Đả chiến phá sông Ngân: Cải lương thôi... liều mạng

Thứ năm - 27/01/2011 10:41 4.026 0

Nghệ sĩ Kim Tử Long (vai Ngưu Lang) và Tú Sương (vai Chức Nữ) trong vở Đả chiến phá sông Ngân - Ảnh: Gia Bảo

Nghệ sĩ Kim Tử Long (vai Ngưu Lang) và Tú Sương (vai Chức Nữ) trong vở Đả chiến phá sông Ngân - Ảnh: Gia Bảo
Sau hai lần thực hiện hai vở cải lương thể nghiệm bạc tỉ Kim Vân Kiều (2007) và Chiếc áo thiên nga(2008) có sự phối hợp cải lương, nhạc thính phòng, múa, đánh võ...; tết này Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang quyết định quay lại dựng cải lương thuần chất với vở Ðả chiến phá sông Ngân.

Trước khi Ðả chiến phá sông Ngân (tác giả: NSND Nguyễn Thành Châu, biên tập: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Vũ Minh) ra mắt vào mồng 4, 5, 6 tết tại rạp Thủ Ðô (Q.5, TP.HCM), chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Phan Quốc Hùng - giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

* Thưa ông, năm nay nhà hát chọn dựng vở quay về với cải lương thuần chất, điều đó có đồng nghĩa với việc nhà hát thừa nhận sự thất bại trong việc dựng hai vở cải lương thể nghiệm bạc tỉ Kim Vân Kiều Chiếc áo thiên nga trước đây?

- Tôi không cho là vậy! Thể nghiệm có nhiều hình thức. Sau khi Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga ra đời, có rất nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ, người quyết liệt phản đối. Năm nay chúng tôi dựng vở quay về với cải lương thuần chất không phải do ngại dư luận hay thừa nhận hai vở kia thất bại.

Thực chất Ðả chiến phá sông Ngân cũng chỉ là thể nghiệm. Với hình thức này chúng tôi đang đo xem thị hiếu khán giả như thế nào rồi sau đó sẽ có hướng tính tiếp. Chúng ta đang tìm lối ra cho cải lương, vì vậy vẫn phải tiếp tục thể nghiệm, điều quan trọng là rút được kinh nghiệm gì từ những thể nghiệm ấy.

Một câu chuyện cảm động

Chiều 24-1, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức phúc khảo vở diễn Ðả chiến phá sông Ngân với sự tham gia của các diễn viên Kim Tử Long, Tú Sương, Trinh Trinh, Võ Minh Lâm, Thoại Miêu, Trọng Nghĩa, Trường Sơn, Thanh Loan...

Tuy chưa hoàn chỉnh, mượt mà nhưng vở đã phần nào trình làng được diện mạo sáng đẹp, nền nã với cảnh trí, trang phục được đầu tư kỹ lưỡng. Một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, nghĩa cha con được kể khá hấp dẫn bằng màu sắc huyền thoại với những màn hóa phép, đu bay, đánh võ... nhiều kịch tính.

* Thế từ Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, nhà hát đã rút được bài học kinh nghiệm nào?

Kim Vân Kiều Chiếc áo thiên nga, 

- Một trong những điều dễ nhận ra là cải lương có thể tổ chức ở một sân khấu hoành tráng, có thể kết hợp, dung nạp với nhiều loại hình khác nhau để tạo nên một sắc diện mới mẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều chuyện nhiêu khê...

* Ðó là gì, thưa ông?

- Phải nói là bây giờ nhìn lại hai chương trình Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, chúng tôi vẫn còn toát mồ hôi hột và chắc sẽ không bao giờ dám làm nữa!Kim Vân Kiều đầu tư 1,8 tỉ đồng, Chiếc áo thiên nga 3,8 tỉ. Tiền thì không có, phải chạy xin tài trợ, kiếm nguồn xã hội hóa. Mà việc vận động tài trợ cho cải lương đâu có dễ dàng như ca nhạc, thời trang, phim ảnh...

Tết năm 2008, suất đầu tiên của vở Chiếc áo thiên nga chỉ bán được khoảng 300 triệu đồng tiền vé, chúng tôi nhấp nhổm như ngồi trên lửa, nếu cứ đà ấy chắc chúng tôi phải bán nhà trả nợ. Anh em chạy tìm đủ mọi cách, cuối cùng may là vở không bị lỗ, hạch toán thu chi còn dư lại khoảng... 90.000 đồng. Hú hồn, chúng tôi như người chết đi sống lại! Giờ muốn làm thì phải tính toán kỹ chứ không thể liều mạng như thế được!

* Chính vì những cú thót tim như thế nên năm nay Ðả chiến phá sông Ngân chỉ thu gọn lại còn khoảng 500 triệu đồng?

- Làm Ðả chiến phá sông Ngân là chúng tôi mong muốn đem đến cho bà con một sản phẩm tinh thần đầy tính dân tộc ngày tết. Thu hút khán giả đến điểm diễn mới của nhà hát là rạp Thủ Ðô trong khi rạp Hưng Ðạo đang chờ xây mới. Việc thu gọn kinh phí cũng để nhà hát dễ dàng, tiện lợi hơn khi có lời mời lưu diễn từ các tỉnh. Như Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, thật ra có khá nhiều lời mời nhưng chúng tôi không thể tổ chức đi được vì quá cồng kềnh, kinh phí quá lớn.

* Ðả chiến phá sông Ngân có những yếu tố nào mà nhà hát chọn lựa để hi vọng thu hút được khán giả, nhất là khán giả trẻ - đối tượng mà cải lương đang muốn mở rộng?

- Vở có đầy đủ tính chất tự sự, mùi mẫn của cải lương nhưng đồng thời trong câu chuyện cũng có nhiều màn đấu kiếm, hóa phép, đu bay... rất hấp dẫn, tạo điều kiện cho đạo diễn rộng tay sáng tạo thu hút người trẻ. Ngoài ra, với kinh phí đầu tư thu gọn thì giá vé mềm hơn (120.000-500.000 đồng/vé). Chúng tôi còn áp dụng giảm 20% giá vé cho học sinh - sinh viên để tạo điều kiện cho các bạn có thể tiếp cận nghệ thuật dân tộc.

LINH ĐOAN thực hiện
Nguồn: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây