Phạm Duy trọn đời gieo tình vào nhạc

Thứ hai - 28/01/2013 21:00 3.535 0
Chữ tình’ bao la, thấm đẫm trong giai điệu, câu chữ của gia tài âm nhạc Phạm Duy dệt nên một phần tâm hồn người Việt.

14h30 ngày 26/1 nhạc sĩ Phạm Duy qua đời tại TP HCM. Tin ông mất lan với tốc độ chóng mặt trong cộng đồng khán giả yêu nhạc. Tin này không chỉ khiến các cụ ông, cụ bà, người trung niên - những tín đồ của dòng nhạc tạm gọi là “nhạc xưa” - quan tâm, mà cả thế hệ 8X cũng chung nhau cảm xúc. Những dòng trạng thái liên tục trên facebook bày tỏ sự tiếc nhớ một tài năng âm nhạc, hay đơn giản chỉ là trích dẫn một câu ca, hoặc lời nói tình cảm yêu quý với một người nhạc sĩ đã để lại cho họ vô số nhạc phẩm nói hộ tiếng lòng.

Trong số nhiều tên tuổi góp phần hình thành và tạo nên nền tân nhạc Việt Nam nhạc (được khởi xướng và phát triển từ khoảng những năm đầu thế kỷ 20) như Nguyễn Văn Tuyên, Lê Thương, Văn Cao, Đoàn Chuẩn…, Phạm Duy được đánh giá là người có sức sáng tạo bền bỉ, miệt mài và đa dạng nhất.

1-jpg-1359364560-1359364700_500x0.jpg
Phạm Duy qua đời ở tuổi 93. Ảnh tư liệu.

Những khán giả mộ điệu dòng nhạc này vẫn còn tranh luận: Ai là nhạc sĩ tân nhạc Việt Nam có tầm vóc lớn nhất? Nhưng có lẽ cuộc tranh luận ấy với Phạm Duy là vô nghĩa. Khán giả và lịch sử âm nhạc có thể gọi ông là một nhạc sĩ tài hoa, một nhà nghiên cứu nhạc uyên bác... Còn Phạm Duy khi sinh thời vẫn thích hai chữ “giản dị”. 

“Giản dị” nhưng vẫn ý thức được rõ ràng tài năng của bản thân, người nhạc sĩ họ Phạm ấy chỉ xem mình là người viết nhạc, một kẻ du ca, rong ca…

Một Phạm Duy của những năm tháng tuổi trẻ biến động trong nước đến một Phạm Duy tha hương trên đất Mỹ có thể khác nhau, nhưng hình ảnh người nhạc sĩ ôm cây đàn guitar thùng cùng chàng trai Mỹ Steve Addiss hát ca khúc “Giọt mưa trên lá” trước hàng trăm khán giả bình dân Việt Nam, đến một Phạm Duy tự tin trình bày liên khúc dân ca Việt Nam trước hàng trăm khán giả Mỹ tại lễ hội dân ca Florida năm 1966 đều mang nét giống nhau: Đầy say đắm trong tình yêu âm nhạc dân tộc.

Đời thường, cuộc sống và những hệ ý thức xã hội của Phạm Duy có thể phức tạp, dao động theo thời gian, nhưng với âm nhạc, ông mãi mãi là người hồn nhiên, chung thủy với chữ “Tình” trọn đời mình. Chữ “Tình” ấy không chỉ ôm trọn gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 1.000 ca khúc mọi thể loại mà còn theo trọn con đường âm nhạc của ông đến tận phút cuối đời.

Trước hết, âm nhạc Phạm Duy thể hiện cái tình quê hương mặn mà, đằm thắm. Tân nhạc Việt Nam xuất hiện sau phong trào Thơ mới và văn học lãng mạn vài năm. Trong bối cảnh mà những nghệ sĩ sáng tạo trong nước đang “ngất ngư” trước làn sóng ảnh hưởng của văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây, thì ngay từ những ngày đầu đến với âm nhạc, Phạm Duy đã cho khẳng định một chỗ đứng như là người nhạc sĩ tài hoa luôn trân trọng và tôn vinh kho tàng văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam, cũng như biết dùng chất liệu âm nhạc phương Tây để chuyển tải hồn cốt Việt.

Trải dài trong các nhạc phẩm của ông là câu hò, điệu lý, là những vần thơ lục bát bằng nhạc... với hình ảnh của giồng khoai, bùn nâu, gánh lúa, bà mẹ quê với tấm áo sờn - "Tôi viết về Mẹ Việt Nam không son phấn, Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn" - là lời ông khẳng định. Từ việc thấm nhuần những làn điệu dân ca, Phạm Duy đã sáng tác những nhạc phẩm theo dòng "dân ca mới" hay, mộc mạc và tinh tế không kém sáng tác dân gian.

Dù viết dân ca, trường ca... hình hài, tâm tính của người Việt đều được thể hiện rõ nét trong sáng tác của Phạm Duy như: Bà mẹ Gio Linh, Gánh lúa, Tình hoài hương, Tình nghèo... Và nhạc phẩm Tình ca là một điển hình cho dòng âm nhạc "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi" của ông.

Không chỉ đau đáu về quê hương khi còn tha phương, những năm cuối đời, khi đã về sống ở VN, tình yêu đất nước, dân tộc vẫn dào dạt chảy trôi trong nhạc Phạm Duy. Trường ca về “Minh họa Kiều” hay Hương Ca đều nói về tình yêu nước.

phamduy-chienkhu-jpg-1359364700_500x0.jp
Nhạc sĩ Phạm Duy thời trẻ. Ảnh tư liệu

Bên cạnh cái tình dân tộc, âm nhạc Phạm Duy đầy ắp chất nhân văn, cái tình nhân ái với cuộc đời, con người và kiếp người.

Các nhạc phẩm Một bàn tay, Tạ ơn đời, Đường chiều lá rụng, Nước mắt rơi hay Giọt mưa trên lá… đều là những nét nhạc, lời ca chuyên chở tâm hồn, tâm thức của người Việt. Trong đó, hình ảnh thiên nhiên hài hòa với cuộc sống, với những cung bậc cảm xúc có lúc bị chi phối ở thời cuộc nhưng có lúc vượt lên thời cuộc để nói chung về thân phận con người.

Đó là chưa kể đến một loạt những khúc rong ca, tâm ca, đạo ca... của ông đều thể hiện cái nhìn triết lý về cuộc sống. (Một tuần trước khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, 8 ca khúc trong chuỗi 10 bài Đạo ca của ông phổ từ thơ Phạm Thiên Thư đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, cấp phép phổ biến).

Chiếm phần lớn nhất, phổ biến nhất trong nhạc Phạm Duy là chữ "Tình" của tình yêu đôi lứa. Với người nghệ sĩ nào cũng vậy, phải yêu, tìm kiếm tình yêu và được yêu họ mới có thể sáng tạo. Đời sống tình ái của Phạm Duy, chất nam tính và nguồn sinh lực quá mạnh mẽ trong ông đã khiến báo chí thời trước tốn bao nhiêu giấy mực vì những "scandal". Phạm Duy yêu nhiều và được yêu cũng nhiều nhưng thường những dạng người như thế luôn cô đơn thường trực bởi những chân trời mới của ái tình luôn vẫy gọi và khiến họ độc hành trong cuộc tìm kiếm.

Nỗi cô đơn trong tình yêu cùng tài năng âm nhạc ở Phạm Duy đã kết hợp thành những tình khúc say đắm lòng người: Cỏ hồng, Trả lại em yêu, Mùa thu chết, Đưa em tìm động hoa vàng, Bên cầu biên giới, Giết người trong mộng, Khối tình Trương Chi, Kiếp nào có yêu nhau (phổ thơ Hoài Trinh)…...

Trong một bài viết gần đây về Phạm Duy đăng trên báo Kiến Thức Ngày Nay số 803, phát hành ngày 1/12/2012, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân kể lại một vài chuyện tình "bất thường" của Phạm Duy vào những năm 40-50. Trong đó có kể lại chuyện khi Phạm Duy đang dính tin đồn dan díu với một nữ ca sĩ Huế vốn được nhiều người yêu mến, nên cuộc tình này không được lòng dư luận. Khi bị bạn bè chất vấn vụ việc, Phạm Duy bực mình sáng tác ngay ca khúc Tôi còn yêu tôi cứ yêu ngay trên một mảnh giấy báo cũ mà ông có trong tay:

"Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, mãi mãi mãi mãi…
Tôi còn yêu đời… Tôi còn yêu người.
Tôi còn yêu tôi
Cho dù tôi đã chết rồi
Cho dù ai đã giết tôi
[…]"

Nếu mọi người nhìn cuộc sống tình ái của Phạm Duy phức tạp thì có lẽ đây là câu trả lời rõ ràng, đơn giản nhất của ông về "yêu".

Trinh-Cong-Son-and-Pham-Duy-jpg-13593647
Trịnh Công Sơn (trái) và Phạm Duy. Ảnh tư liệu

Sự phân chia nhạc Phạm Duy trên đây chỉ mang tính tượng trưng, bởi chắc chắn những tranh cãi, những tôn vinh, hạ bệ... sẽ tiếp tục xoay vần trong gia tài âm nhạc hơn 1.000 ca khúc của Phạm Duy. Và chắc chỉ có ông mới có thể hiểu về hành trình sáng tác của mình nhất để khẳng định trong một lần tâm sự với khán giả: “Dân ca hay tình ca hay trường ca hay vỉa hè ca hay là đạo ca đều là những trạng thái tâm hồn của một con người muốn được ca hát đầy đủ hỷ nộ, ái ố của cuộc đời trước mặt…".

Một cái cây chỉ có thể trở thành cổ thụ nếu gốc rễ nó bám sâu vào lòng đất mẹ. Phạm Duy được gọi là đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam trong khoảng 100 năm trở lại đây bởi âm nhạc của ông chưa bao giờ dứt ra khỏi nguồn cội quê hương.

Từ khi về nước, dù tuổi cao, ông vẫn miệt mài sáng tác nhạc vẫn nhiệt tình giao lưu với khán giả, với báo chí. Dù cho khi tiếp một nhà báo trẻ mới vào nghề hay một tên tuổi của làng truyền thông, ông vẫn giữ một thái độ đúng mực, tác phong trả lời phỏng vấn qua email thật nhanh, gọn và chuyên nghiệp.

Phạm Duy đã bỏ đi, đã quay về và qua đời trên chính quê hương nuôi dưỡng tài năng âm nhạc của ông. Với một người minh mẫn gần như đến cuối đời, chắc ông đã hình dung sự ra đi của mình để lại dư âm như thế nào trong lòng người mộ điệu để đủ mỉm cười nơi chín suối. 

“Tôi về đây không phải là tôi đi tìm danh vọng, hay tôi tìm đồng tiền kinh tế. Không phải. Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình, thế thôi”, ông nói trên đài BBC tiếng Việt.

Kiếp người của Phạm Duy dừng lại ở tuổi 93 nhưng âm nhạc của ông sẽ không bao giờ là kết thúc… Bầu trời, cõi nhạc ấy sẽ vẫn còn khi tiếng Việt còn.

Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Đại Hành, phường 13, Quận 11, TP HCM. Lễ nhập quan diễn ra lúc 9h ngày 28/1. Lễ động quan lúc 6h ngày 3/2. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Tác giả: Thoại Hà

Nguồn tin: VnExpress

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây