Những mảng màu đẹp về con người và vùng đất Tây Nam bộ

Thứ tư - 25/08/2010 16:51 4.890 0

BTC trao giải cho các tác giả đoạt giải

BTC trao giải cho các tác giả đoạt giải
Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII - Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XV-2010 do Hội Mỹ thuật Việt Nam kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật và Sở VH-TT-DL Tiền Giang tổ chức vừa được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang quy tụ 257 tác phẩm của 213 tác giả trong khu vực tham gia. Đây là một trong những hoạt động văn học nghệ thuật lớn không chỉ trong phạm vi của tỉnh mà còn của cả khu vực ĐBSCL.

Nhiều tác phẩm đẹp, chất lượng đồng đều

Đánh giá chất lượng triển lãm, nhà điêu khắc Phan Gia Hương  - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhận định đây là triển lãm có nhiều tác phẩm khá và đáng mừng là không có độ chênh lệch nhiều lắm giữa các tác phẩm có và không có giải. Điều này chứng tỏ tay nghề của các tác giả đồng bằng đã có sự tiến bộ rõ rệt so với trước đây. Tính chất mô phỏng, minh họa trong các tác phẩm tạo hình đã giảm tương đối, trong khi đó những suy tư, tìm tòi thể nghiệm ngôn ngữ biểu đạt, cách sử dụng chất liệu... ngày càng được thể hiện rõ rệt hơn. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ trước những đổi thay hàng ngày của đất nước nói chung và của khu vực ĐBSCL nói riêng được thể hiện hết sức đậm nét, tạo nên sự phong phú và đa dạng cho triển lãm. Phần lớn tác giả đã đầu tư công sức, tiền của... làm cho tác phẩm bề thế cả về kích cỡ lẫn ý tưởng, sự trau chuốt được thể hiện ngay trên từng tác phẩm.


“Mòn mỏi” - Tác giả: Phúc An (sơn dầu, 110x130cm)

Ban tổ chức triển lãm cho biết, số lượng tác phẩm và tác giả tham gia năm nay đông hơn mọi năm, đặc biệt có một số tác giả mới, lần đầu tham dự, đã tạo nên không khí sôi nổi, mới mẻ cho triển lãm lần này. Đề tài được các tác giả chọn thể hiện khá phong phú từ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các lễ hội, phong cảnh sông nước miệt vườn, đến các sinh hoạt trong đời sống thường ngày…, được thể hiện bằng rất nhiều các chất liệu như: sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, dây điện, đồng, gốm... Điều đáng tiếc là năm nay lại có rất ít tác phẩm ở thể loại điêu khắc. Hiếm hoi trong số ấy chỉ có tác phẩm điêu khắc gỗ của họa sĩ Lê Hồng Thái (Tiền Giang) lọt được vào mắt xanh của ban giám khảo đạt giải ba khu vực. Trong nhịp sống hiện đại, các họa sĩ ĐBSCL cũng đã phát huy tính sáng tạo, đưa được những tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật vào các sản phẩm trong đời sống thường nhật khá độc đáo, tinh tế. Tuy nhiên những tác phẩm ở dạng mỹ thuật ứng dụng như thế vẫn chưa nhiều tại triển lãm.

Trong buổi tọa đàm về mỹ thuật ĐBSCL sau buổi lễ khai mạc, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng sở dĩ đợt triển lãm lần này có nhiều tác phẩm chất lượng đồng đều là vì Hội đồng nghệ thuật đã mạnh dạn loại gần phân nửa số tác phẩm gửi về tham dự. Triển lãm khu vực đã bước sang tuổi thứ 15 thì cần chú trọng nhiều về chất lượng hơn là số lượng. Ông cũng đánh giá cao về công tác tổ chức và cho rằng đây là lần triển lãm được trưng bày ở một nơi đàng hoàng và trạng trọng nhất từ trước đến nay. Tranh đẹp cũng cần đặt vào một không gian đẹp để nâng cao giá trị của nó.

Thành công của các họa sĩ trẻ

Điều đặc biệt ở lần triển lãm thứ 15 này là hầu hết các tác giả được giải thưởng cao chủ yếu nằm ở độ tuổi từ 30-45, lứa tuổi được xem là trẻ trong giới mỹ thuật. Riêng điều này cũng thể hiện sự trẻ trung của triển lãm mỹ thuật truyền thống khu vực ĐBSCL đang trong giai đoạn bước vào lứa tuổi thanh xuân.


“Trên giàn giáo” - Tác giả: Phạm Thanh Hùng (Lụa, 80x140cm)

Năm nay, sau khi cân nhắc giữa số tranh dự thi, Hội đồng nghệ thuật quyết định không trao giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam. 1 trong 2 giải B được trao cho tác phẩm “Mòn mỏi” của tác giả Phúc An (Tiền Giang), sinh năm 1970, một họa sĩ trẻ nhiều triển vọng. Ở hạng mục giải thưởng dành cho hội viên Hội VHNT các tỉnh ĐBSCL, giải nhất được trao cho tác phẩm “Trên giàn giáo” của họa sĩ Phạm Thanh Hùng, tác giả sinh năm 1976, hiện công tác tại trường Đại học An Giang. Đây là thế hệ những cây cọ trẻ tiếp bước truyền thống và không ngừng tìm tòi sáng tạo mới cho riêng mình. Họ chính là những nhân tố tích cực góp phần tạo nên không gian mỹ thuật hiện đại, tươi trẻ và đầy sức sống cho khu vực.

Triển lãm mỹ thuật ĐBSCL được tổ chức đều đặn hằng năm là ngày hội để thắt chặt thêm tình đoàn kết, là dịp để những người trong lĩnh vực sáng tác mỹ thuật tạo hình trong khu vực trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm sáng tác lẫn nhau, khắc phục những mặt còn hạn chế, tìm hướng chinh phục những đề tài mới và những thể nghiệm mới.

Các tác phẩm được chọn trao giải

 

1. Giải thưởng dành cho các tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam:

-  Giải A: Không có

- Giải B:

+ “Mòn mỏi” (sơn dầu, 110x30cm) của tác giả Phúc An (Tiền Giang)

+ “Tháng ba” (tổng hợp, 120x180cm) của Nguyễn Đắc Nguyên (Đồng Tháp).

- Giải C: “Tiếng sóng” (sơn dầu, 107x136cm) của tác giả Đặng Can (Vĩnh Long)

Ngoài ra còn có 4 tác phẩm nhận tặng thưởng của Hội Mỹ thuật VN.

 

2. Giải thưởng dành cho hội viên Hội VHNT các tỉnh ĐBSCL

- Giải nhất: “Trên giàn giáo” (Lụa, 80x140cm) tác giả Phạm Thanh Hùng (An Giang)

- Giải nhì:

+ “Trường chùa” (sơn dầu, 110x150cm) của tác giả Phan Tiến (Trà Vinh)

+ “Xe lăn” (sơn dầu, 110x150cm)  của tác giả Phạm Hữu Thành (Cà Mau).

- Giải ba:

“Một góc vùng lũ” (sơn dầu, 100x150cm) của tác giả Nguyễn Phi Hùng (Long An)

+ “Bội thu” (Gò nhôm, 200x215cm) của tác giả Lê Đăng Vinh (Đồng Tháp)

+ “Nhìn” (gỗ, 168cm) của tác giả Lê Hồng Thái (Tiền Giang).

Ngoài ra, hội đồng nghệ thuật cũng trao 7 giải khuyến khích cho các tác giả khác và chọn ra 157 tác phẩm dự triển lãm.

 

Triển lãm kéo dài từ nay đến ngày 19/8/2010 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang.

Tác giả: Trương Trọng Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây