Nhạc sĩ "Bây giờ tháng mấy" vừa trở về Việt Nam thực hiện đêm nhạc "50 năm tình ca Từ Công Phụng" vào tối 19/1, tại Nhà hát TP HCM.
- Lần thứ hai về nước, cảm giác của ông khác như thế nào?
- Lần này sự xúc động của tôi cũng giống như lần trước. Tôi vẫn bồi hồi khi nhìn lại thành phố cũ, những con đường xưa đầy dấu chân kỷ niệm của từng giai đoạn trong cuộc sống.
- Kế hoạch về nước của ông lần này là gì?
- Tôi về nước không ngoài mục đích gặp gỡ lại khán giả yêu thích những bản tình ca mà hàng mấy thập niên qua họ chưa được thấy và nghe lại chính tác giả trình bày. Đồng thời tôi cũng muốn ngỏ đôi lời cảm tạ đến khán thính giả đã quan tâm, nhất là các bạn trẻ yêu nhạc Từ Công Phụng, đã gửi hàng trăm bức điện thư chúc lành trong khi tôi nằm trên giường bệnh.
- Cơn bạo bệnh trên ảnh hưởng sao đến sức sáng tác của ông?
- Tôi có nhiều ước mơ âm nhạc, nhưng sau cơn bạo bệnh, cơ thể không cho phép tôi tàn phá nó vì những đêm phải thức thật khuya để viết nhạc. Tuy nhiên, tôi không thể bỏ rơi khán thính giả khắp nơi yêu thích nhạc của tôi. Trong năm 2013 này, tôi sẽ cho ấn hành những bản tình ca mới trong tuyển tập “Cánh chim vùng hoang dại” và một album mới cùng tên. Ước mong tôi có sức khỏe tốt để thực hiện dự án này.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng cùng vợ - bà Kim Ái (thứ hai từ trái sang) về nước sáng 12/1. Ảnh: H.D. |
- Hiện tại sức khỏe của ông thế nào?
- Tôi bị ung thư gan rất nặng. Khi phát hiện thì đã ở giai đoạn cuối. Các bác sĩ nói với tôi chỉ còn sống được ba tháng nữa. Lúc đó là tháng 6/2010. Trước đó ba năm, tôi bị ung thư túi mật và bác sĩ đã cắt mật bỏ đi sau cuộc giải phẫu dài 6 tiếng đồng hồ. Trong vòng ba năm, tôi bị hai lần ung thư. Nhưng nhờ vào niềm tin, ý chí và tinh thần lạc quan bên cạnh thuốc men và hóa trị, cùng sự chăm sóc tận tình của nhà tôi mà tôi đã thoát được cơn bệnh trầm kha và trở về với đời thường.
- Các con của ông không về Việt Nam cùng ông lần này. Vì sao vậy?
- Cuộc sống gia đình của tôi tạm ổn định. Các con tôi đã khôn lớn, tách rời gia đình để xây dựng tổ ấm mới. Vợ chồng tôi đã hưu trí và sống một đời sống rất giản dị và lành mạnh trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Hàng ngày, chúng tôi tìm cho mình những thú tiêu khiển lành mạnh: đọc sách, nghe nhạc, sáng tác, tập thể dục và cùng nhau đi bộ.
Lúc này mấy đứa con của tôi không còn nhỏ nữa để dắt chúng theo về Việt Nam. Mỗi người đều có công ăn việc làm và tiếp tục học thêm nên chúng không có thì giờ để đi đây đi đó. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến khích chúng nghĩ về quê cha đất tổ và nghĩ đến một ngày về thăm quê hương.
- Những sáng tác phẩm của ông làm say mê nhiều thế hệ bởi ca từ phong phú, lãng mạn. Ông lấy cảm hứng từ đâu?
- Nguồn hứng khởi sáng tác của tôi chắc cũng không khác gì với tất cả anh chị em văn nghệ sĩ khác. Tôi có trái tim mẫn cảm dễ gây xúc động cho tâm hồn. Vốn liếng có từ kinh nghiệm bản thân, từ chuyện tình đẹp của chính mình hay của thân nhân, từ những bức xúc khi nghĩ ngợi về nỗi khổ đau của chính mình hay của những người chung quanh. Nói tóm lại mỗi nốt nhạc là một chọn lựa, mỗi ca từ được gắn vào nốt nhạc cũng là một sự lựa chọn hợp lý cho niềm suy tư về câu chuyện tình hay về một hệ lụy sau chuyện tình ấy. Ngoài ngẫu hứng, trong sáng tác vẫn phải cần đến sự suy nghĩ sâu sắc để tạo cho tác phẩm của mình một giá trị lâu dài, phù hợp với tâm tình của giới thưởng ngoạn.
- Nhạc ông vì sao lại mang sự hiu hắt vô tận?
- Niềm vui không thể tồn tại lâu dài với thời gian. Thời gian thì cứ trôi qua và niềm vui lùi dần vào qua khứ rồi trở thành kỷ niệm. Niềm vui càng rộn ràng bao nhiêu thì chúng ta càng cảm thấy cô đơn bấy nhiêu khi còn lại một mình. Niềm hiu hắt ấy đôi khi chính là nguồn cảm hứng cho người sáng tác. Có thể tôi là một trong những người nằm trong niềm thương nhớ ấy.
- Từ những nỗi buồn xa xưa của "Bây giờ tháng mấy" mấy chục năm về trước cho đến CD mới "Mưa trên ngày tháng đó",nỗi buồn của ông trong âm nhạc xưa và nay khác nhau thế nào?
-Từ nỗi buồn bâng khuâng xa vắng của một chàng thư sinh chớm biết yêu ở đầu thập niên 60, cho đến nỗi buồn day dứt sâu xa của kẻ tình nhân nghĩ đến người yêu xa vắng và mối tình không trọn vẹn dĩ nhiên là có sự khác biệt, phải không?
Suy nghĩ của một chàng thư sinh mới lớn và người đàn ông già dặn theo thời gian khác nhau rất nhiều. Theo thời gian thì nỗi buồn trong âm nhạc càng đậm nét và nghĩ sâu sắc hơn về tình yêu, về những hệ lụy đớn đau trong cuộc đời.
Từ Công Phụng mệnh danh là nhạc sĩ của những bản tình ca đi vào lòng người. Ảnh: S.T. |
- Nhiều ca sĩ đã thể hiện nhạc của ông khá thành công. Ông thấy ca sĩ nào thấu hiểu âm nhạc của ông nhất?
- Ca sĩ trình bày nhạc tôi không ít nhưng tiếng hát thấu hiểu và chuyên chở nhạc tôi trọn vẹn thì có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Khánh Hà, Ý Lan và nhất là Trần Thu Hà. Họ là những ca sĩ đã hiểu và chuyển âm nhạc của tôi đến khán thính giả một cách tuyệt vời. Lý do là họ có chất giọng tốt, truyền cảm, có kỹ thuật chuyển đạt âm vực trọn vẹn. Vì nhạc của tôi, có thể là bẩm sinh, tôi thích mở ra những âm vực rộng, khó có thể diễn tả nếu không có kỹ thuật.
- Không ít ca sĩ có tên tuổi cố tình biến tấu nhạc và đôi khi hát sai lời ca khúc, ông nghĩ gì về điều này?
- Không gì khó chịu cho một người viết ca khúc khi một ca sĩ trình bày sai lời. Chỉ cần một chữ sai có thể làm giảm đi ý nghĩa của bài hát hoặc làm giảm đi rất nhiều giá trị của ca từ. Tôi xin đưa ra một thí dụ về bài hát Mắt lệ cho người, ở điệp khúc có câu: "Nỗi muộn phiền ngày tàn hơi thở, em thấy không cõi đời vô vọng" có một ca sĩ đã hát thành "Nỗi muộn phiền ngày đêm trông ngóng…”. Cũng trong bài này câu cuối cùng là: "Vàng câu tình cũ, gửi vời theo đời", có ca sĩ lại hát: "Vài (hay ngàn) câu tình cũ gửi lại cho đời" thì ý nghĩa khác đi. "Vàng" và "vài" khác nhau ở chỗ: vàng là ố, theo thời gian màu trắng sẽ ố đi, nghĩa là tình đã cũ nhưng muốn ghi lại bằng ca khúc để lại cho người đời. Một ca sĩ hát sai thì hàng loạt ca sĩ về sau cứ nhai lại những ca từ sai ấy, lâu rồi người nghe tưởng thế là đúng không còn ý nghĩa sâu sắc của lời ca. Từ 5 thập niên qua tôi đã cho ấn hành 5 tập nhạc với lời ca rõ ràng, nên khi chọn nhạc tôi để hát, xin hát cho đúng lời. Trên đây chỉ là một ví dụ, còn nhiều cái sai nữa của nhiều bài hát mà tôi chưa tiện nêu ra.
- Ông dự tính gì về việc sẽ hưởng tuổi già nơi "chôn nhau cắt rốn"?
- Có thể sẽ có một ngày. Hiện tôi chưa nghĩ tới vì các con các cháu của tôi đều ở bên Mỹ. Tôi không thể ghé mắt ngắm nhìn chúng nó được khi không gian quá xa vời. Giọt nước mắt nào cũng chảy xuôi, phải không?
Trong đêm nhạc tối 19/1, những tình khúc của Từ Công Phụng: Mắt lệ cho người, Trên tháng ngày đã qua, Như ngọn buồn rơi, Tình tự mùa xuân, Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Kiếp dã tràng, Lời cuối, Đêm không cùng… sẽ được chính nhạc sĩ và hai ca sĩ Tuấn Ngọc, Ý Lan biểu diễn. Chương trình do nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng làm đạo diễn với phần tham gia của nhạc sĩ Bảo Chấn (pianist) và hai ban nhạc Hoài Sa, Tiếng Xưa. |
Hoàng Dung thực hiện
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc