- Nói nhanh, nói nhiều nhưng lại có duyên nên anh được khán giả đặt cho biệt danh là "hài nói". Năng khiếu này anh học được từ đâu?
- Những ngày đầu vào nghề tôi bị ảnh hưởng bởi phong cách hài tận dụng ngôn ngữ hình thể của thầy Việt Anh. Sau đó, tôi nhận thấy nếu sao chép người đi trước khán giả sẽ không nhớ đến mình và tôi phải tìm lối đi riêng. Trong những dịp họp nhóm bạn bè, tôi nói nhiều thứ và nói "tía lia" làm cho mọi người cười nghiêng ngã. Lúc này, tôi nhận ra đây là nét riêng của mình và quyết định mang lên sân khấu.
"Vài năm trở lại đây, sân khấu hài đang hấp hối như người bệnh phải thở oxy nên đất diễn dành cho danh hài cũng teo tóp dần". |
- Tên Anh Vũ vụt sáng trên sân khấu cả nước từ 2003 đến 2005 nhưng vài năm trở lại đây có vẻ như lặng lẽ hơn. Có điều gì đang xảy ra với anh?
- Trước năm 2003, tôi đã rất đắt show tấu hài tại phía Nam. Từ 2003 đến 2005, tôi thường xuyên xuất hiện trên chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3, nhờ vậy khán giả biết đến rộng rãi hơn. Trong thời điểm đó, sân khấu tấu hài còn nhộn nhịp nên tôi xuất hiện liên tục trong các chương trình hài.
Vài năm trở lại đây, sân khấu hài đang hấp hối như người bệnh phải thở oxy nên đất diễn dành cho danh hài cũng teo tóp dần. Mỗi tuần tôi chỉ diễn một địa điểm để giữ lửa và tri ân lĩnh vực giúp mình thành danh. Thời gian còn lại tôi tham gia các hoạt động khác như sự kiện, làm MC đài truyền hình, đầu tư thời gian cho sân khấu kịch Hồng Vân và chạy show hải ngoại. Công việc nhiều đến mức tôi không còn thời gian tham gia đóng phim. Có lẽ mọi người ít thấy tôi xuất hiện trên truyền hình nên khán giả cảm thấy hoạt động của mình bị hạn chế. Thực tế, phạm vi mở rộng hơn rất nhiều.
- Theo anh, vì sao sân khấu tấu hài lại nhanh "hấp hối" như vậy?
- Thứ nhất, các nhóm hài không chịu đầu tư tiểu phẩm mới. Đây là điều không thể chấp nhận được vì nghệ sĩ phải luôn sáng tạo để phục vụ hương vị mới lạ cho người xem. Thứ hai, các kênh hài mở ra quá nhiều, phát sóng liên tục và lặp đi lặp lại nên khán giả nhàm chán không cần đến sân khấu để xem. Tôi nghĩ khi thu hình các tiểu phẩm của các nghệ sĩ hài, các đài nên yêu cầu họ phải độc quyền và không được diễn ở chỗ khác. Có như thế nghệ sĩ không rơi vào tình cảnh bổn cũ soạn lại, như thế sân khấu hài sẽ trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn.
"Tôi có thể nói giọng Bắc tốt đến 90% nhưng khi diễn tại đất Bắc, tôi sẽ nói giọng Nam. Như vậy, tôi mới tạo được sự lạ lẫm cho người xem". |
- Vì tấu hài hết đất sống nên anh phải đầu quân về sân khấu kịch của chị Hồng Vân?
- Trong một tiểu phẩm ngắn làm khán giả cười thực sự không đơn giản. Tuy nhiên, hầu như các danh hài ở lĩnh vực tấu hài ai cũng muốn mình được tham gia diễn kịch dài để phát triển kỹ năng, để được sống thực sự với sân khấu. Nghệ sĩ Hồng Vân vốn là một danh hài nên khi thành lập sân khấu kịch chị cũng chủ trương dựng vở mang lại tiếng cười cho khán giả, phong cách của tôi phù hợp với sân khấu nên chị ấy mời về.
Thú thật tham gia kịch dài có nhiều tình huống hài như phong cách Hồng Vân nên có lúc "sướng" hơn diễn tấu hài. Tôi đã tận dụng được sở trường, vẫn làm khán giả cười mà còn được diễn nhiều tâm trạng cảm xúc khác nhau.
- Dù đã gắn bó với sân khấu Hồng Vân nhiều năm nhưng vì sao anh chỉ đóng vai phụ?
- Sân khấu kịch dài có điểm rất thú vị. Những diễn viên gạo cội đóng vai phụ làm dàn bao rất quan trọng và không thể thay thế. Ngoài tôi, sân khấu Hồng Vân có một dàn bao gồm những tên tuổi lớn như NSUT Bảo Quốc, Minh Hoàng, Trịnh Kim Chi, NSND Hồng Vân, Kinh nghiệm và bản lĩnh của họ tạo nên sức hấp dẫn cho người xem. Không chỉ vậy, họ biết tương tác, tung hứng giúp các diễn viên trẻ bật lên. Thực tế có nhiều vai phụ của tôi khiến khán giả nhớ lâu và tôi tự hào vì điều đó.
- Nhiều khán giả nghi vấn anh là pêđê vì đóng quá đạt những vai bóng hoặc giả gái?
- Một diễn viên luôn phải biết hóa thân vào nhiều tính cách khác nhau. Đó là cách để tự làm mình không nhàm chán trong mắt khán giả. Với một diễn viên hài, giả gái cũng là "chiêu" để gây cười. Còn giới tính thật thế nào xin được giữ bí mật.
- Có bao giờ vì bất đồng quan điểm mà giữa anh, đạo diễn hay bạn diễn xảy ra mâu thuẫn không?
- Đôi khi tôi có tranh luận với đạo diễn, thậm chí với cả sếp Hồng Vân nhưng sau khi mọi khúc mắc chuyên môn được giải quyết là vui vẻ cả làng. Cuộc sống vốn nhiều nỗi buồn, mình mang nụ cười đến cho khán giả, chẳng lẽ lại chuốc phiền toái vào mình.
- Vậy anh thấy mình diễn ăn ý với nghệ sĩ nào nhất?
- Tôi thích ứng rất nhanh với bạn diễn nên diễn với ai cũng được. Trong số đó, nghệ sĩ tôi có thể "quăng bắt" thoải mái nhất là NSND Hồng Vân và má Ngọc Giàu. Đây là hai nghệ sĩ diễn với tôi nhiều nên hiểu nhau đến mức tung hứng không cần chuẩn bị trước.
- Gu thưởng thức hài của khán giả Bắc và Nam khác nhau, anh cảm thấy khán giả phía Bắc đón nhận mình như thế nào?
- Tôi từng diễn cho kiều bào ở Uraina, Nga và Tiệp Khắc xem. Lúc đầu tôi rất hồi hộp vì kiều bào ở đó là ngưới Bắc còn mình người Nam, nhưng ra diễn khán giả ủng hộ nhiều lắm. Sắp tới, chị Hồng Vân mang vở kịch Số đỏ ra diễn ở Hà Nội. Trong vở diễn này, nhân vật TYPN do tôi và một diễn viên khác thay nhau thủ vai. Chị Hồng Vân hỏi bầu show ngoài Hà Nội quyết định chọn ai trong 2 người. Anh ấy lập tức trả lời Anh Vũ (cười).
- Khi diễn ở sân khấu phía Bắc, anh nói giọng Nam hay giọng Bắc?
- Tôi có thể nói giọng Bắc tốt đến 90% nhưng khi diễn tại đất Bắc, tôi sẽ nói giọng Nam. Như vậy, tôi mới tạo được sự lạ lẫm cho người xem.