dung tốt, được giàn dựng công phu. Vậy nhưng khi xem, khán giả lại thấy khó chấp nhận ở khâu diễn viên. 3 nhân vật chính của vở diễn đều ở tuổi thanh niên, trai chưa vợ, gái chưa chồng, nhưng lại được giao cho những diễn viên... U.50, U.60 thể hiện. Dù đã được hóa trang kỹ lưỡng, các nghệ sĩ cũng đã nỗ lực hết mình cho vai diễn, nhưng cái sự “cưa sừng làm... thanh niên” của những nghệ sĩ lão làng, quá quen mặt đối với khán giả, đã phần nào làm giảm tính thuyết phục, sức hấp dẫn của tác phẩm.

Vở “Nguồn sáng phía chân trời” của Nhà hát Cải lương Hà Nội, được chuyển thể cải lương từ kịch bản của nhà viết kịch Phạm Văn Quý. Tác giả Phạm Văn Quý bảo, ông rất hài lòng với chất lượng vở diễn, từ kỹ năng chuyển thể đến giàn dựng sân khấu, khả năng diễn xuất của diễn viên. Nhưng điều ông tiếc nhất là vai nữ chính, một nữ sinh trung học, lại phải giao cho một nghệ sĩ đã thành danh, năm nay đã... ngoài bốn mươi. Phụ nữ ở tuổi ấy, mấy ai giữ được vóc dáng chuẩn. Vậy mà vẫn phải tập nhí nhảnh để... nữ sinh hóa. Mấy anh diễn viên chính đóng vai nam sinh cũng độ tuổi đó. “Biết như vậy là không nên, nhưng không có diễn viên trẻ thì đành phải chịu thôi” - tác giả Phạm Văn Quý chia sẻ.

Thiếu đội ngũ diễn viên kế cận là thực trạng chung của hầu hết các đoàn cải lương hiện nay. Vậy nên khi dựng vở, đa số các đoàn đều phải sử dụng những gương mặt cũ để sắm vai chính. Một số gương mặt trẻ được bổ sung thì non kinh nghiệm, chỉ xuất hiện ở vai trò... gõ trống, phất cờ, chạy qua chạy lại trên sân khấu. Một số ít đoàn đã mạnh dạn trao các vai diễn chính cho các diễn viên trẻ. Tiêu biểu như Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, với giàn diễn viên trẻ, đẹp, đã tạo cho sân khấu cải lương một diện mạo mới. Nhưng công bằng mà nói, diễn xuất của các nghệ sĩ trẻ vẫn còn một khoảng cách khá xa so với đàn anh, đàn chị, nhất là ở khâu ca. Dù có chất giọng tốt nhưng kỹ thuật nhả chữ, luyến láy vọng cổ nhiều chỗ còn khá “phô”. Thế nên nhìn vào các tờ rơi quảng cáo vở diễn của các đoàn, rặt những gương mặt... cũ.

Đội ngũ tác giả, đạo diễn cũng chung thực trạng “lão hóa” như diễn viên, nếu không muốn nói, còn khủng hoảng trầm trọng hơn. Nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ Hà Quang Văn, dù đã nghỉ hưu từ rất lâu, đã ở độ “cổ lai hy” rồi nhưng vẫn phải gò lưng lặn lội xuống tận miền Tây giúp học trò dựng vở. Tác giả Phạm Văn Quý, năm nay đã 73 tuổi cũng phải “khăn gói” đi dựng vở cho lớp đàn em ở khắp nơi. Các đạo diễn thuộc “những người muôn năm cũ” như NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai... vẫn phải thường xuyên đi dựng vở cho các đoàn, nhất là các kỳ liên hoan. Nhìn qua nhìn lại, nhìn ngược nhìn xuôi, tác giả, đạo diễn của các đoàn cải lương từ Nam ra Bắc đều xoay quanh những tên tuổi lão làng. Quá hiếm hoi bóng dáng của những gương mặt tác giả, đạo diễn trẻ.

Không thể phủ nhận bề dày kiến thức, kinh nghiệm làm nghề của những nghệ sĩ lão làng, nhưng việc có ít nhân tố mới đã khiến các vở diễn cứ na ná một mô típ về thủ pháp nghệ thuật đã định hình lâu nay. Còn nhớ lần đến xem vở “Vượt qua tâm bão” của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Đồng Nai, tôi ngồi cạnh một cặp vợ chồng, là giáo viên của một trường trung học. Được chừng 20 phút thì họ bỏ ra về. Hỏi lý do, anh chồng bảo: “Xem chừng ấy là biết câu chuyện diễn biến, kết thúc thế nào rồi. Anh xem, thể nào rồi cái nhà máy ấy cũng bị phá hoại, cái anh giám đốc ấy cũng bị đánh tơi tả, nhưng cuối cùng thì nhà máy phát triển, anh này sẽ lấy cô kia. Xem làm gì nữa”. Tôi nán lại đến khi vở diễn hạ màn, và thấy rằng, anh ta nói chính xác đến 100%. Rất nhiều khán giả đã bỏ về giữa chừng như vậy. Một vở diễn mà vừa khai màn, khán giả biết trước diễn biến câu chuyện do cách dựng chuyện, cách xây dựng các tuyến nhân vật, cách xử lý tình huống quá “lộ”, thì chả khác gì xem bóng đá trên ti-vi mà đã biết trước tỷ số. Tiếc là phần lớn các vở diễn đều na ná như vậy. Nghĩa là chỉ cần xem vài ba cảnh là đã biết đạo diễn, tác giả, diễn viên nói gì, hát gì. Đó chính là hệ lụy của việc nghệ thuật cải lương bao năm nay chỉ xoay quanh những gương mặt cũ. Dù tài giỏi đến mấy, tâm huyết đến mấy, các ngón nghề cũng phải cạn. Sự lặp lại là chuyện đương nhiên. Mà trong sáng tạo nghệ thuật, lặp lại là điều tối kỵ.

NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ: Các đoàn cải lương thiếu trầm trọng đội ngũ kế cận là do những bất cập trong công tác đào tạo trẻ. Muốn thu hút được nhân tài từ đầu vào ở các trường nghệ thuật thì phải giải quyết tốt đầu ra. Hiện nay, một diễn viên về đoàn thử việc, mức lương chỉ được 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu chính thức được tuyển dụng, mức lương cũng chỉ 2-2,5 triệu đồng/tháng. Mà trong nghệ thuật dân tộc nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng, thời gian thử việc là bao lâu, không ai nói trước được. Với mức lương như vậy, làm sao thu hút được nhân tài? Trong bối cảnh hầu hết các đoàn nghệ thuật cải lương đều phải sống bằng ngân sách Nhà nước thì mọi chế độ của nghệ sĩ đều phải hưởng theo ngạch công chức. Mình không thể đòi hỏi hơn được, không thể tăng biên chế tạo thêm gánh nặng cho ngân sách được. Thế nên tìm được lời giải bài toán nguồn nhân lực cho sân khấu cải lương hiện nay là cực khó. Các đoàn đều phải tự xoay xở, có sao dùng vậy, lấy nghề dạy nghề là chính.

NSƯT Trúc Linh (Cần Thơ), một trong những người say mê dạy hát cho các bạn trẻ theo hình thức truyền nghề, cũng than thở: “Các cháu bây giờ ca hời hợt lắm. Nhiều cháu có chất giọng rất tốt, nhưng thiếu đam mê. Chỉ học cho biết ca là đi biểu diễn mưu sinh. Nhiều cháu thì chuyển sang học thanh nhạc để hát nhạc thị trường. Đời sống nghệ sĩ cải lương khó khăn nên cũng chả trách các cháu được”.

Vượt sông bằng... cầu khỉ!

 Đờn ca tài tử (ĐCTT) là hình thức sơ khai của sân khấu cải lương, tồn tại, phát triển song song với nghệ thuật cải lương. Trong bối cảnh sân khấu cải lương ảm đạm thì ĐCTT lại hoạt động khá xôm tụ, trở thành một “đặc sản” của du lịch sông nước miệt vườn, thu hút du khách. Và đây chính là môi trường để các nghệ sĩ cải lương vùng sông nước Cửu Long vừa làm nghề, vừa là kế mưu sinh. Hoạt động của họ khá đơn giản, hoặc là cá nhân đến diễn cho các tụ điểm ĐCTT, hoặc là đi thành từng nhóm, về các vùng miệt vườn sông nước biểu diễn theo hình thức trên bến dưới thuyền. Tác giả Phạm Văn Quý kể rằng, ông rất ấn tượng mỗi khi vào Đồng bằng sông Cửu Long, chứng kiến anh chị em nghệ sĩ đi diễn ở vùng sông nước miệt vườn. Chỉ cần một nhóm nghệ sĩ với sân khấu đơn giản ngay trên bến sông, cũng đủ thu hút khán giả, với giá vé chỉ 10.000 đồng. Dù thu nhập không cao, nhưng đó là môi trường lý tưởng trong bối cảnh hiện nay để nghệ sĩ thỏa niềm đam mê được làm nghề.

Tuy nhiên, theo các nhà quản lý và các nghệ sĩ, đó hoàn toàn không phải là lối thoát của sân khấu cải lương, bởi nó đi ngược với quy luật vận động phát triển. Hoạt động ĐCTT chủ yếu phát triển theo hình thức truyền nghề, trong lúc sân khấu cải lương đòi hỏi nghệ sĩ phải được đào tạo bài bản, hoạt động trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Cách tân, tìm hướng đi mới là vấn đề sống còn của sân khấu cải lương. Nhưng cách tân đến đâu? Cách tân như thế nào để cải lương không bị mất bản sắc là một vấn đề không dễ giải đáp!

Từ những thể nghiệm, tìm tòi qua các vở cải lương đã được công diễn, NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng, dù đã đổi mới nhưng sân khấu cải lương vẫn còn hiện tượng nghệ thuật không theo kịp bước tiến của đời sống. So với hiện thực hôm nay, những gì xảy ra trên sân khấu của một số vở diễn trở nên ngây ngô, khó tin, không thật. Sân khấu cải lương chưa có những nhân vật tiêu biểu của thời đại mình.


Cảnh trong vở “Ký ức mùa xuân” - Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP Hồ Chí Minh.

NSƯT Thanh Nam, một trong số các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay thì bày tỏ lo ngại: Quá trình hiện đại hóa đã làm cho những yếu tố cốt lõi làm nên bản sắc sân khấu cải lương đang có xu hướng phai nhạt, mất dần đi. Chẳng hạn, về sân khấu, đạo cụ, đòi hỏi mang tính bắt buộc của sân khấu cải lương là “giả mà thật”. Tất cả đều là tranh vẽ, biểu tượng, nhưng khi đưa vào vở diễn thì nó phải được sử dụng, phát huy hiệu quả như thật. Cái hay của cải lương là khi diễn, người nghệ sĩ phải làm sao toát lên được cái “thật” trong cảnh “giả”. Xu hướng cách tân đang đưa sân khấu cải lương nghiêng dần về kịch nói khi người ta đã thay thế những hình vẽ, biểu trưng ấy bằng đạo cụ thật. Về diễn xuất cũng vậy. Đã cải lương thì “ca” là chính, “nói” là phụ. Nhưng hiện nay, các vở diễn đều “nói” nhiều hơn “ca”. Các lớp “ca” được chuyển thể từ nội dung kịch nói nhiều khi có cảm giác như là để phụ họa cho lời thoại của nhân vật.

NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc cũng cho rằng: Kịch hóa đã xuất hiện trong nhiều vở cải lương, phải chăng vì các tác giả mải mê chạy theo kịch tính của tác phẩm mà lơi lỏng cái chất tự sự của cải lương. Cải lương bị kịch hóa ở ngay chính kết cấu, cấu trúc tác phẩm.

Thời gian gần đây, một số ít vở diễn cải lương đã cách tân khá táo bạo, khiến giới chuyên môn có những tranh cãi. Như vậy là những cái khuôn mẫu từng được cho là bản sắc của cải lương đã và đang có xu hướng bị thay thế, biến tấu, thậm chí là loại bỏ.

Nếu không xác định được đâu là biên độ, ranh giới của sự cách tân thì rất có thể màu sắc thị trường sẽ làm phai nhạt bản sắc cải lương. Nhưng để xác định được điều này là rất khó. Trước mắt, chúng ta phải chấp nhận, lắng nghe những thể nghiệm, tìm tòi, sáng tạo, với mục đích cao nhất là làm sao định hình một hướng đi mới, để sân khấu cải lương đủ sức thu hút khán giả, để nghệ sĩ có thể sống được với nghề, chứ không phải hoạt động dựa hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước và tổ chức biểu diễn chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền như hiện nay.

Theo NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc, đưa cuộc sống hiện thực vào các vở diễn phù hợp với đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương... sẽ là định hướng cho các tác phẩm sân khấu cải lương trong tương lai. NSUT Thanh Nam thì cho rằng, cái cần làm chính là đầu tư để có những sân khấu hiện đại với hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, âm nhạc đủ sức hấp dẫn khán giả. Nếu chỉ đổi mới nội dung, thủ pháp nghệ thuật mà sân khấu vẫn cũ thì cũng chả giải quyết được gì.

Như vậy, thực trạng sân khấu cải lương hiện nay đang đặt ra ba vấn đề lớn cần giải quyết, đó là: Phải khắc phục cho bằng được tình trạng “đói” kịch bản, phải có kịch bản hay; phải tích cực đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực trẻ và phải hiện đại hóa các thiết chế bảo đảm cho sân khấu hoạt động.

Tại cuộc hội thảo “Sân khấu cải lương - gìn giữ và phát triển trong tình hình mới” do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vừa qua, một số nhà quản lý văn hóa đề xuất, cần sớm xúc tiến việc đưa nghệ thuật dân tộc, trong đó có cải lương vào trường học để tạo ra một thế hệ khán giả biết yêu quý, trân trọng, gìn giữ, phát huy vốn nghệ thuật dân tộc. Vai trò “bà đỡ” của ngành văn hóa từ Trung ương đến địa phương cũng được đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, nặng nề hơn; phải đi trước hiện thực hoạt động nghệ thuật (trong đó có cải lương) một bước để nâng cao hiệu quả quản lý, hỗ trợ, định hướng phát triển, chứ không phải chỉ lo chạy theo “giải quyết hậu quả” từ đời sống nghệ thuật như hiện nay.

Một trong những đặc trưng văn hóa vùng đất Cửu Long, quê hương của sân khấu cải lương là hình ảnh của những cây cầu khỉ vắt vẻo, chênh vênh bắc qua kênh, rạch. Đội ngũ những người làm nghề đã và đang siết chặt tay nhau để đưa sân khấu cải lương phát triển. Nhưng với thực lực hiện tại, họ chỉ mới nối đôi bờ sông sâu lắm ghềnh thác bằng một cây... cầu khỉ. Chuyện có một cây cầu bê tông kiên cố cho cải lương "qua sông" vẫn còn là một ước muốn xa vời.

Tác giả: Thanh Kim Tùng

Nguồn tin: QĐND

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây