Giữa không khí ấm áp của những ngày đầu năm, chương trình biểu diễn đờn ca tài tử - cải lương - ảo thuật định kỳ hằng tháng tại rạp hát Tiền Giang (rạp hát Thầy Năm Tú cách đây gần 100 năm) khiến nhiều người dân Mỹ Tho thêm rộn ràng...
Rạp hát Tiền Giang nằm ở nơi giao nhau giữa đường Lý Công Uẩn và đường Nguyễn Huệ, cách chợ Mỹ Tho khoảng 50m. Người qua kẻ lại mua sắm đón tết ở chợ Mỹ Tho nghe tiếng đàn như thôi thúc liền đến xem thử. Nhiều thanh niên cũng ghé lại xem.
Mê cải lương như...dân Mỹ Tho
Theo thông báo của ban tổ chức, 19g30 chương trình bắt đầu nhưng chỉ mới 18g30 nhiều người dân đã đến chờ xem hát. Đó là những vị khách quen thuộc. Kể từ tháng 4-2011, khi chương trình tại đây bắt đầu được tổ chức định kỳ, hầu như tháng nào họ cũng có mặt. Từng xem hát ở rạp hát Tiền Giang từ trước năm 1975, ông Nguyễn Thanh Hải (phường 9, thành phố Mỹ Tho) cho biết mỗi lúc ngồi xem hát, hình ảnh của mấy chục năm trước lại hiện rõ mồn một trong tâm trí ông. Ngồi gần đó, ông Trần Văn Hai (phường 2, thành phố Mỹ Tho) vừa bồng đứa cháu mới hơn một tuổi trên tay, vừa nhịp chân. Ông hớn hở kể về một thời đi xem hát cùng bạn bè ở cả ba rạp hát tại Mỹ Tho là rạp Thầy Năm Tú, rạp Định Tường và rạp Viễn Trường. Sau này chỉ còn rạp Định Tường hoạt động nhưng chủ yếu chỉ chiếu phim nên ông cũng không còn tha thiết lắm. Bất ngờ khi biết rạp Thầy Năm Tú ngày xưa nay lại có hát tài tử, cải lương, ông Hai hớn hở nói: “Lâu lắm rồi mới coi trực tiếp tại sân khấu này, dù không còn cảm giác như trước nhưng cũng mừng vì thấy dân Mỹ Tho mình còn mê cải lương lắm”.
Ngồi cạnh chúng tôi, ông Lưu Ngọc Dũng (phường 7, thành phố Mỹ Tho) kể về rạp hát Thầy Năm Tú vào cái thời đắt như tôm tươi. Muốn được vào trong phải xếp hàng mua vé từ sáng sớm. Những ai không mua được vé đành đứng ở ngoài nghe đỡ ghiền.
Chúng tôi còn bắt gặp trong số khán giả hai vị khách đặc biệt là bà Lê Thị Cẩm Nhung và chồng là ông Robert Nugier (người Pháp). Quê bà Nhung ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Từ khi sang Pháp, mỗi năm bà Nhung và chồng đều dành khoảng bốn tháng để về VN thăm gia đình và làm công tác từ thiện. Đây là lần đầu tiên bà đến rạp hát Tiền Giang để xem biểu diễn. Ông Robert được bà Nhung giới thiệu nội dung ngay từ đầu và hầu như không hề rời mắt khỏi sân khấu. Cứ mỗi lúc nghệ sĩ hát xong ông lại vỗ tay nhiệt tình. “Cái hay của những màn biểu diễn chính là từng nét cảm xúc biểu hiện rõ trên khuôn mặt của nghệ sĩ” - ông Robert vui vẻ nói.
Tôn tạo “cái nôi của nghệ thuật cải lương”
Người lên chương trình mỗi tháng, liên hệ nghệ sĩ, chuẩn bị tuồng tích rồi kiêm luôn vai trò nhắc tuồng mỗi khi nghệ sĩ lên sân khấu là ông Nguyễn Huỳnh Anh - chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Tiền Giang. Những người thực hiện chương trình biểu diễn văn nghệ ở đây vẫn quen gọi ông là “ông bầu”. “Đặc biệt dân mình rất mê cải lương, phải có hát cải lương bà con mới đến xem. Thấy nhiều cô bác buôn bán đến tối mờ mới xong nhưng vẫn nán lại xem hết chương trình mới về là mình mừng lắm. Bởi thế mới thấy sức sống mãnh liệt của nghệ thuật cải lương trong lòng những người dân Mỹ Tho” - ông Huỳnh Anh nói.
Khán giả thưởng thức chương trình đờn ca tài tử - cải lương - ảo thuật
định kỳ tại rạp hát Tiền Giang - Ảnh: T.Hằng
Từ ngày hoạt động, chương trình đã thu hút rất đông nghệ sĩ thuộc các câu lạc bộ đờn ca tài tử, cải lương của tỉnh Tiền Giang. Dù phải vất vả mưu sinh nhưng khi được mời đến biểu diễn các nghệ sĩ rất nhiệt tình. Trong không gian khá hẹp của căn phòng hóa trang, các nghệ sĩ giúp nhau chuẩn bị trang phục, hóa trang, tập dượt lại các tiết mục. Ai cũng hãnh diện vì được biểu diễn tại rạp hát cải lương đầu tiên của vùng đất Nam bộ. Trong suốt 25 năm gắn bó với nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ Minh Thiết (Hội VHNT Tiền Giang) đã biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn nhỏ khác nhau nhưng khi đứng tại sân khấu của rạp hát Tiền Giang anh vẫn rất tự hào: “Một thời những người mộ điệu cải lương đến đây xem chật kín, đêm nào cũng không còn chỗ ngồi. Không có nghệ thuật nào ghi dấu ấn với người Nam bộ như cải lương. Đến nay dù cải lương đang phải cạnh tranh rất gay gắt với những loại hình nghệ thuật khác nhưng dân mình vẫn còn rất mặn mà với cải lương. Nhìn khán giả cổ vũ mình chỉ muốn hát tiếp, hát tiếp mà thôi”.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Anh - chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang, các chương trình này được tổ chức miễn phí để phục vụ bà con. Ngoài các hoạt động đờn ca tài tử, cải lương như trước đây, chương trình sẽ còn mở rộng thêm các hoạt động như tấu hài, ảo thuật. Đặc biệt, kể từ tháng 1-2013, chương trình sẽ được tổ chức định kỳ vào đêm 20 hằng tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang - cho biết trải qua nhiều thăng trầm, đến nay rạp hát đã xuống cấp. Sân khấu hiện nay cũng chỉ là một dãy hành lang trống được trang trí thêm phông nền. Nhiều người dân Mỹ Tho không hề biết rạp hát cũ kỹ giữa lòng thành phố này chính là cái nôi của nghệ thuật cải lương. “Hiện nay sở đã hoàn tất đề án trùng tu, tôn tạo và khai thác rạp hát Tiền Giang trình lên UBND tỉnh. Từ năm 2013 trở đi, hằng năm sẽ có kế hoạch khai thác các hoạt động của rạp để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như giữ gìn và phục hồi những giá trị vốn có của rạp hát. Dù các chương trình biểu diễn hiện nay còn khá sơ sài nhưng người dân vẫn rất phấn khởi mỗi khi đến thưởng thức” - ông Minh nói.
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc