Quay về ta chiếu phim ta
Phim Việt đổ về các đài tỉnh xuất phát từ nghị định số 54/2010 NÐ-CP vừa có hiệu lực từ ngày 7-7. Trong đó có nội dung quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim.
Nhưng một nguyên nhân khác, theo ý kiến của bà Bích Liên - giám đốc Công ty Sóng Vàng, đơn vị vừa nhập phim nước ngoài và sản xuất phim: "Bây giờ việc mua phim nước ngoài khó khăn, giá mua cao nhưng chứa đựng nhiều rủi ro vì không biết phim có "ăn" không. Sản xuất phim Việt giờ đây là giải pháp an toàn bởi tâm lý người Việt mình thích xem phim Việt. Thậm chí một số bộ phim Việt khi phát lại ở các đài tỉnh vẫn có người xem".
Trong khi một số đài địa phương chọn phương án an toàn mua và phát lại các bộ phim cũ, một số đài khác bắt đầu tìm cho mình hướng đi mới.
Ông Quang Hiệp, giám đốc Hãng phim truyền hình Bình Dương, cho biết: "Phát sóng lại các phim cũ rất ít quảng cáo, như vậy đài sẽ không có nguồn thu. Buộc lòng chúng tôi phải tìm cách để phát sóng phim mới. Với nguồn vốn không so được với HTV và VTV, chúng tôi liên kết với nhau, cùng chia sẻ bản quyền để sống".
Còn bà Thu Sương - phó giám đốc trung tâm dịch vụ Ðài PT-TH Ðồng Nai - cho rằng việc tìm phim để phát sóng đối với các đài tỉnh là một khó khăn, phát sóng phim Việt cũng là "một mạo hiểm". Ðối với hãng phim tư nhân, đây là cơ hội ngàn vàng để họ phát triển sản phẩm của mình bởi lẽ hiện nay hai "ông lớn" HTV và VTV đã bão hòa các đầu phim, rất khó chen chân vào.
- Tỉ lệ thời lượng phát sóng phim truyện VN của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim, trong tỉ lệ đó phim truyện VN phải được phát sóng vào khoảng thời gian từ 20g - 22g trong ngày, ngoài ra còn có thể phát sóng vào các giờ khác. - Thời lượng phát sóng phim dành cho trẻ em dưới 16 tuổi đạt ít nhất 5% so với tổng số thời lượng phát sóng phim; giờ phát sóng phim dành cho trẻ em dưới 16 tuổi kết thúc trước 22g hằng ngày. (Trích nghị định số 54/2010 NĐ-CP ngày 21-5-2010) |
Nhanh nhạy bắt tay với các đài tỉnh có thể kể đến Hãng phim Phước Sang. Hãng này ký hợp đồng với Bình Dương và ba đài tỉnh khác là Lâm Ðồng, Kiên Giang và Hậu Giang để phát sóng phim truyền hình Lâu đài tình ái. Phước Sang cũng đã ký với Ðài Ðồng Nai cả sản xuất phim và phát sóng trên đài này.
Ðảm trách 200 tập phim trong năm đầu cho giờ vàng 19g50 trên VTV9 là Công ty cổ phần truyền thông Lạc Việt - một công ty chỉ mới chập chững vào lĩnh vực sản xuất phim truyền hình cách đây không lâu. Nếu như trong năm 2008 Công ty quảng cáo Sóng Vàng chỉ mới sản xuất khoảng 60 tập phim thì đến năm 2010 con số này đã tăng vọt lên từ 200 - 300 tập.
Chất lượng phim bỏ ngỏ?
Từ thực tế các đài tỉnh cần phim để phát, các hãng phim tư nhân cũng cần đầu ra cho phim của mình, hình thành mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, sức ép cần phim để phát sóng ngày càng căng thẳng đang có dấu hiệu làm phát sinh tâm lý dễ dãi ở các nhà đài trong việc thẩm định phim.
Nhiều người nhận định phim truyền hình hiện nay giống như trái cây chưa đến tuổi mà bị ép non: nhạt và dở. Phim đầy "sao" nhưng cũng lắm "sạn" và kéo rê gây chán ngán. Bộ phim Lâu đài tình ái trên BTV1 quy tụ một dàn sao diễn viên nhưng dễ dàng nhận ra phim có nhiều tình tiết rề rà, khiên cưỡng. Dù chỉ mới phát sóng vài tập, bộ phim Ðối diện tử thần (trên VTV9) đã lộ rõ nhiều nhược điểm: lời nói không khớp với khẩu hình, tiếng động không phù hợp với cảnh phim, hóa trang diễn viên khá cẩu thả...
Một khán giả xem phim bất bình khi thấy một người mẹ có cô con gái gần 18 tuổi mà trông còn trẻ như... con mình. Mà đâu chỉ có đài tỉnh, phim phát sóng trên các đài lớn cũng đang có dấu hiệu báo động về chất lượng. "Dở, vô duyên" là nhận định của nhiều khán giả khi xem Gia đình số đỏ (đang phát sóng trên HTV9)- một bộ phim chẳng khác gì những màn tấu hài nhạt nhẽo dù không thiếu ngôi sao.
Có lẽ không ít khán giả xem tập phim Màu của tình yêu trên HTV7 ngày 20-8 đã "nổ đom đóm mắt" khi máy quay chiếu trực diện vào nữ diễn viên lúc đó đang mặc đầm và ngồi với tư thế không lịch sự. Nếu chăm chút kỹ hơn, chắc chắn quay phim và đạo diễn sẽ không để hình ảnh này lên phim.
"Với áp lực về thời gian sản xuất phim như hiện nay, chúng tôi khó lòng chăm chút hình ảnh cho đẹp, rồi tiền cátsê trả cho các ngôi sao trong phim khá cao nên các chi phí khác phải rút lại. Chất lượng phim giảm là điều dễ hiểu" - một người trong giới làm phim than thở.
Ðạo diễn Nguyễn Thanh Vân chỉ ra những bất cập: "Làm phim mà trường quay không có, cứ loăng quăng chạy ngoài đường, đụng nhau chan chát thì biết bao giờ mới chuyên nghiệp được. Không những thế, hệ thống đào tạo diễn viên, kỹ thuật viên vừa yếu lại thiếu nghiêm trọng. Mật độ phim làm hiện nay cả nghìn tập trong một năm, diễn viên hết vào vai này đến vai khác, đâu có tích tụ được cảm xúc. Chất lượng kịch bản cũng là vấn đề nghiêm trọng. Giá trị kịch bản chưa được kiểm chứng đã nhanh chóng đưa vào sản xuất."
Ông Việt Hùng, giám đốc Hãng phim TFS, cho rằng: "Các nhà làm phim của ta hiện đang làm phim với một trái tim lạnh và cái đầu nóng. Tức họ không chú ý nhiều đến cảm xúc mà chỉ mong sao phim làm nhanh, dễ thu hồi vốn và có lời. Ðạo diễn làm phim trong tâm thế chạy sô. Làm như thế lấy đâu phim hay".
Tác giả: Hoàng Lê
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc